Bác Hồ tiếp gia đình luật sư Loseby (bà Nguyễn Thị Cúc đứng ở phía sau).
“... Qua những ngày đi cùng với gia đình luật sư Loseby, tôi càng thấy một nhân cách cao quý ở Người...", bà Nguyễn Thị Cúc xúc động khi nhớ lại ngày làm phiên dịch giúp Bác Hồ đón tiếp gia đình luật sư Loseby.
Năm 1931, trong thời kỳ hoạt động Cách mạng ở Hồng Kông, Bác Hồ đã bị cảnh sát Hồng Kông bí mật bắt giam theo “đặt hàng” của mật thám Pháp. Thực dân Pháp đã vận động Cảnh sát Hồng Kông trục xuất Bác về Việt Nam để xử lý.
Nhưng âm mưu của chúng đã không thể thực hiện được bởi luật sư người Anh Loseby đã dùng tài năng và mối quan hệ của mình để đứng ra bảo vệ Bác và sau đó giúp Bác rời khỏi Hồng Kông an toàn. Năm 1960, Bác đã mời những vị ân nhân của mình sang thăm Việt Nam.
Bà tên là Nguyễn Thị Cúc, nguyên cán bộ Nhà xuất bản Ngoại văn. Năm 1960, bà đã vinh dự được làm phiên dịch cho những người khách quý của Bác Hồ.
Bà nhớ lại: “Đó là vào những ngày cuối năm âm lịch, đang loay hoay chuẩn bị Tết thì tôi bỗng nhận được giấy mời họp của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Biết là có chuyện quan trọng nên tôi vội đi ngay.
Tới nơi, tôi gặp một số anh chị em khác cũng được mời, ai nấy hồi hộp không biết có chuyện gì? Đồng chí Đoàn Thắng - Chánh văn phòng Ban Đối ngoại cho biết là chúng ta chuẩn bị đón một đoàn khách đặc biệt quan trọng: Đó là gia đình luật sư người Anh Loseby.
Chúng tôi đang xì xào thì Bác bước vào phòng họp. Chúng tôi đứng dậy chào Bác, Bác vẫy mọi người ngồi xuống và bảo: “Chú Thắng đã nói chuyện với mấy cô chú chưa?” rồi Bác quay qua chúng tôi, nhẹ nhàng: “Các cô chú về báo với gia đình là không ăn Tết ở nhà, đi giúp Bác đón tiếp Đoàn khách của Bác nhé”.
Giọng Bác ấm áp, bình dị như lời một người Cha nhờ những đứa con. Dặn dò xong vài việc, Bác vui vẻ ra về. Chúng tôi ở lại phân công công việc, tôi vinh dự được cùng anh Trịnh Ngọc Thái đi theo làm phiên dịch và phục vụ cho gia đình luật sư Loseby”.
Trong ký ức của bà Cúc vẫn in đậm những ngày tháng bên những vị ân nhân của Bác Hồ. Ngày khách sang, trời mưa lất phất nhưng Bác vẫn cùng mọi người ra tận phòng khách của sân bay Gia Lâm.
Luật sư Loseby sang thăm Việt Nam cùng vợ và một cô con gái. Khách rất xúc động khi nhận những bó hoa tươi thắm, và đặc biệt hơn nữa là họ lại được chính vị Chủ tịch nước dù bận trăm công nghìn việc vẫn ra tận nơi đón.
Bác và luật sư Loseby ôm hôn nhau thắm thiết, 30 năm mới gặp lại nhau nên ai cũng bồi hồi. Đoàn được đưa về nghỉ tại một biệt thự có vườn hoa trên đường Nguyễn Du, bên cạnh hồ Thiền Quang. Bác cùng đi với Đoàn, xem qua chỗ ăn ở và thân mật dặn dò mọi người nghỉ ngơi cho thoải mái trong những ngày ở thăm Việt Nam.
Gia đình luật sư Loseby là những người bình dị, dễ mến. Ông Loseby, tóc đã bạc trắng. Ông ít nói, chỉ hay cười. Còn bà Loseby thì ngược lại, rất vui chuyện. Riêng cô con gái Patricia là người hay nói nhất. Cô có tính tình sôi nổi, nói luôn miệng và cười rất nhiều. Cô chỉ hơn bà Cúc vài tuổi nên hai người thân nhau nhanh chóng.
Bà Cúc kể cho cô nghe về Việt Nam, còn cô thì dạy cho bà những câu nói lóng trong tiếng Anh. Hai người ríu rít với nhau suốt và ông bà Loseby rất vui về điều này.
Cô Patricia bảo: “Đất nước các bạn đang có chiến tranh vậy mà thật hiếu khách. Chúng tôi chưa từng được ai đón tiếp nồng hậu như vậy. Chắc chắn Việt Nam sẽ phồn vinh khi có một nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh”.
Trong những ngày ở Hà Nội, gia đình luật sư đã đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Bác đến thăm gia đình luật sư khá thường xuyên, nói chuyện với họ rất chân tình. Đặc biệt, khi nói chuyện thân mật với họ, Bác sử dụng tiếng Anh rất thành thạo.
Bác hỏi thăm sức khỏe, hỏi về chỗ ăn ở, cảm nhận của các vị khách về những thắng cảnh nơi Đoàn đến. Bác cũng không quên hỏi thăm anh chị em đang phục vụ cho gia đình luật sư.
Những lúc rảnh, Bác đưa những vị khách quý đi thăm một số nơi như Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Trại nhi đồng miền Nam và nơi làm việc của Người. Những vị khách rất ngạc nhiên vì sao vị Chủ tịch của một nước lại sống và làm việc ở nơi bình dị như thế?
“Tôi còn nhớ lời Bác nhắc khi tôi mặc chiếc áo dài màu tím sẫm và choàng chiếc khăn len trắng. Bác bảo với tôi: “Trông đẹp như cô dâu ấy”. Nghe vậy, tôi hoảng quá! Nhưng Bác dặn tiếp: “Đi với khách phải ăn mặc đàng hoàng, lịch sự nhưng tránh lố lăng”. Từ đó, tôi luôn thận trọng trong ăn mặc khi tiếp khách”. Bà Cúc kể.
Sáng mùng 2 Tết, gia đình luật sư đi thăm vịnh Hạ Long. Trước khi Đoàn đi, Bác tới thăm, dặn dò mọi người giữ sức khỏe, nhớ mang theo áo ấm vì biển rất lạnh. Bác cũng nhắc đội bảo vệ lo an ninh cho tốt và bác sỹ đi theo Đoàn nhớ cẩn thận. Bác chúc mọi người đi chơi vui vẻ.
Đoàn nghỉ tại Bãi Cháy, trong một căn biệt thự dành riêng cho khách Trung ương. Anh chị em nhân viên phục vụ rất ngạc nhiên vì tại sao nước Anh đang ủng hộ Mỹ nhưng lại có một “gia đình ông Tây người Anh” đến ở tại nhà khách của Trung ương. Sau khi nghe giải thích, biết được những vị khách này là ân nhân của Cách mạng Việt Nam, ai cũng vui vì được phục vụ họ.
Đặc biệt, Trung ương đã bố trí ông Mười Tuân, một đầu bếp nổi tiếng (sau này ông Mười Tuân đã được cử làm đầu bếp tại Hội nghị Paris) nấu các món ăn cho gia đình luật sư. Ông Mười Tuân đã trổ tài nấu nướng của mình khiến cho bà Loseby phải thành thật khen: “Tôi cũng là một đầu bếp loại khá, nhưng chưa bao giờ có thể làm được những món ngon như thế này”, còn cô Patricia thì bảo: “Ở Việt Nam lâu chắc tôi phát phì vì món ăn nào cũng ngon, tôi ăn nhiều quá”.
Những ngày thăm Hạ Long, cả gia đình luật sư đều vui. Hải quân ta đã bố trí một con tàu chở cả nhà đi thăm vịnh, ai cũng nức nở khen cảnh đẹp. Cô Patricia say sưa nghe bà Cúc kể về truyền thuyết Hạ Long, còn bà Loseby thì luôn khen gió ở Hạ Long rất tốt cho sức khỏe.
Bà Cúc tại nhà riêng
Buổi tối, bà còn ra ngoài hiên, đón những ngọn gió mát lạnh mà bà cho rằng rất tuyệt vời. Bà tâm sự với bà Cúc: “Ông nhà tôi rất quý Hồ Chủ tịch. Ông nói với tôi bằng mọi giá giải cứu được cho Nguyễn ái Quốc. Ngày đó, tôi được ông ấy giao cho nhiệm vụ mua quần áo để Hồ Chủ tịch cải trang giống như một người Trung Quốc. Khi Người bị giam giữ, hàng tuần chúng tôi đều mua hoa quả, thức ăn và sách báo để đưa vào nhà giam. Cả Patricia lúc đó chỉ mới mấy tuổi cũng đòi đi theo.
Người rất quý Patricia, mỗi khi chúng tôi nói chuyện, nó đều ngồi trong lòng Người, chân tay đung đưa. Những ngày bị giam cầm khổ lắm nhưng nói chuyện với chúng tôi, Người đều nói rằng, tương lai cách mạng sẽ thành công. Khi tổ chức cho Người rời khỏi Hồng Công, chúng tôi chỉ cầu mong Người gặp nhiều may mắn”.
Bà hỏi bà Cúc về đời sống, gia đình riêng của Bác Hồ. Khi nghe bà Cúc trả lời, bà Loseby rưng rưng nước mắt: “Hồ Chủ tịch là con người hiếm có, Người đã hy sinh tất cả cho dân, cho nước”. Còn ông Loseby thì bảo: “Tôi tin Việt Nam sẽ có vị trí đặc biệt trên thế giới với nhà Lãnh tụ tài ba Hồ Chí Minh”.
Chuyến đi chơi của Đoàn đã để lại ấn tượng rất tốt cho những vị khách quí. Ngay sau khi Đoàn về Hà Nội, chúng tôi phải báo cáo tình hình sức khỏe, việc ăn ở cho đồng chí Đoàn Thắng để đồng chí báo cáo với Bác.
Thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, đồng chí Cao Hồng Lãnh - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã gặp riêng bà Loseby. Bà Cúc được vinh dự làm phiên dịch cho cuộc gặp này. Bà kể: “Đồng chí Lãnh trao cho bà Loseby một hộp nữ trang và bảo: “Đây là chút quà nhỏ Hồ Chủ tịch tặng cho gia đình làm kỷ niệm”.
Bà Loseby mở hộp nữ trang, khi thấy trong hộp có mấy sợi dây chuyền và mấy chiếc nhẫn bạch kim có đính hột xoàn lấp lánh, bà đã từ chối. “Đây là món quà quá lớn, xin lỗi chúng tôi không thể nhận được. Tôi tin nhà tôi và Patricia cũng đồng ý với tôi như vậy. Món quà quý nhất đối với chúng tôi là chuyến đi thăm Việt Nam và được Người đón tiếp như vậy là hạnh phúc lắm rồi”.
Đồng chí Lãnh nói: “Công lao của gia đình ông bà giúp Hồ Chủ tịch lúc hiểm nguy thật không gì so sánh được. Đây là một kỷ niệm nhỏ, mong bà nhận cho”.
Bà Loseby vẫn từ chối. Chúng tôi nài mãi, bà mới xin nhận một chiếc nhẫn. “Tôi chỉ nhận chiếc nhẫn này để khi nào Patricia đi lấy chồng, nó sẽ giữ làm kỷ niệm về Bác Hồ”. Nhưng đồng chí Lãnh không đồng ý, và tôi đã xếp hộp nữ trang vào hành lý của bà. Bà đành phải nhận, lấy khăn chấm nước mắt và nhờ chúng tôi chuyển lời cảm ơn chân thành tới Bác.
Gia đình luật sư Loseby rời Việt Nam sau một tuần ở thăm. Bác đã tiễn cả gia đình luật sư ra tận sân bay Gia Lâm, chúc mọi người lên đường thuận lợi và nhớ giữ gìn sức khỏe. Riêng cô Patricia, Bác thân mật nói: “Bao giờ có đám cưới nhớ cho Bác biết nhé”.
Bác ôm hôn từng người, dặn dò từng người. Ai cũng rưng rưng nước mắt vì sự quan tâm của Bác. Kể đến đây, bà Cúc cũng rơm rớm nước mắt: “Bà Loseby và cô Patricia ôm lấy tôi khóc rất nhiều. Bà hứa sau khi về nước bà sẽ viết thư cho tôi. Sau đó, bà đã gửi một xấp vải cho đồng chí Thái may com plê và tôi một bộ gấm để may áo dài. Giờ tôi vẫn còn lưu lại bộ gấm đó để mỗi lần xem lại nhớ đến những con người đôn hậu đó”.
Đã hơn 45 năm qua nhưng lần được phục vụ gia đình luật sư Loseby vẫn in sâu trong ký ức của bà Cúc. Bà bảo: “Tôi đã vinh dự được gặp Bác nhiều lần nhưng qua những ngày đi cùng với gia đình luật sư Loseby, tôi càng thấy một nhân cách cao quý ở Người.
Người đã cảm hóa được không chỉ nhân dân trong nước mà cả những người ở nước ngoài để họ cùng đứng về phía Cách mạng Việt Nam. Rồi dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn nhớ đến những người đã giúp đỡ mình. Nhân cách cao quý đó của Người khiến chúng tôi rất cảm phục”.
Bà Cúc ngừng lời. Dường như suốt buổi trò chuyện bà chỉ kể về Bác, về những người khách của Bác. Ít ai biết rằng, bà đã kiên trì phấn đấu từ một cô bé mới học chưa hết Thành Chung đã tự học để trở thành một cán bộ phiên dịch biết nhiều thứ tiếng, hoàn thành tốt công việc mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Giờ đây đã sắp bước qua tuổi 80 nhưng trông bà vẫn khỏe mạnh. Bà vẫn tích cực tham gia các công tác xã hội, các phong trào nghĩa tình. Bà bảo: “Còn chút sức lực nào thì tôi cố làm những việc có ích cho đời”.
Trọng Thịnh
Theo Báo Tiền Phong
Minh Thu (st)