Hơn 70 năm qua, từ khi lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện và bay phấp phới trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940) cũng là gần ấy thời gian bà Nguyễn Thị Xu (85 tuổi) truyền nhân “độc nhất” của liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến – tác giả Quốc kỳ Việt Nam ở huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam gìn giữ và trân trọng những kỷ vật kháng chiến của cha.
Con đường nhỏ dẫn về làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xưa gọi với cái tên cổ là Kim ngân điền (tức là con đường vua) giờ đây đã được bê tông hóa. Căn nhà cấp 4 đề tên: “Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - Tác giả vẽ lá cờ tổ quốc” là nơi bà Nguyễn Thị Xu người con duy nhất đang sống và hằng ngày gìn giữ những kỷ vật đáng quý của cha.
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.
Căn bệnh suy tim tái phát nhiều năm khiến hơi thở của bà trở nên yếu ớt. “Tôi vừa mới được đứa cháu nội đưa ra nghĩa trang để sửa sang lại cho ngôi mộ của ông cụ. Dạo này sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng tôi muốn mình ra dọn sạch cỏ và thắp hương cho ông, đó chỉ là ngôi mộ tượng trưng để mỗi khi lễ, tết con cháu ra thăm cụ”, bà Xu kể.
Những bức hình cũ, những bức thư mật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của cha hơn 70 năm qua kể từ khi Nguyễn Hữu Tiến bị địch xử bắn được bà và gia đình cất rất cẩn thận, và nhất là lá cờ đỏ sao vàng được bà dựng bay phấp phới trước nhà, xem đó như những báu vật đáng quý.
Bà Xu kể lại: “Cha tôi tham gia hoạt động cách mạng từ khi tôi còn nằm trong lòng mẹ, nên tôi không được biết trực tiếp về cha mình mà chỉ nghe từ mẹ và các cụ trong làng kể lại. Về sau này, cuộc đời cha tôi được tái hiện lại qua cuốn sách ‘Nguyễn Hữu Tiến’ do nhà văn Sơn Tùng viết nên tôi mới hiểu rõ”.
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến do nhạc sĩ Văn Cao vẽ bằng sơn dầu.
Hoạt động cách mạng bí mật, Nguyễn Hữu Tiến đã không ít lần đối diện với nguy hiểm cùng đồng đội chiến đấu trong chiến trường miền Nam chống chế độ thực dân Pháp. Năm 1940 sau nhiều đêm thức trắng ông đã vẽ nên lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho máu thịt và tinh thần đoàn kết của các giai cấp Việt Nam đã được dựng lên trước ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940). Sau thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 28/8/1941 ông Nguyễn Hữu Tiến cùng nhiều đồng đội đã bị địch bắt và xử bắn tại Hóc Môn - Gia Định.
Chân dung và bút tích của ông được treo trang trọng trong nhà.
Sau hơn 70 năm sống trong cảnh mất cha, với bà Xu, ông là một người cả cuộc đời vì bảo vệ nền độc lập dân tộc cho đến khi mất ông cũng vẫn nhắn nhủ lại với đồng đội, đồng chí:“Vĩnh biệt hôm nay có mấy lời/ Nhắn cùng đồng chí khắp nơi nơi/ Tinh Thần để lại cho non nước/ Thù hận ghi sâu giữa đất trời/ Án chém Hà Nam đã rũ sạch/ Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi/ Anh em đi trọn con đường nhé/ Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”. Hiện bút tích được treo trang trọng bên trên tấm chân dung sau này được nhạc sĩ Văn Cao đích thân vẽ bằng tranh sơn dầu và được bà Xu lưu giữ.
Những kỷ vật về cha được bà Nguyễn Thị Xu gìn giữ cẩn thận.
Quyển sách kể về cuộc đời Nguyễn Hữu Tiến do nhà văn Sơn Tùng viết.
Bà nhớ lại: “Thời kỳ ấy mẹ con tôi sống trong vô vàn khó khăn, bom đạn ác liệt như mưa của giặc khiến nhiều đêm phải đi sơ tán, có lúc tôi đã khóc vì sợ hãi nhưng mẹ lại động viên và kể về cha mình đã chiến đấu rồi hy sinh vì nước khiến tôi không còn sợ nữa và cứ muốn mẹ kể thật nhiều về cha”.
Năm 1945 lá cờ đỏ sao vàng do Nguyễn Hữu Tiến vẽ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc kỳ Việt Nam. Tuy rằng Nguyễn Hữu Tiến không còn nữa nhưng mỗi khi nhìn thấy lá cờ đỏ tươi bay phấp phới trong gió bà Xu cùng con cháu lại tự hào về cha ông mình.
Ở tuổi 85 sức khỏe đã yếu khiến mọi việc làm của bà Xu gặp nhiều khó khăn nhưng bà đã sống gần trọn đời mình trong hạnh phúc, tự hào và hãnh diện với xóm giềng về người cha của mình.
Năm 1993, UBND tỉnh Hà Nam đã khởi công xây dựng nhà lưu niệm người vẽ lá cờ tổ quốc để góp phần gìn giữ những tư liệu quý mà bà Xu đã gìn giữ, UBND xã Yên Bắc đã trích số tiền 180 nghìn đồng mỗi tháng để hỗ trợ tiền chăm lo hương khói cho cụ. Giờ đây để tưởng nhớ tác giả của Quốc kỳ Việt Nam trên nhiều tuyến đường, trường học ở tỉnh Hà Nam cũng được mang tên Nguyễn Hữu Tiến.
“Nếu 1 ngày tôi không còn sống trên đời này nữa thì tôi cũng sẽ dặn dò con cháu giữ gìn và trân trọng những kỷ vật kháng chiến thiêng liêng của ông cha mình để lại, để ai ai cũng biết về ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng mà ông cụ đã vẽ ra để mãi trở thành Quốc kỳ của Việt Nam. Đó là sự đoàn kết dân tộc của con người Viêt Nam máu đỏ da vàng”. Bà Xu bày tỏ.
Ánh chiều vàng vọt dần khuất sâu về phía tây sau chân núi, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay phấp phới, mỗi lần nhìn thấy hình ảnh ấy mỗi con dân người Việt Nam lại thổn thức trái tim và lòng tự hào dân tộc.
Văn Định
Theo http://www.nguoiduatin.vn
Thu Hiền (st)