Từ bài thơ “Gửi Nêru” và những lời nói của Bác Hồ về Nêru, ta có thể rút ra một nhận xét: Trên đời này, trong thế giới này, thấu hiểu nhau như Bác Hồ với Nêru là một trong những điển hình của các đại nhân, nó mãi mãi làm đẹp cho nét văn hóa chung của con người, cho toàn thể nhân loại. 

Bai tho cua moi giao cam dac biet
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị nước Cộng hòa Ấn Độ (4/2/1958).
 Người đứng bên Bác là Thủ tướng Nêru.

Sơri Giaoaháclan Nêru (1889-1964) là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, một chiến sĩ của nền độc lập Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ từ 1947 đến 1964. Nêru cũng là một trong những người sáng lập phong trào các nước không liên kết.

Tháng 1/1927, Bác Hồ đã gặp cụ thân sinh ra Nêru tại Hội nghị Quốc tế ở Brúcxen, Thủ đô nước Bỉ. Bác rất kính trọng gia đình Nêru và có một tình cảm đặc biệt. Bác và Nêru là người đồng thời, cùng là chiến sĩ kiên cường đấu tranh vì độc lập dân tộc nên tuy chưa gặp nhau nhưng đã xem nhau là bạn.

Khi Bác bị cầm tù ở nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cũng là lúc Nêru bị giam trong nhà tù thực dân Anh. Cùng cảnh ngộ, cùng hoạt động cách mạng vì nước vì dân, thấu hiểu nhau, ở trong tù, Bác làm bài thơ chữ Hán “Ký  Ni Lỗ” (Gửi Nêru). Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã dịch như sau:

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù;
Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau.
II
Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,
Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần;
Tôi, chốn lao tù người bạn hữu
Anh, trong gông xích bọn cừu nhân
.

Bài thơ thật cảm động, hai người ở hai phương trời, hai dân tộc khác nhau, chưa từng gặp nhau, vậy mà có mối giao cảm kỳ lạ.

Trong bài thơ này, hầu như cứ hai câu thơ làm thành một cặp đối xứng, mỗi câu được phân đôi, chung ý cùng nghĩa, bổ sung cho nhau.

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù;
Hay
Tôi, chốn lao tù người bạn hữu
Anh, trong gông xích bọn cừu nhân.

Những câu thơ chứa đựng những sự kiện lớn trong đời của hai con người cùng chung một mục đích phấn đấu, hoạt động vì nước, vì dân, quyết tranh đấu giành kỳ được độc lập, tự do cho dân tộc, cho đất nước; lại cùng trùng khớp thời gian: anh vào ngục, tôi ngồi. Hai người cách xa nhau muôn dặm, ở hai nước khác nhau lại chưa từng gặp mặt vậy mà điều kỳ diệu đã diễn ra Thần giao tự tại bất ngôn trung (Mối giao cảm sâu xa đã sẵn trong chỗ không lời). Đúng là, những tâm hồn lớn, những tư tưởng lớn gặp nhau.

Ở đoạn II (bài II) một lần nữa được nhấn thêm Ngã môn tao phùng bản thị đồng (đôi ta cảnh ngộ vốn không khác). Nhưng giờ đây, hiện tại lúc này cảnh ngộ có khác nhau.

(Tôi, chốn lao tù người bạn hữu
Anh, trong gông xích bọn cừu nhân)

Cái khác lại chính là ở chỗ chốn lao tù, nơi giam giữ mỗi người và cũng chính là cái đối tượng bắt giam người. Anh trong gông cùm của kẻ thù. Còn tôi, trớ trêu thay lại ở trong nhà tù nước láng giềng. Trong một bài thơ khác, bài “Thế lộ nan” (Đường đời hiểm trở) Bác đã rất bất bình:

Ta là đại biểu dân Việt Nam,
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;
Ai ngờ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quý” ở nhà giam.

Ở bài “Gửi Nêru”, Bác ý nhị nhắc lại sự kiện này.

Sau này, ra tù Bác Hồ và Nêru đã làm nên sự nghiệp lớn, hai vị trở thành bạn bè thân thiết của nhau. Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nêru, Thủ tướng Ấn Độ đã phối hợp với nhau đấu tranh cho sự tốt đẹp của thế giới. Hai vị đã dành cho nhau những lời trọng thị. Đón Thủ tướng Nêru sang thăm Việt Nam, trong bữa tiệc chiêu đãi tối ngày 17/10/1954, Bác Hồ ca ngợi: “Thủ tướng Nêru vị lãnh đạo, vị chiến sĩ tận tụy cho hòa bình Châu Á và thế giới, vị bạn tốt của nhân dân Việt Nam”.

Từ bài thơ “Gửi Nêru” và những lời nói của Bác Hồ về Nêru, ta có thể rút ra một nhận xét: Trên đời này, trong thế giới này, thấu hiểu nhau như Bác Hồ với Nêru là một trong những điển hình của các đại nhân, nó mãi mãi làm đẹp cho nét văn hóa chung của con người, cho toàn thể nhân loại.

Theo http://vnca.cand.com.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: