Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Vùng trời quốc gia là vùng không phận thuộc chủ quyền của quốc gia, bao gồm vùng không phận phía trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, nội thủy và lãnh hải của một quốc gia. Giới hạn theo chiều dọc của vùng trời quốc gia là một mặt cắt dọc theo đường biên giới trên đất liền và trên biển. Cho đến nay, trong pháp luật quốc tế nói chung và luật hàng không dân dụng quốc tế nói riêng vẫn chưa có quy định xác định cụ thể độ cao của vùng trời; nhưng các quốc gia thường coi độ cao của vùng trời chính là độ cao của bầu khí quyển. Do đó, vùng trời quốc gia sẽ bao gồm toàn bộ khoảng không đến giới hạn ngoài của khí quyền trái đất - nơi bắt đầu của không gian vũ trụ, được điều chỉnh bởi các quy định khác.

th quy trinh bay chan
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 Không quân Nhân dân Việt Nam hợp đồng bay biên đội
(Ảnh: Vũ Ngọc Hoàng - Báo Quân đội Nhân dân điện tử).

Vùng trời của quốc gia thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt của quốc gia. Điều 1 Công ước Chicago năm 1944 quy định: “Các quốc gia kết ước thừa nhận rằng mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối đối với khoảng không gian bao trùm trên lãnh thổ của quốc gia”.Các phương tiện bay của nước ngoài muốn hoạt động trên vùng trời của quốc gia phải được sự đồng ý của quốc gia đó theo những điều kiện và thể thức nhất định và phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó.

Đối với Việt Nam cũng không ngoại lệ, Điều 20 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định: “Tàu bay chỉ được bay qua biên giới quốc gia và vùng trời Việt Nam sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép, phải tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan quản lý bay Việt Nam, tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.

Đối với các tàu bay vi phạm vùng trời quốc gia Việt Nam, vi phạm phép bay sẽ bị các tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh. Để thống nhất,hoàn thiện quy trìnhbay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh, trên cơ sở Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Hàng không dân dụng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Nghị định số 139/2024/NĐ-CP gồm 4 Chương, 22 Điều, quy định cụ thể về bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh như sau:

- Bay chặn là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp cận tàu bay vi phạm ở vị trí phù hợp và phát đi các ký, tín hiệu nhằm ngăn chặn không cho tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam.

- Bay kèm là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để dẫn dắt, hướng dẫn bay cho đến khi kết thúc vi phạm.

-Bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để phát đi các ký, tín hiệu và buộc tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Theo Điều 4 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP: Tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam (bay vào vùng trời Việt Nam khi chưa được các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp phép). Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay (đã được cấp phép bay đang bay trong vùng trời Việt Nam nhưng vi phạm nội dung phép bay như vi phạm khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, quy tắc bay; bay không đúng các dữ liệu về thời gian, độ cao, khu vực ghi trong phép bay).

Thể thức bay chặn, bay kèm tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam được quy định Điều 6 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP như sau: Tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát; sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động từ tàu bay bay chặn, bay kèm. Sau khi tàu bay vi phạm nhận được thông tin cần thiết và chấm dứt vi phạm, tàu bay bay chặn, bay kèm thoát ly khỏi khu vực.

Theo Điều 5 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP, tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Tàu bay đang bay trong vùng trời việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp.

(ii) Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện bay chặn, bay kèm.

Thể thức bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP như sau: Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát; sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động yêu cầu hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định;Sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh an toàn tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, tàu bay bay ép thoát ly khỏi khu vực hoặc hạ cánh theo mệnh lệnh của chỉ huy bay quân sự.

Cảng hàng không, sân bay phải phù hợp về điều kiện kỹ thuật bảo đảm cho loại tàu bay vi phạm hạ cánh; địa hình khu vực sân bay phù hợp cho bay vòng, tiếp cận khu vực sân bay để vào hạ cánh; tàu bay vi phạm có đủ nhiên liệu để đến sân bay được chỉ định hạ cánh. Ưu tiên chỉ định hạ cánh tại sân bay có hoạt động hàng không dân dụng.

Khi tàu bay vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, có nguy cơ gây mất an toàn đến mục tiêu quan trọng hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, việc xử lý thực hiện theo quy định xử lý tình huống tác chiến phòng không của Bộ Quốc phòng (Điều 9 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP).

Điều 10 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP quy định về lực lượng thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay bao gồm tàu bay, lực lượng đang làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và sự phối hợp điều hành của lực lượng quản lý hoạt động bay hàng không dân dụng.Căn cứ tình huống cụ thể đối với từng loại tàu bay vi phạm và khu vực vi phạm, cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng lực lượng đang làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu ở khu vực phù hợp thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh.

Về thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay, Điều 11 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP quy định:

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ quyết định bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Nghị định số 139/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về quy trình xử lý tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam (Điều 12), phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia xử lý tàu bay vi phạm vùng trời bị bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay (Điều 14), trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan (Chương III, từ Điều 15 đến Điều 20).

Phụ lục của Nghị định số 139/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về các thông tin, ký tín hiệu sử dụng trong trường hợp bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Nghị định số 139/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 09/12/2024. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Lương Lê Minh

Bài viết khác: