Khi vừa đến nhà bác Trần Hoàng Đạo (xã Hưng Công, huyện Bình Lục), tôi đã có ấn tượng ngay với khu vườn khá rộng rãi với nhiều loại cây ăn trái như: Nhãn, bưởi, kỳ đà… Những loại cây này đều được bác bỏ công sức tìm kiếm, sưu tầm, chiết ghép để có được những ưu điểm đặc sắc, nổi trội nhất.

trong-cay-a

          Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về quá trình đưa cây vào trồng trong khu Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác Đạo dẫn ra giới thiệu về một gốc cây kỳ đà, nhưng được ghép thêm giống bưởi vàng bồ đề bản địa, bưởi đỏ, phật thủ, chanh yên. Đây là cây mới nhất được bác sưu tầm, cấy ghép để chuẩn bị đưa lên trồng ở khu vườn Phủ Chủ tịch. Bác Trần Hoàng Đạo cho biết: Vài tháng nữa tôi sẽ đưa khoảng 3 - 5 loại cây lên trồng trong vườn Bác Hồ. Cũng theo bác Đạo, hơn 10 năm nay khu vườn hơn 5 sào của gia đình đã trở thành một địa chỉ thường xuyên cung cấp cây giống cho vườn Bác với hàng trăm cây ăn quả các loại, như: Bưởi, kỳ đà, chanh yên, phật thủ, xoài, hồng xiêm quả dài… Khi tìm hay cấy ghép lai tạo được giống cây quý nào là bác Đạo đều gọi điện báo những người phụ trách khu vườn Bác để đưa lên trồng, hoặc thỉnh thoảng Ban Quản lý Khu Di tích cũng liên lạc với bác xem có thêm giống cây đặc sắc nào để bổ sung vào khu vườn thiêng liêng này.

          Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống với nghề làm vườn nên sau gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, khi về hưu, bác Trần Hoàng Đạo đã bỏ công sức cải tạo khu vườn của gia đình trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Từ niềm đam mê với cây trái này, nên trong những lần lên Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm khu vườn của Người, bác Đạo rất quan tâm đến những loại cây quý hiếm được đưa về trồng từ mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, bác Đạo cũng nhận thấy trong khu vườn này riêng bưởi chỉ có một loại Pô-me-lô, tuy quả đẹp, thơm ngon, nhưng chỉ đến tháng 8 đã hết quả. Do vậy, bác Đạo đã chủ động gặp Ban Quản lý Khu Di tích giới thiệu về giống bưởi vàng bồ đề của quê hương Hà Nam đang có ngay trong vườn nhà, với những ưu điểm nổi trội như: Quả to (4kg), mã đẹp da vàng đều, vị ngọt mát, tép đanh, thơm… Quan trọng nhất, cây gần như có hoa, có quả quanh năm, thường ra hoa đậu quả vào tháng 2, cho thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là quả chín không hay bị rụng, có thể để thêm trên cây từ 01 - 02 tháng sau đó. Qua giới thiệu của bác, Ban Quản lý Khu Di tích đã về trực tiếp tìm hiểu và chọn giống bưởi này về trồng, làm phong phú thêm khu vườn.

          Bác Đạo vẫn còn nhớ rõ lần đầu tiên vào ngày 14/11/1998, cây bưởi vàng bồ đề được đưa lên trồng ngay gần Nhà sàn Bác Hồ. Đây cũng là điểm bắt đầu để những loại cây ăn quả của bác Đạo được lựa chọn đưa vào trồng trong bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Hình ảnh cụ già hơn 70 tuổi quắc thước đang chăm sóc cho những gốc cây ăn quả đặc sản trong vườn nhà, trong đó có cả những cây được đưa vào trồng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự say mê lao động và lòng tôn kính vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bác Đạo vui vẻ nói: “Cuộc đời tôi đã làm được cả hai việc lớn mà Bác Hồ đã dạy: ‘Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người’. Những cây quả của tôi được chọn trồng trong vườn Bác chính là cách báo cáo thiết thực nhất với Người”. Với quê hương, những cố gắng của bác Đạo đã giới thiệu được bưởi vàng bồ đề - một giống cây quý cho nhiều nơi biết đến. Hiện đã có 10 tỉnh, thành phố nhân giống bưởi bản địa đặc sản Hà Nam ra trồng.

          Theo “nghệ nhân cây trái” Trần Hoàng Đạo, những năm tới, bác tiếp tục dành tâm sức để đưa thêm nhiều giống cây ăn quả đặc sắc nữa đưa vào trồng trong vườn Bác và góp phần phát triển kinh tế vườn địa phương./.

 

Theo Báo Hà Nam

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: