Thứ tư, 25/12/2024

Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ phong phú, đa dạng với những sự kiện lịch sử, những dấu mốc quan trọng mà còn sâu sắc hơn, tình nghĩa và ngày càng phát triển hơn bởi Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng và là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước có “núi liền núi, sông liền sông”; bởi tình cảm chân thành, thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai trong những năm nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

bac ho
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay ở Bắc Kinh ngày 25/6/1955 (Ảnh tư liệu).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Mao Trạch Đông

Là Người bắc cầu, thiết lập và thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam - Trung Quốc, ngày 1/10/1949 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời thì ngày 5/12/1949, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh (Hồ Chủ tịch) đã điện văn gửi Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông (Mao Chủ tịch) và khẳng định rằng: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”[1].

Khi đó, để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nước bạn với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã “cử hai cán bộ đắc lực mang theo thư tay bằng Hán văn của Người, chia nhau đi theo hai con đường (đường bộ và đường biển) bí mật đến Bắc Kinh, thỉnh cầu Trung Quốc viện trợ”. Trong thư Người viết rằng: Ân ca, Dĩnh thư (Tức anh Chu Ân Lai và chị Đặng Dĩnh Siêu): Em đã xa anh, chị mười năm, luôn luôn nhớ nhung, và có rất nhiều việc mới muốn bàn với anh chị. Em xin thay mặt tệ điếm chúc mừng sự phát triển vĩ đại của quý Công ty. Tệ điếm (cửa hàng nhỏ của tôi) mấy năm qua kinh doanh khá tốt, ý muốn tranh thủ thời cơ, đánh thắng đối phương, xin cử hai người nhân viên thân tín, cấp tốc khẩn cầu anh chị giúp đỡ.

Đinh (Bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh)”[2].

Đặc biệt, để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô đối với Việt Nam và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, ngày 2/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đi thăm Trung Quốc, Liên Xô. Đến Trung Quốc, Người đã gặp gỡ Chủ tịch Mao Trạch Đông và các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, v.v… để “thương nghị vấn đề Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam kháng chiến”. Khi đó, trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết quốc tế vô sản, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói: “Cách mạng Trung Quốc đã thắng lợi, có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân Việt Nam đang đấu tranh giải phóng dân tộc”[3] và theo đề nghị của Người, Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định cử Đoàn cố vấn và chi viện cho nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp, v.v.. Còn khi tới Liên Xô, “trong thời gian đàm phán với Hồ Chí Minh, Stalin và Mao Trạch Đông thông báo sẽ cung cấp vũ khí cho 6 sư đoàn Việt Nam. Mao Trạch Đông xác nhận tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc sẽ trở thành hậu phương quân sự trực tiếp cho Việt Nam”[4]…

Những cuộc gặp gỡ, trao đổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã góp phần đưa đến việc ngày 15/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những nước đầu tiên tuyên bố công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng đã ra tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện trọng đại này không chỉ là dấu mốc quan trọng mở ra trang sử mới cho quan hệ giữa cách mạng hai nước, mà còn cho thấy mối quan hệ hữu nghị, láng giềng truyền thống, thân thiện giữa hai quốc gia liền kề trong lịch sử đã được nâng lên tầm cao mới bởi những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình quốc tế vô sản của Mao Chủ tịch, của Đảng Cộng sản Trung Quốc… Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc là một thắng lợi chính trị to lớn, bởi “mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ và các nước dân chủ mới, đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới. Nghĩa là ta đã đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc”[5]; đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác vì “thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”[6] của Việt Nam.

Sau khi 2 nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, trên cương vị Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng, Hồ Chủ tịch đã không chỉ quan tâm đến những thắng lợi của nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản Trung quốc, mà Người còn củng cố, thắt chặt mối tình đoàn kết, hữu nghị vốn có bề dày truyền thống giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và sự nghiệp cách mạng 2 nước bằng tình cảm, sự chân thành của mình trong những bức thư điện gửi tới Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông. Dù là không nhiều, song có thể thấy trong những năm 1950-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi điện văn cho Mao Chủ tịch. Cụ thể, ngày 1/10/1951, Người gửi điện chúc mừng Chủ tịch Mao Trạch Đông nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 2 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; trong đó khẳng định: “Sau cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhân dân Trung Quốc đã hoàn thành cuộc cách mạng vĩ đại: Đánh đuổi sạch lũ đế quốc… và xây dựng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…Trung Quốc đang soi đường, mở cửa cho phong trào giải phóng châu Á”[7]. Ngày 28/7/1953, Người gửi điện văn chúc mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông khi được tin hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký kết; trong đó, khẳng định “đó là thắng lợi lớn của nhân dân Triều Tiên và Quân chí nguyện Trung Quốc”[8]. Ngày 1/8/1953, Người gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông nhân kỷ niệm lần thứ 26 Ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc và đồng thời viết bài “Chúc mừng nhân dân giải phóng quân Trung Quốc” đăng trên báo Nhân Dân; trong đó khẳng định nguyên nhân, ý nghĩa to lớn những thắng lợi của Giải phóng quân Trung Quốc trong 26 năm qua… Ngày 30/9/1953, Người gửi điện văn tới Chủ tịch Mao Trạch Đông để chúc mừng Quốc khánh Trung Quốc và nhấn mạnh những thắng lợi to lớn của nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa dân chủ mới, trong giữ gìn hòa bình của châu Á và thế giới đã “làm cho nhân dân Việt Nam càng thêm hăng hái kháng chiến để đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, càng thêm chắc chắn thắng lợi giành được độc lập và thống nhất hoàn toàn… Kính chúc đồng chí mạnh khỏe, sống lâu! Tình hữu nghị Việt - Hoa muôn nắm!”[9]. Ngày 9/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Chủ tịch Mao Trạch Đông, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Trung Hoa đã giúp đỡ sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Ngày 2/8/1954, Người gửi điện cảm ơn Chủ tịch Mao Trạch Đông đã gửi điện chúc mừng Hiệp định Genève về đình chiến ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Trong đó, Người “trân trọng gửi lời thành thật” cảm ơn Chính phủ và nhân dân Trung Hoa đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến và đấu tranh lập lại hòa bình; đồng thời tin tưởng nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiều hơn nữa của nhân dân, của Chính phủ Trung Quốc và “nguyện củng cố hơn nữa tình đoàn kết anh em với Trung Quốc”[10]… Sau đó, ngày 1/10/1954, Người gửi điện văn tới Chủ tịch Mao Trạch Đông để chúc mừng Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 5, trong đó nhấn mạnh những thắng lợi to lớn của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản Trung Quốc; bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Hoa “trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giữ gìn hòa bình châu Á và thế giới”…

Từ những bức điện văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông trong những năm 1950 - 1954, có thể thấy rằng sự quan tâm, việc trao đổi giữa 2 vị lãnh đạo đứng đầu 2 Đảng, 2 Nhà nước Việt Nam - Trung Hoa chủ yếu tập trung vào những vấn đề đại sự của quốc gia, quốc tế, song ẩn chứa trong đó còn là tình cảm trong sáng, thủy chung và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến người bạn lớn “vừa là đồng chí vừa là anh em”/Chủ tịch Mao Trạch Đông; còn là tình cảm của Người với Trung Quốc và mối tình hữu nghị “Việt - Hoa thân thiện” như Người thường mong mỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Chu Ân Lai

Thủ tướng Chu Ân Lai là một người bạn/người em mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gặp gỡ, hoạt động khi ở Paris, nước Pháp cùng một số thanh niên ưu tú của Trung Quốc (Lý Phú Xuân, Chu Ân Lai…) và ông chính là một trong 5 thanh niên Trung Quốc đã được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào Đảng Cộng sản Pháp từ thập niên 1920. Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Chu Ân Lai được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khi Việt Nam - Trung Hoa xác lập quan hê ngoại giao, với vai trò của người đứng đầu Chính phủ, với tình cảm của mình dành cho Việt Nam, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến công tác ngoại giao bí mật tháng 1/1950 - Thủ tướng Chu Ân Lai đã cùng Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định cử Đoàn cố vấn sang giúp Việt Nam; quyết định chi viện vật chất (vũ khí, đạn dược…) cũng như ủng hộ về tinh thần (trên những diễn đàn quốc tế) cho nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng trong hành trình chuyến công tác sang Liên Xô tháng 1/1950, “ngày 17/2, Hồ Chí Minh, cùng với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai lên tàu rời Moskva. Ngày 4/3, Hồ Chí Minh về tới Bắc Kinh và lưu lại ở đó hơn 1 tuần. Sau đó Bác Hồ thảo luận với Chu Ân Lai, gặp Lưu Thiếu Kỳ, Tham mưu trưởng Chu Đức và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc”[11]… Tháng 7/1954, trước sự bế tắc của Hội nghị Genève (khi các bên không tìm được tiếng nói chung), ngày 3 - 5/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc hội đàm với Chu Ân Lai về các vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và những vấn đề có liên quan đến Hiệp định Genève (phân vùng, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề Lào, Campuchia..), góp phần đưa đến sự thống nhất chung giữa các bên và kết thúc thắng lợi Hội nghị này…

bac ho 2
Hồ Chủ tịch tiếp đón Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai khi ông đến thăm Hà Nội năm 1960 (Ảnh tư liệu).

Gắn bó, yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người anh trong gia đình, sau này mỗi dịp sang thăm Việt Nam là một lần Thủ tướng Chu Ân Lai được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp vừa trọng thể vừa thân tình. Ngày 21/11/1956, khi gặp vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng giới thiệu với mọi người: “Chu Ân Lai là người anh em của tôi, chúng tôi đã cùng nhau chia ngọt bùi, sẻ đắng cay, cùng nhau làm công tác cách mạng. Đồng chí là người thân thích của tôi hơn ba mươi năm trước”[12]. Còn Thủ tướng Chu Ân Lai khi nhắc đến kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris ngày trước đã khẳng định rằng: “Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt tôi trong những bước đầu tiên tham gia công tác cách mạng. Người đã giới thiệu một số đồng chí chúng tôi vào Đảng Cộng sản Pháp. Lúc đó Người sống rất thanh đạm, giản dị, nhưng sự hiểu biết của Người rộng lớn, sự hoạt động của Người thật phong phú. Người biết nhiều tiếng nước ngoài. Đạo đức, trí tuệ của Người như thanh nam châm, cuốn hút, hấp dẫn chúng tôi, những thanh niên mới bước vào con đường cách mạng”[13] và “Anh ấy là lão đại ca của tôi!”…

Tình cảm, sự quan tâm như “cố nhân tri ngộ” của hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc vốn đã có nền tảng từ những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, lại trải dài suốt chặng đường đấu tranh cách mạng của 2 người gắn với sự phát triển của phong trào cách mạng 2 nước, nên sự thắm thiết, nồng hậu càng thêm sâu sắc. Trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Thủ tướng Chu Ân Lai và bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ của ông) là những người em gần gũi, thân thiết như người nhà. Nên không chỉ trong những năm nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) mà cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) sau này, mỗi dịp được gần Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi Người sang Trung Quốc nghỉ dưỡng, chữa bệnh) là một dịp vợ chồng Thủ tướng Chu Ân Lai tới thăm hỏi, trò chuyện và “thường mang những món ăn Trung Quốc mà Người ưa thích tới biếu Người”[14]... Trong trái tim Thủ tướng Chu Ân Lai thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương một người cộng sản mẫu mực đã giúp cho người dân các nước thuộc địa và phụ thuộc hiểu sâu sắc bài học kinh nghiệm về sự tự lực cánh sinh - tự đấu tranh để giải phóng mình - dựa vào sức mình là chính. Cũng theo Thủ tướng Chu Ân Lai, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tiêu biểu cho cuộc đời những người biết nắm ngọn cờ giải phóng dân tộc” và “đã tự tay mình tạo ra đất nước mới, xã hội mới của mình”[15]…

Mối thâm tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Chu Ân Lai trải qua những ngày tháng hoạt động ở Paris, ở Quảng Châu, ở Khu căn cứ cách mạng Diên An, Trung Quốc… và tình cảm bền chặt ấy còn được minh chứng bằng việc “Chu Ân Lai đã gặp Tưởng Giới Thạch yêu cầu phải thả Người”; gặp Phùng Ngọc Tường - một tướng lĩnh Quốc dân Đảng yêu nước để bàn việc cứu Hồ Chí Minh khi Người bị quân của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong chuyến sang Trung Quốc tháng 8/1942. Mối thâm tình ấy được thể hiện bằng những quyết sách của Thủ tướng Chu Ân Lai khi cùng Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản Trung Quốc sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược… Vì vậy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Điếu văn của Thủ tướng Chu Ân Lai đọc trước linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định: “Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những hình ảnh phi thường, hình ảnh toát lên một niềm cổ vũ, tập hợp được một đội ngũ chọn lọc, hình ảnh một con người vĩ đại, nhưng sống rất giản dị, hình ảnh một nhà lãnh đạo với phong thái đàng hoàng trong bất cứ tình huống nào, dù ở trong rừng rậm hay trong các dinh thự Nhà nước, trong đàm phán hay trong chiến tranh, hình ảnh của một lãnh tụ trước hết là đầy tớ của nhân dân. Cuộc đời ấy, tấm lòng ấy khác nào biển rộng, sông dài, còn tươi sáng mãi trong lịch sử thời đại ngày nay”, mà còn ghi nhận rằng: “Công ơn của Người đối với Tổ quốc chúng tôi cũng to lớn và vô cùng hiển hách”[16].

Năm tháng đã qua đi, cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai đều đã đi về miền xa thẳm. Song ký ức về những lần đầu gặp gỡ; sự cảm mến, kính trọng, quan tâm và tình bạn trong sáng, nhất quán giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong những năm nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) vẫn luôn là mẫu mực của tình đồng chí và anh em thân thiết. Sự ủng hộ, giúp đỡ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc trong những năm Việt Nam tiến hành kháng chiến chống xâm lược đã không chỉ góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn đồng thời làm cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt - Trung được Người và những nhà lãnh đạo Trung Quốc dày công vun đắp càng được củng cố và thắt chặt, đúng như ghi nhận thắm đượm tình đoàn kết, hữu nghị của các đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người sáng lập và lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam, lãnh tụ kính yêu nhất của nhân dân Việt Nam, chiến sĩ xuất sắc nhất của phong trào cộng sản quốc tế và là người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc”[17]./.

--------------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.254

[2] Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam (Hồi ức của Trương Đức Duy, Văn Trang, Vương Đức Luân, công bố nhân dịp 50 năm (7/5/1954-7/5/2004) Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bản dịch của Nhà báo-Dịch giả Vũ Phong Tạo từ nguyên bản Trung văn), Quân đội nhân dân.vn, 1/5/2009

[3] Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam (Hồi ức của Trương Đức Duy, Văn Trang, Vương Đức Luân, công bố nhân dịp 50 năm (7/5/1954-7/5/2004) Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bản dịch của Nhà báo-Dịch giả Vũ Phong Tạo từ nguyên bản Trung văn), Quân đội nhân dân.vn, 1/5/2009

[4] Duy Trinh: Chuyến công du đối ngoại bí mật lịch sử của Hồ Chí Minh (TTXVN lược dịch nghiên cứu về chuyến đi này của Nhà Việt Nam học Nga Anatoli Sokolov), baotintuc.vn, ngày 19/5/2015

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, 423-424

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.424

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.206-207

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.182

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.302

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.15-16

[11] Duy Trinh: Chuyến công du đối ngoại bí mật lịch sử của Hồ Chí Minh (TTXVN lược dịch nghiên cứu về chuyến đi này của Nhà Việt Nam học Nga Anatoli Sokolov), baotintuc.vn, ngày 19/5/2015

[12] Trần Quân Ngọc: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.210

[13] Trần Quân Ngọc: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.214

[14] Trần Quân Ngọc: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.218

[15] Trần Quân Ngọc: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.220

[16] Trần Quân Ngọc: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.220

[17] Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 2006, tr.229.

 

Văn Thị Thanh Mai

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: