Sự dối trá trước đây chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, chủ yếu thuộc về đạo đức cá nhân, mà bây giờ đã lan rộng ra toàn xã hội, xuất hiện ở cả những lĩnh vực vốn được coi là nghiêm cẩn, thiêng liêng như thanh tra, tòa án, kiểm sát, hải quan, cảnh sát, nhà trường, tôn giáo...
Thói gian dối cũng không còn là hành vi của những cá nhân riêng lẻ, nhất thời mà có tổ chức, có dự mưu, không chỉ ở hạng thất phu, công chức cấp thấp mà ở cả những cấp cao giữ vai trò rường cột của một ngành, một địa phương, khiến tâm lý xã hội hoang mang, gây ra sự mất hướng của không ít người, làm băng hoại đạo đức xã hội, gây nguy hại đến thể chế chính trị quốc gia.
1. Trong kho tàng truyện dân gian của bất cứ dân tộc nào cũng tồn tại những câu chuyện rất hay, rất đời về tật nói dối của tầng lớp chúng sinh. Xét về cấp độ, thói giả dối thể hiện các mức độ khác nhau về một hành vi, một thái độ không trung thực, một tập tính đã trở thành thuộc tính của con người và xã hội.
Như vậy có thể nói, con người ở thời nào cũng mắc phải những tật xấu này và ở thời nào người ta cũng phải rất vất vả để loại trừ nó ra khỏi đời sống, làm cho môi trường sống lành mạnh hơn. Dù không muốn, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, cuộc đấu tranh diệt trừ sự giả dối, thói gian dối như một căn bệnh xã hội là một cuộc đấu tranh lâu dài, song hành cùng với sự tồn tại của con người.
Tuy vậy, có những hoàn cảnh người ta buộc lòng phải nói tránh đi một sự thật không nên nói và lời nói dối lúc ấy không mang nghĩa xấu. Có một câu chuyện làm không ít người rơi nước mắt bởi “lời nói dối cao thượng”. Chuyện kể về một người lính ở chiến trường trở về sau chiến tranh và cưới người con gái anh yêu. Họ hạnh phúc tuy sống trong thiếu thốn. Chị sinh một bé gái, nhưng do chất độc dioxin anh nhiễm từ ngày ở chiến trường nên cháu bé bị thiểu năng. Do đời sống khó khăn và có những suy nghĩ không đúng, chị bỏ anh cùng đứa con tật nguyền để đi theo người khác. Anh phải nói dối con là mẹ đi công tác xa và lâu. Đứa bé lớn dần và tuy ý thức không bằng người song nó lờ mờ hiểu mẹ đã bỏ hai bố con.
Một hôm, anh liên lạc với chị nói là anh sắp đi công tác mấy tháng, nhờ chị trông con gái một thời gian vì con gái đã đến tuổi trưởng thành, rất cần mẹ chăm sóc. Không còn cách nào khác, chị phải nhận trông con. Sống với mẹ nhưng đứa con luôn nhớ cha, chỉ mong muốn được về nhà. Rồi một lần tỉnh dậy trong đêm, chị nghe thấy tiếng dương cầm ở phòng khách. Chị xuống, thấy con vừa đàn vừa khóc và đến lúc đó chị mới biết sự thật: Trước khi gửi con cho chị, anh đã bị ung thư giai đoạn cuối. Anh không muốn để con chứng kiến lúc mình ra đi và muốn chị sẽ chăm lo cho đứa bé khi anh không còn. Lời nói dối cùng sự ra đi mãi mãi của anh-thực ra là sự hy sinh tất cả vì con và tình cha con của họ đã thức tỉnh người đàn bà.
Về hình thức, đây là một hành vi sai sự thật, nhưng nó không xấu và không gây hại. Trái lại, nó tránh đẩy người khác vào hoàn cảnh khó xử và cũng không làm tổn thương người khác.
Còn trong nhiều trường hợp khác, sự gian dối bao giờ cũng mang nghĩa xấu, nó làm xói mòn lòng tin và đạo đức xã hội.
2. Về bản chất, sự giả dối, thói gian dối khi đã trở thành một căn bệnh xã hội là một điều xấu xa, không gì có thể biện minh. Hành vi không thật thà của một cá nhân nào đó, tùy theo mức độ ảnh hưởng của nó đến xã hội, bị lên án theo các mức độ khác nhau nhưng chủ yếu là từ góc nhìn đạo đức.
Ở bất kỳ thể chế nào, đạo đức bao giờ cũng là hệ thống những nguyên tắc ứng xử được pháp luật bảo hộ, nhưng về cơ bản, nó được tạo ra như những chuẩn mực xã hội để điều tiết các quan hệ và răn đe, đề phòng, phê phán cái xấu, sự dối trá chủ yếu từ góc nhìn đạo đức. Nó lệch chuẩn, gây hại cho xã hội, nhưng chưa bị khép vào các tội hình sự. Sự phê phán, lên án, dù ở mức gay gắt nhất, cũng chỉ như sự sửa sai những hiện tượng lệch chuẩn, đi ra ngoài quỹ đạo ứng xử của số đông.
Quan sát căn bệnh dối trá đang lộng hành trong xã hội ta hiện nay, có thể thấy rằng trong khoảng vài thập niên gần đây, nhất là từ khi Nhà nước thực hiện "mở cửa", xã hội dần dần chuyển động theo “cơ chế thị trường” ở cả các lĩnh vực ngoài kinh tế. Nói chính xác hơn, cơ chế thị trường đã tác động đến tận tế bào xã hội, làm thay đổi cả những yếu tố thuộc lĩnh vực tinh thần. Sự đan xen giữa các yếu tố tốt-xấu, đúng-sai, chân thật-giả dối... tạo nên những lẫn lộn cả trong nhận thức và đánh giá. Từ đó, nền tảng tinh thần xã hội có những chuyển động mạnh, những rạn nứt mới trong quan hệ giữa người với người ngày một lộ rõ, nhiều chuẩn mực xã hội truyền thống bị lung lay trước áp lực của lối sống thực dụng và mang tính cá nhân chủ nghĩa nhiều hơn.
Sự dối trá trước đây chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, chủ yếu thuộc về đạo đức cá nhân, mà bây giờ lại lan rộng ra toàn xã hội, xuất hiện ở cả những lĩnh vực vốn được coi là nghiêm cẩn, thiêng liêng như thanh tra, tòa án, kiểm sát, hải quan, cảnh sát, nhà trường, tôn giáo... Thói gian dối cũng không còn là hành vi của những cá nhân riêng lẻ, nhất thời mà có tổ chức, có dự mưu, không chỉ ở hạng thất phu, công chức cấp thấp mà ở cả những cấp cao giữ vai trò rường cột của một ngành, một địa phương, khiến tâm lý xã hội hoang mang, dẫn đến sự mất hướng của không ít người, làm băng hoại đạo đức xã hội, gây nguy hại đến thể chế chính trị quốc gia.
Ảnh minh họa: Báo Quân đội nhân dân
Điều nguy hại hơn là hiện tượng dối trá vốn là một hành vi vô đạo đức, đáng bị lên án, bất thường đã dần trở nên “bình thường” trong mắt nhiều người. Sự giả dối nguy hiểm hơn vì nó lan đến cả nhà trường, đến những người trẻ (chạy điểm, mua điểm, chạy đua thành tích, bằng cấp giả)... làm mục ruỗng xã hội. Người giả dối có địa vị xã hội cao sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô, có vai trò rất lớn trong tổ chức thực hiện những nhiệm vụ mà Nhà nước, nhân dân giao cho như bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh. Sự dối trá về bản chất gắn liền với lợi ích nên nó như là tiền đề đẻ ra tham nhũng, dối trá để tham nhũng, dối trá trong suốt quá trình để có địa vị cao hơn, quyền lực nhiều hơn, để có điều kiện tham nhũng lớn hơn.
Có thể nói chưa bao giờ tình trạng dối trá và tham nhũng lại gắn với nhau ở tất cả các mức độ, tinh vi và xảo trá đến thế, gây hại cho xã hội đến thế. Nhiều vấn đề được phanh phui, xử lý trong cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua đã đem lại những tin tưởng nhất định của xã hội vào cơ quan công quyền, nhưng quá nhiều vụ tham nhũng "khủng" đang gây mất lòng tin của xã hội, bởi không phải sự tham nhũng diễn ra trong một ngày mà có cả quá trình, có những nhóm lợi ích đã có dự mưu, tổ chức, thực hiện rất nhiều hành vi dối trá từ thấp lên cao. Hàng loạt lãnh đạo nhiều địa phương, bộ, ngành trong nhiều nhiệm kỳ gần đây như Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế... là những minh chứng cho quá trình tha hóa của họ, gây mất uy tín của tổ chức, làm hại đến thanh danh các tổ chức chính quyền, cơ quan mà họ đại diện.
Ngay cả khi đại dịch Covid-19 gây ra bao nhiêu đau khổ, chết chóc cho xã hội mà một số người có chức quyền vẫn gian dối trong báo cáo, tham nhũng tiền của, làm ngơ trước những mất mát, đau khổ của đồng loại. Có người đã tổng kết, những đại án Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, Thuận An, Phúc Sơn, kit test của Nguyễn Quốc Việt, FLC của Trịnh Văn Quyết, AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn... đều bắt đầu từ sự dối trá của cá nhân nhằm trục lợi, rồi dối trá có sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích với một số quan chức lũng đoạn xã hội ở tầm vĩ mô, ở đề xuất chủ trương và hoạch định chính sách.
Có những vị hôm trước còn đăng đàn diễn thuyết, dạy dỗ người khác sống trong sạch, noi gương sáng người này, người khác, thậm chí viết sách để rao giảng những điều hay ho, nhưng không lâu sau thì bị xử lý kỷ luật vì dối trá, tham nhũng. Họ dối trá trước khi bị phát hiện, sống hai mặt, dối trá ngay cả khi đang khoác mặt nạ trong sạch, cao đạo. Nhiều người đã không tin họ bởi nhìn cách họ sống trong đời với những điều họ rao giảng cách nhau một trời một vực, biết họ giả dối nhưng không thể làm gì nên đành quay lưng.
Căn bệnh dối trá như thứ bệnh nan y ăn ruỗng cơ thể xã hội, đến mức có đồng chí lãnh đạo cấp cao đã nói “sờ vào đâu cũng thấy có vấn đề”, “nếu xử lý hết thì không còn người làm việc”. Điều đó nói lên một thực tế: Căn bệnh này đã gây ra những nguy cơ cho xã hội đến mức, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đó là nạn “nội xâm” và thừa nhận chống nó rất gian khổ, bởi những thói xấu và tội lỗi ấy có mầm mống và gây tác hại lớn vì nó nằm ngay trong lòng thể chế, có cái sinh ra từ chính thể chế, được những tổ chức, băng nhóm câu kết với nhau cố tình lừa dối xã hội, báo cáo sai lệch sự thật, bao che cho nhau trong nhiều năm.
Khi họ chưa bị trừng phạt, họ lại cùng cơ quan, có chức quyền, là đồng chí, đồng nghiệp của chúng ta nên việc đấu tranh với họ rất khó khăn. Nhiều vụ tham nhũng đã diễn ra hàng chục năm, nhiều cán bộ đứng đầu các tổ chức, cơ quan vi phạm pháp luật hàng chục năm liền, "một tay che trời", khuynh đảo xã hội vì họ phạm tội có tổ chức, có phe nhóm. Tội lỗi của đám người này không chỉ gây ra những thất thoát lớn cho Nhà nước, nhân dân mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Thói dối trá như một thứ vi trùng dịch hạch cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.
3. Nhận thức được nguyên nhân và thực trạng nguy hại của sự dối trá, căn bệnh giả dối, cả xã hội đã chung tay trong cuộc chiến chống lại nó. Nhận ra thực chất của điều này cũng cần một quá trình, một sự đấu tranh gian khổ, bởi đám người giả dối thường sống ký sinh vào cơ chế, lợi dụng cơ chế, khoác những tấm áo khoác mỹ miều nhân danh tổ chức này nọ. Vạch mặt chỉ tên họ là cần thiết, lôi họ ra trừng trị là việc làm bắt buộc để xã hội chúng ta lành mạnh hơn, để bản chất tốt đẹp của Nhà nước do dân, vì dân, phụng sự dân trở về đúng nghĩa của nó.
Chúng ta đã nói đến sự giám sát của các tổ chức, cơ quan quyền lực, pháp luật và của nhân dân, nhưng cơ chế ấy thời gian qua đã để “lọt lưới” nhiều tội phạm. Họ lừa dối tổ chức và nhân dân bằng những chứng chỉ, bằng cấp, thành tích tự khai, những hứa hẹn trung thành, phụng sự Tổ quốc, nhưng miệng họ nói khác với những việc họ làm. Chỉ khi chiếc mặt nạ họ đeo bị rơi xuống thì bản chất thật của họ mới bị phơi bày trước xã hội. Những mất mát quá lớn cả về tiền của lẫn lòng tin, nhưng không thể không làm. Như xưa trong truyện dân gian cần “kính chiếu yêu" để các quan tham hiện rõ bộ mặt thật, thì ngày nay xã hội cũng cần nhiều "kính chiếu yêu" của tổ chức chính quyền, hệ thống luật pháp và sự giám sát của nhân dân để những quan tham không còn điều kiện gian dối, không dám dối trá.
Rõ ràng đã đến lúc cần đổi mới công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, đánh giá, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật thật chặt chẽ, nghiêm minh để loại dần ra khỏi cơ chế những kẻ cơ hội, tìm mọi cách dối trá nhằm lọt vào cơ quan công quyền mưu cầu lợi ích riêng. Làm trong sạch bộ máy, sử dụng đúng người, đúng việc, thực hiện chính sách vừa giao việc, vừa giám sát và kiên quyết loại ra khỏi đội ngũ những kẻ bất tài, thiếu phẩm chất đạo đức là góp phần ngăn chặn, loại trừ dần sự dối trá. Cơ chế lựa chọn cán bộ phải trở thành bộ máy thanh lọc kẻ gian dối và tìm được, lựa chọn được người chân tài thực đức để kích thích năng lực sáng tạo của mọi người. Lúc ấy, dối trá sẽ không còn đất sống và không thể gây tác hại, hệ lụy cho đất nước, xã hội và thể chế chính trị./.
PGS, TS PHẠM QUANG LONG
nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)