Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Những bài ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh thật bình dị trong sáng, gây xúc động mạnh mẽ với công chúng. Qua các ca khúc, cuộc đời của Người được các nhạc sĩ thể hiện một cách tự nhiên theo dòng chảy liền mạch của giai điệu.

          Khắc họa về tuổi thơ của Bác Hồ, nhạc sĩ An Thuyên khá thành công trong bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” và “Nhớ về tuổi thơ của Bác”. Một con người vĩ đại như Bác, tuổi thơ không phải được sống trong nhung lụa mà như bao đứa trẻ khác, cũng đi nghe hát ví dặm, cũng cơ hàn tủi nhục. Rồi Theo cha vào tận kinh đô/ đói rách nên vầng trăng gầy/ Ngày ấy Bác mới lên mười tuổi/ Mẹ qua đời để lại em thơ/ Lang thang đường phố nào/ lang thang chốn kinh thành… (An Thuyên - “Nhớ về tuổi thơ Bác”). Cũng trong dòng chảy này, nhiều nhạc sĩ như Phạm Tuyên với “Từ làng Sen”, Hoàng Thành với “Tiếng sáo diều tuổi thơ”… mặc dù cách đặt vấn đề cũng như thực hiện thủ pháp sáng tác có khác nhau, nhưng vẫn cùng chung một cái đích là vừa khắc họa, vừa ngợi ca về tuổi thơ của một con người vĩ đại mà tiếng sáo diều, các làn điệu dân ca, không gian văn hóa quê hương xứ sở... đã nuôi dưỡng tâm hồn Người.

Bac Ho
Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh tư liệu.

           Khi Bác rời Bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, nhạc sĩ Trần Hoàn đã khắc họa những cung bậc tình cảm của Người qua ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”. Bằng âm hưởng của hò Nam Bộ kết hợp với lời ca Lúc cập thuyền ai đưa tiễn Người đi/ Hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly...

           Sau bao nhiêu năm bôn ba chân trời góc bể, khi trở về, Bác đã đổi đời cho dân, cho nước. Hình ảnh của Hồ Chủ tịch đã in đậm vào trí nhớ của những con dân đất Việt. Bác vĩ đại thanh tao nhưng rất gần gũi với nhân dân. Lưu Bách Thụ đã ghi lại cảm xúc chân thành, một mặt để bày tỏ tấm lòng biết ơn của nhân dân ta đối với Bác, một mặt làm nổi rõ những cống hiến của Bác với dân tộc: Dân Nam ơi biết ơn cụ Hồ đời đời/ Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh/ Dân Nam ơi biết ơn cụ Hồ đời đời/ Một lòng vì dân Người đấu tranh không ngừng... (“Biết ơn cụ Hồ Chí Minh”). Lời ca không hoa mỹ, âm nhạc mang tính hành khúc đơn giản, nhưng dễ làm lay thức lòng người bởi tính mộc mạc của nó.

           Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những năm kháng chiến cứu nước, các nhạc sĩ nước ta đã có nhiều bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại ấn tượng sâu sắc trong đời sống tình cảm của nhân dân cả nước và bè bạn năm châu. Một trong số những bài hát đó là "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" của Nguyễn Tài Tuệ, lần đầu tiên được giới thiệu trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 70 Ngày sinh của Người vào năm 1960. Nhạc sĩ kể: Những cung bậc của "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" như tái hiện trong ông hình ảnh những phiên chợ ở Bắc Hà, Sa Pa, Lào Cai, Khâu Vai, Hà Giang cùng những gương mặt chàng trai cô gái dân tộc hân hoan những ngày xuống chợ. Trong lòng ông như vang lên câu hát: Trông vời lưng núi/ Khuổi Nậm rì rào núi cao ngàn mây/ Chiều nay sáo ai đang lượn về dưới chân đèo/ Kể rằng: Người về đây/ Người cao hơn núi/ Người về quê ta, tấm áo chàm tình thương quê nhà...

            Như góp thêm một mảng màu quan trọng để chân dung Hồ Chí Minh thêm trọn vẹn trong dòng ca khúc cách mạng, nhạc sĩ Văn An phổ thơ của Tạ Hữu Yên để viết “Đôi dép Bác Hồ”. Đây là bài hát khá hay bởi giai điệu đẹp, dễ hát, đậm chất trữ tình, dễ đi vào lòng người. Bác, chỉ với đôi dép đơn sơ, nhưng đôi dép ấy đã đi từ chiến khu về đồng bằng, đi vào nhà máy, trận địa, phố phường, đồng quê... Đôi dép đã cùng Bác vượt chông gai xây non nước nhà. Đường đi chiến đấu gần xa, dấu dép cha già dẫn lối con đi... một cái kết có hậu và mang ý nghĩa mỹ học cao cả.

          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dòng sông Bến Hải như lưỡi dao cưa đứt hai miền Nam - Bắc. Nhân dân miền Nam từng ngày, từng giờ phải hứng chịu đạn bom của kẻ thù. Miền Nam luôn là nỗi day dứt, khắc khoải trong trái tim Người. Độc lập tự do là ước mơ cháy bỏng của Bác cũng là ước nguyện của toàn dân tộc đây cũng là đề tài mà nhiều nhạc sĩ chú tâm khai thác. Và, chỉ bằng tấm lòng chân thật, cảm xúc chân thành các tác giả mới khắc họa được chân dung của Người khi nghĩ về miền Nam thân yêu. “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (nhạc của Lưu Cầu, lời Trần Nhật Lan) là một trong những ca khúc được ghi nhận, bởi sự thành công của nó chính là ở chỗ mộc mạc. Mộc mạc như tính cách của người dân Nam Bộ, nhưng lại chứa đựng cái lô-gíc sẵn có của sự ứng xử trong cuộc sống. Vào đầu lời ca là sự khẳng định tình cảm bất di bất dịch của người dân miền Nam với Bác: Dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn/ Miền Nam ơi, miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha”. Một cách lý giải rất đời, rất người và rất thơ: “Hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người/ Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi... Và như thế, hình ảnh Bác luôn in đậm trong tâm thức nhân dân với các ca khúc: “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Nhạc: Cao Việt Bách, thơ: Đăng Trung); “Người sống mãi trong lòng miền Nam” (Nguyễn Đồng Nam), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (Lê Lôi), “Trồng cây lại nhớ ơn Người” (dân ca Nghệ Tĩnh, Đỗ Nhuận đặt lời…). Với lực lượng vũ trang có: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (Nhạc Trần Chung, thơ Nguyễn Trung Thu), “Hành quân qua quảng trường” (Ánh Dương), “Chúng con bên giấc ngủ của Người” (Nguyễn Đăng Nước). Với ngành giáo dục có: “Quà tháng 5 dâng Người” (Hồng Đăng), “Những bông hoa trong vườn Bác” (Văn Dung)… Với các cháu thiếu niên nhi đồng có: “Em mơ gặp Bác Hồ” (Xuân Giao), “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (Phong Nhã)…

          Đã 44 năm Người đi xa, nhưng hình ảnh của Bác luôn in đậm trong tâm thức của người dân Việt Nam. Các nhạc sĩ, các nhà văn, nhà thơ đang khai thác nhiều khía cạnh để làm dày thêm cuốn tư liệu âm thanh về chân dung của Bác Hồ kính yêu.

Nguyễn Văn Thanh

Thu Hiền (st)/ Theo http://qdnd.vn

Bài viết khác: