Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng, lý luận quý báu, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà đã vươn đến tầm vóc quốc tế; không chỉ cho hôm nay mà với cả mai sau, trong đó có những di sản lý luận về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm, làm tốt công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng.
Trong bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định tầm vóc tư duy và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Trên 55 năm hoạt động liên tục, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bổ sung, hoàn thiện và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”.
Bài viết này điểm lại một số dấu ấn nổi bật thể hiện tầm nhìn, nhãn quan chính trị, tư duy sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ để chúng ta thêm đồng sức, đồng lòng, kề vai sát cánh dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, cùng tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự kỳ vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
1. Cách đây gần 51 năm (tháng 11/1973), trước những đòi hỏi của tình hình cách mạng ở hai miền của đất nước, với nhãn quan của nhà lý luận chiến lược, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là biên tập viên của Tạp chí Cộng sản) đã nhận thấy tình hình này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là một chiến sĩ xung kích với tinh thần cách mạng tiến công, ý thức trách nhiệm cao, sự nỗ lực rất lớn, chủ động và sáng tạo trong cuộc đấu tranh xây dựng nền kinh tế mới, chế độ mới, con người mới, kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng và hành động trái quan điểm, đường lối của Đảng, chống xu hướng tiêu cực, bảo thủ.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén, sâu sắc về công tác cán bộ ngay ở thời điểm đó, với bút danh “Người xây dựng”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” đăng trên chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng” của Tạp chí Cộng sản. Từ các nguyên tắc xây dựng Đảng và quan sát thực tiễn, trong bài viết này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ các biểu hiện của những người sợ trách nhiệm khi đó là: (1) Làm việc cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao không phạm khuyết điểm; (2) Rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao; (3) Lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền; (4) Ngại va chạm với đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả cấp dưới, không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Từ các biểu hiện của những người sợ trách nhiệm và liên hệ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đối với cả hai miền Nam, Bắc, nhất là về vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi đến kết luận và khẳng định “Người nào sợ trách nhiệm không phải là người lãnh đạo”.
Nhắc lại và cùng ôn lại một bài viết cách đây 51 năm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng để thấy rằng những nghĩ suy, trăn trở, ưu tư về cán bộ và công tác cán bộ không chỉ hình thành rất sớm ở người đảng viên trẻ tuổi Nguyễn Phú Trọng khi ấy, mà nội dung của bài viết còn thể hiện tầm nhìn vượt thời gian, được phát triển thành lý luận và hiện thực hóa trong công tác cán bộ qua những tháng năm đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ các trọng trách lãnh đạo Đảng và Nhà nước; trở thành tài sản vô giá không chỉ đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, mà bạn bè khắp năm châu, cộng đồng quốc tế cũng đánh giá rất cao. Nhiều bài viết và tác phẩm lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được các quốc gia và chính đảng trên thế giới dù khác nhau về hệ tư tưởng và chế độ xã hội vẫn trân trọng đề nghị được tiếp nhận, dịch và xuất bản bằng ngôn ngữ bản địa của họ để làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo và học tập. Vì vậy, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, di sản lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có di sản về công tác cán bộ đã mang tầm vóc quốc tế.
2. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, khóa XII (từ năm 2006 đến năm 2011), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật nói chung, pháp luật về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã ban hành, thông qua 67 đạo luật; trong đó có 15 đạo luật về lĩnh vực tổ chức và cán bộ; qua đó góp phần hết sức quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 được thông qua, ban hành trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XII là những đạo luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn; là sự kế thừa và phát triển quan điểm chỉ đạo của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ - nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Các đạo luật này đã tạo lập nền tảng pháp lý để Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hóa thành thể chế quản lý hành chính nhà nước về chế độ công vụ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Với những ý nghĩa, giá trị và hiệu quả to lớn đó, có thể khẳng định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được ban hành trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XI, khóa XII là những động lực pháp lý hết sức quan trọng của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; trực tiếp là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
3. Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, khóa XII, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng, ban hành Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng, cùng nhiều Kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng, mà một trong những nội dung được đồng chí quan tâm ưu tiên hàng đầu là về cán bộ và công tác cán bộ. Trong bài phát biểu quan trọng chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ “… trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Ðảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Ðảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”…
Là nhà lý luận uyên bác, nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, với trọng trách Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII theo hướng tách nội dung về xây dựng đội ngũ cán bộ ra khỏi nội dung về công tác tổ chức để nhấn mạnh và khẳng định công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phải đồng bộ, toàn diện, bao quát cả 5 nội dung: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Đây là bước phát triển đột phá về tư duy lý luận của Đảng ta và dấu ấn sâu đậm tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ - khâu then chốt của then chốt trong tổng thể công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Với tư duy lý luận sắc sảo, nhãn quan chính trị nhạy bén, trí tuệ uyên bác và tầm nhìn chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, XII và XIII xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cán bộ và công tác cán bộ để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, đảm bảo đồng bộ, liên thông và thống nhất giữa quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước, theo đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, để trong toàn hệ thống chính trị luôn đảm bảo “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Là “một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, XII và XIII lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ đạt được những kết quả rất quan trọng, với những dấu ấn nổi bật là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó đã góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
4. Đối với công tác cán bộ của nền hành chính nhà nước, Chính phủ và chính quyền các cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Đảng, nhà lãnh đạo tâm huyết, sâu sát thực tiễn để chỉ đạo, nhắc nhở Chính phủ tập trung nỗ lực cho công tác quản lý, điều hành; quản lý nhà nước về các mặt của đời sống xã hội sao cho năm sau phải cao hơn năm trước, để mọi mặt đời sống của Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định và ghi nhận, biểu dương “…Chính phủ các khóa đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để cụ thể hóa và thể chế hóa thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Chính phủ. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Quốc hội và Chính phủ với các tầng lớp nhân dân... Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức bộ máy, phương thức và lề lối làm việc, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và khẳng định việc xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 của Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở Chính phủ cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng chí yêu cầu Chính phủ phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để cán bộ, đảng viên “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm, làm tốt công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng; lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo của Chính phủ và chính quyền các cấp. Đồng chí nhắc nhở Chính phủ phải chú trọng công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ; hết sức tránh bệnh hình thức, phô trương, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Cũng trong công tác tổ chức và cán bộ của Chính phủ và chính quyền các cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất. Từ yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phải phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để dân xã, phường được bàn việc của xã, phường, dân cả nước bàn việc cả nước; từ chủ trương, chính sách lớn nhỏ cho đến xử lý, giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ, đảng viên đều lấy Nhân dân làm trung tâm, quyết tâm xây dựng thành công nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch.
Đó là những chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, thể hiện trí tuệ uyên bác, tầm vóc tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị sắc sảo và sâu rộng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác tổ chức và cán bộ của Chính phủ và chính quyền các cấp.
5. Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng, lý luận quý báu, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà đã vươn đến tầm vóc quốc tế; không chỉ cho hôm nay mà với cả mai sau, trong đó có những di sản lý luận sâu sắc, toàn diện về công tác cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cuộc đời mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về trí tuệ và phẩm chất, đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trọn đời vì nước, vì dân. Những thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau nguyện học tập, noi theo tấm gương mẫu mực của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tiếp tục đoàn kết dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, và quản lý của Nhà nước, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn./.
TS Trần Nghị - Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước
Thanh Huyền (st)