Tại dự thảo Tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết, mục đích xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là cần thiết.
Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ cho biết, Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019 tại Luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019 (gọi chung là Luật Cán bộ, công chức). Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Cán bộ, công chức đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Tuy nhiên, sau 05 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng, cụ thể là:
Một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: Cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng; chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành khác.
Ngoài ra, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: Các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ; việc áp dụng cơ chế quản lý thống nhất giữa cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; quy định về việc tiếp nhận vào công chức, trong đó cần bổ sung đối tượng là sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển; chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.
Mục đích xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đồng thời, xây dựng nền công vụ thực tài và cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, “vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được”. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở quy định rõ các trường hợp cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch.
Đẩy mạnh số hóa toàn diện, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số thông qua xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về nền tảng số, bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về quản lý cán bộ, công chức.
Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quản lý nguồn nhân lực khu vực công, tạo động lực phát triển.
Việc sửa đổi bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và và những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bảo đảm tính nhất quán, ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Cán bộ, công chức với pháp luật chuyên ngành khác; tính kế thừa và phát triển các quy định hiện hành; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo thẩm quyền. Gắn việc giao quyền, xác định rõ trách nhiệm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, công chức.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (1) Thống nhất nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; (2) Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; (3) Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ; (4) Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; (5) Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng 5 chính sách, cụ thể như sau:
Chính sách 1: Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Mục tiêu của chính sách nhằm đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.
Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ.
Mục tiêu của chính sách nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thẩm quyền, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu.
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.
Mục tiêu của chính sách là tập trung hoàn thiện quy định về quản lý cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.
Chính sách 4: Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tiếp tục thể chế thành luật các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ mới ban hành chưa kịp thể chế.
Chính sách 5: Thống nhất nền công vụ từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Mục tiêu của chính sách nhằm thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề "rất trọng yếu", "quyết định mọi việc", "cán bộ là cái gốc của mọi việc", là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tiếp tục kế thừa, phát triển một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành thời gian qua trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Quản lý Lăng xin giới thiệu toàn văn để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiên cứu, đóng góp ý kiến:
Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động
Dự thảo Báo cáo tổng kết Luật Cán bộ, công chức năm 2008
Dự thảo Đề cương Luật Cán bộ, công chức
Thu Hiền (Tổng hợp)