Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào
trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp
Mỗi người dân Việt Nam khi nhắc đến Bác Hồ kính yêu không ai không khâm phục đức tính giản dị của Người. Đức tính giản dị ở Bác luôn là tấm gương sáng để cho mỗi chúng ta học tập và noi theo. Trước hết Bác giản dị trong đời sống sinh hoạt không chỉ trong những năm tháng khó khăn mà ngay khi đã là một vị Chủ tịch nước. Một tác giả nước ngoài đã viết: Cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với nhân dân là đặc trưng cho tình yêu đối với đất nước của một Con Người đã trở thành huyền thoại ngay trong cả cuộc sống đời thường của mình. Một trong những yếu tố góp phần làm nên huyền thoại ấy bắt đầu từ điều vô cùng đơn giản của những người bình thường nhất, đó là những bữa ăn của vị Chủ tịch nước.
Ngày mới giành chính quyền 1945, Bác làm việc tại Bắc Bộ Phủ trong căn phòng nhỏ trên gác hai. Bác được cấp mỗi tháng 200đ cho việc ăn uống. Tới giờ ăn, Bác đến ăn tại bếp tập thể cùng anh em. Bữa ăn của Bác đạm bạc, thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà, mấy cọng dưa, dăm lát ớt và miệng bát cơm.
Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ trên Chiến khu Việt Bắc, Bác vẫn cùng ăn chung với các chiến sỹ, cán bộ sống cùng, không hề phân biệt. Mặc dù bữa cơm lúc này chủ yếu là măng, rau, cao cấp nhất là thịt chim, sóc săn bắn hoặc đánh bẫy được đem kho mặn với muối để Bác ăn dần, thi thoảng kiếm được con gà bồi dưỡng riêng cho Bác thì Người nói lộc bất tận hưởng rồi đem chia đều cho mọi người. Món ăn chủ lực của Bác và anh em vẫn là món thịt Việt Minh gồm: 1kg thịt + 1kg muối + 1/2 kg ớt xào lên cho vào ống, đi đến đâu dùng cũng tiện. Khi tăng gia, chăn nuôi được nhiều, anh em xin ý kiến, Bác đồng ý cho bỏ món thịt Việt Minh.
Trong rừng Chiến khu đôi khi vẫn thiếu rau nhưng có nhiều mít, thế là Bác bày cách cho chị cấp dưỡng làm món nhút ăn cho đỡ xót ruột. Bác còn chú ý cả hình thức trình bày để bữa ăn tuy đơn giản nhưng ngon miệng. Một lần đi công tác, Bác cháu dừng bên bờ suối nấu ăn, Bác bảo anh em nấu cơm để Người làm trứng rán. Bác làm rất thành thạo, khi trứng rán xong cơm chưa chín, Người lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng tạo thành những hình quả trám rất đẹp, thấy anh em trầm trồ, Bác nói: “Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!”.
Kháng chiến chống Pháp thành công, Bác về ở tại Thủ đô Hà nội, trong ngôi nhà của người thợ điện (gọi là Nhà 54). Dù là Chủ tịch nước nhưng bữa ăn hàng ngày của Người vẫn không cầu kỳ, không cao lương mỹ vị. 7h, bữa điểm tâm của Bác thường là xôi ruốc, thịt hoặc bánh cuốn, bánh mỳ. Đến khoảng 9h. Bác uống một cốc cà phê. 11h, Bác ăn cơm trưa, trên mâm cơm của Người thường có bát canh nước, một món xào hoặc thịt luộc, cá quả hoặc cá bống kho gừng và không thể thiếu hương vị miền quê cà kho tương hoặc dầm đường ớt… bữa nào Bác cũng ăn đúng hai bát. Mỗi khi xong bữa, Người lại tự tay xếp bát đĩa gọn ghẽ để bớt phần công việc cho các đồng chí phục vụ. Khoảng 14h, Bác uống một cốc sữa. 17h30, Bác dùng cơm tối. 21h, Bác uống một cốc cà phê sữa cho tỉnh táo khi làm việc khuya.
Có lần, đồng chí phục vụ đưa lên đĩa cá anh vũ - một loại cá quý thường chỉ có ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì). Bác bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại đi vắng! Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức”. Thấy Bác khen, anh em gửi tiếp cá đến, nhưng khi món cá hôm trước lại xuất hiện, Bác không hài lòng: “Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến?” rồi kiên quyết bắt mang đi, không ăn nữa.
Từ tháng 5 năm 1958, Bác chuyển sang ở Nhà sàn, nhưng hằng ngày, đúng giờ quy định, Người trở về dùng bữa tại nhà ăn phía bên kia bờ ao, cơm nước xong, Người lại đi bộ trở về Nhà sàn, dù thời tiết mưa to, gió lớn cũng vẫn vậy. Các đồng chí phục vụ nhìn Bác xắn quần lội qua quãng đường ngập nước mà thương Bác vô cùng. Một hôm, sắp hết giờ làm việc buổi sáng, trời đổ mưa to. Thấy cơ hội thuận tiện, đồng chí giúp việc xin phép được mang cơm sang nhà sàn, Bác dừng tay làm việc, trầm ngâm nhìn trời mưa, hỏi đồng chí phục vụ: “Thế mang cơm sang cho Bác cần mấy chú?”, “Dạ, thưa Bác, một đồng chí bê cơm, một đồng chí bê thức ăn và hai đồng chí đi kèm che mưa”, “Thế chú muốn một mình Bác vất vả hay muốn để nhiều người vất vả vì một mình Bác?”. Hết giờ làm việc, mưa vẫn tầm tã, Bác xắn cao quần, tay cầm ô, tay chống gậy, lần từng bước qua con đường vòng ao cá nước chảy xiết sang nhà ăn.
Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đang ác liệt, nhân dân ta bắt đầu phải ăn cơm độn sắn, mỳ, ngô, Bác dặn anh em: “Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ta ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy”. Khi đó Bác đã bước vào tuổi 75, nhìn Bác ăn độn mà anh em xót quá, mới thưa là có quy định các cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn, nhưng Bác bảo: “Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào thì Bác thế ấy. Cứ thổi tiếp đi cho Bác ăn”. Anh em xay ngô thật nhỏ, độn gọi là, nhưng Bác biết, Người nhắc: “50% cơ mà!”.
Những lần đi công tác các địa phương, Bác đều nhắc anh em mang cơm đi theo, khi thì cơm nắm, khi thì bánh mỳ với thức ăn nguội, chỉ có món canh cho vào phích để đến bữa Bác dùng cho nóng. Trên đường đi, cứ đến bữa là Bác chọn nơi vắng, mát, sạch cho dừng xe, Bác cháu bày cơm ra ăn đơn giản, không phiền ai cả.
Một lần khác đi công tác, mấy Bác cháu được bố trí ăn cơm ở nhà một cơ sở. Dạo đó thiếu thốn nên nồi cơm phải độn nhiều sắn, khoai. Vì thương Bác nên gia đình đã nấu thêm nồi cơm gạo trắng và sắp một mâm riêng. Khi vào bữa, Bác bưng bát cơm trắng, gắp thêm mấy miếng thức ăn ngon đến mời cụ cố đang ngồi bên bếp lửa gian trong, Bác nói rành rọt: “Cơm này là để dành cho người già nhất ăn”, rồi Bác lấy bát xới cho mình một bát cơm độn và ngồi cùng ăn với cả nhà.
Trong lần về thăm Thái Bình, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân cố nài Bác ở lại ăn cơm, Người nói: “Đi thăm tỉnh lụt còn ăn uống nỗi gì?”, nhưng vì thương cán bộ đã chót bày mâm, Bác lấy gói cơm nắm và thức ăn mặn rồi bảo đồng chí cảnh vệ:” Chú mời đồng chí Bí thư và Chủ tịch đến ăn cơm với Bác. Còn chú và chú bác sĩ sang mâm kia ăn với cán bộ tỉnh”.
Khi phải công tác ở địa phương nào lâu, Bác dặn cán bộ tỉnh chỉ làm cơm cho mấy người và ăn những món nào, dù cán bộ tỉnh bày cỗ ra Bác vẫn chỉ gắp vào bát của anh em và bát của mình mỗi người một miếng gọi là nếm thử, rồi xếp ngay ngắn đĩa thức ăn ấy, để ra ngoài mâm, Bác nói với anh em: “Người ta dọn ra một bữa sang. Bác cháu mình có khi chẳng ăn và chẳng ăn hết. Nhưng đi rồi để lại cái tiếng: Đấy Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ, cũng điều động người làm mất thời gian”.
Hai lần Bác về thăm quê, tỉnh nhà đều làm cơm chiêu đãi Bác. Năm 1957, Bác mời mọi người cùng ngồi chung mâm có đĩa cà muối quê hương. Năm 1961, Bác cũng ngồi vào bàn ăn nhưng lại chiêu đãi mọi người món cơm đã chuẩn bị sẵn, mang từ Hà Nội vào: Đó là những gói cơm nắm độn bắp, gạo trắng và ngô nhỏ mịn gói lại vuông vức. Bữa cơm ấy thật ngon, nhiều ý nghĩa và cảm động.
Từ những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống của Người mà ta thấy được tình yêu thương con người, là đức tình cần, kiệm, liêm, chính, tạo nên nét thanh cao và sự vĩ đại của một bậc thánh nhân. Bởi vậy đức tính giản dị của Bác mãi mãi là tấm gương sáng để cho chúng ta học tập và noi theo.
Kim Yến (Tổng hợp)