Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sự đoàn kết dân tộc. Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc đúng đắn là nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước.

 chinh sach dan toc 1

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam có truyền thống đoàn kết, gắn bó xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm... Nước Việt Nam nằm ở khu vực nối liền hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với nhiều hải đảo, thuận lợi cho việc giao lưu trong khu vực và với châu lục khác do vậy từ lâu đời đây là nơi tụ cư của nhiều tộc người khác nhau. Theo các nhà dân tộc học, trên lãnh thổ Việt Nam có 54 tộc người sinh sống. Mặc dù mỗi tộc người đều có truyền thống lịch sử, văn hóa của mình nhưng luôn gắn bó chặt chẽ với nhau trong vận mệnh chung.

Ngay từ thuở khai sinh, các dân tộc Việt Nam phải cố kết, chung sức, chung lòng chống chọi với thiên nhiên, bão lũ. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân các dân tộc trên đất nước ta đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được trong quá trình đổi mới cho thấy khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta đã có tầm cao mới và chiều sâu mới, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, làm cho thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng được tăng cường. Giữ gìn và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc hiện nay vẫn là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược. Tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và quan hệ dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc, quan điểm nhất quán của Người về mục tiêu cao nhất trong cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam là giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những điều tôi hiểu” (1). Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, thực hiện nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nghĩa vụ quốc tế trong việc ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tọc trên thế giới. Người nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chổng đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Lào, Căm-pu-chia và chủ trương phải bằng thắng lợi của cách mạng mỗi nước mà đóng góp vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới.

chinh sach dan toc 2
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một nội dung cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phản ánh quy luật khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản. Cách mạng Việt Nam sau khi giành được độc lập dân tộc phải đi lên chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho giữ gìn và bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Về quan hệ dân tộc, các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dụng và bảo vệ Tổ quốc: Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc không phải là sự giúp đỡ một chiều. Đó vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của sự phát triển, vì sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc gia - dân tộc. Đó cũng chính là bản chất của chế độ xã hội mới do chính đảng của giai cấp công nhân cầm quyền. Để thực hiện vấn đề này, vai trò của nhà nước và hệ thống chính trị rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, Đảng, Chính phủ, cán bộ tư Trung ương đến địa phương phải luôn thương yêu nhân dân các dân tộc, quan tâm đến lợi ích các dân tộc.

Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trong công tác văn hóa - xã hội miền núi, cần chú ý tôn trọng, bảo tồn giá trị vãn hóa các dân tộc, phải thấy tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa dân tộc. Theo Người, “mỗi dân tộc có một tiếng nói riêng, có khi hai dân tộc một tiếng nói. Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy” (2). Từ đó, giúp cho người cán bộ hiểu thêm phong tục, tập quán, địa bàn công tác góp phần vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách dân tộc được tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành nhiều sự quan tâm là làm thế nào để xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Người căn dặn: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ,... chứ không phải là bao biện làm thay” (3)..

Quan điểm về dân tộc, đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta

Về dân tộc, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

chinh sach dan toc 3
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, gần gũi ân cần thăm hỏi cuộc sống của thương binh Đinh Phi ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của công cuộc đổi mới đất nước. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, yêu thương, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội.

Thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong giải quyết vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc. Các dân tộc có dân số dù ít hay nhiều, ở trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đoàn kết dân tộc phải trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tập hợp, đoàn kết mọi người vào một mặt trận chung, tăng cường đối thoại xã hội, đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Luôn tôn trọng lẫn nhau về lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc; dân tộc có trình độ phát triển cao phải có trách nhiệm giúp đỡ dân tộc có trình độ phát triển thấp, vùng kinh tế - xã hội phát triển phải giúp đỡ vùng kinh tế - xã hội chậm phát triển, nhằm đảm bảo các dân tộc có điều kiện phát triển toàn diện, tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc; tránh tư tưởng kỳ thị dân tộc, tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương và tương trợ của dân tộc khác.

Thực hiện chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc

Một là, đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Trong những năm trước mắt cần tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn, giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khơ-me Tây Nam Bộ. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới. Làm tốt công tác định canh, định cư và di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Quy hoạch, sắp xếp, phân bổ lại hợp lý dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc thiểu số; làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc.

Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, nhất là hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp; trường mẫu giáo công lập; mở rộng việc dạy chữ dân tộc. Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên, cử tuyển dành cho con em các dân tộc vào học tại các trường đại học và cao đẳng. Tổ chức hệ thống trường chuyên đào tạo, bồi dưỡng trí thức và cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tăng cường cơ sở khám, chữa bệnh, cán bộ y tế cho các xã, bản, thôn, ấp; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số. Do lịch sử để lại, hiện nay giữa các dân tộc ở nước ta vẫn còn tình trạng phát triển không đều. Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển là một tất yếu khách quan trong một quốc gia đa dân tộc. Đảng và Nhà nước ta coi trọng tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền các cấp, vai trò tập hợp quần chúng của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng. Kiên quyết khắc phục tình trạng cán bộ quan liêu, xa dân; thực hiện tốt phương châm “gần dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ. Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc. Tiếp tục xây dựng, phát triển nhanh các khu kinh tế kết hợp quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Ba là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng các dân tộc thiểu số, phát huy sức mạnh tại chỗ, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động lợi dụng dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; thực hiện tốt chủ trương xây dựng phát triển các khu kinh tế - quốc phòng ở khu vực biên giới.

Bốn là, tập trung phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước. Thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị, nhằm thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

Những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc là đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc tình hình dân tộc, tôn giáo ở nước ta, nhằm phục vụ cho âm mưu thâm độc của chúng. Họ dựng lên rằng, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc”… Họ đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân tộc”; kích động thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị” ở khu vực Tây Bắc; “nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên, với “Tin lành Đega” làm quốc đạo; thành lập “Nhà nước Khơ-me Căm-p-uchia Krom” ở vùng đồng bào Khơ-me Nam Bộ… Thực chất, đây là thủ đoạn nham hiểm, lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo” để kích động, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội…

Để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc đó, các cấp, các ngành, từng địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt các quan điểm, chính sách nêu trên của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Bởi lẽ, vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực hiện “Bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ” giữa các dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

------------

(1) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.112

(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 14, tr.168.

(3) Sđd, tập 13, tr.225.

Bùi Thị Phương Thảo

Vietcombank Chi nhánh Hội An

Theo Tạp chí Xây dựng đảng

Hà An (st)

Bài viết khác: