Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lưu dấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại đây, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của dân tộc đã có nhiều năm tháng hoạt động trong cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939, trong thời gian công tác tại Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Chính phủ và trong những năm tháng cuối đời.

Lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô vinh dự được Đại tướng quan tâm, dìu dắt, phát triển, hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng của lịch sử, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc, đó là 60 ngày đêm chiến đấu trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (1946) và 12 ngày đêm lập nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Thủ đô (1972).

dai tuong vo nguyen giap
Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh ở Hà Nội, ngày 26-8-1945, sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu

Sau Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), thực dân Pháp đưa quân ra miền Bắc, chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trên địa bàn Hà Nội và ngày càng tỏ rõ âm mưu đánh chiếm Thủ đô, lật đổ chính quyền cách mạng để kết thúc cuộc tái chiếm Đông Dương. Trước tình hình diễn biến phức tạp, để tăng cường lực lượng bảo vệ cho Hà Nội và các cơ quan Trung ương, ngày 19-10-1946, Chiến khu 11-tổ chức hành chính quân sự thống nhất của các LLVT Thủ đô Hà Nội được thành lập. Đến cuối tháng 11-1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng với Bộ chỉ huy và Ủy ban bảo vệ Chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu 11).

Tại cuộc họp, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp nêu rõ ba nhiệm vụ cần kíp bảo vệ Thủ đô theo Chỉ thị của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng. Đó là, phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch và giam chân chúng càng lâu càng tốt ở Hà Nội, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến. Đi đôi với tiêu diệt địch phải giữ gìn lực lượng. Theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng với toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Thủ đô Hà Nội phải nêu cao tinh thần anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu, làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự vệ chiến đấu, tự vệ thành và lực lượng công an...

Để chiến đấu chống lại đội quân thiện chiến của thực dân Pháp, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Thủ đô Hà Nội đặc biệt coi trọng vai trò của lực lượng tự vệ thành và hết sức tránh không mắc mưu khiêu khích của địch trước giờ nổ súng; đồng thời chỉ đạo Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và cơ quan tham mưu trong khi hoàn tất kế hoạch tác chiến trên phạm vi cả nước, phải hết sức giúp Bộ chỉ huy Khu 11 xây dựng và triển khai kế hoạch tác chiến của mặt trận Hà Nội.

Sau hơn một tháng chuẩn bị, qua nhiều lần trao đổi, ngày 13-12-1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã thông qua kế hoạch tác chiến tối ưu của mặt trận Hà Nội. Trên cơ sở bản kế hoạch tác chiến, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp chỉ thị Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cùng Khu trưởng Khu 11 Vương Thừa Vũ khẩn trương triển khai: Sử dụng lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật ở từng khu phố, dựa vào những nhà có kiến trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố, đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn, lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ.

Hà Nội là nơi thực dân Pháp có ý định đánh úp cơ quan đầu não và tiêu diệt LLVT của ta, trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. 20 giờ, ngày 19-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung-Nam-Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông ra mặt trận giết giặc cứu nước". 20 giờ 3 phút, điện trong toàn thành phố phụt tắt, pháo đài Láng nổ phát súng lệnh tổng công kích, Hà Nội mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Theo dõi sát tình hình, sáng 20-12, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Vương Thừa Vũ đã xuống phố Khâm Thiên kiểm tra từng vị trí bắn, động viên bộ đội tự vệ chiến đấu. Đồng chí Tổng chỉ huy dặn dò cán bộ, chiến sĩ Thủ đô: “Nêu cao hơn nữa truyền thống của Thủ đô. Phải giam chân địch, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến. Các đơn vị không vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch, cũng không vì một vài thất bại mà thiếu quyết tâm tin tưởng. Phải chuẩn bị chiến đấu trong những điều kiện khó khăn ác liệt nhất. Phải xứng đáng với vị trí của người cầm súng chiến đấu bảo vệ Thủ đô”.

Trong những ngày “Hà Nội khói lửa”, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hết sức quan tâm đến LLVT Thủ đô, chỉ đạo các cơ quan bảo đảm vũ khí, hậu cần cho các đơn vị chiến đấu trong nội thành, chỉ đạo cơ quan tham mưu điều chỉnh lực lượng, triển khai thế trận bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch “trong đánh, ngoài vây”. Khi nhận được báo cáo về sự ra đời của Trung đoàn Liên khu 1, ngày 6-1-1947, đồng chí đã gửi thư cổ vũ mạnh mẽ cho đơn vị chủ lực của LLVT Thủ đô: Theo đề nghị của đồng chí, Hội nghị quân sự Chúc Sơn đã họp quyết định trao cho Trung đoàn Liên khu 1 Hà Nội tên gọi chính thức là Trung đoàn Thủ đô. Đồng chí Võ Nguyên Giáp hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của Trung đoàn Thủ đô nên đã đề xuất nhiều biện pháp đi đôi với tổ chức thực hiện từng bước để giúp cho trung đoàn vượt qua khó khăn, thử thách, trưởng thành trước những tình huống hết sức ngặt nghèo.

Với quyết tâm “Thề sống chết với Thủ đô”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã gửi thư bày tỏ nguyện vọng tiếp tục ở lại giữ Liên khu 1 thêm một thời gian nữa. Trước quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã chấp thuận, đồng thời nhắc nhở đồng chí Vương Thừa Vũ phải đặc biệt chú ý giữ cho được hai vị trí ở phía Đông Liên khu 1 là nhà Xôva và Trường Ke, hai vị trí nằm trên đường ven đê sông Hồng, nơi có thể là đường rút quân của Trung đoàn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 18-2-1947, cuộc rút quân của Trung đoàn Thủ đô đã thành công trọn vẹn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã gửi thư động viên Trung đoàn: “Các chiến sĩ đã chiến đấu 2 tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam. Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo toàn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần. Cho đến ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm Thủ đô một nước độc lập, thống nhất”.

Tháng 12-1972, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và cơ quan Tổng hành dinh làm việc suốt ngày đêm trong Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Hai ngày trước khi Mỹ dội bom, Bộ Tổng Tư lệnh đã chuyển LLVT ba thứ quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Bộ đội radar phòng không và đơn vị trinh sát kỹ thuật Cục Quân báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã sớm phát hiện chính xác cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. Đại tướng, Tổng Tư lệnh luôn ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy cùng các đồng chí lãnh đạo khác chỉ huy chiến dịch phòng không quy mô lớn nhất, quyết giành thắng lợi buộc Mỹ phải thua trên bầu trời Hà Nội. Đại tướng đã chỉ thị cho các đơn vị phòng không Hà Nội: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”. Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị phòng không quốc gia, Đại tướng còn quan tâm thăm hỏi, động viên LLVT và nhân dân Thủ đô vượt qua đau thương, mất mát, chắc tay súng, bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội.

Bị thua đau trên bầu trời Hà Nội, ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã duyệt và cho công bố bản thông cáo chiến thắng, biểu dương chiến công oanh liệt của quân dân ta, tuyên dương công trạng của các quân, binh chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân, dân quân tự vệ và đồng bào địa phương, đặc biệt là quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, đánh rất giỏi, thắng rất to.

Phát huy tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong giai đoạn hiện nay, LLVT Thủ đô xác định bất luận trong hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để Hà Nội phát triển toàn diện, tương xứng với tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thực hiện quyết tâm đó, Bộ tư lệnh Thủ đô luôn coi trọng xây dựng LLVT ba thứ quân vững mạnh, trước hết về chính trị, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền, nhân dân Thủ đô. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng: Bộ đội thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ; xây dựng LLVT Thủ đô “tinh, gọn, mạnh”, đủ khả năng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Ý thức rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao trước nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội-địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, “trái tim” của cả nước, LLVT Thủ đô thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu với Thành ủy, UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc, đi vào chiều sâu, phù hợp với yêu cầu và đặc thù của Thủ đô.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng dấu ấn của vị Tổng Tư lệnh vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi còn lưu giữ với Thủ đô Hà Nội. Cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô nguyện sẽ làm theo lời Đại tướng căn dặn: Cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô cần phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội./.

Trung tướng NGUYỄN QUỐC DUYỆT,

Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: