Nhà số 5, Châu Văn Liêm hiện nay (quận 5, TPHCM) là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sống 9 tháng để tìm hiểu đời sống của người dân và tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động Nam Kỳ trước khi ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911. Nơi đây đã trở thành di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người ở tại cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán tại số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn. Năm 1915 đường này đổi thành đường Tổng Đốc Phương và nay là đường Châu Văn Liêm. Một trong ba căn nhà đó được giữ lại và trở thành di tích lưu niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào Sài Gòn ngày 19/9/1910. Với sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô và ông Hồ Tá Bang, Nguyễn Tất Thành được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Đạt - một người bà con bên mẹ của cụ Trương Gia Mô. Sau hai ngày, Người được đưa đến ở tại cơ sở của Liên Thành thương quán
tại số 1-2-3 Quai Testard.
Năm 1988, nhà số 5 đường Châu Văn Liêm được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Toàn bộ không gian bên trong di tích được sử dụng trưng bày các tư liệu hình ảnh về Bác.
Cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán, số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn. Sau đó kênh được lấp đi và năm 1915 đổi thành đường Tổng Đốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm - quận 5 (nơi khoanh đỏ).
Xưởng nước mắm Liên Thành.
Nhãn hiệu công ty Liên Thành.
Buồng 88, khách sạn Tân Hòa, khách sạn Bonard, nơi Nguyễn Tất Thành và ban quản trị trong Liên Thành đến nghe thuyết giảng. Đây là nơi Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Nam kỳ đã tổ chức Đại hội bầu ra Bí thư chính thức của Kỳ bộ Nam kỳ vào năm 1928. Trên cơ sở đó An Nam Cộng sản Ðảng ra đời. Hai năm sau, vào ngày 3/2/1930, An Nam Cộng sản Ðảng hợp nhất với Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn (ở miền Trung) và Ðông Dương Cộng sản Ðảng (ở miền Bắc) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành theo học tại trường Cơ khí châu Á (L'ecole des Mécaniciens Asiatiques), thường gọi là trường Bá Nghệ, là trường dạy nghề thứ hai ở Ðông Dương (trường đầu tiên là Cour d'Apprentissage, sau đổi thành Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, nay là số 2 Mai Thị Lựu, phường Ðakao, quận 1). Tại ngôi trường này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trước khi xuống tàu đi tìm đường cứu nước, đã theo học ba tháng đầu năm 1911. Người thợ cơ khí, sau này là Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng theo học tại trường này từ 1915-1917. Trường hiện có tên Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Quận 1).
Vị trí hẻm 88/5, căn nhà nơi Nguyễn Tất Thành và ban quản trị trong Liên Thành đến nghe thuyết giảng.
Ngôi nhà là vựa bán chiếu của ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần (nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM), nơi Nguyễn Tất Thành ở khi vừa từ Phan Thiết vào Sài Gòn.
Lối lên tầng trên của căn nhà số 5, Châu Văn Liêm. Từ nền nhà đến trần cao 3 m, chiều cao tầng lầu 4 m, từ nóc đến mái cao 1 m. Cầu thang lên lầu bằng gỗ. Trên lầu có ban công rộng 2x4 m, cửa ra ban công bằng gỗ.
Ngày 4/6/1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba rời phân cuộc Liên Thành thương quán xuống tàu của Pháp mang tên Amiral Latouche Treville. Ngày 5/6/1911 con tàu rời cảng Nhà Rồng đưa người thanh niên Việt Nam yêu nước ra đi tìm con đường cứu nước.
Hành trình của Bác Hồ sau khi rời cảng Nhà Rồng.
Bạn trẻ Nguyễn Thị Tường Vy (ngụ quận Bình Thạnh) thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ trong lần đầu đến với địa chỉ đỏ này.
Phạm Nguyễn
Theo Báo Tiền Phong
Thu Hiền (st)