Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

1. Thông tư số 14/2023/TT-NHNN ngày 20/11/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.

Thông tư số 14/2023/TT-NHNN quy định hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

(1) Yêu cầu về hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;

(2) Phù hợp với quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

(3) Có đủ nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ;

(4) Xây dựng, duy trì văn hóa kiểm soát, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Theo đó, thời hạn báo cáo của các báo cáo nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ được quy định như sau:

- Báo cáo nội bộ về kiểm soát nội bộ: Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

- Báo cáo nội bộ về rủi ro tín dụng: Định kỳ tối thiểu hàng quý hoặc đột xuất theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

- Báo cáo nội bộ về rủi ro hoạt động: Định kỳ tối thiểu 06 tháng hoặc đột xuất theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

- Báo cáo nội bộ kết quả kiểm toán nội bộ: Sau khi kết thúc kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ trình Ban kiểm soát phê duyệt báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ để gửi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định nội bộ của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

2. Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT ngày 31/03/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.

Theo Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc có số hiệu: QCVN 115: 2024/BGTVT.

 Trong Quy chuẩn này quy định về yêu cầu chung của đường bộ cao tốc như sau:

(1)  Kết cấu công trình đường bộ cao tốc phải bảo đảm ổn định, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

(2)  Đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 04 làn xe chạy (02 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150,00 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50,00 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).

(3)  Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; Trạm dừng nghỉ; Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; Trạm kiểm tra tải trọng xe; Hàng rào bảo vệ.

(4)  Mặt cắt ngang đường bộ cao tốc có thể được bố trí trên cùng một nền đường hoặc hai chiều xe chạy được bố trí trên hai nền đường riêng biệt.

3. Thông tư số 07/2024/TT-BGTVT ngày 31/03/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.

Theo Thông tư số 07/2024/TT-BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có mã số đăng ký là QCVN 35:2024/BGTVT.

Quy chuẩn này quy định kiểu loại đèn khác nhau là kiểu loại đèn có sự khác nhau về một trong những đặc điểm cơ bản sau:

(1) Tên thương mại hoặc nhãn hiệu;

(2) Kết cấu của hệ thống quang học;

(3) Đặc tính quang học;

(4) Loại chùm sáng được phát ra (Chùm sáng chiếu gần, chùm sáng chiếu xa hoặc cả hai chùm sáng);

(5) Vật liệu làm kính đèn và lớp phủ (nếu có);

Đối với đèn chiếu sáng phía trước của xe gắn máy đạt yêu cầu khi kiểm tra phải đáp ứng các yêu cầu theo Quy chuẩn như sau:

(1) Yêu cầu kết cấu

Kết cấu của đèn được kiểm tra phải đáp ứng quy định tại điểm 1 của một trong các Phụ lục A đến Phụ lục L của Quy chuẩn này.

(2) Yêu cầu đặc tính quang học

- Đặc tính quang học của đèn được kiểm tra phải đáp ứng quy định tại điểm 2 của một trong các Phụ lục A đến Phụ lục L của Quy chuẩn này.

- Đối với đèn độc lập quy định tại điểm 1.3.3, đặc tính quang học đèn chiếu gần độc lập phải đáp ứng quy định tại điểm 2.2 của một trong các Phụ lục A đến Phụ lục L của Quy chuẩn này, đặc tính quang học đèn chiếu xa độc lập phải đáp ứng quy định tại điểm 2.3 của một trong các Phụ lục A đến Phụ lục H của Quy chuẩn này.

- Đối với những đèn thử nghiệm theo quy định tại điểm 2 của một trong các Phụ lục A đến Phụ lục H (trừ Phụ lục H loại A) của Quy chuẩn này phải thử nghiệm thêm hạng mục tính ổn định đặc tính quang học của đèn trong quá trình hoạt động theo quy định tại Phụ lục M của Quy chuẩn này.

(3) Yêu cầu về màu sắc ánh sáng

Màu sắc ánh sáng của đèn được kiểm tra phải đáp ứng quy định tại điểm 3 của một trong các Phụ lục A đến Phụ lục L của Quy chuẩn này.

4. Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT ngày 05/4/2024 của Bộtrưởng Bộ Giao thông vận tải về quy chuẩn kỹ thuật trạm dừng nghỉ trên cao tốc, có hiệu lực từ ngày 05/10/2024.

Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Phần I QCVN 43:2012/BGTVT, theo đó quy định trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.

Hệ thống điện, nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc của trạm dừng nghỉ phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh, tuân thủ theo các quy định để có thể cung cấp an toàn, liên tục, ổn định các dịch vụ cho người, phương tiện giao thông. Hệ thống điện phục vụ cho các trụ, thiết bị sạc điện cho xe ô tô điện phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh theo nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.

Diện tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và cho xe ô tô con là 25 m2. Có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe. Có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25 m2.

Khu vệ sinh tại trạm dừng nghỉ phải đảm bảo chống thấm, chống ẩm ướt, thoát mùi hôi thối, thông thoáng, tường, mặt sàn và thiết bị phải luôn sạch sẽ. Số lượng, chất lượng các loại thiết bị vệ sinh phải phù hợp với quy định của từng loại công trình.

5. Thông tư số 02/2024/TT-VKSTC ngày 12/8/2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân,có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.

Thông tư số 02/2024/TT-VKSTC quy định về hình thức tổ chức thi đua gồm:

(1) Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị;

(2) Thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị.

Phạm vi tổ chức thi đua được quy định trong Thông tư bao gồm:

(1) Trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân;

(2) Tại các cụm, khối thi đua;

(3) Tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hằng năm cho cá nhân đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng và có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản).

Khi xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho cá nhân là Thủ trưởng đơn vị, ngoài những tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đơn vị do cá nhân đó phụ trách phải được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” trở lên.

Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tối đa không vượt quá 20% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”; trong đó số lượng cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp trong đơn vị không vượt quá 20% tổng số lãnh đạo, quản lý các cấp hiện có tại đơn vị, trường hợp số lượng cá nhân theo tỷ lệ trên nhỏ hơn 01 thì được xét không quá 01 người.

6. Thông tư số 14/2024/TT-BCT ngày 15/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024

Theo Thông tư, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ bao gồm:

(1) Đối với báo cáo 6 tháng (đầu năm), thời gian chốt số liệu được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo;

(2) Đối với báo cáo hằng năm,thời gian chốt số liệu được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.

Thông tư số 14/2024/TT-BCT  còn quy định về việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ như sau:

(1) Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 01 Phụ lục I kèm theo Thông tư này, gửi cơ quan thống kê cấp huyện, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

(2) Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 02 Phụ lục I kèm theo Thông tư này, gửi cơ quan thống kê cấp huyện, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Công Thương;

(3) Định kỳ trước ngày 25 tháng 6 và trước ngày 25 tháng 12 hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 03 Phụ lục I kèm theo Thông tư này, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Công Thương;

(4) Định kỳ trước ngày 30 tháng 6 và trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Sở Công Thương báo cáo tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 04 Phụ lục I kèm theo Thông tư này, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Công Thương (Cục Công Thương địa phương).

7. Thông tư số 08/2024/TT-BTP ngày 15/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.

Theo đó, Thông tư số 08/2024/TT-BTP quy định về nội dung xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:

(1) Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây viết tắt là văn bản quy định chi tiết) được xem xét, đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản sau:

- Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy định chi tiết so với văn bản được quy định chi tiết;

- Nội dung quy định chi tiết so với quy định của văn bản được quy chi tiết.

(2) Tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết được xem xét, đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản sau:

- Không có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;

- Không có quy định mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản quy phạm pháp luật khác;

- Không có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định trong văn bản quy định chi tiết.

(3) Tính khả thi của văn bản quy định chi tiết được xem xét, đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản sau:

- Không có quy định không phù hợp với thực tế dẫn đến không thực hiện được;

- Không có quy định không rõ ràng, cụ thể dẫn đến không thực hiện được.

8. Thông tư số 13/2024/TT-BYT ngày 26/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc, có hiệu lực từ ngày 10/10/2024.

Theo đó, dược liệu được xem xét lựa chọn đưa vào Danh mục dược liệu độc làm thuốc khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

(1) Dược liệu có chuyên luận trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước trên thế giới, trong đó có thông tin dược liệu có độc, đại độc (trừ trường hợp ghi ít độc);

(2) Dược liệu có độc tính cao gây ảnh đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng;

(3) Dược liệu trong quá trình sử dụng gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng đã được biết hoặc được Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước ngoài khuyến cáo.

Bên cạnh đó, Thông tư số 13/2024/TT-BYTquy định Danh mục dược liệu độc làm thuốc bao gồm:

(1) Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ thực vật quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

(2) Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ động vật quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

(3) Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ khoáng vật quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

9.Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác, có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: (1) Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); (2) Tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Nghị định quy định về hồ sơ quản lý nhà, đất bao gồm các thành phần:

- Hồ sơ liên quan đến việc hình thành tài sản.

- Hồ sơ liên quan đến việc đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng tài sản.

- Hồ sơ liên quan đến biến động tài sản.

- Hồ sơ khai thác tài sản.

- Hồ sơ khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản (nếu có).

Thời hạn cho thuê nhà theo Nghị định số 108/2024/NĐ-CP tối đa là 05 năm. Trường hợp cho thuê nhà đối với nhà, đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định này thì thời hạn cho thuê nhà tối đa là 03 năm.Trường hợp gia hạn thời hạn cho thuê nhà thì thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn cho thuê lần trước liền kề.

10. Nghị định số110/2024/NĐ-CP ngày 30/8/2024 của Chính phủ về công tác xã hội, có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Theo đó, Nghị định quy định vềchính sách của Nhà nước về công tác xã hội bao gồm:

(1) Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

(2) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

(3) Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Nghị định số 110/2024/NĐ-CP quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội như sau:

(1)  Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

(2) Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

(3) Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

(4) Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.

(5) Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

(6) Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

11. Thông tư số 08/2024/TT-BXD ngày 30/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Trong đóThông tư quy định rõ cách đánh số nhà tại khu vực đô thị, khu vực nông thônphải đáp ứng 04 yêu cầu dưới đây:

(1) Đảm bảo việc xác định địa chỉ nhà và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu tiếp nhận thông tin, liên lạc, giao dịch dân sự, giao dịch thương mại và các giao dịch khác.

(2) Góp phần chinh trang đô thị, nông thôn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, dân cư, công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự, theo quy định của pháp luật.

(3) Việc đánh số và gắn biển số nhà được thống nhất với địa chỉ nhà trong hồ sơ xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

(4) Đánh số và gắn biển số nhà đảm bảo việc quản lý thông tin, dữ liệu về địa chỉ của tổ chức, cá nhân; đảm bảo về việc tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có yêu cầu.

Thông tư quy định việc đánh số nhà mặt đường, phố được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3..., n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7...), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8...).

Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai đường, phố khác nhau thì nhà đó được đánh số theo đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các đường, phố có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo đường, phố có cửa chính vào nhà hoặc đánh số theo đường, phố đã được đánh số liên tục.

Chiều đánh số nhà mặt đường, phố thực hiện theo quy định sau đây: Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.

12. Thông tư số 09/2024/TT-BTTTT ngày 30/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Theo Thông tư quy định, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông mà người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý bao gồm: (1) Báo chí; (2) Xuất bản, in và phát hành; (3) Phát thanh, truyền hình; (4) Thông tin điện tử; (5) Thông tin đối ngoại; (6) Thông tin cơ sở; (7) Bưu chính; (8) Viễn thông; (9) Tần số vô tuyến điện; (10) Công nghiệp công nghệ thông tin; (11) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; (12) An toàn thông tin mạng; (13) Giao dịch điện tử; (14) Quản lý doanh nghiệp nhà nước do Bộ TT&TT làm đại diện chủ sở hữu; (15) Chương trình, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực, nhiệm vụ được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10, 11, 12, 13, 14 nêu trên do người thôi giữ chức vụ, quyền hạn khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Thông tư số 09/2024/TT-BTTTT quy định về thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quy định thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý như sau:

(1) Đối với người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý thuộc danh mục quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 Điều 4 Thông tư này là đủ 12 tháng kể từ ngày thôi quyền hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

(2) Đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý thuộc danh mục quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 Điều 4 Thông tư này là đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

(3) Đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt chương trình, đề án, dự án quy định tại khoản 15 Điều 4 Thông tư này là thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.

13. Thông tư số 66/2024/TT-BTC ngày 06/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 21/10/2024.

Thông tư số 66/2024/TT-BTC quy định về các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên, cụ thể đối với kế toán viên trung cấp như sau:

(1) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

- Nắm được các chế độ, quy định kế toán ngành, lĩnh vực; các quy định cụ thể về hình thức và phương pháp kế toán áp dụng trong đơn vị, trong ngành;

- Hiểu rõ và tuân thủ Luật Kế toán, các chuẩn mực kế toán, các quy định của pháp luật khác về kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê và thông tin kinh tế có liên quan; có khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực công tác được phân công;

- Nắm được những nguyên tắc cơ bản về quy trình nghiệp vụ, quy trình luân chuyển chứng từ trong đơn vị;

- Có khả năng tiếp thu, nắm bắt các kỹ năng cần thiết như kỹ năng sử dụng máy tính, phần mềm kế toán, chứng từ điện tử, triển khai công việc theo đúng chỉ đạo của cấp trên;

- Sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.

(2) Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.

(3) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập hoặc chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật kế toán hoặc chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận.

14. Thông tư số 65/2024/TT-BTC ngày 05/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có hiệu lực từngày 21/10/2024.

Theo đó, Thông tư số 65/2024/TT-BTC sửađổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Thông tư số 03/2023/TT-BTC về các định mức xây dựng dự toán kinh phí ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư này là định mức tối đa áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước;

Căn cứ quy định tại Thông tư này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là các bộ, cơ quan trung ương) quy định nội dung và các mức chi cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện cho phù hợp trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quy định nội dung và mức chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của địa phương để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, nhưng tối đa không vượt quá định mức quy định tại Thông tư này.

Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các nội dung, định mức chi quy định tại Thông tư này để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương theo đúng quy địnhcủa Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn”.

15. Thông tư số 14/2024/TT-BYT ngày 06/9/2024 của Bộtrưởng Bộ Y tế hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền, có hiệu lực từ ngày 28/10/2024.

Thông tư số 14/2024/TT-BYT hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.Thông tư đã hướng dẫn phương pháp chung chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền gồm: phương pháp sơ chế, phương pháp phức chế và phụ liệu chế biến.

Trong đó, phương pháp sơ chế gồm: loại tạp, rửa, ngâm, ủ, thái phiến, cắt đoạn, phơi, sấy.

Phương pháp phức chế gồm: sao qua, sao vàng, sao vàng cháy cạnh, sao vàng hạ thổ, sao đen, sao cháy, chích rượu, chích gừng, chích muối, chích giấm, chích mật ong, sao cám, sao cách gạo, sao cách bột văn cáp, sao cách cát, sao cách đất, nung kín, nung hở, hỏa phi, nướng, thủy phi, phương pháp chung, đồ, nấu, tôi, rán dầu, …

16. Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều củaNghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.

Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 1 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về một số nội dung phạm vi điều chỉnh như sau:

(1) Giao, mua sắm, thuê, khai thác, quản lý vận hành, chuyển đổi công năng sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

(2) Mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.

(3) Quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(4) Khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước.

(5) Hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

(6) Công cụ tài chính quản lý rủi ro đối với tài sản công.

Bên cạnh đó, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước với thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương./.

Bảo Ngọc (tổng hợp).

Bài viết khác: