Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Thông qua những tác phẩm như Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Di chúc và những bài nói, bài viết, những lần đi thăm Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong những năm 1945 -1969, Hà Nội luôn hiển hiện sâu đậm trong trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ha noi bac ho 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội, ngày 16-10-1954. Ảnh: Tư liệu

HÀ NỘI - NƠI KHAI SINH NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn - nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nơi Người chọn để trở về là Hà Nội. Lần này, sau khi đi từ Thái Nguyên, qua Phúc Yên về thủ đô (đi đò qua sông Hồng), Người đến đình Phúc Xá, rồi nghỉ tối ngày 23/8/1945 ở làng Gạ (Phú Thượng, Từ Liêm). Ngày 26/8/1945, Người chuyển đến nhà 48 Hàng Ngang, nơi Người viết bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiều quyết sách để vừa chống “thù trong, giặc ngoài”, vừa quyết liệt chuẩn bị tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I với chế độ phổ thông đầu phiếu, tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín.

Trước ngày Tổng tuyển cử, tại Thủ đô Hà Nội, 118 chủ tịch các ủy ban nhân dân và tất cả các đại biểu làng xã tại Hà Nội đã nhất trí công khai kiến nghị “yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Song đáp lại nguyện vọng trên, ngày 15/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ngoại thành Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoài thành Hà Nội”(1). Ngày 10/12/1945, trong danh sách ứng cử viên khu vực Hà Nội được niêm yết rộng rãi (74 ứng cử viên, chọn lấy 6 đại biểu), Người đứng thứ 2 sau cụ Nguyễn Văn Tố. Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử đại biểu Quốc hội với 98,4% số phiếu bầu.

Tháng 12/1946, với dã tâm tái xâm lược Việt Nam một lần nữa, thực dân Pháp ngày càng trắng trợn và ngang nhiên phá hoại những điều khoản của “Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp” (6/3/1946), “Tạm ước Việt - Pháp” (14/9/1946). Ngày 19/12/1946, khi Bộ Chỉ huy quân đội Pháp đã gửi tối hậu thư thứ 3 trong 2 ngày yêu cầu ta đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, tước vũ khí của tự vệ Hà Nội, trao việc duy trì trật tự an ninh của Hà Nội cho Pháp… thì tại Vạn Phúc, Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời hịch của Người đã cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

ha noi bac ho 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị "quyết tử" của Hà Nội đầu năm 1947.
 Ảnh:  TTXVN

Đầu tháng 4/1947, việc dời chuyển các cơ quan Đảng và Chính phủ lên ATK Việt Bắc đã hoàn thành. Cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ, một Hà Nội “trong vòng vây của kẻ thù” luôn nhận được sự quan tâm của vị Chủ tịch Chính phủ kháng chiến. Đó là sự ghi nhận, nhắn nhủ, cổ vũ, động viện những người chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô - khi đội quân này nhận mật lệnh rút khỏi Hà Nội và khẳng định “lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em”(2); là gửi lời khen và khẳng định “đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc” vì phải đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết, đau đớn, hy sinh, cực khổ mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết trong Thư gửi đồng bào vùng Hà Nội (4/1949)… Trong sự sẻ chia và tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ, Hà Nội trong vòng vây của kẻ thù, nhưng luôn kiên trung, bất khuất, vững vàng, tỉnh táo trước hiểm nguy để vừa “đẩy mạnh công tác dân vận, ngụy vận, địch vận”, vừa cùng cả nước mở rộng thắng lợi trên các chiến trường, chuẩn bị cho ngày kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Dù đã di chuyển lên Việt Bắc “Thủ đô gió ngàn” và bộn bề việc nước, việc quân, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt dành sự quan tâm cho quân dân Thủ đô. Người luôn dõi theo mỗi thắng lợi, mỗi bước phát triển của quân dân Hà Nội cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước trong những năm tháng gian lao kháng chiến với tình cảm yêu thương, sự sẻ chia, cổ vũ… Tình cảm, sự quan tâm của Người đã động viên quân dân Thủ đô kiên cường, quyết chiến, quyết thắng cùng cả nước làm nên thắng lợi của trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

ha noi bac ho 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/1/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh tư liệu.

Theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954), miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng và vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Để chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô, cho lần thứ hai “về” Hà Nội, ngày 5/9/1954, tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện và căn dặn cán bộ, nhân viên các cơ quan Trung ương, các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong… phải luôn luôn giữ gìn đạo đức và nhân cách của mình. Theo lời Người, “bom đạn của địch không nguy hiểm” bằng “đạn bọc đường”, vì nó “làm hại mình mà mình không thấy”, cho nên mỗi người phải luôn ghi nhớ: “Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là Cần, Kiệm, Liêm, Chính (…) Về xuôi phải làm gương mẫu trong mọi việc, phải tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân. Gương mẫu trong lời nói, việc làm sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến”(3).

Ngày 19/9/1954, trên đường trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô và khẳng định rằng: “Bác cháu ta gặp nhau tại đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước… Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”(4). Trước ngày 10/10/1954, Người căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành Hà Nội 10 điều kỷ luật; trong đó khuyên bộ đội 4 điều nên tránh: “Chớ tự kiêu, tự mãn. Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện. Chớ để lộ bí mật. Chớ xa xỉ, tham ô, lãng phí” và yêu cầu bộ đội 6 điều phải làm: “Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân. Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh. Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng. Phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Phải làm đúng 10 điều kỷ luật. Phải luôn luôn cảnh giác, và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng”(5)… Những chỉ dẫn, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô không chỉ thể hiện sự kịp thời, sâu sát thực tiễn của Người, mà còn góp phần cổ vũ, động viên các lực lượng phát huy tinh thần “kiểu mẫu anh dũng” trong kháng chiến để giành thắng lợi sẽ tiếp tục làm “kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hoà bình” khi về tiếp quản Thủ đô.

ha noi bac ho 4

VỪA BẢO VỆ, VỪA XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ VỮNG MẠNH

Mừng Thủ đô giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Chính phủ và nhân dân Hà Nội hãy đoàn kết nhất trí, giữ gìn trật tự trị an, vượt qua mọi khó khăn trong hoàn cảnh mới để cùng khôi phục, củng cố, phát triển Thủ đô để “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” (10/10/1954). Chuẩn bị chu đáo cho lễ duyệt binh ngày 1/1/1955, chiều 31/12/1954, Người dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại Đài liệt sĩ Hà Nội. Kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ, diễn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự hy sinh to lớn vì Tổ quốc, vì dân tộc của các liệt sĩ: “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”. Sự hy sinh vô giá đó đã góp phần làm cho Thủ đô và miền Bắc được giải phóng, vì vậy anh linh của các liệt sĩ sẽ bất diệt trong lòng Tổ quốc.

Nhận thức sâu sắc rằng, không chỉ tiếp quản Thủ đô, mà còn phải ổn định, xây dựng và phát triển Thủ đô thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ nỗ lực trong từng quyết sách để đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ; đôn đốc việc đắp đê phòng chống lũ lụt; chống hạn hán; quan tâm xây dựng phong trào thi đua ở các bệnh viện, trạm xá; chú trọng công tác quản lý hộ khẩu, các hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội… để vừa ổn định cuộc sống của người dân, vừa làm cho Hà Nội được khôi phục và phát triển sau chiến tranh. Đồng thời, Người cũng dành thời gian đi thăm nhà máy điện Hà Nội; thăm cán bộ và công nhân nhà máy Cơ khí Hà Nội; thăm bệnh viện, nhà trẻ, thăm các đơn vị bộ đội, công an; thăm giáo viên và học sinh trường phổ thông cấp III Chu Văn An; gửi thư cho cán bộ công nhân, chiến sĩ xưởng may 10; đến dự các hội nghị, các cuộc họp bàn về Hà Nội, dự các Đại hội Đảng để kịp thời động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Tuy còn phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “hoan nghênh tinh thần đoàn kết nhất trí và làm việc khẩn trương của Hội đồng nhân dân Thủ đô Hà Nội” và mong Hội đồng “sẽ ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hăng hái tham gia thực hiện mọi chủ trương công tác của Đảng và Chính phủ  và những quyết nghị của Hội đồng nhân dân (…) Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”(6).

Ngày 29/8/1958, dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về mở rộng thành phố Hà Nội theo kế hoạch dài hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời, địa lợi và nhân hòa… Do đó, “công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí”. Ngày 12/9/1959, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Người không chỉ nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện trong xây dựng “phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội”, mà còn chỉ rõ yêu cầu “quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp”. Ngày 16/11/1959, khi dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội, Người căn dặn “thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...) để tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước rồi mới làm để tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh, nhiều, tốt, rẻ”(7)…

ha noi bac ho 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đề án quy hoạch xây dựng Thủ đô tháng 11-1959

Từ năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã kịp thời lãnh đạo chuyển hướng mọi mặt công tác để tổ chức và tăng cường lực lượng quốc phòng, chăm lo công tác phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và giải quyết những khó khăn cho nhân dân miền Bắc, nhân dân Hà Nội phù hợp với tình hình “thời chiến”; đồng thời, thực hiện 5 nhiệm vụ cụ thể để “thiết thực xây dựng hậu phương miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam”. Thời kỳ này, Người gửi nhiều thư khen bộ đội, quân và dân Hà Nội đã đạt thành tích trong lao động sản xuất, trong giữ gìn an ninh trật tự, trong bắn rơi máy bay Mỹ và động viên các phong trào thi đua của công nhaanh, nông dân, thanh niên, học sinh Hà Nội, v.v..

Dù Hà Nội phải hứng chịu bom đạn phá hoại của kẻ thù, nhưng Lời kêu gọi của Người đã được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng 17/7/1966; trong đó khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(8). Ghi dấu lời Người phải chú trọng bảo vệ Hà Nội, bảo vệ không phận Hà Nội và “Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu sau khi thua trận trên bầu trời Hà Nội”, bộ đội, quân dân Thủ đô đã không chỉ “dự kiến mọi tình huống”, mà còn chủ động, linh hoạt, chuẩn bị sẵn sàng để đập tan cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) vang dội, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).

Để Hà Nội được xây dựng, bảo vệ và phát triển trong điều kiện vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình; và nhất là để “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và “có thể làm gương mẫu cho cả nước noi theo”, thì cùng với việc ổn định, chăm lo, quy hoạch, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự… của Thủ đô là việc phải xây dựng Đảng bộ Hà Nội trong sạch, vững mạnh. Dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội ngày 25/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng của Hà Nội “phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”; “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”(9). Đặc biệt, khi dự và nói chuyện với đại biểu Đảng bộ Hà Nội ngày 1/2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu đội ngũ cán bộ Thủ đô “cần phải không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng và một lòng một dạ phục vụ nhân dân” và yêu cầu “phải thực hiện thật thà tự phê bình, và thành khẩn phê bình, để tiến bộ không ngừng”, mà còn thẳng thắn vạch rõ những sai lầm, khuyết điểm của không ít cán bộ như “quan liêu, mệnh lệnh, xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân”… Tại Hội nghị ngày 18/12/1964, khẳng định then chốt của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chính là xây dựng chi bộ, Người yêu cầu đảng viên “phải ghi nhớ và thực hiện tốt 10 nhiệm vụ của mình” và “nêu tóm tắt sáu tiêu chuẩn đảng viên và yêu cầu Đảng bộ, đảng viên Hà Nội phải thực hiện đúng”. Đồng thời, Người nhấn mạnh yêu cầu “các đảng bộ, các chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào  tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành một vòng đai đỏ của thủ dô xã hội chủ nghĩa”(10). Cùng với đó, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, Người khẳng định nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên mới phải luôn “xác định rõ phương hướng và mục tiêu rèn luyện, phấn đấu”; “tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình” và nhất là “phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ”(11) …

ha noi bac ho 6
Các đại biểu đi tham quan không gian trưng bày chuyên đề "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội"

Trong 17 năm (từ 1945 -1946 và từ 1954 - 1969), Hà Nội không chỉ 2 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, hưởng ứng lời kêu gọi của Người để cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), mà còn đóng góp vật chất và sức mạnh tinh thần cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc (vừa kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc, vừa kiến quốc để xây dựng, phát triển đất nước) thông qua các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt... Hà Nội không chỉ có nhiều địa danh gắn với Người trên những chặng đường đấu tranh cách mạng, mà còn có Ba Đình, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi lòng dân Hà Nội và đồng bào cả nước luôn hội tụ, kiên trung hướng về. 17 năm gắn bó với Hà Nội, tư tưởng, tình cảm, những chỉ dẫn, lời căn dặn sâu sắc của Người trong những bài viết, bài nói, bài phát biểu với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, an ninh quốc phòng; phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục cũng như sự quan tâm, chăm lo của Người với cán bộ, công nhân, đội ngũ y bác sĩ, phụ nữ, thanh thiếu niên nhi đồng, các lực lượng vũ trang,.. mỗi khi đến thăm các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trạm xá, trận địa, các địa phương của Thủ đô luôn là di sản vô giá, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

ha noi bac ho 7

Thấm nhuần những lời dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, đoàn kết một lòng xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, trường tồn như những cây xanh, cây đa Người trồng ở công viên Thống Nhất; ở xã Đông Hội, Đông Anh; ở Vật Lại, Ba Vì… để làm nên một Hà Nội xanh - sạch - đẹp. Một Thủ đô với bề dày truyền thống hơn ngàn năm tuổi luôn được bảo tồn và phát triển đã ngày một rộng mở, xứng đáng với vị thế một Thủ đô xã hội chủ nghĩa trước những thách thức của hôm nay và mai sau. Một Hà Nội cổ kính, truyền thống trong hào hùng lịch sử; kiêu hãnh trong lửa đạn chiến tranh; thơ mộng, hào hoa, hòa bình, xanh - sạch - đẹp trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Một Hà Nội không chỉ luôn là “trái tim của cả nước” mà còn là điểm đến yêu thích của du khách và các nhà đầu tư quốc tế. Đó là một Hà Nội tràn đầy “niềm tin yêu và hy vọng”, một Hà Nội - thành phố vì hòa bình luôn nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, mọi người dân Việt Nam và bà con kiều bào ở xa Tổ quốc cũng như bạn bè quốc tế./. 

 

Trần Thị Kim Ninh

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Thanh Huyền (st)

____________________________________________

(1) (4) (5) (7) (10) (11) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, t.3, tr.89, 409 - 410, 415 - 416, 298 - 299, 132, 113.  

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.45.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.47.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.245 - 246.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131.

 (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.172 - 173.

Bài viết khác: