bao hiem xa hoi

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (Luật số 41/2024/QH15) được Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 29/6/2024. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025, gồm 11 Chương, 141 Điều, trong đó có những nội dung cơ bản sau:

Chương 1: Những quy định chung gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; giải thích từ ngữ; loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội;nguyên tắc bảo hiểm xã hội; chính sách của nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; mức tham chiếu; hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội và các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương 2: Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội gồm 10 điều (từ Điều 10 đến Điều 17), được chia thành 2 mục:

- Mục 1: Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo hiểm xã hội gồm 6 Điều (từ Điều 10 đến Điều 15), quy định về quyền của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; quyền của người sử dụng lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động; quyền và trách nhiệm của công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

- Mục 2: Tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội gồm 5 Điều (từ Điều 16 đến Điều 20), quy định vềcơ quan bảo hiểm xã hội; quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội; Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

Chương 3: Trợ cấp hưu trí xã hộigồm 4 Điều (từ Điều 21 đến Điều 24). Chương này quy định vềđối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; các chế độ, trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội; chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Chương 4: Đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm 17 điều (từ Điều 25 đến Điều 41), được chia thành 2 mục:

- Mục 1: Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm 5 Điều (từ Điều 25 đến Điều 29); quy định về sổ bảo hiểm xã hội; giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội; Điều chỉnh thông tin đăng ký kê khai tham gia bảo hiểm xã hội.

- Mục 2: Quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm 12 Điều (từ Điều 30 đến Điều 41); quy định về xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội; mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động; mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động; đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Chương 5: Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm 52 Điều (từ Điều 42 đến Điều 93), được chia thành 4 mục sau:

- Mục 1: Chế độ ốm đau gồm 8 Điều (từ Điều 42 đến Điều 49), quy định về đối tượng, điều kiện hưởng chế độ ốm đau; thời gian hưởng chế độ ốm đau; thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau; trợ cấp ốm đau; dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau; hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau; giải quyết hưởng trợ cấp ốm đau; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau.

- Mục 2: Chế độ thai sản gồm 14 Điều ( từ Điều 50 đến Điều 63), quy định về đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ; chế độ thai sản của lao động nữ nhờ mang thai hộ; chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai; trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; trợ cấp thai sản; dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản; hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản.

- Mục 3: Chế độ hưu trí gồm 20 Điều (từ Điều 64 đến Điều 83), quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu; đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động; mức lương hưu hằng tháng; điều chỉnh lương hưu; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; thời điểm hưởng lương hưu; hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần; điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; thực hiện bảo hiểm xã hội khi áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành; tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư; hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết hưởng lương hưu, hưởng bảo hiểm xã hội một lần; hồ sơ đề nghị tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong trường hợp đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng; giải quyết tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong trường hợp đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng; thay đổi hình thức nhận, nơi nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội

- Mục 4: Chế độ tử tuất gồm 10 Điều (từ Điều 84 đến Điều 93), quy định về đối tượng hưởng chế độ tử tuất; trợ cấp mai táng; các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; mức trợ cấp tuất hằng tháng; các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần; mức trợ cấp tuất một lần; hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tử tuất; giải quyết hưởng chế độ tử tuất; giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm so với thời hạn quy định; hình thức chi trả lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội.

Chương 6: Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm 22 Điều (từ Điều 94 đến Điều 115), được chia thành 4 mục:

- Mục 1: Chế độ thai sản gồm 4 Điều (từ Điều 94 đến Điều 97), quy định về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp thai sản; trợ cấp thai sản; hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản; giải quyết hưởng trợ cấp thai sản.

- Mục 2: Chế độ hưu trí gồm 10 Điều (từ Điều 98 đến Điều 107), quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu; mức lương hưu hằng tháng; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; thời điểm hưởng lương hưu; hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Mục 3: Chế độ tử tuất gồm 8 Điều (từ Điều 108 đến Điều 115), quy định về đối tượng hưởng chế độ tử tuất; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất một lần; chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hồ sơ đề nghị và giải quyết hưởng chế độ tử tuất; giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chậm so với thời hạn quy định; hình thức chi trả lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện; trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư; chuyển nơi hưởng lương hưu; tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu.

Chương 7: Quỹ bảo hiểm xã hội gồm 8 Điều (từ Điều116  đến Điều 123), được chia thành mục:

- Mục 1: Hình thành và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội gồm 5 Điều (từ Điều 116 đến Điều 120), quy định về quỹ bảo hiểm xã hội; các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội; các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp; sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.

- Mục 2: Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội gồm 3 Điều (từ Điều 121 đến Điều 123), quy định về nguyên tắc đầu tư; danh mục đầu tư và phương thức đầu tư; quản lý hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.

Chương 8: Bảo hiểm hưu trí bổ sung gồm 4 Điều (từ Điều 124 đến Điều 127), quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung; nguyên tắc bảo hiểm hưu trí bổ sung; quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Chương 9: Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội gồm 5 Điều (từ Điều 128 đến Điều 132), quy định về quyền khiếu nại về bảo hiểm xã hội; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội; tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội; xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Chương 10: Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội gồm 6 Điều (từ Điều 133 đến Điều 138), quy định về nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trách nhiệm của Bộ Tài chính; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

Chương 11: Điều khoản thi hành gồm 3 Điều (từ Điều 139 đến Điều 141), quy định về  sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến bảo hiểm xã hội; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

Để thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết  số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đồng thời bảo đảm quyền được thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động theo quy định, sau đây xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 như sau:

1. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 21 đến Điều 24), trong đó quy định:

- Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

- Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

2. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với:

- Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

- Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

- Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

3. Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc như các đối tượng khác thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.

4. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định:

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức mà ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số).

Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Chế độ trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

5. Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm

Tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì họ phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm chỉ áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu theo Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mà không áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu quy định tại Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định).

6. Điểm mới của bảo hiểm xã hội một lần

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;

- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Như vậy, đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 trở đi thì sẽ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp nêu trên.

Người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: (i) Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; (ii) Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; (iii) trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế; (iv) Được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; (v) trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

7. Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định tại Mục 2, Chương IV như sau:

- Bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội;

- Đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội:

(i) Cụ thể 02 hành vi, chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội; Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế);

(ii) Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với trốn đóng bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luậtđối với chậm đóng;

(iii) Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

8. Bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thông qua việc bổ sung quy định trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (quy định tại Chương V và Chương VI của Luật).

9. Bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung Chương VIII quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định về đối tượng, nguyên tắc, Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

10. Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định “mức tham chiếu” dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội; khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở.

Theo Chương I của Luật, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật này.Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội./.

Bảo Ngọc (Tổng hợp)

Bài viết khác: