Trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Đây là chỉ đạo mới, thiết thực, phù hợp với xu thế thời đại.
Cán bộ VNPT giới thiệu các dịch vụ và nền tảng chuyển đổi số. (Ảnh: BÁO NHÂN DÂN)
Thời gian vừa qua, chúng ta đã tích cực trong triển khai ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, cải cách hành chính... Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành nghề. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghiệp công nghệ số hiện là lõi của kinh tế số và đang chiếm gần 60% tổng giá trị của kinh tế số, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trong bài viết về chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có đánh giá: Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội. Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 5,7-5,9%/năm, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,45 lần, ước đạt 500 tỷ USD vào năm 2025. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 3.400 USD đến khoảng 4.650 USD, đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025.
Tuy nhiên, so sánh với tốc độ chuyển đổi số của nhiều nước trên thế giới thì chúng ta còn chậm. Nguyên nhân là do tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, hoạt động kém hiệu quả. Trước hết có thể thấy rõ việc phải dành đến 70% ngân sách để trả lương nuôi bộ máy đã khiến các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số còn yếu, chưa đồng bộ. Bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc trung gian cũng gây khó khăn cho triển khai các dự án công nghệ số, tốn kém kinh phí.
Trong khi đó, phát triển hạ tầng số quốc gia luôn phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số…, đây là lý do vì sao Chính phủ đầu tư khá lớn vào triển khai các công trình, dự án chuyển đổi số quốc gia nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.
Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia, báo cáo cho thấy, về hạ tầng công nghệ còn 9/22 bộ, ngành chưa hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Về dữ liệu, ở địa phương mới đạt 10,23% và ở bộ, ngành đạt 1,17% số lượng hồ sơ thủ tục hành chính có tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa. Nguy cơ, năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu cắt giảm 50% các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến dữ liệu dân cư...
Một điểm nghẽn quan trọng là từ tổ chức, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến cơ chế xin cho, làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Một số cán bộ, nhất là những người nắm giữ quyền lực và vị trí then chốt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, vì lợi ích cá nhân, chưa thật sự muốn đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhiều cán bộ, công chức cũng chưa mặn mà với chuyển đổi số vì sợ mất việc làm do bị công nghệ thay thế…
Một điểm nghẽn quan trọng là từ tổ chức, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến cơ chế xin cho, làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. |
Do vậy, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ: Cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Đây là giải pháp quan trọng giúp cuộc cách mạng về chuyển đổi số của chúng ta bứt phá phát triển, đồng thời quay trở lại giúp tổ chức, bộ máy tinh gọn, giảm chi phí, hoạt động hiệu năng, hiệu quả. Để làm tốt nhiệm vụ này, Trung ương đã có những chỉ đạo, định hướng quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, địa phương cũng đang khẩn trương tiến hành công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Đây là nhiệm vụ cấp bách, được Trung ương xác định phải tiến hành khẩn trương cho nên rất cần sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra./.
ĐỨC HUY
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)