Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến Thông tư thay thế Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

 thi tuyen cong chuc

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định điều chỉnh việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đó là Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Hai Nghị định này có nhiều quy định đổi mới quy trình tuyển dụng công chức, viên chức, sửa đổi, bổ sung quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Căn cứ vào đó, Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Nội dung chính thể hiện được những điểm mới thay đổi của hai Nghị định nói trên là:

- Rút ngắn thời gian thực hiện tuyển dụng; bỏ hình thức thi trắc nghiệm trên giấy; chỉ thi trắc nghiệm trên máy vi tính; bổ sung hình thức thi viết trên máy vi tính với số lượng câu hỏi thi, thời gian làm bài thi do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tính chất, đặc điểm, yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

- Trong thi tuyển, xét tuyển công chức: Sửa đổi nội dung thi phỏng vấn; cho phép Hội đồng tuyển dụng thành lập bộ phận giúp việc mới là Ban phỏng vấn để thực hiện việc phỏng vấn thí sinh dự tuyển (thay Ban kiểm tra sát hạch).

- Trong thi tuyển, xét tuyển viên chức: Thay thế hình thức phỏng vấn bằng hình thức vấn đáp; Hội đồng tuyển dụng thành lập bộ phận giúp việc là Ban kiểm tra sát hạch để thực hiện việc vấn đáp đối với thí sinh dự tuyển.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn của người được cử tham gia Hội đồng tuyển dụng, Hội đồng thi nâng ngạch công chức, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, các ban giúp việc Hội đồng.

- Chỉ một hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là thẩm định hồ sơ; sửa đổi, bổ sung quy định về xác định viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là “theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP”.

Dự thảo Thông tư cũng đưa ra một số vấn đề quy định khác về nội quy, quy chế như quy định đối với thí sinh. Cụ thể:

- Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định; trường hợp thí sinh dự thi đến muộn quá 10 phút tính từ khi bắt đầu tính giờ làm bài thi, phần thi, môn thi (sau đây viết tắt là bài thi) thì không được dự thi. Trang phục gọn gàng, lịch sự.

- Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Thẻ căn cước hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh và thông tin cá nhân.

- Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức ban hành kèm theo dự thảo Thông tư lên mặt bàn.

- Chỉ được mang vào phòng thi thước kẻ, bút viết để làm bài thi và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi, trừ trường hợp có quy định khác.

- Tuân thủ mọi hướng dẫn của giám thị phòng thi; nếu có ý kiến hoặc thắc mắc phải hỏi công khai với giám thị phòng thi; giữ trật tự và không được hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích, các loại thức ăn, đồ uống có cồn trong phòng thi.

- Chỉ sử dụng loại giấy thi được phát để làm bài thi; phải ghi đầy đủ các mục quy định đối với thí sinh trên giấy thi làm bài thi. Không được trao đổi với người khác trong thời gian thi, không được trao đổi giấy nháp, không được nhìn bài làm của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, truyền tải thông tin có liên quan đến câu hỏi và đáp án ra ngoài phòng thi hoặc nhận thông tin từ ngoài vào phòng thi.

- Bài làm trên giấy chỉ được viết bằng một loại mực có màu xanh; không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng lên bài làm. Trừ phần ghi bắt buộc trên trang phách, thí sinh không được ghi họ tên, chữ ký của thí sinh, chức danh hoặc các dấu hiệu khác lên bài làm. Trường hợp cần viết lại thì gạch chéo hoặc gạch ngang phần đã viết trong bài làm (trừ trường hợp có quy định khác).

- Thí sinh không được ra ngoài phòng thi đối với bài thi có thời gian làm bài dưới 60 phút. Đối với bài thi trên giấy có thời gian trên 60 phút, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sớm nhất sau 2/3 thời gian làm bài thi.

Trường hợp cấp thiết phải ra khỏi phòng thi phải được sự cho phép của giám thị phòng thi.

- Ngừng làm bài và nộp bài làm ngay khi giám thị tuyên bố hết thời gian làm bài thi; ký danh sách nộp bài làm. Đối với bài thi trên giấy phải ghi rõ tổng số tờ giấy thi đã nộp; trường hợp không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp lại giấy thi.

- Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính:

+ Trường hợp gặp sự cố về máy thi trong quá trình thi thì báo ngay cho giám thị phòng thi, kỹ thuật viên máy vi tính biết để lập biên bản xác nhận sự cố; thí sinh được làm lại bài thi ngay trong buổi thi đó.

+ Nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng tới hệ thống máy vi tính phục vụ thi; khi phát hiện máy vi tính không sử dụng được phải kịp thời báo cho giám thị phòng thi để xem xét, giải quyết;

+ Thí sinh dự thi chỉ được rời phòng thi khi đã nộp bài và ký xác nhận vào danh sách kết quả thi.

Trường hợp thí sinh dự thi không ký xác nhận vào danh sách kết quả thi trước khi ra khỏi phòng thi thì điểm bài thi được xác định là 0 (không) điểm. Trường hợp giám thị phát hiện thí sinh dự thi ký thay thí sinh dự thi khác thì điểm thi của các thí sinh này được xác định là 0 (không) điểm. Đối với các trường hợp này, giám thị phòng thi phải lập biên bản và báo cáo với Trưởng ban coi thi.

- Thí sinh dự thi có quyền tố giác người vi phạm nội quy, quy chế với giám thị phòng thi, Trưởng ban coi thi, thành viên Hội đồng, thành viên Ban giám sát.

(Xem thêm chi tiết Dự thảo Thông tư).

Thông tư sau khi được hoàn thiện, ban hành sẽ bãi bỏ Thông tư số 06/2020/TT-BNV ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.  Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả trong cả nước về công tác thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức./.

Thu Hiền

Bài viết khác: