Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 25/02/2025

Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực chính trị. Quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là một trong những bước tiến quan trọng trong tiến trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, bảo đảm bình đẳng giới vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn không ít rào cản cần tiếp tục tháo gỡ để thúc đẩy quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị thời gian tới.

binh dang gioi 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10_Ảnh: TTXVN

Kết quả đạt được khi thực hiện quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam

Thời gian qua, việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội ngày càng gia tăng, cả về lượng và chất, cụ thể là:

Thứ nhất, Việt Nam có những bước phát triển đáng kể trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Đơn cử, Điều 11 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định: “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức”(1). Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân quy định việc bảo đảm sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong quá trình bầu cử. Luật cũng khuyến khích các đơn vị bầu cử tăng tỷ lệ nữ giới vào danh sách ứng cử viên, thúc đẩy lồng ghép giới trong các chiến dịch bầu cử và cấm phân biệt đối xử về giới trong quá trình bầu cử.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 2351/QĐ-TTg, ngày 24-12-2010, của Thủ tướng Chính phủ) được ban hành với mục đích tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và ra quyết định trong các thể chế chính trị. Chiến lược đã đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự đại diện của phụ nữ trong các cơ quan chính trị ở mọi cấp. Nhiều mục tiêu được thực hiện hiệu quả, như tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; trong lĩnh vực văn hóa và thông tin; bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới…

Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 (Theo Quyết định số 1241/QĐ-TTG, ngày 22-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ) đề ra nội dung: “… hỗ trợ nhằm giúp phụ nữ nâng cao năng lực tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp ở Trung ương và địa phương; từng bước tạo nguồn cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp giai đoạn đến năm 2020 để đạt được chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020”(2).

Thứ hai, tỷ lệ nữ giới ở Việt Nam tham gia vào hệ thống chính trị thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Tính đến tháng 12-2022, có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 50%, tăng 3,4% so với năm 2021, trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là 13/22, tăng 6% so với năm 2021. Có 2/8 cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 25%. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt đã tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 60%. Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt vẫn khiêm tốn. Tỷ lệ ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ không có nhiều biến động so với đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, trong đó, cấp tỉnh là 37,7%, cấp huyện là 31,77%, cấp xã 24,94%. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến đầu tháng 3-2023, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 người (chiếm 9,5%)(3).

Thứ ba, kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị có những tiến bộ rõ rệt. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Một số nữ ủy viên, nữ cán bộ trong ban thường vụ và nữ cán bộ giữ chức vụ chủ chốt ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Ví dụ như ở cấp Trung ương và cấp tỉnh: Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: 19/200 nữ, đạt 9,5% (khóa XII là 10% với 20 nữ). Số lượng thành viên nữ chính thức là 18 người, cao hơn nhiệm kỳ trước 1 người. Đầu nhiệm kỳ có 9/63 bí thư và 14 phó bí thư tỉnh ủy, thành phố, trong đó tỉnh Bình Phước có 2 phó bí thư (nhiệm kỳ trước có 3 nữ bí thư và 12 nữ phó bí thư của tỉnh ủy). Tính đến ngày 1-7-2022, một số lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh là nữ gồm 7 bí thư, 15 phó bí thư. Ở cấp huyện, tỷ lệ nữ đại biểu cấp huyện (bao gồm các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt 20,1% (cao hơn 4% so với cuối nhiệm kỳ trước). Có 60/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 15%, trong đó có 5 tỉnh, thành phố đạt từ 25% trở lên. Cao nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh đạt 33,2%(4).

Một số giải pháp thúc đẩy quyền tham gia chính trị của phụ nữ trong thời gian tới

Mặc dù tỷ lệ nữ các cấp ủy viên nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: Cấp tỉnh là 16%, tăng 3%; cấp huyện đạt 20,1%, tăng 1,9%; cấp xã đạt 25,6%, tăng 4,2%(5), tuy nhiên đối với chỉ tiêu có cán bộ nữ trong thường trực theo Chỉ thị số 35-CT/TW, cấp huyện, cấp tỉnh cơ bản đạt, song ở cấp cơ sở, tỷ lệ này chưa được như mong muốn. Ngoài ra, tỷ lệ đại biểu nữ tham dự đại hội còn thấp (cấp tỉnh chỉ đạt dưới 20%). Bên cạnh đó, các văn bản quy định về quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn rời rạc, tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Đơn cử như, Luật Bình đẳng giới còn thiếu những nội dung, khái niệm nhất định, như phân biệt đối xử gián tiếp, các hình thức phân biệt đối xử đan xen, đa tầng trên mọi lĩnh vực của đời sống; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… chưa quy định cụ thể vấn đề bình đẳng giới trong các chính sách quan trọng của quốc gia và địa phương.

Một số giải pháp đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 chưa được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, chưa có những quy định, chế tài xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Chiến lược. Nhận thức về bình đẳng giới của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế... Công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới gặp nhiều thách thức, một phần do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động bình đẳng giới thông qua ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các bộ, ngành, địa phương.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do, người phụ nữ cùng lúc phải thực hiện tốt “vai trò kép”: vừa phát triển sự nghiệp, vừa làm kinh tế và chăm lo cho gia đình, nên việc tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo có phần hạn chế. Mặt khác, các kế hoạch, chương trình dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo chưa có sự chú trọng lồng ghép phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực vật chất dành cho những vấn đề việc làm, hỗ trợ phụ nữ tham gia công tác xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phần nào đó hạn chế việc thực hiện quyền của phụ nữ trong một số lĩnh vực.

Mặt khác, phụ nữ còn chịu ảnh hưởng bởi định kiến giới và những rào cản từ văn hóa truyền thống. Quan niệm nam giới độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và quyết định tốt hơn phụ nữ trong công việc vẫn còn khá phổ biến trong xã hội. Trong khi đó, phụ nữ được “mặc định” gắn với thiên chức sinh con, chăm sóc con cái và gia đình, do đó ít có thời gian dành cho công việc, khả năng xử lý các tình huống công việc kém hơn nam giới. Định kiến giới cũng ảnh hưởng tới quan điểm của những người ra quyết định trong việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong bộ máy, khiến tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch còn hạn chế. Một số quan niệm như “trọng nam khinh nữ”, “nam trưởng, nữ phó”, phụ nữ thiếu kiên quyết trong việc ra quyết định… đã khiến họ thiếu đi sự ủng hộ khi quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Bên cạnh đó, quan niệm về các khuôn mẫu truyền thống khiến cho cơ hội tham gia vào đời sống chính trị của phụ nữ bị hạn chế ngay từ khi họ chưa bắt đầu. Ngoài ra, các quan niệm rập khuôn về hình ảnh lãnh đạo, quản lý đang cản trở nỗ lực phấn đấu của người phụ nữ… Đây là những rào cản lớn nhất của phụ nữ Việt Nam khi tham gia đời sống chính trị.

Song song với đó, nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò của phụ nữ; về công tác phụ nữ; về vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền còn coi công tác bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ là công việc của cơ quan chuyên trách, như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Vì thế, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương (nhất là người đứng đầu) còn mang tính hình thức, đối phó, chưa thực sự sát sao, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bình đẳng giới. Hệ quả là những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như phương pháp công tác vận động phụ nữ tham gia hoạt động chính trị còn sơ sài, thiếu tính cụ thể, chi tiết, chưa phù hợp với từng đối tượng, khu vực, vùng miền, đặc biệt là đối với phụ nữ ở khu vực nông thôn. Đồng thời, còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện hoặc chỉ đạo triển khai mang tính hình thức.

binh dang gioi 2
Các nữ đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XV_Ảnh: TTXVN

Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, nhưng vẫn còn nhiều quy định chưa phù hợp, dẫn đến những hạn chế về điều kiện và cơ hội tham gia vào đời sống chính trị của người phụ nữ. Trong quá trình rà soát 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện Luật vẫn còn những hạn chế, thách thức, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tương thích với hệ thống pháp luật quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần chú ý thực hiện một số giải pháp sau: 

Một là, cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng trong thực hiện bình đẳng giới. Việc thay đổi thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ các ngành, các cấp là tiền đề cơ bản thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện hiệu quả việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoạch định chính sách. Đặc biệt là, nâng cao hiệu quả giám sát và thực thi các quy định này trong thực tiễn. Tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin, tài chính là cần thiết để thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới.

Hai là, cần coi việc thực hiện bình đẳng giới là yếu tố tiền đề để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Tích cực khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị thông qua việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tham chính.

Ba là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với quy định và điều ước quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em. Ngoài ra, Việt Nam cam kết thúc đẩy sự tham gia và đại diện của phụ nữ trên chính trường thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế quan trọng, như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Công ước về các quyền chính trị và dân sự năm 1982; Công ước số 100 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau năm 1951; Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam năm 1995… Đây là sự khẳng định về việc trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả việc tham gia vào quá trình ra quyết định những vấn đề lớn của xã hội, đất nước./.

-----------------

(1) Xem: Luật Bình đẳng giới 2006, https://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=14838&Keyword=

(2) Xem: Quyết định số 1241/QĐ-TTG, ngày 22-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=101876&tagid=7&type=1

(3) Xem: Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia chính trị thuộc nhóm đứng đầu thế giới, Cổng Thông tin Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, ngày 5-4-2023, https://molisa.gov.vn/baiviet/236568?tintucID=236568

(4) Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Thường trực

(5) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, https://hoilhpn.org.vn/van-kien-ai-hoi

 

Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo Tạp chí Cộng sản

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: