Ngày 20/2/1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài "Khổng Tử" đăng trên báo "Thanh Niên", đây là lần Bác viết kỹ nhất về Khổng Tử và Khổng giáo.
Ngày 20/2/1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Khổng Tử” đăng trên báo “Thanh Niên”, cơ quan huấn luyện của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí xuất bản ở Quảng Châu. Bài viết nhân việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố xoá bỏ những nghi lễ liên quan đến nhà tư tưởng cổ điển của Trung Hoa và biến mọi nơi thờ phụng Khổng Tử thành trường học...
Tác giả vừa nêu những giá trị của Khổng học nhưng cũng phân tích những mặt tiêu cực để đi đến một quan điểm không cực đoan. Bài báo viết: “Từ rất xa xưa, người An Nam và các vua chúa An Nam rất tôn kính nhà hiền triết này... Nhưng hãy xem Không Tử là người thế nào? Tại sao các hoàng đế lại tôn sùng đến thế? Tại sao được tôn sùng đến thế mà Chính phủ Trung Hoa lại vứt bỏ đi...
Khổng Tử sống ở thời Chiến quốc. Đạo đức của ông, học vấn của ông và những kiến thức của ông làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục... Nhưng cách đây 20 thế kỷ, chưa có chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc bị áp bức như chúng ta ngày nay, cho nên bộ óc Khổng Tử không bao giờ bị khuấy động vì các học thuyết cách mạng.
Đạo đức của ông là hoàn hảo, nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như một cái nắp tròn làm thế nào để có thể đậy kín được cái hộp vuông?
Những ông vua tôn sùng Khổng Tử không phải chỉ vì ông không phải là người cách mạng mà còn vì ông tiến hành cuộc tuyên truyền mạnh mẽ có lợi cho họ... Khổng giáo dựa trên ba sự phục tùng: Quân - thần; phụ - tử; phu - phụ và năm đức là: “ Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
Khổng Tử đã viết “Kinh Xuân Thu” để chỉ trích “những thần dân nổi loạn” và “những đứa con hư hỏng”, nhưng ông không viết gì để lên án những tội ác của “những người cha tai ác” hay “những ông hoàng thiển cận”. Nói tóm lại, ông rõ ràng là người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức...
Nếu Khổng Tử sống ở thời đại chúng ta và nếu ông khăng khăng giữ những quan điểm cũ thì ông sẽ trở thành phần tử phản cách mạng. Chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ trái với dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin!”.
Trong cuộc đời hoạt động tư tưởng của mình, đây là lần Bác viết kỹ nhất về Khổng Tử và Khổng giáo, vào thời điểm những tư tưởng cách mạng đang chín muồi trong một nhà hoạt động thực tiễn.
Về sau này, khi đề cập tới Khổng Tử, Bác đều nhấn mạnh đến những giá trị đạo đức nhiều hơn là chính trị. Bác nhấn mạnh đến đặc trưng: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. (Báo Nhân Dân ngày 14/6/1951).
Còn trong sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả viết: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân...”.
Theo kienthưc.net.vn
Kim Yến (st)