Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Thủ đô Hà Nội vinh dự, tự hào là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất. Những địa điểm mang hình bóng Bác, trải qua thời gian đã trở thành “địa chỉ đỏ” - nơi mỗi người dân Thủ đô bày tỏ tình yêu, lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

bac ho voi ha noi
Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và Nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31/1/1965. Ảnh: Tư liệu.

Nếu tính từ cuối tháng 8/1945 đến 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 17 năm sống và làm việc ở Thủ đô. Hà Nội là nơi lưu dấu ấn về những quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ đối với đất nước, cũng là nơi in đậm hình ảnh của Bác Hồ. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, có 173 điểm di tích ở nội thành và 44 điểm di tích ở ngoại thành từng ghi dấu tình cảm và kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Thủ đô.

1- Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng.

Nơi đầu tiên đón Bác tại Hà Nội là ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng).

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1929, vốn là cơ sở cách mạng vững chắc những năm 1941-1945, nhân dân giác ngộ, một lòng theo cách mạng, từng nuôi và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng. Trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 02/9.

ngoi nha 1
Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An.

Ngày 24/11/1946, gia đình cụ Nguyễn Thị An và người dân làng Phú Gia một lần nữa được vinh dự đón Bác trở lại. Người đã có buổi làm việc với cán bộ xã Phú Thượng và cán bộ quận Lãng Bạc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

 

Ngôi nhà được công nhận là “Nhà lưu niệm Bác Hồ” và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.

Năm 2019, ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố với tên gọi “Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An”.

Năm 2022, Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An được đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia.

 

Hiện nay, ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An được coi như “bảo tàng ký ức” lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Người. Trải qua gần 80 năm, ngôi nhà vẫn được bảo tồn vẹn nguyên trong khuôn viên rộng 187,6m2 với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây.

2- Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm)

Ngày 25/8/1945, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến đón Người về ở số nhà 48 Hàng Ngang của đại thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô. Đây chính là nơi Bác dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ.

can nha hang ngang 1
Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm).

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô nằm giữa khu phố cổ, trung tâm thương mại sầm uất của Hà Nội xưa, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi nhà này có hai lối ra vào là 48 phố Hàng Ngang và 35 phố Hàng Cân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại ngôi nhà này từ ngày 25/8/1945 đến đầu tháng 9/1945. Tại đây, Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, về tổ chức ngày Lễ Độc lập… Tại một căn phòng ở gác 2 của ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trải qua khoảng 100 năm, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn còn nguyên vẹn, kết cấu tòa nhà nối liền nhau hình chữ nhật với 2 mặt trước sau thông thoáng, cửa chính nằm trên số 48 phố Hàng Ngang, cửa hậu nằm trên 35 phố Hàng Cân. Nối giữa là khoảng sân hình vuông, có giếng và cây xanh xung quanh. Trên mỗi tầng đều có một ban công rộng tạo nên sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Với những giá trị to lớn nêu trên, di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia, theo quyết định số 54/VH-TT/QĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979.

Sau này, ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành di tích lịch sử gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Hiện nay, kiến trúc của ngôi nhà hầu như còn nguyên vẹn và trở thành “địa chỉ đỏ”, mang ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Nhân dân Thủ đô Hà Nội.

3- Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc - nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

nha luu niem van phuc
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc.

Theo thông tin của Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông, cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, từ ngày 03/12/1946 đến ngày 19/12/1946.

Trong thời gian ở đây, Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18/19/1946 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến được vạch ra tại Hội nghị này đã được thể hiện trong Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng. Hội nghị cũng thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.

Tối ngày 19/12/1946, Bác Hồ rời Vạn Phúc về ở và làm việc tại Xuyên Dương, một làng ven sông Đáy thuộc xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai. Ngôi nhà Bác ở và làm việc trong thời gian ở Vạn Phúc nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ngôi nhà ba gian, hai tầng xây dựng năm 1941 - 1942 được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính Nhà lưu niệm Bác Hồ. Dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc.

4- Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

khu di tich chu tich
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969. Trong 15 năm đó, Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho Cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới.

Ngày 15/5/1975, Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định xếp hạng là Khu Di tích. Hiện nay, Khu Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng là một trong 23 Di tích quốc gia đặc biệt.

 

Diện tích toàn bộ Khu Di tích  hơn 10 ha, bao gồm nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và sân, đường đi lối lại. Theo tính chất của các công trình kiến trúc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi đó, Khu Di tích được chia thành ba khu vực:

Khu A: Là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Các Di tích ở đây liên quan trực tiếp tới cuộc sống đời thường và hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời. Đó là:

1. Di tích Nhà 54 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ cuối năm 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958.

2. Di tích Nhà sàn gỗ - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ giữa tháng 5 năm 1958 đến năm 1969.

3. Di tích nhà 67- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong thời gian đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt (1967 – 1969), nơi Người chữa bệnh và qua đời.

4. Các Di tích khác như: Vườn cây xanh, ao cá, nhà bếp và xe ôtô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng.

Khu B và C: Gồm có Nhà khách Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh các nơi này. Hiện nay, khu vực này Nhà nước và Chính phủ vẫn đang làm việc.

Tổng thể khu Di tích rộng hơn 14 hécta, trong đó diện tích được xếp hạng là 22.000 m², bao gồm 16 công trình, công trình đã tồn tại lâu nhất là hơn 100 năm và gần nhất là hơn 40 năm. Khu Di tích có khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật. Các di tích, hiện vật, tài liệu được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc. Hiện nay, chỉ có khu vực xung quanh Phủ Chủ tịch và các di tích chính ở khu A được đưa vào hoạt động, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến tham quan.

5- Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội)

khu di tich k9Ngôi nhà sàn tại Khu Di tích K9.

Trong những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên Khu Di tích K9 làm việc và nghỉ ngơi. Khu Di tích thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Diện tích rộng 234 ha, phần lớn là đồi rừng, có 2 hồ rộng. Nơi đây có nhiều tảng đá thon nhọn tựa mũi chông, ngọn mác như mọc ở dưới đất lên, có thể vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.

Tháng 5 năm 1957, trong một lần kiểm tra Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, thấy nơi đây phong cảnh "Sơn thuỷ, hữu tình", thuận lợi về giao thông, Bác đã chọn nơi này làm khu căn cứ của Trung ương. Khu căn cứ có 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.

Trong những năm 1960 - 1969, tại nơi này, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có lần họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp 2 đoàn khách quốc tế (ngày 13/3/1961 tiếp Bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân cố Thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai và ngày 23/2/1962 tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc man Ti tốp) và nhiều lần Bác lên nghỉ tại đây.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác từ năm 1969 đến 1975. Để giữ bí mật, K9 đổi thành K84. Năm 1975, Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cẩn trọng di chuyển thi hài của Bác rời K84 về Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.

Ngày 02/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1649/QĐ-TTg “Về việc thành lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”, gọi tắt là Khu rừng K9, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Khu Di tích K9 là điểm đến của nhiều Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể của Trung ương và nhân dân cả nước, không chỉ là nơi để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu vực, nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị như: Báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, trồng cây lưu niệm... Bác đã đi xa nhưng cảnh vật nơi đây như ngôi nhà 2 tầng (thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch); ngôi nhà phục vụ; "con đường rèn luyện sức khoẻ"; "hòn non bộ"; 3 mỏm đá chông; vườn cây, khu nhà khách của Trung ương, sân bay trực thăng ... tất cả dường như vẫn in đậm bóng hình của Bác.

6 - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

lang bac
Sáng 29/8/1975, Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ trọng thể khánh thành Lăng Chủ tịch
 Hồ Chí Minh và đưa Người về an nghỉ mãi mãi ở nơi đây, giữa trái tim của toàn dân tộc.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người".

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một công trình kiến trúc tiêu biểu vô cùng quan trọng của đất nước, công trình của “Lòng Dân - ý Đảng”; của lòng kính trọng, biết ơn và sự tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Bác, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế mà còn  là một công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị to lớn, bởi ở đó đang giữ gìn và phát huy một tư tưởng, đạo đức, phong cách của một con người đã đi vào sử sách của dân tộc và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, là biểu tượng vĩnh cửu, niềm tin tất thắng của Nhân dân Việt Nam đối với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Phát biểu tại Lễ Khánh thành Lăng (ngày 29/8/1975), đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

 

Nhân dân vào Lăng viếng Bác năm sau cao hơn năm trước; nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ; đặc biệt vào dịp kỷ niệm 19/5, 02/9, 30/4… Đối với khách nước ngoài, theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hầu như 100% khách du lịch khi đến Hà Nội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngày mở cửa Lăng đến nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn gần 70 triệu lượt người, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

***

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức và nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng Hà Nội. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Tết Kỷ Dậu năm 1969, trên đồi cây của xã Vật Lại (huyện Ba Vì), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia trồng cây, mở đầu "Tết trồng cây" lần thứ 10 do chính Người khởi xướng. Bác chúc Tết động viên cán bộ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy Diêm Thống nhất, Công trường và nhà máy bê tông đúc sẵn ở Chèm...; dự cuộc ngâm thơ mừng Xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ Hà Nội tại Văn Miếu; gửi thư, tới thăm hỏi giáo viên và học sinh Hà Nội, thăm Tết người lao động nghèo ở Thủ đô... Mỗi nơi Bác đã đi qua, mỗi lời căn dặn Bác để lại… giờ đều trở thành ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân Thủ đô trên những chặng đường cách mạng.

Hơn 55 năm đã trôi qua từ ngày Người về với thế giới người hiền nhưng những “địa chỉ đỏ” in hình bóng Bác vẫn luôn được giữ gìn nguyên vẹn. Mỗi người dân khắp đất nước vẫn luôn tìm về bên Bác để tưởng nhớ công lao to lớn của Người với toàn thể dân tộc Việt Nam. Riêng người dân Thủ đô Hà Nội, mỗi địa điểm đó đã dần in sâu trong tiềm thức, để nhắc nhở mỗi người tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng đến xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước Việt Nam, xứng đáng với những niềm tin, mong muốn của Bác Hồ kính yêu./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: