Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Nói năng hay, diễn đạt tốt tuy rất cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo các cấp nhưng làm mới là tiêu chí cơ bản, thước đo quan trọng nhất để khẳng định phẩm chất, tư cách, năng lực và uy tín của mỗi cán bộ. Làm ở đây không chỉ có nghĩa là trực tiếp hành động để tạo ra kết quả tích cực, làm chuyển biến tình hình mà còn bao hàm cả việc tự giác rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng để giữ gìn liêm sỉ, danh dự, hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ trong lòng nhân dân.

Làm gương quang minh chính đại mới giáo dục được người khác

Gần đây, nhân dân cả nước đều quan tâm tới việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Tổng Bí thư ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, vì đồng chí là tấm gương mẫu mực nói đi đôi với làm, đã nói là làm, làm thực chất, làm hiệu quả, góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân, đất nước và cho sự vững mạnh, trường tồn của Đảng. Sở dĩ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói được, làm được trong cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực bởi trước hết, đồng chí đã nêu gương sáng về sự thanh liêm, chính trực và vợ con, gia đình Tổng Bí thư sống một cuộc đời giản dị, hòa mình với cuộc sống cần lao của nhân dân. Vì thế, những lời nói và việc làm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức thuyết phục, lan tỏa rất lớn trong hệ thống chính trị và trong xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành” và: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác cũng nhắc nhở: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. “Chính” ở đây nghĩa là chính trực, chính tâm, quang minh chính đại. Nếu bản thân không chính trực, trong sáng, ăn đút lót, nhận hối lộ thì làm sao lãnh đạo, giáo dục được người khác?

Theo Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đẩy lùi sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, mỗi đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp phải gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn, từ lời nói đến việc làm, từ phong cách đến lối sống, vì tất cả liên quan đến gương mặt thể chế, uy tín của Đảng, sự tốt, xấu của chế độ. Người giữ trọng trách, dù ở cấp nào, nói năng thận trọng đáng quý hơn mọi sự hùng biện ồn ào; một hành động vì nhân dân cao gấp nghìn lần những lời thuyết giảng dù hay ho, to tát về đạo đức. Đối với cán bộ các cấp thời nay, không có gì nguy hại bằng lời khuyên tốt đi đôi với nêu gương xấu.

phong chong 3
Ảnh minh họa: VTC

Đừng để tiếng nói trung thực, “vũ khí” phê bình bị xem nhẹ, lãng quên

Cùng với coi trọng những việc làm thực chất vì nước, vì dân, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; qua đó giúp đồng chí của mình phòng ngừa sai phạm, khuyết điểm. Nội dung này đã được nêu ra tại Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Tuy nhiên, điều khiến nhân dân trăn trở là thời gian gần đây xảy ra tình trạng nhiều quan chức “hai mặt”, tức là khi đăng đàn thì họ quyết liệt chỉ đạo, giáo huấn cấp dưới phải thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, nhưng trong nội bộ cấp ủy cao nhất của nhiều địa phương lại thiếu vắng những tiếng nói phản biện trung thực, từ đó làm suy giảm, mất sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, bí thư và chủ tịch UBND tỉnh là hai người có quyền lực lớn nhất ở địa phương. Đáng ra, khi vận hành bộ máy, nếu bí thư tỉnh ủy có biểu hiện chưa chuẩn mực trong lãnh đạo, chỉ đạo thì chủ tịch UBND tỉnh phải kịp thời góp ý, phê bình; ngược lại, nếu chủ tịch UBND tỉnh có biểu hiện lệch lạc trong công tác quản lý, điều hành thì bí thư phải nhắc nhở, uốn nắn để giúp nhau cùng tiến bộ, phòng ngừa vi phạm.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), từ thực tế những vụ việc nổi cộm xảy ra ở một số ban thường vụ cấp tỉnh thời gian qua cho thấy, trong quá trình sinh hoạt, công tác cùng nhau, lúc cần cán bộ lên tiếng góp ý để giữ gìn uy tín cho nhau thì không thể hiện kịp thời; tiếng nói trung thực lúc này bị xem nhẹ; trong khi cả bí thư và chủ tịch UBND tỉnh lại không chú trọng sử dụng, phát huy vai trò, sức mạnh của “vũ khí” tự phê bình và phê bình trong nội bộ. Đây là một trong những căn nguyên khiến họ chủ quan, tự mãn, tự tha hóa quyền lực, sa vào tham nhũng, tiêu cực rồi bị xử lý hình sự.

Đó là các trường hợp: Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam và Chủ tịch UBND Trần Thanh Liêm (Bình Dương); Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp (Lâm Đồng); Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành (Vĩnh Phúc); cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh (Bắc Ninh); cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (Đồng Nai).

Coi trọng làm gương thực chất để phòng ngừa suy thoái đạo đức

Nói đi đôi với làm không chỉ là một trong những phương châm, nguyên tắc rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên mà còn là việc làm cấp thiết hiện nay để củng cố niềm tin, đáp lại sự trông mong, kỳ vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân vào sự quang minh chính đại của Đảng Cộng sản Việt Nam-chính đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta.

Với nhận thức sâu sắc như vậy, thời gian qua, Đảng ta không chỉ coi trọng xây dựng tổ chức đảng các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà còn chú trọng xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức. Các quy định của Đảng (như Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”; Quy định số 08-QĐi/TW; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”...) đã yêu cầu cán bộ, trước hết là người đứng đầu các cấp phải đề cao trách nhiệm nêu gương về mọi mặt, đồng thời kiên quyết phòng, chống tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Nhấn mạnh điều này cũng không ngoài mục đích góp phần làm cho mọi nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Tại Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09-5-2024 của Bộ Chính trị "Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới", lần đầu tiên Bộ Chính trị đề ra một trong những tiêu chí quan trọng trong chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thời nay là: “Làm đi đôi với nói, đã nói là làm”. Nhấn mạnh chữ “làm” lên trước chữ “nói”, đồng thời yêu cầu “đã nói là làm” với hàm ý cảnh tỉnh, cảnh báo thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên đang quá lạm dụng, lãng phí lời nói, lời hứa, lời cam kết trước dân, nhưng lại “keo kiệt, bủn xỉn” những việc làm, hành động thiết thực mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, đất nước.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, để góp phần gắn kết nhân tâm, quy tụ lòng người cùng hướng vào mục tiêu, lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng; để tinh thần cách mạng tiến công và ý chí phấn đấu, rèn luyện của người cộng sản không bị sao nhãng, buông lơi, hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thật sự coi trọng ý thức, trách nhiệm “đã nói là làm”, đặc biệt là làm gương về đạo đức cách mạng nhằm làm vũ khí sắc bén phòng ngừa mọi cạm bẫy, cám dỗ tầm thường có thể “hạ gục” tư cách, thanh danh, uy tín và sự nghiệp chính trị của mình.

 

“Cán bộ, đảng viên có chức vụ, cương vị càng cao càng phải gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống để quần chúng nhân dân noi theo. Đề cao “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”. Kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Làm cho Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm”. (Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương).

 

 

Nhóm phóng viên

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bảo Ngọc (st)

Bài viết khác: