Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nghệ thuật quân sự (NTQS) Việt Nam không ngừng phát triển, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng. Nghiên cứu, phát triển NTQS Việt Nam là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

nghe thuat quan su 1
Điện Biên Phủ-Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: nhandan.vn

Thực tiễn NTQS Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong điều kiện dân tộc ta luôn phải chống lại kẻ thù xâm lược lớn mạnh gấp nhiều lần. NTQS Việt Nam xuất phát từ nền tảng nghệ thuật toàn dân đánh giặc bằng hình thức đánh du kích, phòng ngự thành lũy, chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang... Từ thế kỷ 10, NTQS Việt Nam đã phát triển lên nghệ thuật giành chủ động, bất ngờ tiến công quân địch ngay tại căn cứ, tạo điều kiện giành thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược bằng phòng ngự quy mô lớn. Từ thế kỷ 13 đến 15, NTQS Việt Nam phát triển rõ nét với cách đánh “lấy đoản binh thắng trường trận” của LLVT ba thứ quân, giải quyết chiến tranh bằng hàng loạt trận đánh tiêu diệt quân xâm lược.

Thế kỷ 20, NTQS Việt Nam đã phát triển lên tầm cao mới. Đó là nghệ thuật toàn dân đánh giặc, lấy LLVT ba thứ quân làm nòng cốt; quán triệt tư tưởng tích cực tiến công; giành và giữ quyền chủ động; phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; dùng sức mạnh của cả thế và lực, phát huy cao nhất khả năng của thế, kết hợp với lực để tạo sức mạnh lớn; kế thừa truyền thống quân sự dân tộc và tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới... Trong thực hành đấu tranh vũ trang, NTQS chỉ đạo hoạt động quân sự của LLVT, quần chúng nhân dân đánh giặc; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, địch vận; tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ; kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, tác chiến phân tán với tác chiến tập trung, đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, tiêu hao, tiêu diệt địch giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn...

Những năm qua, vấn đề tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân. Với phương châm chủ động phòng ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa”, nỗ lực phấn đấu ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tích cực triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới và các chiến lược quân sự, quốc phòng.

Trên cơ sở thành tựu trong nghiên cứu phát triển NTQS thời gian qua, truyền thống NTQS của dân tộc, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, công tác nghiên cứu, phát triển NTQS Việt Nam trong thời gian tới trước hết phải chủ động nghiên cứu dự báo đối tượng tác chiến, xác định các hình thái chiến tranh. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cơ sở nền tảng để nghiên cứu phát triển NTQS Việt Nam, nhất là nghiên cứu phát triển chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật phù hợp với thực tiễn chiến tranh. Ngoài nghiên cứu kỹ đối tượng tác chiến, cần làm rõ các hình thái chiến tranh, như: Chiến tranh “phi quy ước”; chiến tranh thông tin và không gian mạng; chiến tranh biển, đảo và biên giới; chiến tranh xâm lược; chiến tranh hủy diệt hàng loạt. Trong mỗi hình thái chiến tranh, NTQS phải nghiên cứu dự báo đúng đối tượng, mục đích, âm mưu; thành phần, khả năng lực lượng và khả năng tác chiến, cách thức tổ chức lực lượng, phương thức tác chiến của địch, làm cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước. LLVT phải luôn chủ động, có biện pháp ngăn ngừa, đối phó hiệu quả “từ sớm, từ xa”.

Trong điều kiện thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động khó dự báo, công tác nghiên cứu phát triển lý luận quân sự về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận toàn dân đánh giặc phải toàn diện trên tất cả các mặt, gắn kết chặt chẽ với nền an ninh nhân dân trên phạm vi cả nước; đặc biệt ở các vùng miền chiến lược, hướng chiến lược, chiến trường trọng điểm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu quốc phòng, quân sự trong thời bình và thời chiến, cho những năm đầu chiến tranh và trong suốt tiến trình chiến tranh. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện nội dung, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân BVTQ trong điều kiện mới; nghiên cứu điều chỉnh thế bố trí chiến lược của các đơn vị đáp ứng yêu cầu phòng thủ, phòng ngự và các loại hình tác chiến mới trong các hình thái chiến tranh gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội từng khu vực trên phạm vi cả nước cả trong thời bình và thời chiến.

Nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo đảm quốc phòng thống nhất, đồng bộ ngay từ thời bình, điều chỉnh kịp thời khi có chiến tranh; có phương án chuyển nền kinh tế của đất nước từ thời bình sang thời chiến, huy động tiềm năng, nguồn lực của đất nước, của các ban, bộ, ngành, các thành phần kinh tế bảo đảm cho nhu cầu chiến tranh; duy trì sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội trong thời chiến; điều chỉnh quy hoạch vùng, miền có tầm quan trọng đối với quốc phòng, quân sự, chú trọng các khu vực trọng điểm có ý nghĩa chiến lược quốc gia; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt, cùng toàn dân tạo nên sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong thời bình, Quân đội vững mạnh, có sức chiến đấu cao là công cụ để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh; trong thời chiến là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Vì thế, cần nghiên cứu tổ chức lực lượng Quân đội, dân quân tự vệ phù hợp với quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân của Đảng; xây dựng cơ cấu đồng bộ, phù hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, giữa lực lượng thường trực với lực lượng dự bị động viên, giữa lực lượng chiến đấu với bảo đảm chiến đấu, giữa các quân chủng, binh chủng. Tập trung nghiên cứu ưu tiên các lực lượng làm nhiệm vụ thường trực SSCĐ, bảo vệ biên giới, biển, đảo, thềm lục địa trong từng hình thái chiến tranh và loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch, sẵn sàng phát triển mở rộng lực lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh. Nghiên cứu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; SSCĐ, hy sinh vì lợi ích quốc gia-dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các loại hình tác chiến chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật đáp ứng với xu thế phát triển của chiến tranh tương lai. Chiến lược quân sự Việt Nam xác định các loại hình tác chiến chiến lược, đó là cơ sở để nghiên cứu phát triển lý luận và thực tiễn về tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến của từng loại hình tác chiến cụ thể. Về mặt lý luận, mỗi loại hình tác chiến có đặc điểm, tính chất đặc thù; từng loại hình tác chiến, NTQS tập trung nghiên cứu đặc điểm, tính chất, quy luật, đối tượng, mục đích, âm mưu, thủ đoạn, biện pháp tác chiến của địch, làm cơ sở xác định mục tiêu, nguyên tắc, phương thức tác chiến của ta. Về thực tiễn, NTQS cần tập trung nghiên cứu công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến, hoạt động của người chỉ huy, cơ quan và lực lượng tham gia tác chiến. Trong đó, chú trọng nghiên cứu phát triển nghệ thuật tổ chức, chỉ huy điều hành tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật cũng như nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, tổ chức, chỉ huy, điều hành của người chỉ huy LLVT địa phương, cơ quan quân sự, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tác chiến phòng thủ và các loại hình tác chiến khác; tổ chức phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện tốt các mặt bảo đảm cho những hoạt động tác chiến.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu tổng kết lịch sử chiến tranh, NTQS của Việt Nam và thế giới, rút ra các bài học kinh nghiệm về truyền thống NTQS của dân tộc cũng như tinh hoa NTQS thế giới, vận dụng vào phát triển NTQS Việt Nam trong chiến tranh tương lai; nhất là các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang trên thế giới diễn ra thời gian gần đây để tìm ra những phát triển mới trong quy luật cũng như diễn biến tiến trình chiến tranh làm cơ sở bổ sung, phát triển NTQS Việt Nam, vận dụng phù hợp trong chiến tranh BVTQ./.

Đại tá, TS VŨ NGỌC THỦY, Viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật quân sự, Học viện Quốc phòng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: