Bai noi tai hoi nghi tuyen giao mien nui

Với cán bộ tuyên truyền, Hồ Chí Minh yêu cầu “cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng ở đấy” để có thể gần gũi, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào.

“Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi” là tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhân Hội nghị Tuyên giáo được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 năm 1963. Ngày 31/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị và có bài nói chuyện với các đại biểu. Tác phẩm được đăng Báo Nhân Dân, số 3453, ngày 11/9/1963. Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo đối với việc xây dựng miền núi và công tác tuyên truyền ở miền núi, trong đồng bào các dân tộc nói riêng, mà còn có ý nghĩa chỉ đạo đối với công tác tuyên giáo nói chung. 50 năm sau (8/1963-8/2013), những điều Hồ Chí Minh trăn trở, căn dặn những người làm công tác tuyên giáo vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, vẫn là những suy nghĩ "nằm lòng" của mỗi người chiến sĩ làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Vấn đề đầu tiên mà Hồ Chí Minh đề cập đến trong bài nói là thành phần đại biểu của Hội nghị. Người chỉ ra rằng, cả Hội nghị có hơn 200 đại biểu, nhưng chỉ có 5 phụ nữ (trong đó không có một phụ nữ dân tộc thiểu số nào), 12 dân tộc và 26 cán bộ xã và hợp tác xã. Theo Người, nó chứng tỏ rằng “trong công tác tuyên giáo, đối với phụ nữ... chưa xem trọng; đối với hợp tác xã cũng chưa xem trọng”. Từ đó, Người nêu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đối với miền núi và nhấn mạnh những cán bộ Trung ương “phải nhận trách nhiệm của mình, góp phần vào công tác tuyên truyền huấn luyện đồng bào miền núi”, chứ không phải “đến dự cho có mặt đông đủ rồi về”.

Phần tiếp theo của bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến những vấn đề rất cơ bản của công tác tuyên truyền và nhiệm vụ công tác tuyên huấn. Về công tác tuyên truyền, Hồ Chí Minh yêu cầu các cán bộ tuyên truyền phải ghi nhớ hai nguyên tắc: Thứ nhất, công tác tuyên truyền phải “cụ thể, thiết thực” để “người ta hiểu được, hiểu để làm”. Muốn làm được vậy, cán bộ tuyên truyền phải tự hỏi: “Tuyên truyền cái gì?”, “Tuyên truyền cho ai?”, “Tuyên truyền để làm gì?”, “Tuyên truyền cách thế nào?”. Thứ hai, tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ “nhiệt tình cách mạng”, “tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc” và “tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc”, "chứ không phải Trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm". Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Có như vậy, cán bộ tuyên truyền “mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm”, chứ không phải “tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện". Người cũng kể ra hai kinh nghiệm: Một bên “nói hay mà không hiểu” và một bên “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được”, để các cán bộ làm công tác tuyên truyền so sánh hai kinh nghiệm đó mà tìm ra cách tuyên truyền, huấn luyện phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực.

Về nhiệm vụ công tác tuyên huấn, Hồ Chí Minh so sánh: Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, nhiệm vụ tuyên huấn chỉ đơn giản là: Đoàn kết, làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập, thì hiện nay mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Đoàn kết, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà. Người cũng lưu ý nếu cứ nói làm "cách mạng xã hội chủ nghĩa", "tiến lên chủ nghĩa xã hội", "xây dựng chủ nghĩa xã hội", thì đồng bào các dân tộc thiểu số khó hiểu, ít người hiểu. Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền phải thật sát thực tế, phải cụ thể khi tuyên truyền - nghĩa là phải nói rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội là “làm được gì?”. Để quần chúng, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu được để có niềm tin và làm theo thì cách tuyên truyền, phải “nôm na”, “thiết thực”, “đúng lúc, đúng chỗ” và “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin”. Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: “Mưu lợi ích cho đồng bào” và “tránh được tệ hại cho đồng bào”. Muốn mang lại lợi ích cho đồng bào các dân tộc thì phải nâng cao đời sống của đồng bào và Hồ Chí Minh đưa ra ba biện pháp: Tăng gia sản xuất; tiết kiệm; tổ chức hợp tác xã và quản lý hợp tác xã cho tốt. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc học văn hoá và chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, để thiết thực đáp ứng yêu cầu của miền núi.

Khẳng định “miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế”, Hồ Chí Minh chỉ thị Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp uỷ đảng, các uỷ ban địa phương, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc. Người chỉ rõ vấn đề quan trọng nhất ở miền núi hiện nay là “xây dựng hợp tác xã cho tốt, củng cố cho tốt, quản lý cho tốt, làm thuỷ lợi tốt, phát triển giao thông giữa huyện này và huyện khác, giữa tỉnh này và tỉnh khác cho tốt”. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng” do đó cán bộ, đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang phải “gương mẫu”, phải tránh những bệnh, thói sinh ra quan liêu, bảo thủ, tự cao tự đại, không chịu lắng nghe ý kiến quần chúng, không chăm lo đời sống của dân như “tránh thói công thần”, “khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc”. Người căn dặn phải “củng cố vững chắc, phát triển tốt Đảng và Đoàn thanh niên”, trước hết là “nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ từ tỉnh, huyện đến xã”. Người đã trù liệu hệ quả khi “người ý kiến này, kẻ ý kiến khác, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, thì chẳng những “hại đến nội bộ” mà còn “hại đến nhân dân nữa”. Do đó, cán bộ đảng viên, đoàn viên phải “miệng nói tay làm”, “xung phong gương mẫu”.

Riêng với cán bộ tuyên truyền, Hồ Chí Minh yêu cầu “cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng ở đấy” để có thể gần gũi, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Người động viên anh em: “Học làm thơ, làm ca mới khó, chứ học tiếng dân tộc để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hoà mình với đồng bào thì không khó đâu”... Vì thế, không chỉ nhắc nhở cán bộ tuyên truyền, Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả cán bộ các ngành mỗi người đều phải là người “tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước”, “tuyên truyền cách cải tiến đời sống của đồng bào”.

Kết thúc bài nói, Hồ Chí Minh tóm tắt lại những nhiệm vụ cần làm của công tác tuyên truyền, phương pháp tuyên truyền và một lần nữa Người nhắc lại công việc tuyên truyền, huấn luyện, văn hóa, giáo dục tuy không phải là một việc đơn giản, nhưng “nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt”. /.

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: