Cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt trọng đại trong tiến trình lịch sử nước nhà. Một chân trời mới mở ra với nền Cộng hòa non trẻ. Đứng đầu Nhà nước này là một vị Chủ tịch giàu cốt cách gánh vác, dường như ở đây đã có sự chuẩn bị mang ý nghĩa cơ trời vận đất.
Bác Hồ trên Quảng trường Ba Đình
Đây là những ngày tháng đẹp nhất trong những ngày tháng đẹp, để hôm nay ngoảnh lại mỗi người trong chúng ta còn chưa hết rưng rưng. Hãy hình dung, từ vũng bùn nô lệ một đám đông khổng lồ bật dậy với hai bàn tay trắng và quả tim nóng, gọi nhau đứng quanh Người, gọi nhau làm một cuộc lên đường rất dài và rất nhiều chông gai, dám sống và dám chết cho nền tự do độc lập dân tộc, trong đó có chính mình. Từ buổi đầu Bác đã trang trọng nói trước toàn thể đồng bào: “Tự do cho một dân tộc mà không có tự do cho mỗi người thì cái tự do ấy liệu để làm gì!”.
Thân phận mỗi người dân nước Việt đã được Người nhìn nhận bằng một tầm nhìn mang khát vọng nhân quyền ở một xã hội có đẳng cấp. Người trở về Tổ quốc như một huyền thoại, như một giấc mơ mà lại cũng hết sức gần gũi. Người ra đồng cùng bà con tát nước chống hạn, cùng các cụ già trồng cây, bón cơm mớm cháo cho trẻ thơ và làm thơ gửi cả nước mỗi bận Xuân về.
Đầu tháng chín năm ấy Người đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình. Bản Tuyên ngôn tự tay Người thảo bằng nội lực giống nòi, bằng hồn thiêng núi sông, bằng khí phách toàn dân tộc.
Vài hôm sau, Người cho gọi mấy đồng chí phụ trách Nha Công an Bắc Việt lên làm việc, lúc chia tay người dặn dò, sinh ra các chú là phải có bắt bớ, vậy Bác tặng các chú mấy câu để mang theo trên đường công tác lâu dài: “Hay bắt không bằng bắt hay, bắt hay không bằng không hay bắt”.
Phương Tây có câu người mạnh là người biết nói đùa. Lại có câu mọi việc nghiêm chỉnh đều giấu dưới nụ cười. Càng đau càng phải biết cười, cho nên Bác mới hay cười. Thiết nghĩ sau nụ cười hôm ấy của Bác còn có mênh mông một tình yêu thương con người. Nhà văn Xô Viết Mendenxtam từng nói: “Tôi nhìn thấy nụ cười Nguyễn Ái Quốc có mang ánh sáng của một nền văn hóa tương lai”.
Khoan hòa mà lẫm liệt, Người đã thực hiện một cuộc lên đường đầy tinh thần minh triết giữa một nhân loại đang vỡ ra biết bao biến cố khôn lường. Đó là một chuyến đi dài ba chục năm, mỗi chặng đường một cái tên. Những cái tên khiến đồng chí đồng bào ngóng đợi mà kẻ thù thì ngần ngại. Con người nhân ái là thế lại có thể cũng là một nỗi ám ảnh khiếp hãi đối với các thế lực thực dân cũ và mới.
Là Tổ quốc? Vâng, quả có thế. Là kẻ bị săn đuổi ruồng bỏ? Vâng, quả có thế... Nhưng thưa, không hẳn chỉ có thế. Đây còn là Người một mai sẽ nhảy xuống sông mở đập, áo vải phong phanh mà trí lực nuốt ngưu, là người lĩnh xướng, người chỉ huy, nhà kiến tạo, nhà tổ chức xuất sắc của một nhân dân xuất sắc.
Người ấy đã từng khóc thầm trong đêm vắng Paris ngồi đọc Luận cương Lê - nin bàn về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đã từng kể trong những năm tháng bôn ba, chỉ thấy có dạo ở Mỹ nghe chừng dễ chịu hơn cả, bước ra đường người ta còn muốn chuyện trò với mình. Đã từng ghi vào tâm khảm câu nói hay của thổ dân da đỏ “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” và đọc Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, say mê luôn Thomas Jefferson, một chính khách lỗi lạc, cha đẻ của bản tuyên ngôn đó, khen ông này có nhân cách liêm chính, tầm mắt rộng, yêu con người.
Suốt bốn mươi năm hoạt động Thomas Jefferson đã từng ở các cương vị Chủ tịch Đảng Dân chủ, Thống đốc bang, Ngoại trưởng rồi Tổng thống. Ông từng để lại những câu nói nổi tiếng, minh triết cần phải lớn lên cùng quyền lực của chúng ta. Minh triết dạy chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực càng lớn!
Hồ Chí Minh ra đời sau Thomas Jefferson gần hai thế kỷ, ở hai miền xa lạ vậy mà cả hai đã cùng yêu, và đều là hiện thân của minh triết. Họ đã gặp nhau trong cách tiếp cận xem xét sự vật, lắng nghe được cả những tiếng gọi xa vời của thực tiễn, và cả hai đều nhún vai trước tất cả những gì gọi là giáo điều thô bạo, với đủ mọi biểu hiện thê thảm của nó và tất nhiên, sẵn sàng dẫm lên nó mà đi tới.
Còn có một điểm chung giữa họ nghĩ thật rất lạ lùng, cả hai người ấy sinh khác ngày nhưng lại đều biết chọn ngày quốc khánh nước mình để qua đời.
Thomas Jefferson mất ngày 4-7-1815, còn Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969, một sự trùng hợp ngẫu nhiên không giải thích, chỉ có một điều không hề ngẫu nhiên đấy là Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trích dẫn những lời hào sảng mang tinh thần nhân quyền cao mà Thomas Jefferson đã đưa vào Tuyên ngôn Độc lập Mỹ như một thông điệp gửi đến nhân loại tương lai.
Nhà văn Đỗ Chu
Theo http://www.anninhthudo.vn
Huyền Trang(st)