Trong suốt 80 năm qua, gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam là tinh thần anh dũng, sáng tạo, vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, xây dựng lực lượng đi từ không đến có, từ thô sơ đến từng bước hiện đại và hiện đại; cùng toàn dân đánh thắng những đội quân xâm lược nhà nghề hung bạo, giành độc lập cho dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Quân đội ta đã nhận được trọn vẹn niềm tin yêu của nhân dân.

1. Phẩm chất điển hình về tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Quân đội ta có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, địch họa. Để có cơ đồ hôm nay, dân tộc ta đã phải vượt qua biết bao khổ cực, lầm than, quyết không chịu khuất phục, đầu hàng trước bất cứ mối đe dọa hay thống trị, áp bức nào của các thế lực cường quyền hay sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên.

Tinh thần và phẩm chất cao quý đó đã thấm đẫm trong mỗi quân nhân - những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, những người ngay từ khi sinh ra đã được tôi luyện trong môi trường “sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa” từ đời này qua đời khác.

bo doi cu ho
Bộ đội Đặc công rèn luyện ý chí, tinh thần thép trong huấn luyện chuyên ngành.
Ảnh: TUẤN HUY

Ý chí vượt qua mọi khó khăn của Quân đội ta còn bắt nguồn từ tinh thần học tập, noi theo tấm gương lẫm liệt của các chiến sĩ cách mạng tiền bối - những con người bất khuất, không hề nao núng trước đòn roi lao tù của thực dân, đế quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người Cha kính yêu của lực lượng vũ trang ta đã bôn ba vượt qua biết bao gian truân khắp mọi chân trời góc bể để tìm ra con đường đưa nước ta thoát khỏi cảnh nô lệ.

Tư tưởng của Người “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập” đã truyền trao và tôi rèn ý chí sắt đá cho Quân đội ta vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu và chiến thắng. Cũng chính điều đó đã giúp mang lại cho mỗi quân nhân niềm vinh dự cao quý với danh xưng Bộ đội Cụ Hồ.

Ý chí vượt khó khăn, gian khổ để làm nên chiến thắng của Bộ đội Cụ Hồ nằm ngoài sự tưởng tượng của các đội quân xâm lược vốn luôn tuyệt đối hóa sức mạnh vật chất. Trong các chiến lược quân sự hay kế hoạch tác chiến của họ đã không tính đến hoặc rất xem nhẹ yếu tố chính trị tinh thần. Vì vậy, họ đã đưa ra lời giải không đúng cho bài toán khi một đội quân ban đầu chỉ có 34 chiến sĩ “đầu trần, chân đất”, với vũ khí hết sức thô sơ, chỉ là súng trường, súng kíp, không có ai được học trong một trường quân sự nào, phải hoạt động trong điều kiện bí mật, đối đầu với đội quân viễn chinh được trang bị tối tân với đầy đủ máy bay, xe tăng, đại bác và một bộ máy điều hành chiến tranh khổng lồ, có cả sự trợ giúp của các hệ thống siêu máy tính.

2. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi so sánh tương quan lực lượng, nhất là về hỏa lực, công sự trận địa, phương thức tiếp tế, bảo đảm hậu cần, quân Pháp đều cho rằng Việt Minh không dám và không thể tiến công tập đoàn cứ điểm kiên cố này. Họ hoàn toàn bất ngờ về những cỗ pháo nặng hàng tấn được kéo bằng sức người qua những vực sâu, dốc núi cheo leo dựng đứng, để chiếm lĩnh điểm cao, trút đạn trúng kẻ thù ngay từ loạt đạn đầu.

Họ không ngờ đến sự có mặt của những chiếc xe đạp thồ có sức chở mỗi xe tới hơn 300kg đã vận chuyển hàng vạn tấn hàng cho mặt trận theo những con đường mòn mà máy bay Pháp không thể phát hiện. Họ cũng hoàn toàn bất ngờ về những chiến hào được đào sau những con cúi rơm chắn đạn bắn thẳng ngày một tiến sát, vây chặt các cứ điểm, vô hiệu hóa hỏa lực pháo binh, không quân của Pháp để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Khi nói về tương quan lực lượng, không một giáo trình quân sự nào trên thế giới có thể giải thích được thắng lợi của những trận chiến không cân sức như trận “1 thắng 20” của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã đánh lui cả tiểu đoàn quân Mỹ hay sức chịu đựng của những người lính Giải phóng quân ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Đây là hai trong những minh chứng sinh động nhất về ý chí cứng hơn sắt thép của Bộ đội Cụ Hồ. Địch đã trút xuống đây lượng bom đạn tương đương với 7 quả bom nguyên tử loại Mỹ đã ném xuống để hủy diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trên mặt đất, không một sinh vật nào có thể tồn tại. Còn dưới hầm sâu thì ngập tràn nước từ dòng Thạch Hãn. Trong “chảo lửa” ấy, người trước vừa ngã xuống liền có người sau thay thế để các tay súng liên tục trụ vững và chiến đấu suốt 81 ngày đêm, góp phần tạo nên thế thuận lợi cho mặt trận đấu tranh ngoại giao của cách mạng Việt Nam.

Ai đã vào thăm Chiến khu Rừng Sác trong rừng ngập mặn Cần Giờ có thể hình dung được phần nào hoàn cảnh gian khổ mà các chiến sĩ đặc công đã vượt lên để sống và chiến đấu: Nước bốn bề, vẫn héo khô vì khát/ Rừng bạt ngàn chẳng còn đâu bóng mát/ Chất diệt cây đốt trụi lá, trơ cành/ Ác liệt tột cùng thử thách tuổi xanh/ Ốm không thuốc, rau rừng thay gạo/ Vẫn cưa bom, lấy thuốc nhồi thủ pháo/ Dự truy điệu chính mình, thanh thản ra đi... Đêm đêm, các anh đã bơi trong dòng nước có những con cá sấu hung dữ để đánh chìm các tàu chiến trên sông Lòng Tàu, đánh nổ tung các kho vũ khí trong thành Tuy Hạ hay đốt cháy tổng kho xăng Nhà Bè của địch... Sức sống mãnh liệt ấy, khí phách kiên cường ấy không một khoa học nào có thể giải thích được nếu không hiểu được ý chí vượt qua mọi thử thách, chấp nhận mọi hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh của người lính Cụ Hồ.

Cũng chính tinh thần sáng tạo, vượt khó đã tạo nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại cả trên đất liền và trên biển cho những Đoàn tàu không số, những đoàn xe “không kính” vận chuyển vũ khí dưới con mắt điện tử xăm xoi, đánh phá ngày đêm của địch và cho hàng nghìn ki-lô-mét đường ống dẫn dòng chảy xăng dầu từ hậu phương miền Bắc vào tiếp sức cho chiến trường miền Nam.

Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng cuối năm 1972, Mỹ đã dùng một lực lượng không quân khổng lồ với các loại máy bay tối tân nhất như: B-52, F-111... hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” và làm nhụt ý chí của cả một dân tộc. Dù đã tính toán rất kỹ, che chắn, lẩn trốn rất kỹ nhưng số máy bay, trong đó có các "pháo đài bay" B-52 bị bắn hạ ngày một nhiều. Chúng không ngờ rằng trí thông minh, sáng tạo và tinh thần vượt khó đã giúp bộ đội nghiên cứu, tìm ra kỹ thuật “vạch nhiễu” trên màn hình ra-đa, nhận diện B-52 để tiêu diệt.

Cũng nhờ tự tìm tòi, nghiên cứu mà kỹ thuật rà phá thủy lôi, bom từ trường đã giúp bộ đội ta vô hiệu hóa sự phong tỏa các luồng lạch cửa sông miền Bắc. Những kỹ thuật này chưa từng có trong bất cứ một cẩm nang quân sự nào trên thế giới mà là sản phẩm trí tuệ ra đời trong chiến đấu của Bộ đội Cụ Hồ. Trước thất bại thảm hại và ê chề, Mỹ đã buộc phải ký kết Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

3. Trong hòa bình, trước những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, việc thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” vẫn không ngừng được phát huy và nảy nở rất nhiều mô hình, tấm gương sáng tạo, vượt khó trong toàn quân.

Giữa biển khơi mênh mông sóng gió, cùng với những hòn đảo tiền tiêu xa xôi là những nhà giàn DK với những tay súng đang ngày đêm khẳng định chủ quyền đất nước. Nơi đây, thử thách mà người lính Cụ Hồ đã kiên cường và bền bỉ vượt qua không chỉ là bão tố, là thiếu nước ngọt, rau xanh mà còn là cả nỗi nhớ gia đình, người thân, nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về. Trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu biển, vẫn có các giải pháp bảo quản, chống ăn mòn, bảo đảm cho vũ khí luôn sẵn sàng chiến đấu, vẫn có rau xanh nuôi dưỡng bộ đội và có điện, có mạng viễn thông để rút ngắn khoảng cách tới bờ.

Rà phá bom, mìn, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; phòng, chống thiên tai, cứu hộ - cứu nạn, giúp dân trong bão lũ, dịch bệnh... được xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình với biết bao hiểm nguy và người lính hôm nay luôn vượt qua bằng sự can trường cùng kiến thức chuyên môn vững vàng. Nhiều kinh nghiệm bảo đảm đời sống trong điều kiện khắc nghiệt còn được các chiến sĩ “mũ nồi xanh” phổ biến cho người dân châu Phi xa xôi, neo lại trong tâm trí họ hình ảnh đẹp của Bộ đội Việt Nam - Bộ đội Cụ Hồ.

Hiện nay, nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh đòi hỏi mỗi quân nhân phải đổi mới tư duy để giải quyết hợp lý các mối quan hệ giữa con người và vũ khí, giữa số lượng và chất lượng con người, giữa yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài... Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí vượt mọi khó khăn, học tập không ngừng để vươn tới những đỉnh cao khoa học quân sự. Đây cũng là những chuẩn mực phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, vũ khí không ngừng được cải tiến, hiện đại hóa. Vì vậy, đỉnh cao tri thức cần chinh phục là không có giới hạn. Khó khăn này được vượt qua thì thử thách mới lại xuất hiện, đòi hỏi sự phấn đấu, học tập bền bỉ, không ngừng nghỉ. Để động viên, khích lệ tinh thần say mê, sáng tạo, vượt khó vươn lên hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy hiểm trong hoạt động đặc thù quân sự của bộ đội, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Khác với thời kỳ “cả nước là một chiến trường, toàn dân là lính”, ngày nay, việc quan tâm chăm lo chính sách đãi ngộ để quân nhân yên tâm phục vụ là rất cần thiết. Tuy tiền bạc, vật chất là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Với nhiều người, có những giá trị phi vật thể còn cao quý hơn. Đó là cơ hội để họ thể hiện lòng yêu nước, để cống hiến sức lực, trí tuệ cho Tổ quốc, để vinh dự được mang danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Thế hệ trẻ hôm nay thường xuyên được giáo dục, bồi đắp tinh thần yêu nước, được truyền thụ những kinh nghiệm quý báu của cha ông và được trang bị những tri thức khoa học tiên tiến, nhất định sẽ kế tục xứng đáng truyền thống “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Bộ đội Cụ Hồ. Cùng với những trang sử hào hùng của đất nước, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ với những phẩm chất cao quý trong suốt 80 năm qua xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầy tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo nên tiềm lực chính trị - tinh thần to lớn của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Di sản ấy cần được giữ gìn, làm giàu và lan tỏa không ngừng trong thời kỳ mới./.

 

Trung tướng, PGS, TS. PHẠM QUỐC TRUNG,

 nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: