1. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ; Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Tại Điều 1, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP đã quy định sửa đổi về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ tại điểm a, b khoản 5 Điều 22 của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP như sau:

(1) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;

(2) Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 2, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP là điều khoản sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 Điều 4 Nghị định số 10/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 47/2019/NĐ-CP như sau: Ban và Văn phòng có từ 15 đến 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 02 cấp phó; Ban, văn phòng có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.

2. Nghị định số 89/2024/NĐ-CP ngày 16/7/2024 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Nghị định số 89/2024/NĐ-CP nêu rõ, đối tượng doanh nghiệp mà Nghị định áp dụng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bao gồm:

(1) Doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (sau đây gọi tắt là công ty nhà nước);

(2) Doanh nghiệp do công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (sau đây gọi tắt là công ty con chưa chuyển đổi).

Theo đó, nguyên tắc kế thừa quyền, nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 3 của Nghị định số 89/2024/NĐ-CP như sau:

(1) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật.

(2) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi gồm: các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai, các nghĩa vụ và trách nhiệm khác.

(3) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi.

3. Nghị định số 93/2024/NĐ-CP ngày 19/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Nghị định số 93/2024/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Trong đó, trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm được Nghị định số 93/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bao gồm:

(1) Lợi dụng việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(2) Tiết lộ thời gian, địa điểm, nội dung bưu gửi được bóc mở, kiểm tra, niêm phong, tạm giữ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

(3) Tạo điều kiện, giúp sức, huy động, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân thay mặt, chịu sự chi phối, sở hữu, kiểm soát, được ủy quyền hoặc chỉ đạo của tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

4. Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; có hiệu lực từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.

Theo Nghị định số 109/2024/NĐ-CP, từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Sau đó, từ ngày 01/12/2024 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

5. Thông tư số 11/2024/TT-BYT ngày 12/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số, có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Thông tư số 11/2024/TT-BYT quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh bác sĩ cao cấp (hạng I), bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), y tế công cộng cao cấp (hạng I), dược sĩ cao cấp (hạng I); quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh bác sĩ chính (hạng II), bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), y tế công cộng chính (hạng II), dược sĩ chính (hạng II), điều dưỡng hạng II, hộ sinh hạng II, kỹ thuật y hạng II, dinh dưỡng hạng II, dân số viên hạng II.

Các tiêu chuẩn, điều kiện chung để viên chức chuyên ngành y dược, dân số được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các điều kiện sau đây:

- Được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

- Đối với yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại các thông tư, thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.

Thứ hai, có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.

6. Thông tư số 05/2024/TT-BKHCN ngày 09/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 17/2015/TT-BKHCN ngày 08/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Thông tư số 05/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Thông tư số 17/2015/TT-BKHCN về đề xuất, xác định và phê duyệt Danh mục đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, lựa chọn các vấn đề Khoa học và Công nghệ đáp ứng những yêu cầu quy định tại Điều 2 Thông tư này xây dựng đề xuất đặt hàng kèm theo văn bản cam kết bố trí phần ngân sách địa phương và địa chỉ ứng dụng thực hiện nhiệm vụ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việc xây dựng đề xuất đặt hàng, hoàn thiện đề xuất đặt hàng, tổng hợp đề xuất đặt hàng nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp thiết địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện tổ chức xác định nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp thiết địa phương theo quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN.

Thông tư số 05/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 17/2015/TT-BKHCN, qua đó, việc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp thiết địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN ngày 12/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.

7. Thông tư số 50/2024/TT-BTC ngày 17/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2021/TT-BTC ngày 15/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Thông tư số 50/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 3 của Thông tư số 76/2021/TT-BTC về chi phí thực hiện công tác chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội bao gồm:

(1) Chi văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, chi phí thuê địa điểm chi trả, nước uống cho người thụ hưởng tại địa điểm chi trả và các chi phí cần thiết khác phục vụ việc chi trả chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội: Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và quy định của pháp luật về đấu thầu;

(2) Chi phí vận chuyển tiền mặt, chi phí chuyển tiền cho người thụ hưởng chính sách, hỗ trợ chi phí làm thẻ ATM cho người thụ hưởng có yêu cầu thanh toán qua ngân hàng, chi phí thuê lực lượng bảo vệ tại địa điểm chi trả (nếu cần thiết): Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và quy định của pháp luật về đấu thầu;

(3) Chi làm đêm, thêm giờ: Thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

(4) Trường hợp thực hiện chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả: Mức chi phí chi trả được xác định theo tỷ lệ % trên tổng số tiền chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tùy theo điều kiện địa bàn và thực tế số lượng đối tượng bảo trợ xã hội của từng địa phương.

8. Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, có hiệu lực từ ngày 02/9/2024.

 Quyết định này quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 02 loại công trình, bao gồm: Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình.

Mức vốn cho vay được quy định cụ thể tại Điều 6 Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg tối đa là 25 triệu đồng/01 loại công trình/khách hàng. Theo đó, khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 02 loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình.

9. Thông tư số 03/2024/TT-BXD ngày 24/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực xây dựng, có hiệu lực từ ngày 09/9/2024.

Thông tư số 03/2024/TT-BXD được áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, khoản 2 Điều 6 Thông tư quy định về chế độ làm việc của Hội đồng quản lý như sau:

(1) Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Quyết định của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng hình thức Nghị quyết. Nghị quyết của Hội đồng quản lý được thông qua khi có ít nhất ba phần tư số thành viên Hội đồng dự họp nhất trí thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín. Hình thức biểu quyết được quy định cụ thể trong Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

(2) Hội đồng quản lý họp định kỳ theo Quy chế hoạt động; họp đột xuất, bất thường theo yêu cầu công việc; đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc theo đề nghị bằng văn bản của đa số thành viên Hội đồng quản lý. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng quản lý tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc 01 thành viên của Hội đồng quản lý được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc ủy quyền điều hành cuộc họp.

(3) Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập trong Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; thành viên Hội đồng quản lý là công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị khác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; các thành viên Hội đồng quản lý là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm và được xác định trong Đề án thành lập Hội đồng quản lý.

(4) Hội đồng quản lý hoạt động theo quy chế hoạt động được cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quản lý phê duyệt.

(5) Hội đồng quản lý được sử dụng con dấu và bộ máy tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập để triển khai công việc của Hội đồng quản lý.

10. Thông tư số 54/2024/TT-BTC ngày 24/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bãi bỏ các thông tư của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 09/9/2024.

Theo đó, Thông tư số 54/2024/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ các thông tư:

(1) Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

(2) Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC 29/3/2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

11. Thông tư số 52/2024/TT-BTC ngày 24/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bãi bỏ một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế, có hiệu lực từ ngày 10/9/2024.

Thông tư số 52/2024/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ 08 Thông tư trong lĩnh vực thuế sau đây:

(1) Thông tư số 181/2009/TT-BTC ngày 14/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg ngày 22/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg.

(2) Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

(3) Thông tư số 151/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với Quỹ phát triển đất quy định tại Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

(4) Thông tư số 176/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp trích trước vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo nguồn hỗ trợ cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

(5) Thông tư số 104/2011/TT-BTC ngày 12/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

(6) Thông tư số 30/2013/TT-BTC ngày 18/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

(7) Thông tư số 141/2013/TT-BTC ngày 16/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP ngày 13/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.

(8) Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014.

12. Nghị định số 97/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, có hiệu lực từ ngày 10/9/2024.

Nghị định số 97/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan đối với:

(1) Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập;

(2) Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý hoặc được giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm cả các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và không có tên tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;

(3) Phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

13. Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 14/9/2024.

Thông tư số 09/2024/TT- BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm. Tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến cho năm N do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán tương ứng theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm N.

14. Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 01/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 14/9/2024.

Theo Điều 3 Thông tư số 57/2024/TT-BTC giải thích, bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường.

Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Theo đó, nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ bao gồm:

(1) Tiền ký quỹ phải được bên nhận ký quỹ quản lý và sử dụng trên nguyên tắc:

- Bảo toàn vốn gốc, trả tiền lãi ký quỹ theo đúng quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan;

- Bên nhận ký quỹ phải tự cân đối bù đắp chi phí quản lý cho hoạt động nhận ký quỹ.

(2) Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ phải được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

15. Thông tư số 09/2024/TT-BNV ngày 23/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ, có hiệu lực từ ngày 15/9/2024.

Thông tư số 09/2024/TT-BNV áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 02 lĩnh vực lưu trữ:

- Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương;

- Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 4 của Thông tư số 09/2024/TT-BNV như sau:

(1) Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương: số lượng người làm việc tối thiểu là 24 người, tối đa là 90 người.

(2) Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh: số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người. Số lượng người làm việc tối đa đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc thành phố trực thuộc trung ương là 30 người, đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc tỉnh là 22 người.

Bên cạnh đó, tiêu chí xác định số lượng người làm việc tăng thêm so với số lượng người làm việc tối thiểu bao gồm:

(1) Đối với tài liệu lưu trữ giấy: số lượng tài liệu lưu trữ từ 2.000 mét giá tài liệu trở lên thì cứ 300 mét giá tài liệu được bố trí thêm 01 người.

(2) Đối với tài liệu lưu trữ điện tử

- Dung lượng tài liệu lưu trữ điện tử: mỗi 1.000.000 megabyte thì bố trí 01 người;

- Số lượng tài liệu ghi âm, ghi hình: mỗi 500 giờ nghe, giờ xem thì bố trí 01 người.

(3) Đối với tài liệu lưu trữ Mộc bản: từ 15.000 tấm trở lên thì cứ 1.500 tấm bố trí thêm 01 người.

(4) Đối với Lưu trữ lịch sử có kho lưu trữ chuyên dụng được bố trí thêm tối đa 03 người.

16. Thông tư số 06/2024/TT-BLĐTBXH  ngày 30/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH  ngày 01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có hiệu lực từ ngày 15/9/2024.

Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH bổ sung Điều 9a vào trước Điều 9, Mục 3 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) như sau:

(1) Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

(2) Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH).

(3) Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

17. Thông tư số 55/2024/TT-BTC ngày 26/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư số 210/2015/TT-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, có hiệu lực từ ngày 16/9/2024.

Theo đó, Thông tư số 210/2015/TT-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 16/9/2024 theo quy định tại Thông tư số 55/2024/TT-BTC.

18. Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01/8/2024 của Chính phủ quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi, có hiệu lực từ ngày 20/9/2024.

Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bao gồm: Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: Hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn, hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao, hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.

Theo Nghị định này, điều kiện được hỗ trợ  sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 5 như sau:

 (1) Địa điểm sản xuất phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

(2) Đáp ứng điều kiện về cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Điều 38 Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với nội dung hỗ trợ được quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này.

(3) Đáp ứng điều kiện cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Điều 55 Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với nội dung hỗ trợ được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

(4) Dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và nghiệm thu kết quả đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này.

(5) Có hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản mục chi phí thực hiện.

19. Thông tư số 43/2024/TT-NHNN ngày 09/8/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.

Thông tư số 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 01/2014/TT-NHNN về nội dung cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức bao gồm:

- Cơ cấu theo ngoại tệ: loại ngoại tệ và tỷ lệ phần trăm theo loại ngoại tệ;

- Cơ cấu theo thời hạn đầu tư ngoại tệ: tỷ lệ đầu tư ngắn hạn dưới 01 năm, trung hạn từ 01 đến dưới 03 năm và dài hạn từ 03 năm trở lên đối với Quỹ Dự trữ ngoại hối; tỷ lệ đầu tư không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 năm đối với Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng;

- Cơ cấu theo hình thức đầu tư ngoại tệ: tỷ lệ tiền gửi, các loại chứng khoán, giấy tờ có giá, ủy thác đầu tư và các hình thức đầu tư khác đối với Quỹ Dự trữ ngoại hối; tỷ lệ tiền gửi, các loại chứng khoán, giấy tờ có giá và các hình thức đầu tư khác đối với Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng;

- Cơ cấu vàng: khối lượng các loại vàng của Quỹ Dự trữ ngoại hối và Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng;

- Mức ngoại tệ tối đa để mua vàng trên thị trường quốc tế của Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng.

Bên cạnh đó, Thông tư số 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước như sau:

(1) Đối với việc mua ngoại tệ từ ngân sách nhà nước: Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của ngân sách nhà nước và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.

(2) Đối với việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước: Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc NHNN phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.

20. Thông tư số 58/2024/TT-BTC ngày 06/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập, có hiệu lực từ ngày 25/9/2024.

Theo đó, Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 25/9/2024 theo quy định tại Thông tư số 58/2024/TT-BTC.

Bảo Ngọc (tổng hợp)

Bài viết khác: