Cụ Thào A Chiêu đã trên cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhớ lại quãng đời hơn 50 năm chiến đấu và công tác, đôi mắt lại trở lên linh hoạt khác thường, giọng nói nghe còn sang sảng: “Cả đời, bố vinh dự nhất là đã từng bốn lần được gặp Bác Hồ...”.

BH  người mông
Bác Hồ gặp gỡ đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang

 Hỏi thăm nhà cụ Thào A Chiêu ở xã vùng cao Hồng Thu, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, người dân nơi đây ai cũng biết. Khi đến được nhà, đợi mãi gần đúng Ngọ, mới thấy một cụ già có mái tóc bạc, chống chiếc gậy tre chậm rãi bước về từ khu rừng xanh mướt còn ẩn hiện trong mây mờ.

 Cụ Chiêu mà người dân địa phương quen gọi là cụ Thào sinh năm 1928, có bề dày thành tích chiến trận khiến nhiều người kính nể: Tham gia du kích, tiễu phỉ, rồi gia nhập quân đội chính quy đi giải phóng miền Nam, tham gia chiến tranh biên giới và giúp bạn Lào đánh giặc. Chính những năm tháng đối diện với hoàn cảnh mong manh giữa sự sống và cái chết ấy, cụ đã may mắn và vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần.

 Cụ Thào mở đầu câu chuyện bằng cách chỉ vào cái tai bên trái của mình mà rằng: “Con phải nói to thì bố mới nghe thấy”. Mấy năm trước, nhân một lần các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 103 về Sìn Hồ khám chữa bệnh cho bà con, cụ đi khám thì được các bác sỹ lấy ra từ tai bên trái một cục máu đen khô đét, to gần bằng nửa đầu ngón tay út. Lúc ấy cụ Thào đã thốt lên: “Sướng quá bác sỹ ơi, cái tai tôi nhẹ quá, nghe rõ quá”. Nhưng sau đấy vài tháng, cái tai trái của cụ cứ từ từ ù đặc, đến nay thì không còn nghe thấy gì nữa.

 Cụ kể: Năm 1962, trong một trận quyết chiến ở bên Lào, cụ vác trên vai khẩu “Đê ca” 82 và bắn liền một mạch 12 phát, trong khi các xạ thủ khác chỉ dám bắn 6 phát. Bắn đến quả cuối cùng thì máu mũi, máu tai, máu miệng ứa ra, cụ ngất lịm đi, sau một tuần mới nói được trở lại. Cụ Thào được máy bay của ta chuyển về Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Quân Y 108, sau 8 tháng tai vẫn ù.

 Chính cái lúc tưởng chừng như không thể qua nổi ấy, ông được gặp Bác Hồ. Bác mặc “chiếc áo thường dân, màu cỏ úa”, vào thăm, động viên các thương binh được chuyển từ chiến trường Lào về. Toàn là những thương binh nặng “người mất tay, người mất chân, băng bó khắp người...”. Cụ Thào bảo “nhìn cảnh ấy, nhiều người không dám vào thăm đâu”. Cụ tiếc là “lần được gặp Bác Hồ lần 3” này không nghe được lời Bác Hồ nói vì tai ù đặc.

 Gia đình cụ Thào có 7 anh em trai, cụ là con thứ sáu. Năm lên 13 tuổi, mẹ của cụ ốm nặng qua đời, còn người bố bị giặc Pháp bắt đi tù vì “tội” theo cách mạng. 7 anh em tự đùm bọc rau cháo nuôi nhau. Sau 5 năm bị Pháp bắt đi biệt tích, tưởng không còn hy vọng gì, bố của cụ Thào được tha về. Kể từ đó cụ Thào được nghe bố kể nhiều chuyện về Bác Hồ, về người dân các dân tộc nghe theo Đảng, theo Bác Hồ đứng lên đấu tranh bảo về Tổ Quốc ở khắp nơi trong cả nước và cho tới mãi sau này cụ Thào mới được bố nói cho biết trong 5 năm ở tù của thực dân Pháp, người bố của cụ đã gặp và được các cán bộ cách mạng giác ngộ.

 Đến năm 1951, có 4 cán bộ bộ đội trong đó 3 người giới thiệu tên là Bằng Quốc Bảo, người Dao quê ở Bắc Cạn; Phan Quang Sử, người Thái ở Việt Bắc; Lương Trọng Viễn, quê ở Yên Bái... đến nhà cụ Thào, bắt liên lạc với người bố của cụ. Suốt một tháng trời hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng, vận động bà con dân bản xã Hồng Thu thành lập Đội du kích, chuẩn bị đánh Pháp, 4 bộ đội được gia đình cụ Thào cùng bà con nơi đây bảo vệ, tiếp tế lương thực, thực phẩm và dẫn đi ẩn náu ở một hang đá thuộc địa bàn bản Chung Sung A.

 Cụ còn nhớ: “Cứ nửa đêm, khi gà gáy là bố lại mang gạo, thực phẩm vào hang đá cho bộ đội”. Hưởng ứng lời kêu gọi, vận động của bộ đội, cả nhà cụ Thào đều tham gia đội du kích. Lúc đầu đội chỉ có 17 người nhưng càng về sau càng có nhiều người tham gia, đến đầu năm 1953 quân số tăng lên đến 30 người, trong đó có 5 phụ nữ. 

Cụ Thào nhẩm tính, từ đầu năm đến cuối năm 1953, đội du kích xã Hồng Thu do ông Giàng A Tùng là Đội trưởng (nay đã mất) đã đánh 22 trận, góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chung, giải phóng quê hương Sìn Hồ ngày 19/12/1953.

 Đầu năm 1954, cụ Thào nhập ngũ, được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội địa phương C835, hành quân xuống vùng thấp Sìn Hồ tiễu phỉ hoành hành ở các xã Pu Sam Cáp, Noong Hẻo, Nậm Cuổi, Căn Co. Chỉ trong vòng 3 tháng, người Tiểu đội trưởng này và đồng đội tham gia 16 trận tiễu phỉ. Bây giờ, cụ vẫn còn nhớ trận cuối cùng đánh từ 4 giờ sáng đến khoảng 11 giờ trưa mới ngừng tiếng súng. Sáng sớm hôm sau, ba tên phỉ đầu sỏ phất cờ trắng cùng khoảng 600 tên lính mang gần 400 khẩu súng các loại xin hàng. Kể từ đó, Sìn Hồ sạch bóng phỉ.

 Tháng 10/1954, trong buổi tổng kết chiến dịch Điện Phiên Phủ, cụ vinh dự được Đại tá Bằng Gia, Quân khu trưởng Quân khu Tây Bắc thay mặt Chính phủ trao tặng Huân chương chiến công hạng Nhất và cũng là người vinh dự cùng lên nhận Cờ thi đua của Chính phủ tặng Lai Châu (cũ). Sau đó cũng chính cụ là người duy nhất của huyện Sìn Hồ, là Chiến sỹ thi đua được về Quân khu Tây Bắc (Sơn La) gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện. Đây chính là lần đầu tiên cụ Thào được gặp Bác.

 Tại một cái lán gianh nhỏ, cạnh khu rừng của Quân khu Tây Bắc, có khoảng 30 chiến sỹ tiêu biểu thuộc các dân tộc khu vực Tây Bắc cùng về dự. Bác Hồ đến, mặc bộ quần áo nâu, có một cái túi to ở vạt áo. Bác cười hiền từ, đi bắt tay từng chiến sỹ. Bác nói chuyện tình hình chiến thắng của Cách mạng trên các mặt trận, chừng 15 phút, với giọng trầm ấm. Bác kết thúc với câu “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thắng lợi hoàn toàn, nhưng chưa phải đã hết giặc, mong các chú cố gắng tiếp tục chiến đấu, khi hoà bình nếu còn sống Bác sẽ nói chuyện nhiều hơn”.

 Lần thứ hai, cụ Thào vinh dự được gặp Bác Hồ vào buổi Lễ tuyên bố thành lập Khu tự trị Thái - Mèo ở Sơn La. Bấy giờ cụ là một trong 3 đại biểu của huyện Sìn Hồ đại diện cho dân tộc Mông đi dự lễ. Cụ vẫn nhớ, lần ấy, Bác mặc chiếc áo sỹ quan màu xanh, chùng gần đầu gối. Cụ thổ lộ, cũng vì được gặp Bác Hồ, nghe Bác nói mà như được tiếp thêm sức mạnh, luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, Cách mạng sẽ thành công và sự thực đã là như vậy.

 Một lòng theo Đảng, cụ tích cực vận động con cháu và bà con xung quanh không nghe theo kẻ xấu. 3 người con của cụ đều đã trưởng thành, trong đó một người con trai tiếp tục được bản Chung Sung A tín nhiệm bầu làm Trưởng bản.

 Khi chúng tôi nóng lòng muốn biết “lần thứ tư” cụ gặp Bác Hồ trong trường hợp nào thì ông cụ bỗng lặng đi giây lát, nhìn chúng tôi với đôi mắt đượm buồn. Đó là năm 1993, tỉnh Lai Châu (cũ) tổ chức cho những cựu chiến binh về thăm Lăng Bác. Cụ Thào bảo “gặp Bác lần này Bác không nói được như trước, Bác nằm nhìn vẫn thế, chỉ có điều gầy hơn trước nhiều thôi!”.

 Có lẽ cũng như hàng triệu người dân Việt Nam bấy lâu nay, trong lòng cụ Thào, Bác Hồ chỉ đang nằm ngủ!

 Nguyễn Công Hải

Theo dantri.com.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: