Ðến xã Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An) hỏi tên Mộ Lục (ông Lục), bất kể người già hay trẻ đều biết và rất tự hào về người con của dân tộc Thái, vừa giỏi văn hóa - văn nghệ vừa giỏi vận động bà con biết nghe theo Ðảng xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Nếu ai đó hỏi, vì sao ông làm được như vậy? ông Lục trả lời ngay: "Vì Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi...".
Ông Lô Thế Lục vừa giỏi văn hóa - văn nghệ vừa giỏi vận động bà con
Giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Ông Lô Thế Lục người dân tộc Thái ở bản Kẻ Trịnh (nay là Bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn). Năm nay, ông Lục đã 80 tuổi, nhưng trông còn khỏe mạnh, vẫn hăng say văn hóa - văn nghệ, tự tay chế tác ra các loại nhạc cụ dân tộc như: Sáo, nhị, khèn bè, pí, xi xlo...
Theo ông Lục, muốn làm được một nhạc cụ ngoài sự kiên trì rất cần bàn tay khéo léo. Khi trời nắng ráo, ông tranh thủ vào rừng sâu tìm những cây nứa nhỏ, cây gỗ có thớ mịn và độ dẻo cao rồi đem về phơi sấy khô, đẽo gọt, khoan đục công phu. Sáo, nhị, pí còn dễ làm, chỉ một vài buổi là xong, riêng khèn bè phải mất cả tuần, có khi cả tháng mới xong một chiếc. Ông chẳng nhớ nổi trong đời đã chế tác được bao nhiêu nhạc cụ. Chỉ biết rất nhiều thế hệ cán bộ, nếu ai yêu văn nghệ, thích nhạc cụ dân tộc đến chơi, ông đều có khèn bè, sáo, pí tặng họ. Rồi các đội văn nghệ của thôn, bản trong xã, huyện đều đặt hàng nhờ ông chế tạo giúp.
Ngoài tài chế tác nhạc cụ, ông còn là cây văn nghệ, giỏi sáng tác ra các bài nhuôn, lăm, khắp... Hội nghị, họp thôn, bản hay của xã, huyện... hễ có ông tham gia, mọi người thế nào cũng được nghe ông hát hay tấu sáo, khèn bè say sưa. Các tiết mục văn nghệ của ông Lục "chinh chiến" khắp tỉnh, sang cả nước bạn Lào. Bản thân ông và đội văn nghệ Thạch Ngàn đã đoạt được nhiều giải thưởng cao, Bằng khen, giấy khen của tỉnh, của huyện...
Tôi hỏi: Thời buổi kinh tế thị trường, bà con lên rừng thu hái lâm sản mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn, sao ông còn khỏe mà không đi, lại tìm cây nứa, cây gỗ rồi về ngồi cưa đục làm ra những sản phẩm văn hóa mà lớp trẻ cho là đã lạc hậu rồi? Ông vui vẻ trả lời: "Bây giờ có nhiều nhạc cụ hiện đại, nên lớp trẻ quên mất những nhạc cụ văn hóa dân tộc cổ truyền. Ðảng, Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghe theo lời Ðảng, Bác Hồ, tôi cố gắng làm ra, tái tạo lại những nhạc cụ dân tộc, để cho con cháu nhớ và giữ gìn. Tiền có thể kiếm được, nhưng những nhạc cụ dân tộc này, nét văn hóa cổ truyền này nếu không giữ sau này sẽ không kiếm nổi đâu...".
Có Bác chỉ đường...
Còn nhớ cách đây hơn năm năm, khi Thạch Ngàn có dự án đầu tư xây dựng đập thủy lợi Phai Xan để cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng lúa các bản: Thanh Bình, Tổng Xan, Ðồng Thắng, Ðồng Tâm. Trong thiết kế kênh mương có đoạn phải đi qua nghĩa địa của bản Thanh Bình. Phong tục người Thái khi mai táng xong coi như bỏ mả, mồ mả không được đắp cao lên. Ðoàn khảo sát rất sợ khi thi công trúng mồ mả, nhưng chẳng biết làm thế nào phát hiện ra để cất bốc trước khi thi công, đành phải nhờ Mộ Lục hiến kế. Ông Lục nghĩ đây là việc hệ trọng vì động đến tâm linh, vượt quá khả năng mình. Nhiều đêm nằm vắt tay qua trán trăn trở, cuối cùng ông cũng nghĩ ra một cách. Sáng hôm sau, người ta thấy Mộ Lục đi qua, đi lại khu vực nghĩa địa nhiều lần, miệng lẩm nhẩm khấn vái. Sau đó, ông gặp ban thi công hướng dẫn chỗ đào con mương qua nghĩa địa thành công.
Thấy chúng tôi thắc mắc không biết ông có chiêu gì mà đào con mương dài hàng chục mét qua đây lại không gặp phải mồ mả nào? Ông Lục lại nhìn lên ảnh Bác Hồ cười bảo: Ðồng bào ta rất tin Ðảng, tin Bác Hồ. Nếu có Người dẫn đường, chỉ lối, việc gì khó mấy cũng thành công. Nắm được tâm lý đó, ông bỏ ảnh Bác vào ngực trái mình, đi quanh nghĩa địa khấn vái: "Rằng Ðảng, Bác Hồ thương dân mình lam lũ, cánh đồng khô hạn nước không đủ cấy cây lúa, không đủ tưới cây khoai, cây rau. Nay Ðảng, Bác Hồ cho dân mình làm cái đập, đào con mương đưa nước về. Mương có đi qua "bản mình" (Nghĩa địa mình) mong thần linh thổ địa, mong các "ngài", các "ông, các bà..." nhường "đất", chuyển "nhà" để có con mương đưa nước về giúp dân, giúp bản, cho con cháu no cái bụng, bản mình ngày một giàu có hơn. Ông làm đi, làm lại mấy lần, chỗ nào đọc trục trặc, ông tránh lối khác và ông đã thành công. Ðến khi thi công, ông là người bổ nhát cuốc đầu tiên. Sau này khi xây dựng trường trung học cơ sở ngay sát nghĩa địa, ông cũng làm theo cách tương tự. Bây giờ, con mương ngày đêm đem nước về tưới mát cho ngô lúa, trường học càng đông con trẻ đến học chữ.
Là cán bộ Mặt trận xã đã về hưu, Mộ Lục vẫn hăng say, nhiệt tình tham gia công tác xã hội, giúp thôn, bản khi gặp khó khăn. Có ông "cố vấn" lớp trẻ luôn yên tâm công tác. Tôi hỏi ông rằng: "Ông không giữ quyền cao, chức trọng, nhưng tại sao nói dân nghe, tin và làm theo?". Mộ Lục chỉ tay vào ngực trái và nói: "Xuất phát từ trái tim chân thật và lòng nhiệt tình cách mạng. Nếu cái tâm mình trong sáng, lòng nhiệt tình vì Ðảng, vì dân, sống chuẩn mực, có đạo đức, có nghĩa, có tình thì bà con tin, yêu thôi cán bộ ạ".
Thạch Ngàn chiều mùa hạ, ngoài trời nắng như đổ lửa. Ngồi nghe Mộ Lục hát, xem mộ chế tác nhạc cụ và kể chuyện đào mương, xây trường... quên cả oi bức và mệt nhọc. Chia tay Mộ Lục, bánh xe nhẹ nhàng lăn bánh, chẳng mấy chốc phố huyện đã hiện ra trước mặt. Nhìn lại Thạch Ngàn mặt trời đã gác núi, nắng không còn gay gắt, nhưng tiếng khèn bè, sáo, pí... vẫn văng vẳng đâu đây.
Phùng Văn Mùi
Theo http://www.nhandan.com.vn
Phương Thúy (st).