Đó là một bài xã luận viết trong nước mắt. Một bài xã luận viết bằng cả tấm lòng, cả trái tim, bằng tất cả tình cảm thương yêu vô hạn của một người viết báo như tôi đối với Bác Hồ.
Từ năm 1945, nhạc sĩ Phong Nhã đã có bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng". Đúng vậy, nhưng ngay hồi ấy, nghe bài hát ấy, tôi đã nghĩ: Những thanh niên 19, 20 tuổi như tôi cũng chẳng kém ai về tình cảm yêu thương đối với Bác. Và cho đến ngày cuối Tháng Tám 1969, là một trung niên 43 tuổi, tôi vẫn nghĩ như vậy: Tôi yêu kính Bác chẳng kém ai hết.
Tôi làm báo từ năm 1948, là phóng viên Báo Xung phong của Đoàn Thanh niên cứu quốc năm 1948, Thư ký tòa soạn Báo Sức trẻ của Tổng Liên đoàn thanh niên (nay là Hội Liên hiệp Thanh niên) năm 1950, biên tập viên Báo Tiền Phong (tiền thân của Báo Tiền Phong ngày nay) năm 1951, cuối cùng là biên tập viên, Báo Quân đội nhân dân từ 1956… Tôi may mắn có nhiều dịp được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên và cũng đáng nhớ nhất, tôi được gặp Bác ở Đại hội phụ nữ toàn quốc năm 1950. Hôm ấy, mở đầu cuộc nói chuyện với Đại hội, Bác cười, nói: "Các cô cần chú ý. Vì sao nam giới anh em ở với nhau trong một đơn vị, hàng trăm người mà ngày càng đoàn kết, còn các cô, chỉ ba người với nhau mà nhiều khi lại mất đoàn kết? Đây là điều các cô cần rút kinh nghiệm".
Các đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc năm 1950 chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Vũ Hồ (người đứng thứ ba, hàng thứ nhất từ phải sang); Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (thứ 2, hàng ngồi, từ trái sang).
Lời chỉ trích chân tình ấy của Bác làm cho các đại biểu vừa xúc động vừa vui. Và tất cả đều đã vỗ tay, vỗ tay bằng cả tấm lòng…
Cũng tại Đại hội này, tôi cùng với một số đông các nhà báo và văn nghệ sĩ được chụp ảnh chung với Bác và bản thân tôi có một kỷ niệm không thể quên đối với Bác. Đó là vào đêm liên hoan văn nghệ của Đại đội. Vào dịp này, trình độ về âm nhạc của tôi rất hạn chế, ngoài việc tự học, học ở bạn bè tôi "học mót" được ít nhiều ở mấy nhạc sĩ quen biết. Vậy mà tôi đã viết được một bài hát về Bác Hồ "Người về là chiến thắng" in trên Báo Sức trẻ. Được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (cùng dự Đại hội) động viên, tôi chuẩn bị cho một tốp ca nữ để trình diễn bài hát này. Đến tiết mục của tôi, nhìn qua cánh gà tôi chợt thấy Bác Hồ ngồi dự, bên cạnh là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Hồi hộp quá! Nhưng hồi hộp hơn tôi gấp bội là các nữ sinh. Đến nỗi các cô không chịu ra sân khấu nữa. Không đừng được, đến phút cuối, tôi phải ra sân khấu một mình. Khoảng cách giữa tôi và Bác Hồ gần quá. Sau khi cúi chào, tôi lặng nhìn Bác. Rồi chợt tỉnh ngay, tôi cất tiếng hát. Nguy hiểm quá! Hát xong câu đầu "Hồ Chí Minh, cha chúng ta về, một ngày thu, muôn ánh sao bay rợp thành đô", tôi bỗng không nhớ ra câu thứ hai là thế nào. Đang cuống, tôi chợt trông thấy nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mỉm cười với tôi và khẽ gật đầu. Lấy lại bình tĩnh rất nhanh, tôi hát lại câu đầu (như là hát láy lại) rồi nhớ ra và hát tiếp câu thứ hai, cho đến trọn bài, trót lọt: "Người về là vinh quang, Người về là chiến thắng". Hú vía! Tôi cúi chào. Mọi người vỗ tay, Bác Hồ cũng vỗ tay. Đây là kỷ niệm toát mồ hôi và cũng vô cùng quý giá đối với tôi…
Một kỷ niệm đáng ghi nhớ nữa của tôi đối với Bác Hồ là tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua năm 1952, về dự có những đại biểu như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Giáp Văn Khương… Đang họp thì có báo động máy bay. Tôi chậm chân, khi chạy ra căn hầm trú ẩn gần nhất, đã thấy Bác Hồ ngồi trên miệng hầm cùng với mấy đại biểu trong đó có chị nữ dân công Nguyễn Thị Thành. Bác đang hỏi chuyện chị Thành. Thấy tôi, Bác vẫy lại và hỏi: "Chú ở đâu, làm gì?". "Thưa Bác cháu làm công tác thanh niên trong quân đội ạ". (Tôi sang làm công tác này từ 1951 đến 1955). Bác gật đầu, tiếp tục trò chuyện với các đại biểu. Sau đó, Bác lấy bao thuốc lá, rút ra cho mỗi người - trừ chị Thành - một điếu. Tôi may mắn cũng được một điếu. Điếu thuốc này, tôi giữ mãi…
Trở lại chuyện về những ngày cuối tháng 8/1969, những ngày đầy ấn tượng sâu sắc của tôi đối với Bác Hồ.
Sáng ngày 30/8/1969, đồng chí Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Trần Công Mân gọi tôi lên gặp có việc đột xuất. Việc gì mà trông anh Mân nét mặt nghiêm nghị, đượm buồn? Anh Mân nói: "Có tin Bác Hồ ốm nặng, khó qua khỏi". Anh Mân vừa dứt câu, tôi bật khóc, không sao kìm nén nổi. Hình như anh Mân cũng lấy khăn lau nước mắt. Chờ tôi bình tĩnh lại, anh Mân cho biết, trong tình hình này, Báo Quân đội nhân dân phải chuẩn bị viết sẵn một bài xã luận về Bác, để nếu tình hình xấu xảy ra, Bác qua đời, có bài đăng ngay kịp thời. Anh Mân nêu lên một số ý kiến về phương hướng, yêu cầu, nội dung bài báo, sau đó giao cho tôi nhiệm vụ chắp bút. Yêu cầu cấp thiết là phải viết nhanh, bảo đảm chất lượng. Tôi hơi choáng váng, vừa xúc động vừa lo lắng. Và tôi hăng hái nhận nhiệm vụ được giao. Anh Mân dặn thêm rằng, hiện tại Nhà nước chưa đưa tin về tình hình sức khỏe của Bác, việc viết bài này phải tạm thời giữ bí mật, ngay cả với anh em trong tòa soạn.
Tôi vừa về tới Phòng Biên tập, anh em hỏi ngay: "Ông Mân gọi lên có chuyện gì vậy?". Tôi trả lời: "À, về chuyện cần viết một bài về tình hình tư tưởng của bộ đội hiện nay". Thực ra, điều bí mật về sức khỏe của Bác Hồ, anh em đều cảm thấy ít nhiều. Anh em thông cảm với tôi nên chẳng ai hỏi gì nữa. Tôi về phòng riêng của mình, ngồi suy nghĩ. Viết thế nào đây? Điều khó khăn nhất đối với tôi lúc này là Bác Hồ tuy ốm nặng nhưng vẫn còn hi vọng qua khỏi. Tôi phải viết bài, nhân danh tờ báo của quân đội, nói lên công lao, đạo đức cao quý của Bác, niềm tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc của quân và dân ta đối với Bác… Như mê ngủ, tôi đặt bút viết dòng chữ đầu tiên: "Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Bác Hồ của chúng ta không còn nữa!". Đọc lại, tôi chợt bừng tỉnh, tự bảo mình: Không được! Khi bài báo này đăng lên thì cả nước đã biết tin "Bác Hồ không còn nữa!". Không cần tờ báo phải gọi "đồng bào ơi, đồng chí ơi" để báo tin đau thương nữa, chỉ cần khẳng định việc Bác mất mà thôi.
Tôi bèn viết lại: "Trái tim Bác Hồ đã ngừng đập". Hôm ấy về nhà, thấy dáng vẻ không bình thường của tôi, vợ tôi hỏi: "Có chuyện gì thế anh?". Tôi đáp: "Có chuyện đột xuất trong bộ đội, cần viết bài gấp". Rồi, đêm hôm ấy, tôi thức suốt đêm để viết tiếp. Tôi vừa viết vừa khóc, phải để chiếc khăn bông bên cạnh để lau nước mắt. Nghĩ đến Bác, nhớ lại những hình ảnh của Bác, những kỷ niệm về Bác mà viết. Đem hết tâm lực ra mà viết. Viết với nỗi nhớ thương vô hạn vì Bác không còn nữa. Viết chỉ một mình mình biết, một mình mình hay chẳng được chia sẻ cùng ai. Viết mà chỉ mong sao bài viết xong rồi không phải đăng vì Bác đã qua khỏi. Ôi! Trong đời làm báo từ trước tới nay, chưa bao giờ tôi viết bài trong tình trạng thế này. Sáng ra, tôi đem bài đến gặp anh Nguyễn Đình Ước, Tổng Biên tập và anh Mân. Các anh đọc kỹ, góp những ý kiến sắc sảo, thêm đoạn này, bớt đoạn kia, khiến cho tôi có thêm nhiều tự tin để viết tiếp. Qua một đêm nữa, một mình một bóng, tôi viết xong bài lần thứ hai. Sáng 2/9, các anh Ước và anh Mân duyệt xong, tôi đưa cho chị Hoàng Thị Tài - nhân viên đánh máy kỳ cựu nhất của tòa soạn - đánh máy, không quên dặn chị phải giữ bí mật.
Vậy là bài báo của chúng tôi - anh Ước, anh Mân và tôi - đã viết xong. Riêng tôi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong phạm vi công việc được giao. Bài xã luận "Bác Hồ sống mãi với non sông đất nước" được in trang trọng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 3/9/1969 trong niềm nuối tiếc của tôi vì bài báo đã "phải" đăng.
Vũ Hồ
Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)