Năm 1968, trước khi đi Hội nghị Pa-ri, đồng chí Xuân Thủy gọi ông Vũ Kỳ là “tiểu đồng” của Bác Hồ. Tôi cứ nghĩ đời mình thật may mắn, hạnh phúc vì nhiều năm được gần gũi, làm được chút việc, học được nhiều điều từ một con người tận tụy, mẫu mực như ông Vũ Kỳ mà cuộc đời 85 năm có tới 60 năm phục vụ Bác và chăm lo phát huy tinh hoa di sản của Người cho các thế hệ mai sau.

          Đoàn trưởng của chúng tôi

       Chúng tôi là lớp Thanh niên xung phong (TNXP) chống Pháp. Những năm 1950, TNXP được thành lập thành các đội riêng biệt. Sau năm 1953, các đội được tập hợp thành Đoàn, trên cử Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng, ông Tạ Quang Chiến là Đội trưởng phụ trách ATK gồm 20 đại đội. Tôi chỉ là cán bộ Trung đội của Đại đội 270 bảo vệ ATK. Mãi sau này công tác ở nước ngoài, tôi mới được dịp ông giao làm vài việc phục vụ Bác. Rồi, từ năm 2000 cho tới ngày ông về với Bác Hồ 16/4/2005, tôi thường cứ 3 giờ chiều sang nhà ông bên Hoàng Cầu giúp ông khắc phục bệnh tật. Vài giờ đồng hồ bên ông, ông kể chuyện về Bác Hồ hết sức hấp dẫn, việc gì, điều gì cũng khéo liên hệ đôi ba ví dụ mẫu mực về Bác, người nghe càng ngưỡng mộ sự vĩ đại của Bác và càng thêm quý mến ông.

Vu Ky a
Ông Vũ Kỳ.

          Ông tên thật là Vũ Long Chuẩn, bí danh Nguyễn Cần. “Kỳ” là sự kiện đã đi vào lịch sử cùng với bảy người nữa theo Bác rút lên chiến khu Việt Bắc ngày 6/3/1947, được Người đổi tên thành “Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi” cốt giữ bí mật, cũng là khẩu hiệu nhắc nhau nhiệm vụ và khẳng định niềm tin. Ông quê xã Mễ Sơn, huyện Mễ Trì nay thuộc Hà Nội, học sinh trường Bưởi, 16 tuổi đã hoạt động Thanh niên phản đế. Năm 1942, lúc 21 tuổi, ông bị địch bắt giam ở Hỏa Lò. Sau cuộc Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, chi bộ nhà tù quyết định ông cùng nhóm vượt ngục qua cống ngầm lánh về quê ít ngày, giã lá cọc rào cho tóc chóng mọc, đội mũ… che mắt giặc Nhật và bọn tay sai. Đến tối ngày 27/8 năm đó, anh Đáng (Trần Đăng Ninh) đưa tới 48 Hàng Ngang gặp Ông Cụ nhận việc. Ông ngỡ ngàng đến bàng hoàng: Ông Cụ chính là Nguyễn Ái Quốc mà từ lâu tên tuổi, tài năng, đức độ đã vang vọng về nước.

          Tôi hỏi ông: “Tiêu chuẩn chọn thư ký cho Bác như thế nào, anh?”. “Ai mà biết được. Mãi sau, có lần vui chuyện, ông Ninh “lộ bem”: Đề cử ba: Hoàng Tùng, Bí thư thành ủy Hà Nội; Trần Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa và tôi”. “Anh giỏi vá may thật đấy!”, “Giỏi thì không phải. Còn may thuộc số phận. Mình đang “nhẹ gánh”, lại có hai lợi thế: Thông thuộc địa bàn Hà Nội và thạo tiếng Pháp. Tiếng Pháp thì sáng hôm sau Bác đưa bản dịch, thử ngay. Còn ngõ ngách nội ngoại thành thì trước khi giao việc cho Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Nguyễn Hữu Đang tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ ngày 2/9, Bác đã yêu cầu ông vẽ sơ đồ vườn hoa Ba Đình: Những đường tiến vào, rút ra, nơi đặt các hố vệ sinh, trạm y tế cấp cứu v.v.. và đặc biệt hiệu dụng là hơn một năm sau, từ 26/11/1946, tôi tham gia cùng tổ bảo vệ an toàn cho lãnh tụ gồm Anh Cả Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng), Trần Đăng Ninh, đưa Bác đêm đêm di chuyển ra ngoại thành, ngày ngày ngụy trang, đánh lạc hướng bọn gián điệp phòng Nhì, bọn tay sai Tàu Tưởng”.

           Rồi tới năm 1949, cũng thuộc “tiêu chuẩn 1”, Bác biệt phái ông về địch hậu Hà Nội vận động, binh vận, tình báo chuẩn bị mọi mặt đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới. Sang năm 1953, cần lực lượng trợ lực mạnh mẽ cho quân đội và cũng nhằm thử thách, rèn luyện cho hàng vạn thanh niên làm nòng cốt cho đội ngũ trí thức kiến thiết đất nước sau chiến tranh, Bác gọi ông về phụ trách Đoàn TNXP. Tôi vô duyên nhanh miệng:

         - Anh tài thật đấy! Được Bác chọn, việc gì khó có… chú Kỳ!

         - Ấy, không được nói thế! Mình chẳng tài giỏi gì. Chỉ là để Bác nắm sát công việc thôi.

         Hiểu Bác không dễ, viết về Bác càng khó.

       Sau Lễ quốc tang 9/9/1969, mọi người trở lại công việc thường nhật. Riêng ông, cảm giác trống vắng, hụt hẫng. Ông đóng chặt cửa phòng một mình vặn băng nhạc tang nghe ba ngày liền. Ban Tổ chức Trung ương đến động viên, đề nghị ông tự chọn nhận một chức vụ cấp Bộ. Ông không do dự trả lời luôn: “Không! Cảm ơn! Bác đã đi xa, việc nghiên cứu, giới thiệu về Bác càng cấp bách, khó khăn, cần lo tính trước”.

Vu Ky b
Nụ cười hạnh phúc của ông Vũ Kỳ khi được ở bên Bác Hồ. Ảnh tư liệu.

           Ngày 25/11/1970, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 206 thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hà Huy Giáp, Hoàng Tùng, Vũ Kỳ lãnh đạo đặc trách, thường trực với nhiệm vụ chính trị lâu dài là tìm hiểu, phát hiện, phát huy giá trị tư tưởng đạo đức, sự nghiệp của Người trên bình diện toàn thế giới. Phần xây dựng cơ sở vật chất được hoàn thành kịp đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh của Bác (1890-1990). Đến được sự kiện này, ông cũng là người chịu nhiều “vất vả” về các bút tích Di chúc của Bác, như Thông báo số 151-TB/TƯ ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị về ngày qua đời của Bác và một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Người.

           Là pho sử sống về Bác Hồ nên dù bệnh tật, ông vẫn phải dành cả buổi sáng tiếp đón mọi người muốn nghe chuyện về lãnh tụ. Buổi chiều ông dành cho sức khỏe, chơi với cháu gái Tuyết Nhi, tưới cây… Tôi vừa xoa day bấm huyệt, vừa nghe ông kể chuyện. Ghi thì ghi, viết xong một bài, bao giờ tôi cũng đọc lại ông nghe để chỉnh sửa. Ông bảo: “Cẩn thận thế là tốt. Bác Hồ viết báo quen đưa anh em đọc và rất thích được nghe góp ý”. Được ông khen “cẩn thận”, tôi nhắc lại lần năm 1961 ở Mát-xcơ-va ông cũng khen tôi gói cẩn thận tặng phẩm cho Bác. Ông cười: “Nhớ chứ!...”. Ông lại nhắc lời Bác: “Cảnh giác với bệnh chủ quan” và với cái tôi: “Len vào cái tôi, lôi thôi lắm đấy”.

           Ông dự đoán mai đây khi nhu cầu nhân loại cần tới những tinh hoa văn hóa giá trị đích thực thì giới nghiên cứu cả Tây, Đông càng tìm đến học hỏi về Hồ Chí Minh mà từ tháng 12-1923, nhà thơ Xô Viết Ô-xíp Man-đen-xtam đã dự báo: Nguyễn Ái Quốc là hiện thân của “nền văn hóa tương lai” không phải của châu Âu, mà của cả nhân loại.

Trịnh Tố Long

Theo http://www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: