Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt quan trọng mở ra một thời kỳ quyết định đến chiều hướng phát triển cho dân tộc; chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước, đánh dấu sự phát triển tất yếu khách quan vì mục tiêu và con đường chủ nghĩa cộng sản.

Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong, trực tiếp nắm chắc ngọn cờ lãnh đạo để dẫn dắt nhân dân ta tiến tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã quy tụ các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh, tạo nên một phong trào cách mạng rộng lớn trong những năm 1930-1931. Cao trào cách mạng 1930-1931 diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản Pháp trút những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản (1929-1933) lên nhân dân các nước thuộc địa. Với tầm nhìn và tư duy lãnh đạo nhạy bén, Đảng chủ trương phát động quần chúng đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, chống khủng bố, đòi trả tự do cho những người yêu nước bị bắt... Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh của nhân dân ngày càng dâng lên mạnh mẽ với các nội dung đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc (của công nhân), đòi giảm sưu thuế (của nông dân) với các hình thức: Đình công, bãi công, biểu tình... Từ tháng 9-1930, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động ở cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ phát triển lên quy mô lớn với hình thức đấu tranh quyết liệt, đỉnh cao là cuộc đấu tranh bạo động dẫn tới sự ra đời của các Xô viết cấp xã tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi các Xô viết xuất hiện ở Nghệ-Tĩnh, Trung ương Đảng nhận định rằng, do chưa có tình thế cách mạng, nên “bạo động riêng lẻ trong vài địa phương trong lúc bây giờ là quá sớm, là manh động”(1). Tuy nhiên, trước thực tế phong trào đang diễn biến sôi nổi ở Nghệ-Tĩnh, Trung ương Đảng chủ trương kêu gọi nhân dân trong nước tiến hành một phong trào đấu tranh rộng lớn “bảo vệ Nghệ An đỏ”, “chặn đứng khủng bố trắng”.

Trong bối cảnh phong trào đấu tranh của nhân dân đang bùng lên và lan mạnh, từ ngày 12 đến 27-10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị tại Hồng Công để thảo luận và quyết định chủ trương, nhiệm vụ trước mắt cũng như những nội dung cơ bản của cách mạng Đông Dương. Hội nghị thông qua Luận cương chánh trị, các nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ cần kíp và vận động các đối tượng quần chúng cụ thể. Hội nghị đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, mở rộng phạm vi lãnh đạo ra toàn Đông Dương; thông qua Điều lệ của Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.

dang lanh dao 1
Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh tư liệu

Mặc dù bị đàn áp khốc liệt, song cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử to lớn, khẳng định quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với cách mạng Việt Nam; xây dựng được khối liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân; góp phần giáo dục tư tưởng, giác ngộ cách mạng, rèn luyện tinh thần đấu tranh cho đảng viên và quần chúng, chuẩn bị lực lượng cho giai đoạn tiếp sau; để lại những kinh nghiệm lãnh đạo quý báu của Đảng, nhờ đó, Đảng có sự trưởng thành về lý luận và tích lũy thêm tri thức cách mạng.

Từ cuối năm 1931, cách mạng Đông Dương bước vào thời kỳ khó khăn, toàn bộ hệ thống tổ chức, bộ máy đảng bị đánh phá và tổn thất. Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản động viên những người cộng sản Đông Dương, phát động trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới một phong trào ủng hộ cách mạng Đông Dương, chống khủng bố trắng, đòi ân xá tù chính trị. Tháng 6-1932, trên danh nghĩa Đảng Cộng sản Đông Dương, Quốc tế Cộng sản ban hành Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương. Được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Quốc tế Cộng sản, những người cộng sản Đông Dương đã vượt qua thử thách khắc nghiệt, vẫn hoạt động và dần dần khôi phục tổ chức đảng. Tháng 3-1934, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập. Hệ thống tổ chức đảng từng bước được khôi phục. Trên cơ sở phục hồi phong trào cách mạng, từ ngày 27 đến 31-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ban Chấp hành Trung ương bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư.

Từ đầu năm 1936, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến hết sức phức tạp, mau lẹ. Trước những chuyển biến của tình hình, căn cứ vào chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Quốc tế Cộng sản, từ năm 1936 đến 1938, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiến hành nhiều cuộc hội nghị để bàn các chủ trương lãnh đạo phong trào, đó là: Hội nghị các thành viên trong Ban chỉ huy ở ngoài và trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7-1936) đã chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, xác định mục tiêu trước mắt là chống chiến tranh, chống phát xít và chống bọn phản động thuộc địa, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, sử dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh phù hợp. Tại hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được cử giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ từ năm 1936 đến 1939 có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt đối với sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào đã giác ngộ hàng triệu quần chúng thuộc các giai cấp, tầng lớp khác nhau; tạo ra thế và lực mới cho phong trào cách mạng tiếp theo; uy tín của Đảng lan rộng và thấm sâu vào các tầng lớp quần chúng nhân dân, xây dựng được lực lượng chính trị đông đảo, chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940-1945.

Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Chính phủ Pháp thi hành một loạt biện pháp đàn áp lực lượng dân chủ ở trong nước và phong trào cách mạng ở thuộc địa. Ở Đông Dương, thực dân Pháp thi hành một chính sách thời chiến rất phản động, đẩy nhân dân ta vào cảnh sống ngột ngạt về chính trị, bần cùng về kinh tế. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Pháp và tay sai càng trở nên gay gắt hơn. Tháng 9-1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng và cấu kết với Nhật để thống trị và bóc lột nhân dân ta, làm cho nhân dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”.

Trước những chuyển biến của tình hình, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở hội nghị tháng 11-1939, để nhận định tình hình, đề ra những chủ trương lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941. Các hội nghị trên đây đã đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược với những nội dung chính, đó là: Đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đoàn kết rộng rãi lực lượng toàn dân tộc trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất; giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước; đặt công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vụ trung tâm của cách mạng Đông Dương; coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng. Đảng khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, phải chú trọng xây dựng Đảng “đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng”(2).

Những chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng thể hiện rõ sự trưởng thành vượt bậc của Đảng về tư duy cách mạng, về lãnh đạo chính trị, độc lập, tự chủ trong xác định đường lối, vượt qua các "căn bệnh" ấu trĩ, tả khuynh, giáo điều trong những năm trước đó; đặt nền tảng cho thành công của công cuộc vận động, chuẩn bị khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Sau khi có chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, Đảng khẩn trương chỉ đạo chuẩn bị lực lượng mọi mặt, trước hết là xây dựng các đoàn thể Việt Minh trên toàn quốc. Sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng tháng 2-1943, các đoàn thể Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh mẽ trong các đô thị. Đảng công bố Đề cương văn hóa Việt Nam. Hội Văn hóa cứu quốc ra đời, tập hợp các văn nghệ sĩ yêu nước vào Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Ngày 30-6-1944, Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập, đứng trong hàng ngũ Mặt trận Việt Minh. Về lực lượng vũ trang, Đảng duy trì đội du kích Bắc Sơn, phát triển thành Cứu quốc quân, hoạt động ở vùng căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai. Từ các đội tự vệ ở Cao Bằng, ngày 22-12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Vào ngày 9-3-1945, Nhật tiến hành làm đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương; ngày 12-3-1945, Đảng ra bản Chỉ thị lịch sử “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa, “sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”. Đến giữa tháng 8-1945, phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao, cả nước sục sôi trong không khí cách mạng, sẵn sàng nổi dậy.

Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 14 đến 15-8-1945 nhất trí với quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đề ra phương châm hành động là phải khẩn trương, kịp thời giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào, thành lập ngay các ủy ban nhân dân ở những nơi giành được chính quyền. Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng kết thúc, Đại hội Quốc dân diễn ra tại Tân Trào (Tuyên Quang) vào ngày 16-8-1945. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ Cách mạng lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Trong thời điểm lịch sử vô cùng sôi động đó, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước. Người viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, của lãnh tụ Hồ Chí Minh, căn cứ vào tinh thần Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng, với quyết tâm to lớn, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam từ Bắc tới Nam đã vùng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa oanh liệt trên toàn quốc. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng nghìn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Cách mạng Tháng Tám do Đảng lãnh đạo đã đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Việt Nam từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Tên Việt Nam đã được khôi phục trên bản đồ chính trị thế giới.

Quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền cách mạng thời kỳ 1930-1945 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, có giá trị to lớn cho hôm nay và mai sau. Cách mạng phải xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc giương cao ngọn cờ dân tộc, giải quyết đúng đắn nhiệm vụ dân tộc và dân chủ. Cách mạng muốn thành công phải tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất; đồng thời phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, dựa vào sức mình là chính; tôn trọng quyền dân tộc tự quyết, bình đẳng, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc ở Đông Dương.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.83

(2) Sđd, Tập 7, tr.136

 

Đại tá, ThS PHẠM THANH TUẤN, Phòng Khoa học Quân sự,

Học viện Chính trị

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền

Bài viết khác: