Là chỉ huy trực tiếp lãnh đạo các đơn vị chủ lực tác chiến trên chiến trường, đồng chí Chu Huy Mân vừa có tài phát hiện vấn đề trên chiến trường, vừa có nhiều sáng kiến, cùng anh em, đồng chí, đồng đội giải quyết khó khăn, giành thắng lợi trong các trận đánh.
Đồng chí Chu Huy Mân sinh năm 1913, quê xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đồng chí tham gia cách mạng năm 1929 (đội phó Tự vệ đỏ xã), nhập ngũ năm 1945, được thăng quân hàm Đại tướng năm 1980; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Trong kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị là Phó bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân Khu 5 (1964 - 1965); Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên (1965 - 1967); Phó bí thư Khu ủy 5, Phó bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu 5 (1967 - 1975), đồng chí Chu Huy Mân đã cùng quân dân Khu 5 - Tây Nguyên vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của Đảng giao cho. Đặc biệt, trong công tác Đảng, công tác chính trị, đồng chí đã tập trung xây dựng con người và tổ chức vững mạnh, chiến đấu giỏi, dám đánh, biết đánh và quyết thắng.
Thiếu tướng Chu Huy Mân nhận nhiệm vụ từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu trước khi vào mặt trận Khu 5 và Tây Nguyên, năm 1966. Ảnh tư liệu.
PGS, TS Hoàng Trang, nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, đồng chí Chu Huy Mân thuộc lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, sớm được tiếp thu lý luận cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng chí Chu Huy Mân tham gia lực lượng vũ trang cách mạng và được trao nhiệm vụ làm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội từ rất sớm. Thực hành công tác này, đồng chí Chu Huy Mân hiểu sâu sắc tư tưởng nhân văn cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng lực lượng vũ trang, thực hành chiến tranh cách mạng là cần thiết, nhưng trước hết cần xây dựng được con người Việt Nam dám cầm súng và biết sử dụng súng đúng. Bởi vậy, người chỉ huy bộ đội không phải chỉ biết ra những mệnh lệnh quân sự, mà trước hết phải biết xây dựng các chiến sĩ quân đội thành những người có lý tưởng cách mạng sâu sắc và quyết tâm chiến đấu, hy sinh cho độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc của nhân dân.
Nhìn lại trận đánh Kỳ Sanh tại Quảng Nam năm 1964, khi đó, để phục vụ kế hoạch tác chiến Thu - Đông, bộ đội ta phải vận động trên địa hình trống trải, giữa hệ thống cứ điểm dày đặc của địch, chúng có thể phát huy được máy bay, pháo binh, cơ giới tấn công quân ta. Trước khi xuất quân, đồng chí Chu Huy Mân tới động viên bộ đội, nhận thấy tinh thần chiến đấu tốt, sức khỏe bộ đội được cải thiện, tuy nhiên chỉ có chưa đến hai chục xẻng, cuốc, khó đào công sự xong trong đêm. Suy nghĩ một lúc, đồng chí Chu Huy Mân mượn dao và rồi cùng vài đồng chí ra rừng tìm một cây gỗ thật cứng, chặt một đoạn vót nhọn. Sau đó, tập hợp bộ đội, đồng chí vừa cầm cây cọc gỗ vót nhọn và vừa nói:
“Các đồng chí! Xưa kia Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng bằng những cây cọc gỗ như thế này, tất nhiên là lớn hơn, dài hơn. Ngày nay, các đồng chí hãy noi gương cha ông, dùng những cọc gỗ để đánh Mỹ, ngụy. Gỗ có thể đâm thủng thuyền giặc, thì gỗ cũng có thể dùng để đào công sự chiến đấu”. (Trích Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân, 2010, tr.70)
Các đồng chí bộ đội hiểu được ý của đồng chí Chu Huy Mân, liền tỏa vào rừng, mỗi người chặt một đoạn cây, vót nhọn để thay cuốc, xẻng. Đêm đó, hiệu quả đào công sự cá nhân của bộ đội khá tốt.
Theo đúng kế hoạch, đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10-8-1964, một bộ phận của Tiểu đoàn 90 Trung đoàn 1 tiến công tiêu diệt 1 đại đội quân ngụy ở thôn 8, xã Kỳ Sanh. Những công sự đào vội bằng những cọc gỗ vót nhọn chỉ sâu đến thắt lưng, cũng đủ để chiến sĩ ta vững tâm chờ địch.
9 giờ 35 phút ngày 10-8, đại bộ phận quân địch đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Quân ta lập tức xông lên truy diệt gần 100 tên địch nữa. Ta thương vong 41. Tuy chưa diệt gọn được toàn bộ quân địch nhưng đây là trận đầu tiên Tiểu đoàn bộ binh 90 đã trụ vững ở địa bàn đồng bằng.
Nói về Chu Huy Mân, có thể thấy, ngoài tài dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường, đồng chí còn là người luôn gần gũi, sâu sát, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần đồng chí, đồng đội vào những thời điểm khó khăn trong thời kỳ kháng chiến.
Một trong những giai đoạn khó khăn ấy, phải kể đến thời kỳ sau chiến thắng Plây Me - Ia Đrăng năm 1965. Tuy thắng lợi nhưng thương vong của quân ta tương đối cao, mỗi đại đội chỉ còn hơn nửa quân số, lại phải ăn uống kham khổ thiếu thốn. Thời điểm đó, trong hầu hết các đơn vị đều nảy sinh hiện tượng sinh hoạt rời rạc, kỷ luật nội bộ không nghiêm, kỷ luật dân vận sút kém, thậm chí có những hành động xấu. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cán bộ dù đã qua chiến đấu ác liệt, chiến thắng vẻ vang nhưng lập trường chính trị, ý chí chiến đấu chưa được rèn luyện vững chắc, buông lỏng lãnh đạo tư tưởng, quản lý sinh hoạt cán bộ cấp dưới và chiến sĩ. Trong lúc khó khăn, thái độ của cán bộ đối với chiến sĩ thiếu ân cần chăm sóc và hay nặng lời khiến cấp dưới và chiến sĩ càng chây lười, nên mệnh lệnh không có hiệu lực. Nội bộ một số đơn vị mất đoàn kết dẫn đến quan hệ quân dân có những biểu hiện xấu. Những thiếu sót này cần kịp thời chấn chỉnh tránh mất sức chiến đấu nghiêm trọng.
Thượng tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) thăm hỏi các cán bộ Quân đội chuẩn bị đi công tác các tỉnh miền núi (tháng 11-1977). Ảnh: TTXVN
Trước tình hình trên, Đảng ủy Mặt trận chủ trương tiến hành củng cố bộ đội toàn diện. Nội dung đợt chỉnh huấn chính trị lần này tập trung quán triệt học tập truyền thống và bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Đồng thời, phát động tư tưởng cho cán bộ nói hết tâm tư vướng mắc của mình, qua đó trao đổi cùng nhau giải quyết. Đối với cán bộ trung, cao cấp phải tự giác đề cao tự phê bình và phê bình, mỗi người làm hai bản kiểm điểm một bản nêu rõ ưu điểm và một bản nêu rõ những suy nghĩ và hành động trái với truyền thống và bản chất cách mạng của Đảng và Quân đội ta.
Cuối đợt chỉnh huấn chính trị, đồng chí Chu Huy Mân cầm hai tập giấy khá dày nói: “Đây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy, để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài, còn đây là những bản trình bày khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng và nhận rõ mỗi người đều có phương hướng phấn đấu cụ thể, thiết thực nên không cần phải giữ lại nó nữa. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản về khuyết điểm”. (Trích Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân, 2010, tr.99)
Đợi cho những tờ giấy cuối cùng cháy thành tro, đồng chí Chu Huy Mân mời chính ủy các trung đoàn lên rồi trao cho mỗi đồng chí một sợi dây thừng để trói tù binh Mỹ trong tiếng vỗ tay vang dậy cả một cánh rừng, mỗi cán bộ với lòng tin và niềm vui ai cũng háo hức về củng cố và nâng cao sức chiến đấu của đơn vị mình, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới, thực hiện tốt kế hoạch của trên.
Theo PGS, TS Hoàng Trang, đồng chí Chu Huy Mân hiểu sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải biết thương yêu chiến sĩ của mình như anh em ruột thịt trong gia đình, phải biết quý máu xương chiến sĩ, phải hiểu rõ tư tưởng, tình cảm của mỗi người mà giải thích, bàn bạc, thuyết phục họ, từ đó mà ra mệnh lệnh, cùng họ thực hiện mệnh lệnh. Đó là chủ nghĩa nhân văn, là phương pháp đắc nhân tâm mà đồng chí Chu Huy Mân tiếp thu từ tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hành trong thực tiễn./.
THÙY ANH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Bảo Ngọc (st)