Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Ngày 08/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định gồm 08 Chương và 53 Điều áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

 quyen tu do

1. Quyền tự do lập hội và quyền hội họp

Là “thực thể sinh vật xã hội”, con người không chỉ có những nhu cầu vật chất cá nhân, mà còn có đời sống tập thể với các hội, nhóm trong xã hội. Vì lẽ đó, quyền tự do lập hội và quyền hội họp là những quyền cơ bản, có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng với con người. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948 đã ghi nhận quyền tự do lập hội cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình được tại Điều 20. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966 lại một lần nữa khẳng định điều này tại Điều 22: “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Tuy nhiên, quyền tự do lập hội và quyền hội họp không phải là các quyền tuyệt đối, mà có thể bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ các quyền, tự do, sức khỏe của người khác.

Ở nước ta, quyền tự do lập hội và quyền hội họp bắt đầu được chính thức ghi nhận tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Luật quy định quyền lập hội đã được Quốc hội biểu quyết thông qua trong khóa họp thứ VI, và ngày 20/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 102/SL/L004 ban bố ban bố luật quy định quyền lập hội. Tuy còn rất sơ lược, nhưng Sắc lệnh là sự khởi đầu cụ thể hóa về quyền lập hội và quyền hội họp của nhân dân.

Trên cơ sở luật về quyền lập hội, ngày 21/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Sau gần 15 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần được kịp thời khắc phục.

Theo đề nghị của Bộ Nội vụ, ngày 08/10/2024,  Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

2. Những điểm mới cơ bản của Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

2.1. Về kết cấu chung của Nghị định

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP gồm 08 Chương, 53 Điều, bao gồm: Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 10); Chương II: Thành lập hội (từ Điều 10 đến Điều 17); Chương III: Tổ chức của hội (từ Điều 18 đến Điều 22); Chương IV: Hoạt động của hội (từ Điều 23 đến Điều 30); Chương V: Đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đình chỉ có thời hạn và giải thể hội (từ Điều 31 đến Điều 36); Chương VI: Một số quy định đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (từ Điều 37 đến Điều 42); Chương VII: Quản lý nhà nước đối với hội (từ Điều 43 đến Điều 50); Chương VIII: Điều khoản thi hành (từ Điều 51 đến Điều 53).

Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP không áp dụng với các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Về tổng thể, so với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP thì Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định bao quát hơn, đồng thời có nhiều quy định cụ thể, chi tiết; phân cấp, phân quyền rõ ràng. Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định rõ hơn về quyền, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương trong việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội về kinh phí, ngân sách; quy định đã giao nhiệm vụ là được bảo đảm kinh phí ngân sách. Nhiều vấn đề mới nổi bật được quy định trong Chương VI “Một số quy định đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”; trong đó, thể hiện rõ chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

2.2. Về thành lập và hoạt động của hội

Về điều kiện thành lập hội, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định như sau:

1) Tên gọi của hội phải đảm bảo các điều kiện sau: Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

2) Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

3) Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

4) Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 126/2024/NĐ-CP.

5) Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 126/2024/NĐ-CP.

6) Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác: Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi cấp xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

7) Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.

Về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể theo hướng phân cấp, phân quyền: 

- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn.

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã.

Về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội, Điều 38 nêu rõ: Hội được cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tham gia ý kiến trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp; được tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, đề tài, dự án theo đề nghị của cơ quan nhà nước; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao; được tổ chức một số hoạt động kinh tế; được tiếp nhận nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước gắn với tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao… đúng quy định của pháp luật.

Về nghĩa vụ, trách nhiệm của hội, so với Nghị định 45, quy định báo cáo có điểm mới là: “Định kỳ 06 tháng, 01 năm và khi có yêu cầu gửi báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đến các cấp có thẩm quyền theo quy định”.

2.3. Về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

Chương VI của Nghị định số 126/2024/NĐ-CPcó nhiều điểm mới với các điều quy định chi tiết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội; chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; cơ quan lãnh đạo hội; chủ tịch, phó chủ tịch và quy trình nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội.

Chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được thể hiện ở Điều 39; trong đó quy định: Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, bao gồm: Chi lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác theo quy định đối với người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội; Chế độ thù lao cho những người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách của hội; Chi thực hiện hoạt động thường xuyên tính theo định mức phân bổ chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể như cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương theo số biên chế được giao.

Quy trình giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được phân chia theo tiêu chí hội ở Trung ương và hội ở địa phương. Cụ thể như sau:

- Các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương: Đối với nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của hội đã có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền được phân công theo dõi, chỉ đạo hội trong đó xác định rõ nhiệm vụ được ngân sách nhà nước hỗ trợ (chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ), hội lập dự toán gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Đối với nhiệm vụ do các bộ, ngành ở Trung ương giao cho hội thì nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan giao nhiệm vụ; đối với nhiệm vụ được bố trí từ kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia đó.

- Các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương: Căn cứ nội dung hỗ trợ kinh phí, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật. Việc hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi toàn quốc; ngân sách địa phương đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã) và khả năng huy động các nguồn lực tài chính của các hội.

Về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Điều 40 xác định người làm việc thường xuyên tại hội gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách; người làm việc tại đơn vị tham mưu, giúp việc trong biên chế được giao; người làm việc theo hợp đồng.

Người trong độ tuổi lao động có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức và thực hiện chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Người làm việc tại hội không thuộc đối tượng trên, được hưởng tiền công và chế độ, chính sách khác do hội quyết định phù hợp với yêu cầu công việc và nguồn tài chính hợp pháp của hội, bảo đảm tương quan hợp lý trong nội bộ hội và theo quy định của pháp luật về lao động.

Đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách được hưởng chế độ thù lao theo quy định của pháp luật; kinh phí chi trả thù lao cho các đối tượng này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm cho hội.

 Các cơ quan lãnh đạo hội, gồm: Đại hội toàn quốc; ban chấp hành, ban thường vụ hội; thường trực hội (chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách) là cơ quan điều hành công việc hàng ngày của hội (Điều 41). Quy định về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ và quy trình nhân sự của chủ tịch, phó chủ tịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra… do hội quy định phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội (Điều 42).  

2.4. Về quản lý nhà nước đối với hội

Chương VII “quản lý nhà nước đối với hội” quy định cụ thể hơn, quy định rõ trách nhiệm (về quản lý và bảo đảm) của: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao; các bộ và cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. 

Trong đó, trách nhiệm của Bộ Nội vụ được quy định như sau:

1) Xây dựng trình hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hội.

2) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, hội và tổ chức, công dân thi hành pháp luật về hội.

3) Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn. Thực hiện thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 126/2024/NĐ-CP. Lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động của hội khi giải quyết các thủ tục về hội thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

4) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của hội.

5) Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về hội.

6) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ; trừ các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và hoạt động của tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội.

7) Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với hội, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.

8) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến quyết định hành chính của bộ và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức ở các tổ chức thuộc bộ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

9) Giúp Chính phủ quản lý biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

10) Phê duyệt các khoản viện trợ, kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ của hội do Bộ Nội vụ quyết định cho phép thành lập, phê duyệt Điều lệ hội theo quy định của pháp luật.

11) Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

12) Xây dựng, vận hành, quản lý cơ sở dữ liệu về hội; cập nhật cơ sở dữ liệu hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh.

13) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Hiệu lực thi hành của Nghị định số 126/2024/NĐ-CP

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP không chỉ là một khung pháp lý nhằm quản lý các hội đoàn, mà còn là công cụ để nhà nước hỗ trợ và giám sát hoạt động của các tổ chức này. Với các quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập, quản lý tài sản, và minh bạch trong hoạt động, Nghị định giúp đảm bảo rằng các hội đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Ngoài ra, Nghị định còn khuyến khích các hội đoàn tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh tế, và chính trị; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các hội trong khuôn khổ pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức xã hội tại Việt Nam, góp phần tạo nên một cộng đồng đoàn kết, gắn bó và phát triển bền vững.

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Đồng thời,  bãi bỏ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 về việc quy định hội có tính chất đặc thù và Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù./.

Lương Lê Minh (Tổng hợp)

Bài viết khác: