Quân đội nhân dân Việt Nam từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Quân đội là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội đã thể hiện rõ vai trò to lớn, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Mẫu biểu trưng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội QPTD.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tạo dựng nên truyền thống đại đoàn kết toàn dân, một giá trị tinh thần bền vững, một điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đoàn kết tự bao giờ đã là lẽ sống tự nhiên, đã ăn sâu vào máu thịt của con người Việt Nam, trở thành giá trị văn hóa bền vững, thành chuẩn mực xã hội. Đoàn kết, tự lực tự cường còn là điều kiện quyết định sự tồn tại của dân tộc Việt Nam trước họa xâm lăng. Đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh chiến đấu đủ sức đương đầu và đánh thắng kẻ thù trong cuộc chiến tranh giải phóng hoặc bảo vệ Tổ quốc mà còn phát động được sức mạnh của cả cộng đồng chống lại sự đồng hóa cả tự nhiên và cưỡng bức, bảo vệ và phát triển, phát huy bản sắc dân tộc nguồn sức sống tiềm tàng của mỗi dân tộc.
Đoàn kết là bài học xương máu, sống còn của dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” [1].
Cách mạng Việt Nam từ khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề đại đoàn kết toàn dân luôn được đặc biệt quan tâm. Đại đoàn kết toàn dân là đường lối cơ bản, lâu dài, được Đảng ta thực hiện nhất quán trong toàn bộ tiến trình lịch sử từ khi có Đảng. Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đại đoàn kết toàn dân tạo nên sự thống nhất về chính trị tư tưởng và hành động của toàn xã hội làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại chia rẽ của các thế lực thù địch.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là toàn bộ sức mạnh nội lực của đất nước, dân tộc ta bao gồm sức mạnh của các nhân tố tích cực và tốt đẹp của dân tộc, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, sức mạnh của ý chí, trí tuệ và lương tâm Việt Nam, sức mạnh của lý tưởng cách mạng và giá trị văn hóa bền vững của dân tộc, sức mạnh của truyền thống và hiện đại. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là sức mạnh của mỗi nhân tố trong thực thể dân tộc và đất nước Việt Nam, đồng thời đó là sự cộng hưởng, sự tổng hợp sức mạnh của các nhân tố đó thành một nguồn động lực thống nhất, thành sức mạnh vĩ đại mà không một thế lực nào phá vỡ nổi.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay, Đảng đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế, tạo bước phát triển vượt bậc. Nhờ đó, “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [2]. Và để giữ vững và phát triển được thành tựu, vị thế đó, việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân càng quan trọng hơn bao giờ hết, là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò rất to lớn.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, mang bản chất của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện, là quân đội của dân, do dân và vì dân, từ Nhân dân mà ra vì Nhân dân mà chiến đấu và phục vụ. Quân đội ta là công cụ bạo lực sắc bén của nền chuyên chính vô sản để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới và cuộc sống lao động hòa bình của Nhân dân.
Quân đội nhân dân Việt Nam có chức năng là đội quân sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất góp phần xây dựng đất nước. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn được Đảng và Nhân dân tin cậy, giao phó những nhiệm vụ cách mạng rất nặng nề, song cũng hết sức vẻ vang. Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xứng đáng là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Trong giai đoạn cách mạng mới, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, sự trưởng thành của quân đội gắn liền với sự đùm bọc, che chở nuôi dưỡng của Nhân dân, sự giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Sức mạnh chiến đấu của quân đội ta bắt nguồn từ sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, sức mạnh của cách mạng, của Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trực tiếp tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội. Mặt khác, quân đội ta với bản chất của giai cấp công nhân, có vai trò to lớn, vinh dự vẻ vang, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân do Đảng lãnh đạo. Đây không chỉ là vinh dự, trách nhiệm chính trị mà còn là tình cảm cách mạng sâu sắc của quân đội ta đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Từ tính chất, đặc điểm hoạt động quân sự, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, quân đội ta lại thường xuyên gần gũi tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo ở mọi miền của Tổ quốc, nên quân đội ta có nhiều thuận lợi góp phần cùng toàn Đảng và toàn dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tiễn lịch sử vẻ vang 80 năm qua của quân đội ta đã khẳng định, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng đặc biệt quan trọng, có vai trò nòng cốt, hoạt động có chất lượng và hiệu quả trong tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Trong bối cảnh mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam lại càng có trách nhiệm to lớn hơn nữa góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp to lớn của toàn dân tộc.
Các thế lực đế quốc, thực dân, phản động từ trước đến nay luôn tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và phá hoại sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Hiện nay và thời gian tới, chúng lại càng ráo riết đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, trên mọi lĩnh vực, kết hợp với gây bạo loạn, đe dọa chiến tranh với những thủ đoạn vô cùng thâm độc, tinh vi. Trong chiến lược chống phá cách mạng, chúng đặc biệt lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị và làm ta suy yếu. Vì vậy quân đội ta cần phải cùng toàn Đảng, toàn dân luôn có ý thức cảnh giác cách mạng, không mơ hồ bản chất của chúng, không chủ quan bị động trước mọi tình huống. Đồng thời phải chủ động phòng, chống có hiệu quả để vô hiệu hóa và làm phá sản các âm mưu thủ đoạn của chúng. Công tác dân vận cần chủ động vạch trần, lên án những mưu đồ đen tối của kẻ thù; công tác chính trị tư tưởng phải bảo vệ vững chắc quan điểm đường lối của Đảng, an ninh chính trị nội bộ và an ninh quốc gia. Tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh. Kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế, quốc phòng - an ninh - kinh tế với đối ngoại. Xây dựng các địa bàn chiến lược nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo có lực lượng chiến đấu tại chỗ vững mạnh. Quốc phòng, an ninh phải bám sát dân, dựa vào dân và hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân tự bảo vệ và đánh trả địch tiến công cả vũ trang và phi vũ trang. Đặc biệt, phải xây dựng quân đội, công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao, đánh thắng địch trong bất cứ tình huống nào. Kịp thời xử lý có hiệu quả, khôn khéo các tình huống chính trị, làm tốt công tác vận động quần chúng.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội, với tinh thần cách mạng tiến công, tính tổ chức kỷ luật chặt chẽ và kinh nghiệm phong phú, quân đội ta có thể tiến hành các hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Trên lĩnh vực chính trị: Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở các địa bàn, củng cố hệ đoàn kết quân - dân. Chủ động phối hợp, làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Giúp đỡ việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ các vùng dân tộc, xây dựng lực lượng cốt cán. Tuyên truyền đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước cho các tầng lớp nhân dân. Nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho Nhân dân về bản chất, thủ đoạn của kẻ thù. Giữ vững ổn định chính trị, sẵn sàng chiến đấu đánh bại những hành động chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng an ninh vững chắc, bảo vệ chặt chẽ an ninh biên giới. Tham gia xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng.
Trên lĩnh vực kinh tế: Thấm nhuần sâu sắc quan điểm: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn” [3]. Theo đó, Quân đội cần tham gia tích cực có hiệu quả các chương trình, dự án kinh tế, xã hội, kết hợp với kinh tế quốc phòng - an ninh trên địa bàn đóng quân. Hướng dẫn hỗ trợ đồng bào sản xuất áp dụng kỹ thuật mới. Xây dựng kết cấu hạ tầng. Tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng các vùng kinh tế mới. Chống gian lận thương mại, vận chuyển buôn bán ma tuý qua biên giới. Ngăn chặn những hiện tượng xâm cư, xâm canh. Tham gia trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hướng dẫn định canh, định cư, hạn chế chặt, đốt, phá rừng, tình trạng di dân tự do. Bảo vệ an toàn cho Nhân dân lao động sản xuất.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tham gia xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần tiến bộ, vui tươi lành mạnh. Tích cực tham gia xóa mù chữ, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống mới, bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc. Đẩy lùi các tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội. Tích cực tham gia chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, tham gia các chương trình dự án bảo vệ môi trường sinh thái. Tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân chống truyền đạo trái phép, ngăn chặn những nhận thức, tư tưởng lệch lạc xung quanh vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Trong tình hình mới, để góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đòi hỏi cán bộ chiến sĩ quân đội ta phải làm tốt những vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, nâng cao giác ngộ chính trị, quan điểm, chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng.
Lãnh đạo chỉ huy các đơn vị trong toàn quân cần thường xuyên quán triệt quan điểm, chính sách đại đoàn kết toàn dân, các chính sách dân tộc, tôn giáo cho mọi quân nhân để họ có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, có ý thức trách nhiệm chính trị, tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn quân và mỗi đơn vị về vinh dự và trách nhiệm, coi đó là nhiệm vụ chính trị của quân đội. Chủ động, tự giác tích cực tham gia công tác góp phần xây dựng, phát huy đại đoàn kết toàn dân. Phê phán những nhận thức lệch lạc, mơ hồ, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm và nhiệt tình trong thực hiện quan điểm chính sách đại đoàn kết của Đảng.
Hai là, nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Làm công tác dân vận phải sâu sát, cụ thể, phải có tính thuyết phục và lôi cuốn được Nhân dân tham gia, hưởng ứng. Muốn thế, cần tuyên truyền sâu rộng về nội dung, phong phú về hình thức, phù hợp với đối tượng. Cần làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu biết sâu sắc đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, phong tục tập quán của đồng bào. Tiến hành công tác dân vận phải kiên nhẫn, thận trọng, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Tôn trọng và lắng nghe Nhân dân, giúp đỡ Nhân dân giải quyết những vấn đề thiết thực liên quan đến cuộc sống của họ. Chấp hành nghiêm kỷ luật quan hệ quân dân. Phải làm cho Nhân dân hiểu biết, tin tưởng và quyết tâm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm”, với chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, cán bộ, chiến sĩ Quân đội tích cực tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trong mọi hoàn cảnh, Quân đội phải luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân, Quân đội luôn phải cố gắng làm, làm hết mình, vì Nhân dân, vì Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, của đất nước.
Đồng thời, Quân đội cần thực hiện tốt việc nghiên cứu, dự báo, có phương án luyện tập, diễn tập nhằm giải quyết và xử lý nhanh chóng, kịp thời có hiệu quả với vấn đề an ninh phi truyền thống đang đặt ra như phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh, sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đều trở thành chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương.
Dựa trên cơ sở nắm vững các quan điểm, chính sách phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và sự chỉ đạo của cấp trên, từng đơn vị chủ động có kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, thống nhất nội dung hoạt động, nhận định đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn, xác định biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai kế hoạch công tác.
Tập trung hỗ trợ Nhân dân và chính quyền địa phương vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh, khắc phục, sửa chữa các công trình an sinh xã hội trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai và mưa lũ gây ra, khôi phục các hoạt động bình thường sau các sự cố, kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.
Trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài phải nghiên cứu, điều tra kỹ, tìm rõ nguyên nhân, phân tích hậu quả và chiều hướng phát triển của tình hình, để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra điểm nóng phức tạp, lan rộng. Biện pháp cần mềm dẻo, thận trọng, nhưng giữ đúng nguyên tắc và kiên quyết giữ vững đoàn kết, ổn định chính trị và kinh tế ở địa phương, bảo vệ an toàn cho hệ thống chính trị ở địa phương, ngăn chặn các hành động quá khích.
Bốn là, Đảng, Nhà nước, Quân đội cần tiếp tục có chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận. Đối với các đơn vị, công tác tổ chức, cán bộ cần chú ý bổ sung, tăng cường các đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm tiến hành công tác dân vận phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ trên từng địa bàn của cả nước.
Tóm lại, nhận thức đúng đắn vị trí, tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở nắm chắc, đánh giá đúng tình hình, với chức năng, nhiệm vụ và vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian tới, Quân đội tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các chương trình hành động do Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X vừa diễn ra (từ ngày 16 đến 18/10/2024) để cụ thể hóa việc triển khai, tổ chức thực hiện bằng các chương trình hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội theo hướng thiết thực, hiệu quả; đấu tranh với các quan điểm sai trái làm ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân./.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.256.
[2] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 103 - 104
[3] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 82
Thượng tá Đặng Công Thành, Đại uý Nguyễn Gia Hà
(Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Theo Hochiminh.vn
Thanh Huyền (st)