I. Sự hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc

II. Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng kéo dài liên tục trong 30 năm (1945 - 1975), qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đương đầu với những tên thực dân, đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội, Đảng ta đã phát huy sức mạnh của toàn dân, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng giữ nước của dân tộc, tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự, tiến hành chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược của địch. Theo đó, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân rất đặc sắc, độc đáo, được hình thành trên cơ sở kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại. Đó là nghệ thuật quân sự của chiến tranh giải phóng, phát triển từng bước, đạt đến đỉnh cao vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

nghe thuat quan su bai 2
Xe tăng quân Giải phóng chiếm phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975.
 Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN

Khi đề cập nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam cần thấy rõ đặc điểm, tính chất, nội dung của nó, cũng là thấy cái hay, nét độc đáo của nghệ thuật quân sự và được khắc họa rõ trên mấy vấn đề. Thứ nhất, đó là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, cả nước chung sức, toàn dân đánh giặc, khác căn bản với nghệ thuật quân sự của nhiều quốc gia, nhất là các nước đế quốc, do lực lượng quân đội đảm nhiệm. Thứ hai, chiến tranh nhân dân Việt Nam độc đáo, đậm bản sắc, khác với chiến tranh nhân dân mà một số quốc gia cũng tiến hành. Chiến tranh nhân dân không phải là sản phẩm riêng của Việt Nam, mà qua các thời kỳ, ở từng mức độ khác nhau đã có nhiều quốc gia từng thực hiện chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược. Nó thường khởi đầu từ khởi nghĩa vũ trang rồi phát triển dần thành chiến tranh vệ quốc hoặc chiến tranh giải phóng, nhưng cũng có khi chỉ dừng lại ở khởi nghĩa vũ trang. Tuy nhiên, chiến tranh nhân dân Việt Nam ngoài đặc điểm, tính chất chung giống như chiến tranh nhân dân của một số nước, còn có một số điểm khác biệt mang tính đặc trưng ở chỗ, lực lượng nhân dân tham gia đông đảo; trong đó, lực lượng vũ trang ba thứ quân giữ vai trò nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức chặt chẽ, có sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất. Thứ ba, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam là toàn dân đánh giặc với sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh chính quy do các binh đoàn chủ lực thực hiện với chiến tranh nhân dân địa phương do lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt. Nhờ đó, đã phát huy được cao nhất sức mạnh của toàn dân và từng thứ quân trong chiến tranh. Thứ tư, tư tưởng xuyên suốt cuộc chiến tranh là tư tưởng chiến lược tiến công, cho nên nội dung nghệ thuật quân sự Việt Nam được thể hiện chủ yếu trong loại hình tác chiến tiến công. Đặc biệt, ở cấp chiến lược luôn quán triệt, thực hiện tư tưởng tiến công; đối với nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật cũng luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo tiến công; còn về hình thức tác chiến, có cả tiến công, phản công, phòng ngự, tùy từng điều kiện cụ thể.

Những đặc trưng của chiến tranh nhân dân Việt Nam nêu trên chi phối trực tiếp và tạo nên nền nghệ thuật quân sự độc đáo, đặc sắc - nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nét nổi bật của nghệ thuật quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là luôn giành và giữ quyền chủ động chiến lược trong quá trình chiến tranh. Nói như vậy là vì ở giai đoạn đầu của chiến tranh, do ưu thế vượt trội về tiềm lực quân sự (lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật,…) nên quyền chủ động thường thuộc về đối phương, nhưng trải qua quá trình thực chiến, sức mạnh của chiến tranh nhân dân ngày càng được khẳng định, lực lượng và thế trận từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng lớn mạnh thì thế chủ động đó dần được chuyển hóa thuộc về ta cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh. Thực tiễn chiến tranh cho thấy, quyền chủ động chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Theo đó, phía nào nắm được quyền chủ động chiến lược sẽ giành thắng lợi và ngược lại tất yếu sẽ thất bại, có chăng chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn mà thôi. Cho nên việc chuyển hóa thế trận, cục diện chiến trường, tiến tới giành và giữ quyền chủ động chiến lược là một nội dung lớn, đặc sắc, mang tính bao trùm của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự chuyển hóa đó bắt đầu diễn ra từ sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, nhưng phải từ sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, ta mới thực sự giành và giữ quyền chủ động chiến lược. Cũng bởi vậy, ta đã chủ động mở những chiến dịch lớn kế tiếp nhau, tiêu biểu như: Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Hòa Bình (năm 1952), Chiến dịch Thượng Lào (năm 1953),… làm cho địch rơi vào thế bị động đối phó trên khắp các chiến trường. Nhờ đó, chúng ta đã làm phá sản kế hoạch Nava giàu tham vọng, nhiều toan tính chiến lược của thực dân Pháp - chủ trương tập trung lực lượng chủ lực cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ để nắm quyền chủ động tác chiến chiến lược. Nhưng ta đã không cho chúng thực hiện được mưu đồ đó, mà buộc chúng phải hành động theo ý định của ta, bằng cách tổ chức các đợt hoạt động tác chiến trên các địa bàn trọng yếu, hướng chiến lược, khiến kẻ địch phải điều động, phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược để chi viện, ứng phó.

Với những thất bại liên tiếp trên các chiến trường, để cứu vãn tình hình, thực dân Pháp đành phải chuyển hướng chiến lược hòng giành lại quyền chủ động tác chiến. Được sự tiếp sức của Mỹ, chúng gấp rút triển khai xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và huênh hoang tuyên bố đó là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, mạnh nhất Đông Dương, rằng đó sẽ là “cối xay thịt” chôn vùi lực lượng chủ lực Việt Minh. Khách quan mà nói, toan tính của thực dân Pháp không phải không có cơ sở, bởi trước đó ta đã gặp nhiều khó khăn và chưa thành công khi tiến công cụm cứ điểm Nà Sản có hệ thống tổ chức phòng thủ tương tự. Nhưng chúng đã sai vì tự đánh giá mình quá cao, trong khi đánh giá chưa đúng đối phương; đặc biệt, không thấy hết được sức mạnh của cả một dân tộc, của chiến tranh nhân dân Việt Nam, cùng tài thao lược kiệt xuất của Bộ Thống soái tối cao đối phương, trực tiếp là Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Xét đến cùng, sai lầm đó là “căn bệnh” cố hữu của kẻ xâm lược nên chúng đã thất bại thê thảm trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ cũng là điều dễ hiểu. Chiến thắng vĩ đại đó là của Việt Nam, cũng là thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc khắp năm châu, là bản cáo chung đối với chế độ thực dân cũ, cho nên nó không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta, mà còn mang tầm vóc quốc tế và thời đại sâu sắc. Về quân sự, đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân, mấu chốt là nền nghệ thuật quân sự đặc sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến thời điểm đó là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch, của tác chiến tiến công; là kết quả của nghệ thuật chuyển hóa thế trận, lực lượng theo hướng có lợi; nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động, tuân thủ nguyên tắc tập trung lực lượng, thực hiện bao vây, chia cắt, cô lập, đột kích tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Xét tổng quát, nghệ thuật quân sự của ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển từng bước khá vững chắc, nhưng còn ở mức độ nhất định bởi nhiều lý do. Điều quan trọng ở chỗ nó tạo tiền đề cho nghệ thuật quân sự tiếp tục phát triển ở trình độ cao hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc đọ sức quyết liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phải đương đầu với tên đế quốc đầu xỏ có tiềm lực, sức mạnh quân sự vượt trội. Nhưng, cũng qua đó càng thể hiện rõ sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự ở cả ba cấp độ: chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; trong đó, tập trung nhất ở nghệ thuật chiến dịch, nhất là chiến dịch tiến công.

Về chiến lược, xuyên suốt cuộc chiến tranh, chúng ta đã quán triệt và thực hành tư tưởng chiến lược tiến công, tổ chức ba đòn tiến công chiến lược vào các năm: 1968, 1971 - 1972 và 1975; kiên định quyết tâm chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đó, mỗi cuộc tiến công chiến lược (đợt hoạt động tác chiến chiến lược) đều có mục đích và ý nghĩa chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), chúng ta chọn mục tiêu tiến công là các thành phố (trọng tâm là Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn) và đồng loạt tiến công vào đêm giao thừa, nên đã làm cho địch bất ngờ, bị động, lúng túng. Xét về nghệ thuật quân sự, đánh vào thành phố, tức là chỗ mạnh của địch, tưởng chừng không phù hợp với nguyên tắc tác chiến thông thường (tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu), nhưng cũng vì thế đã tạo được tính bất ngờ cao, đạt hiệu quả trên nhiều phương diện, thể hiện sự sáng tạo, táo bạo trong thực hành tác chiến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã gây cho địch choáng váng, làm rung chuyển cả miền Nam Việt Nam và nước Mỹ, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ và trên toàn thế giới, buộc giới chóp bu của chính quyền Mỹ phải tính tới việc rút quân viễn chinh Mỹ khỏi Việt Nam thông qua hội nghị quốc tế đàm phám giữa các bên. Đó cũng là khởi đầu thực hiện quyết tâm chiến lược “đánh cho Mỹ cút” của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đòn tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, trọng tâm là Chiến dịch Trị - Thiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiếp tục làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta. Từ đây, chúng ta hoàn toàn nắm quyền chủ động chiến lược, càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ liều lĩnh đặt cược vào “ván bài” cuối cùng: tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược (mang mật danh Linebacker II) chủ yếu bằng máy bay B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận, hòng vớt vát điều kiện có lợi trên bàn đàm phán. Nhưng chúng đã thất bại thảm hại trong cuộc đọ sức 12 ngày đêm cuối năm 1972 trên bầu trời miền Bắc. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân miền Bắc thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân đất đối không “độc nhất vô nhị” trong lịch sử, đặt dấu chấm hết cho tham vọng và nỗ lực cuối cùng của quân xâm lược Mỹ, buộc chúng phải trở lại bàn đàm phán để ký Hiệp định Pari vào ngày 27/01/1973. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho ngụy nhào” hai năm sau đó.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với những chiến dịch được tổ chức kế tiếp nhau, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - đòn tác chiến chiến lược quyết định kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nó thể hiện đầy đủ và rõ nhất sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, nổi bật ở phương thức tiến hành chiến tranh. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công của các binh đoàn chủ lực và lực lượng quần chúng nhân dân. Trong đó, điểm nhấn về nghệ thuật quân sự là thực hành tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại, quy mô lớn bằng cách đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi và ít tổn thất nhất.

Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được thể hiện trên nhiều phương diện, tập trung nhất ở nghệ thuật chiến dịch, nhất là trong tác chiến tiến công. Xuyên suốt cuộc chiến tranh chỉ có hai chiến dịch phòng ngự, còn lại đều là chiến dịch tiến công, phản công quy mô vừa và lớn, với phương pháp tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại, đạt đến đỉnh cao vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh. Có thể thấy, trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đều mang đậm dấu ấn cả về nghệ thuật tác chiến tiến công với những hình thức tác chiến linh hoạt, thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến dịch tiến công của Đảng. Trong Chiến dịch Plâyme (1965), nhất là trận then chốt Ia Đrăng là một điển hình của nghệ thuật “vây điểm, diệt viện”, đạt hiệu suất chiến đấu cao - tiêu diệt một tiểu đoàn quân chủ lực Mỹ. Chiến dịch Tây Nguyên với trận Buôn Ma Thuột - trận then chốt quyết định, mở đầu Chiến dịch hội tụ nhiều yếu tố đặc sắc về nghệ thuật quân sự. Nổi bật là nghệ thuật nghi binh, lừa dụ địch bằng phương pháp hiện đại kết hợp với truyền thống, nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, bao vây, chặn cắt quân địch rút chạy. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên có tầm quan trọng đặc biệt, phá vỡ thế phòng thủ chiến lược của địch, làm cho chúng hoảng loạn về tinh thần, tạo điều kiện cho ta tổ chức những chiến dịch kế tiếp, như: Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc toàn thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Về chiến thuật, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, kết hợp giữa đánh vừa và đánh nhỏ, đánh cả ngày lẫn đêm, tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại từng bước tiến tới tiêu diệt lớn, đánh bại hoàn toàn quân địch. Nét nổi bật về chiến thuật và một phần ở phạm vi chiến dịch, đó là nghệ thuật tác chiến “da báo”, “cài xen”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, không cho địch phân tuyến, nhờ đó đã hạn chế tới mức thấp nhất ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật của địch; đồng thời, phát huy cao nhất ưu thế tuyệt đối của ta về sức mạnh chính trị - tinh thần và đánh gần. Cách đánh này đã làm cho địch khiếp đảm, hoảng loạn, dẫn tới thất bại trong các trận đánh trực diện với lực lượng vũ trang của ta.

Như vậy, có thể thấy nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có sự phát triển từng bước vững chắc với nội dung phong phú, đa dạng, sáng tạo, đạt đến đỉnh cao vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cần phải nói rằng, sự phát triển của nghệ thuật quân sự luôn gắn liền với sự phát triển tổ chức lực lượng, biên chế vũ khí, trang bị kỹ thuật,… cùng những yếu tố liên quan khác, trong đó nhân tố quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng./.

MẠNH HÀ - QUANG HỢP - CAO CƯỜNG

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Thu Hiền (st)

____________________       

1 - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 7/2024.

(Số sau: III. Yêu cầu phát triển trong tình hình mới)

Bài viết khác: