Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng (1904 - 1979) là một trong những tấm gương tiêu biểu hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, người học trò, và cộng sự thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin trích giới thiệu cùng bạn đọc Hồi ký của đồng chí Nguyễn Lương Bằng về sự kiện thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn.

Những giờ phút thiêng liêng (*)

...Sáng 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Ðại hội khai mạc ở đình Tân Trào. Bác được bầu vào trong Ðoàn Chủ tịch. Từ khi trở về nước, đây là lần đầu tiên Bác tiếp xúc với một đại hội đại biểu nhân dân. Hôm ấy, Ban Tổ chức giới thiệu Bác là Cụ Hồ Chí Minh, một nhà lão thành cách mạng. Nhiều đại biểu không khỏi ngạc nhiên vì chưa nghe thấy tên Hồ Chí Minh bao giờ. Nhưng một số người cũng đã nghĩ thầm bàn tán về Bác mà người ta gọi là ông Ké Tân Trào. Mấy đại biểu kháo nhau: Cụ Nguyễn Ái Quốc đấy. Hồi ấy, chưa có tục vỗ tay. Nhưng khi nghe giới thiệu Bác, các đại biểu đều rất hân hoan. Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người, niềm nở mời các đại biểu vào làm việc. Các đại biểu vừa phấn khởi vừa bồi hồi.

Ðại hội họp ở một gian bên. Gian chính giữa triển lãm những vũ khí lấy được của Nhật. Gian bên kia là chỗ ăn uống của đại biểu. Suốt ngày hôm ấy, Bác điều khiển hội nghị. Ðại biểu nào cũng chú ý lắng nghe những ý kiến của Bác. Anh Trường Chinh đọc báo cáo trước Ðại hội, nêu ra hai vấn đề lớn để Ðại hội thảo luận: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc. Ngoài ra, còn có các bản báo cáo về phong trào công nhân của anh Hoàng Quốc Việt, về tình hình nông hội của anh Trần Ðức Thịnh, về văn hóa của anh Nguyễn Ðình Thi. Ðoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem gạo, đem bò, đem gà đến mừng Ðại hội. Một ông già người Tày dắt một con bò đến tặng. Ðồng bào ta đã bị chiến tranh bòn mót đến xương tủy, ai nấy đều tiều tụy, rách rưới. Ðáng thương nhất là các em bé thiểu số gày gò, vàng vọt. Chúng nó ở truồng tồng ngồng, theo người lớn đến chào Quốc dân Ðại hội. Bác đến gần các cháu, chỉ vào chúng và nói với các đại biểu:

- Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này.

Chúng tôi đều cảm động. Câu nói ấy, về sau này, Bác thường nhắc nhở luôn luôn.

Quốc dân Ðại hội quyết định lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc mà Bác làm Chủ tịch. Bác tổng kết Ðại hội lịch sử này, động viên các đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu, giành lấy thời cơ thuận lợi có một không hai để đưa cách mạng đến thành công.

Sáng 17, Ủy ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân và làm Lễ tuyên thệ. Tôi được cử đi đón Bác. Mấy hôm ấy trời mưa, đường lội. Bác đi chân đất. Gần tới đình Tân Trào, Bác xuống suối rửa chân. Suối sâu, đường trơn và dốc. Thấy Bác chưa được khỏe, tôi chạy lại đỡ. Bác gạt đi và bảo: "Không sao, chú cứ đi".

Khi Bác từ dưới suối lên, các vị trong Ủy ban đã đứng ở trước đình đón sẵn. Bác bước tới và đứng vào giữa. Bác thay mặt Ủy ban hướng lên lá cờ đỏ sao vàng dựng trước đình, đọc lời tuyên thệ. Lời thề rất ngắn, nhưng rất súc tích, như mọi câu nói, mọi bài viết của Bác. Tôi không nhớ được lời văn chỉ nhớ đại ý như sau:

"Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!".

Giọng Bác trang nghiêm, lời thề dõng dạc, biểu lộ cái khí phách kiên cường, dũng cảm, quật khởi của dân tộc ta. Chúng tôi thấy rạo rực trong người và giơ tay theo kiểu chào bình dân, hô một cách mạnh mẽ: "Xin thề!".

Du kích bắn mấy loạt súng chào mừng Ủy ban Giải phóng dân tộc...

(*) Trích trong cuốn sách Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb CTQG, Hn, 2005, trang 164, 165, 166 - Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.

Theo Báo Nhân dân online

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: