Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Quyền lực là một trong những căn nguyên dễ làm tha hóa đạo đức con người. Vì thế, để ngăn chặn sự tha hóa, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự giác trau dồi đạo đức, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đó cũng chính là một trong những nhân tố căn bản để rèn luyện tinh thần thượng tôn pháp luật...

Coi trọng đạo đức trong lãnh đạo, quản lý

V.I.Lênin từng nói: Có ba kẻ thù chính trong mỗi người nắm quyền lực, kẻ thù thứ nhất là tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, kẻ thù thứ hai là nạn mù chữ, kẻ thù thứ ba là nạn hối lộ. Trong quá trình nắm quyền, người cán bộ có thể chuyển từ người tốt sang người xấu. Để ngăn chặn, phải có đạo đức và coi trọng tu dưỡng đạo đức. Đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng, đạo đức có tính tự giác, tự nguyện, là cái bên trong mỗi con người. Từ cái bên trong mà chi phối suy nghĩ, hành vi bên ngoài. Đạo đức khi được hình thành, tu dưỡng liên tục sẽ trở nên bền vững, thành nền tảng về tư cách, phẩm chất của người cán bộ cách mạng. Dù đời sống xã hội thay đổi, nhu cầu phát sinh thì nhờ có đạo đức mà điều chỉnh con người có hành vi đúng với giá trị đạo lý.

Nhờ có đạo đức mà cán bộ, đảng viên sẽ có tính hấp dẫn, tính thu hút đối với cộng đồng, xã hội. Đạo đức có sức mạnh nội sinh, tính lan tỏa lớn, đạo đức không chỉ đưa ra nguyên tắc cho cán bộ tự giác thực hiện mà còn khuyên cán bộ nên làm cái này tốt đẹp hay làm cái kia lương thiện từ đó mà tạo ra những phong trào tích cực trong xã hội. Nếu như pháp luật yêu cầu người cán bộ, đảng viên tối thiểu phải đạt được những quy định của pháp luật, bắt buộc phải thực hiện những quy phạm có tính phổ biến, phổ thông, thì ngược lại, đạo đức yêu cầu tối đa.

Đó là, đạo đức là những quy tắc, chuẩn mực có tính cách tự giác, tự nguyện, đạt đến yêu cầu cao: Khuyến khích, động viên, khêu gợi nên làm những điều cao đẹp, những điều lý tưởng, từ đó, người cán bộ hình thành những phẩm chất cao đẹp, dám hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Đạo đức cán bộ, đảng viên tốt đẹp sẽ như ruộng lúa tốt, cỏ dại không có cơ hội mọc chen lấn, xã hội sẽ dần loại trừ những hành vi xấu, tiêu cực. Người cán bộ có đạo đức tốt sẽ khắc phục được khó khăn, gian khổ, không nề hà với công việc, rèn luyện được bản lĩnh thắng không kiêu, bại không nản, chất phác, khiêm tốn, chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ tốt chứ không kèn cựa về lợi ích. Cũng từ đó mà người cán bộ, đảng viên tránh được tính công thần, quan liêu; không kiêu ngạo, không hủ hóa...

Lịch sử và thực tiễn cho thấy, khi chính quyền dùng đức trị bên cạnh pháp trị để quản lý, điều hành xã hội sẽ đạt được hiệu quả tối ưu. Kế thừa kinh nghiệm ấy, bên cạnh việc thực hiện quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật, Đảng, Nhà nước ta còn phát huy được sức mạnh của đạo đức, của nội lực bên trong. Đảng ta là đạo đức, là văn minh, tức là coi trọng đạo đức trong lãnh đạo, quản lý. Một đảng cầm quyền mà coi trọng đạo đức thì sẽ giảm bớt rất nhiều quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch. Đảng cầm quyền mà coi trọng đạo đức thì cán bộ mắc khuyết điểm sẽ yên tâm sửa chữa để tiến bộ hơn, tránh được mặc cảm, tự ti khi đã mắc khuyết điểm.

Nhận được lòng bao dung, độ lượng của các cấp lãnh đạo, cán bộ vi phạm khuyết điểm sẽ có thái độ, tư tưởng tích cực hơn trong cuộc sống cũng như trong công tác. Đảng, Nhà nước coi trọng đạo đức trong lãnh đạo, quản lý sẽ tạo điều kiện tốt cho cán bộ, đảng viên tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, tránh được tình trạng che giấu khuyết điểm. Cán bộ, đảng viên có đạo đức tốt sẽ có phương pháp giúp những cán bộ có khuyết điểm sửa sai, giúp nhau tiến bộ. Nỗi ân hận, ăn năn của người vi phạm khuyết điểm cũng chính là nỗi đau của mình. Trong xã hội, giữa cái đúng, cái sai, cái tích cực và tiêu cực còn đan xen trên nhiều lĩnh vực, phân khúc, thì việc cùng nhau nhận diện, cùng giúp nhau sửa chữa, tiến bộ là vô cùng cần thiết.

Nhìn nhận con người trong bối cảnh hiện nay cần có thái độ khách quan, toàn diện, biện chứng. Cán bộ, đảng viên cần tránh thái độ thấy đồng chí, đồng nghiệp mắc khuyết điểm thì bàng quan hoặc hả hê, chì chiết, hay có tư tưởng “giậu đổ bìm leo”, "tát nước theo mưa". Làm như thế sẽ đẩy người mắc khuyết điểm đi vào ngõ cụt của cuộc sống. Đồng thời, tránh tư tưởng, thái độ, lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng để khai thác điểm yếu, khai thác sơ hở, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để cài bẫy cho đồng chí của mình mắc sai lầm. Cán bộ, đảng viên phải thẳng thắn, trung thực, chân thành để khuyên bảo nhau cùng tiến bộ. Yêu thương, quý mến nhau không có nghĩa là thấy đồng chí vi phạm khuyết điểm thì nể nang, né tránh không dám thẳng thắn góp ý phê bình. Đến khi đồng chí của mình vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật thì mới bới móc. Như thế là kẻ cơ hội, thiếu chân thành. Người cán bộ ngoài hiểu biết đạo đức cũng cần có lòng dũng cảm, khẳng khái thì mới thực hiện được đạo đức tốt đẹp.

Một con người, dù có vi phạm pháp luật, có tội lỗi cũng không thể đẩy họ ra khỏi xã hội. Họ vẫn phải sinh sống trong cộng đồng. Vì thế, bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, xã hội cần có lòng nhân ái, bao dung, sẵn sàng thông cảm khi người mắc khuyết điểm biết ăn năn hối cải. Từ đó làm cho họ có bài học sâu sắc hơn trong cuộc sống. Những bài học đắt giá, bổ ích đó sẽ lan tỏa trong các thế hệ cán bộ, đảng viên. Từ những bài học trong quá khứ sẽ ngăn chặn được những hành vi tiêu cực tương tự có khả năng xảy ra trong hiện tại và tương lai.

Lấy đạo đức làm gốc, lấy pháp luật làm chuẩn

Sức mạnh của đạo đức và sức mạnh của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng có quan hệ biện chứng với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một xã hội phát triển tốt đẹp là xã hội lấy đạo đức làm gốc, lấy pháp luật làm chuẩn. Trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay, không thể tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm chỉ xử lý theo pháp luật thì mới chỉ giải quyết quan hệ bên ngoài: Tội danh được chứng minh bằng tang chứng, vật chứng nhưng cái tâm, cái ý thức, tư tưởng chưa được giải quyết.

Trong các vụ án cán bộ tham nhũng, hối lộ, vấn đề đấu tranh rất khó khăn, phức tạp khi thiếu tang chứng, vật chứng. Tất cả những vấn đề đó là cái bên ngoài, bản thân người vi phạm có thể tìm cách để chối bỏ nhằm thoát tội. Vấn đề sâu xa của cán bộ, đảng viên là cái tâm phải thực sự trong sáng, nhận thức phải thật sự thấu đáo về khuyết điểm, về sai phạm. Cán bộ, đảng viên có nhận thức đầy đủ về giá trị của danh dự, của đạo đức cao đẹp thì mới có thể dứt bỏ được những cám dỗ của đời sống vật chất. Từ đó, mới tự giác nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, lấy những quy phạm pháp luật làm chuẩn mực của công vụ.

Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nếu tách rời đạo đức khỏi pháp luật hoặc coi nhẹ, việc thực thi pháp luật của Nhà nước sẽ trở nên hà khắc, thô bạo, con người với con người trở nên xa lạ, thiếu đi cái sinh động của tình nghĩa cao thượng, thiếu tính nhân văn trong đời sống xã hội. Trước tòa, với những bằng chứng tội phạm, các vị thẩm phán, các vị luật sư luận tội buộc người vi phạm phải nhận tội nhưng nếu thiếu đạo đức thì tính tâm phục không cao. Sự miễn cưỡng nhận tội của người vi phạm pháp luật sẽ xa lạ với việc tự giác chấp hành hình phạt, từ đó cũng ảnh hưởng đến chiều sâu tính nghiêm minh của pháp luật.

Đạo đức khi được phát huy giá trị cao đẹp của nó, việc thực thi pháp luật sẽ có tính hiệu quả, tính thực thi cao. Cán bộ chấp pháp mà đạo đức kém thì có thể sử dụng pháp luật không công tâm, luận tội thiếu khách quan, thiếu chuẩn mực, xảy ra oan sai, khuất tất. Từ đó, xảy ra tình trạng thực thi pháp luật khó khăn, khiếu kiện kéo dài, vụ án có thể chấm dứt nhưng dư luận vẫn âm ỉ. Ngược lại, cán bộ có đạo đức tốt, sẽ sử dụng pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, thấu tình đạt lý, xử đúng người, đúng tội. Từ đó, lòng tin của nhân dân vào tính chính trực của pháp luật được khẳng định.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta không ngừng quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhưng đồng thời khẳng định pháp luật Việt Nam trừng trị nghiêm khắc những ai vi phạm đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Có như vậy, tính nghiêm minh của pháp luật mới được hiện thực hóa vào trong đời sống xã hội.

Kết hợp đạo đức và pháp luật trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng là vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay. Bởi vì, nó vừa phát huy được sức mạnh nền tảng của đạo đức, vừa bảo đảm tính chuẩn mực của pháp luật. Có như vậy, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đạt được mục tiêu, kết quả thực chất, bền vững...

TS PHẠM ĐÀO THỊNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: