Đã 68 năm trôi qua, nhưng với những người lớn tuổi ở xã Hòa Phong (Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) vẫn nhớ như in không khí sục sôi, hào hùng về những ngày khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8-1945 ở địa phương. Cũng bởi thế mà trong nhịp sống mới, họ luôn động viên người thân tích cực lao động sản xuất, xây dựng vùng quê nghèo một thời đầy bom đạn và vết tích chiến tranh, giờ đây khoác lên mình diện mạo mới.

thang-tam-hoa-vang-a
Diện mạo mới của Hòa Phong hôm nay.

Nhớ mùa thu năm ấy

Bước sang tuổi 83, nhưng cụ Dương Tuấn Kiệt ở thôn Bồ Bản (Hòa Phong, Hòa Vang) vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Câu chuyện của người đội viên Đội du kích địa phương kể lại như đưa chúng tôi trở về không khí sục sôi của những ngày mùa thu năm 1945.

…Vào khoảng 5 giờ sáng 16-8-1945, hàng ngàn người dân mang theo gậy gộc, giáo mác tràn về khu vực sân vận động An Phước, đình làng Cẩm Toại, đình làng Bồ Bản… Sau khi đại diện Mặt trận Việt Minh thay mặt Ban khởi nghĩa huyện Hòa Vang, đọc lệnh khởi nghĩa, hàng nghìn cánh tay nhất loạt giơ lên, tiếng hô đồng thanh như sấm dậy: “Việt Minh muôn năm!”, “Ðả đảo phát-xít Nhật!”, “Chính quyền về tay nhân dân!”…

Ngay sau đó, từng đoàn người bừng bừng khí thế mang theo súng kíp, giáo gươm nô nức kéo về đình làng Bồ Bản thống nhất kế hoạch và tổ chức biểu tình, cướp chính quyền. Với khí thế đấu tranh như nước vỡ bờ, lực lượng biểu tình đã buộc bọn lý trưởng, hương kiểm run rẩy giao nộp ấn triện, sổ bộ làng cho cách mạng và xin tha tội chết. Chẳng mấy chốc, chính quyền phong kiến thối nát sụp đổ hoàn toàn, bọn cường hào ác bá bị quản thúc tại gia.

Sáng 17-8-1945, Ban Khởi nghĩa huy động hơn 100 tự vệ do các đồng chí Lê Ðình Hoàng, Lê Đình Siêu, Nguyễn Ðoan, Lê Cử… chỉ huy, tiến chiếm đồn Bà Nà. Ðội quân “chân đất, đầu trần” chỉ với một khẩu súng lục, một khẩu súng săn, còn lại là tầm vông mã tấu, nhưng với khí thế cách mạng sục sôi đã khiến toàn bộ binh lính hốt hoảng đầu hàng vô điều kiện. Sau khi cướp chính quyền, Ban hành chính kháng chiến xã Hòa Phong được ra mắt. Cụ Dương Tuấn Kiệt với vẻ mặt tự hào, giọng rền ấm:

- Tự hào về lịch sử bao nhiêu, chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm phải giáo dục, dạy bảo con cháu hôm nay phải phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Về Hòa Phong hôm nay, điều dễ cảm nhận nhất chính là sự đổi mới toàn diện trên quê hương cách mạng. Niềm vui, sự no ấm hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười và nhịp sống của người dân... Đứng giữa cánh đồng lúa đương thì con gái, ông Dương Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong không giấu được niềm vui:

- Kết thúc chiến tranh, Hòa Phong có 578 liệt sĩ, gần 500 thương binh, bệnh binh và 118 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt… Song với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết khắc phục khó khăn, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Phong đã vươn lên từ đói nghèo, lạc hậu, từ đau thương của cuộc chiến tranh tàn khốc. Đến nay, quê hương đã vững vàng trong diện mạo mới.

Phát huy sức mạnh của nhân dân, địa phương sáng tạo trong triển khai phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước đầu tư”, tập trung giải quyết xây dựng cơ bản với tổng kinh phí gần 39 tỷ đồng. Nhờ vậy, hệ thống điện, đường, trường, trạm đáp ứng được yêu cầu của người dân. Một số ngành nghề, mô hình được địa phương đầu tư phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, như: Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả; thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn với diện tích hơn 15ha; nuôi cá nước ngọt ở hai thôn Nam Thành và Khương Mỹ. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 19,3 triệu đồng/năm; toàn xã không còn hộ đói, nghèo.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến giữa năm 2013, xã Hòa Phong đã đạt 15/19 tiêu chí, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại. Từ nguồn vốn đầu tư của trên cùng với sự đóng góp của nhân dân, toàn bộ hệ thống trường học từ mầm non, đến bậc tiểu học và trung học đều được xây mới. 100% học sinh trong các độ tuổi đều được đến trường. Hiện nay, địa phương đã phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Ba năm liên tục (2010-2012) số học sinh THPT thi đỗ đại học đứng đầu toàn huyện. Trạm y tế đã được xây mới và trang bị tương đối đầy đủ dụng cụ, thuốc men, bảo đảm hằng năm điều trị cho gần 5000 lượt người dân....

Về Hòa Phong trong những ngày Tháng Tám lịch sử, vừa lâng lâng niềm tự hào, vừa trào dâng niềm vui khi được nghe, được thấy những âm thanh và khung cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc…

Phan Tiến Dũng

Theo Báo Quân đội nhân dân

                     Thanh Huyền (st)       

Bài viết khác: