Họa sĩ Trường Sinh, 79 tuổi, sinh ra và lớn lên tại quê hương Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông thể hiện năng khiếu hội họa từ năm lên 5 tuổi, thế nhưng chỉ đến sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công ông mới quyết định trở thành một họa sĩ thực thụ, năm đó ông 11 tuổi.
Tới thăm phòng làm việc của họa sĩ Trường Sinh nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Chùa Bộc (Hà Nội), người ta có cảm giác thoát qua những bề bộn, ồn ào của cuộc sống hối hả. Phòng làm việc được bài trí trang nhã, có cửa sổ nhìn ra hàng tre dịu mát. Đối diện cửa sổ là một tủ tài liệu đồ sộ với hàng chục ý tưởng đã được “dự án hóa”. Từ hai chục năm nay, họa sĩ Trường Sinh đã lập công ty đem bán ý tưởng. Trong đó có nhiều ý tưởng lớn đã được thực hiện và những ý tưởng đang chờ được thực hiện. Có thể kể tới các dự án lớn như: Làng văn hóa du lịch Việt Nam; Khu kinh tế du lịch văn hóa biển Việt Nam; Khôi phục làng hoa Ngọc Hà; Phát triển văn hóa du lịch Việt Nam trong thế kỷ 21... Hiện tại, họa sĩ Trường Sinh đang làm việc với tư cách một nhà khoa học, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Liên hiệp Khoa học văn hóa du lịch. Dù không nói ra song người xem vẫn hiểu rằng, phần lớn những ý tưởng này đều là sự kết hợp giữa tâm hồn lãng mạn của một nghệ sĩ với tính chính xác của một nhà khoa học.
Năm 1970, họa sĩ Trường Sinh đã tái hiện lại bức tranh ông vẽ năm 14 tuổi. Bức tranh này về sau đã được tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Trường Sinh hào hứng kể: “Tôi sinh năm 1934, cách mạng Tháng Tám thành công tôi vừa tròn 11 tuổi. Tôi được vinh dự cầm cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn diễu duyệt biểu dương lực lượng của người dân Nga Sơn ủng hộ cách mạng”. Giọng họa sĩ xúc động, gương mặt rạng rỡ, ánh mắt tự hào và tay trái đưa lên ngang ngực như đang rước cờ một cách hiên ngang, oai vệ. Tôi vui lây cái cảm giác đó, bỗng chốc tôi như hình dung được cậu bé Trường Sinh nổi tiếng thông minh của trường tiểu học Nga Sơn năm nào.
Trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công ít lâu, trên toàn miền Bắc đã xảy ra nạn đói khủng khiếp. Ở Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa có nhiều người chết. Ngay ở giữa thị trấn trung tâm Nga Sơn lúc bấy giờ vẫn còn ám ảnh bởi những giờ khắc đen tối đó. Cách mạng Tháng Tám như đem đến một sức sống diệu kỳ xóa đi bao bần cùng, khốn khổ của những người nông dân lam lũ. Trong mắt cậu Trường Sinh, phố xá, nhà cửa, con đường đi như sáng bừng lên. Hôm đó trời xanh lắm, gió biển thổi vi vút trên những hàng dương, phi lao. Nắng vàng rộm đường thị trấn. Nắng làm hồng khuôn mặt của những phụ nữ bao năm héo hắt, những tráng đinh bao năm chỉ biết tủi nhục cúi đầu. Cậu Trường Sinh cầm cờ đi đầu, ánh mắt nhìn cao, trước bao sự ghen tị của đám trẻ quanh thị trấn. Trường Sinh là “cậu ấm” của dòng họ Trường có gốc gác lâu đời ở đất Nga Sơn. Cụ thân sinh của cậu Trường Sinh làm nghề “thầy cãi”, nhà lại có nghề kim hoàn, làm hoa bạc, hoa gỗ, đồ thờ cúng, gia đình thuộc dòng dõi “trâm anh thế phiệt”. Năm lên 10 tuổi, Sinh đã được chọn vào Đội thiếu nhi cứu quốc quân nên việc cậu được lựa chọn làm người cầm cờ cho đoàn diễu hành của người dân thị trấn Nga Sơn là một “vinh dự đương nhiên”…Đoàn người đi sau Trường Sinh rầm rập bước chân, hô vang khẩu hiệu chống thực dân Pháp, phát-xít Nhật; hát Tiến Quân ca, Diệt phát-xít. Cậu rất muốn ngoái đầu nhìn lại xem bà con thế nào, song lại nhớ đến trọng trách của một người cầm cờ đi đầu đoàn diễu duyệt, cậu quyết định từ bỏ ý muốn nhìn ngang nhìn ngửa. Cậu nhìn lên lá cờ có ngôi sao vàng năm cánh, lòng rộn lên bao cảm xúc. Trong trái tim rộn ràng của cậu đã quyết là phải làm một điều gì đó thật ghê gớm, to lớn cho cách mạng như vẽ một bức tranh Bác Hồ thực lớn chẳng hạn… Cậu miên man với dự định đó mà đi đến trước sân vận động trung tâm của thị trấn lúc nào không biết.
Họa sĩ Trường Sinh bồi hồi: “Lúc đó, đoàn diễu duyệt đi có chừng một cây số, từ bãi đất rìa ngoài thị trấn đi vào sân vận động trung tâm mà sao tôi cảm giác như thể quá ngắn”.
Dự định vẽ tranh Bác Hồ mãi ba năm sau mới thực hiện được. Lúc đó cậu Trường Sinh vừa học trường thiếu sinh quân vừa tham gia công tác tại Ty Tuyên truyền văn nghệ tỉnh Thanh Hóa. Qua nhiều tài liệu thu tập được về hình ảnh của Bác, cậu đã dùng mực nho, son và nghệ, vẽ bức chân dung Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập. Bức tranh này được treo ở trụ sở Ty Tuyên truyền văn nghệ thu hút nhiều người đến xem. Ai cũng trầm trồ thán phục cậu bé 14 tuổi đã có hoa tay, vẽ rất khéo, rất giống Bác. Trong những người đến xem tranh Bác có tướng Nguyễn Sơn. Sau đó, tướng Nguyễn Sơn đã kéo Trường Sinh về làm tuyên huấn của Quân khu 4.
Sau này, họa sĩ Trường Sinh tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã vẽ rất nhiều tranh cổ động chiến đấu. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học mỹ thuật tại Cộng hòa dân chủ Đức và sau đó về Ty Văn hóa - Thông tin Hà Nội (Sau này là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội). Trong suốt 30 năm làm trong ngành văn hóa, họa sĩ Trường Sinh đã có nhiều sáng tác quý. Phần lớn trong số đó là tranh cổ động cổ vũ cuộc chiến đấu của quân dân hai miền; chào mừng những sự kiện lớn của đất nước; những chiến thắng trên mặt trận quân sự và thành công trong xây dựng kiến thiết đất nước… Tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh được giới hội họa nhận xét là có phong cách riêng. Ngoài ra, sức lao động của ông cũng khiến đồng nghiệp vô cùng nể phục. Điển hình như trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không của quân dân Hà Nội, ông đã vẽ 12 bức tranh cổ động, có những bức vẽ ngay tại trận địa sau khi bị địch đánh phá.
Nay ở tuổi 79, họa sĩ Trường Sinh vẫn cầm bút vẽ, vẫn xây dựng những dự án có lợi cho đất nước. Ông nói với tôi khi chia tay: “Tôi đã lựa chọn con đường cho cuộc đời mình ngay trong ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Và cuộc đời đã cho thấy đó là một con đường sáng”.
Lê Đông Hà
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)