Trong Di chúc để lại cho muôn đời con cháu Bác dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ của Đảng phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1).
Theo Người, cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, phải ra sức làm việc cho Đảng, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, giữ gìn kỷ luật Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng phục vụ nhân dân, vì Đảng vì nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong công việc.
Để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Người dạy cán bộ, đảng viên và mọi người chúng ta: Không sợ khuyết điểm, không sợ phê bình, mà chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm và không có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sẽ dẫn đến khuyết điểm ngày càng to và hư hỏng. Tự phê bình phải được coi trọng, được đặt lên hàng đầu phải nghiêm khắc với chính mình. Phê bình phải có mục đích là xây dựng là tổ chức, xây dựng con người, xây dựng đời sống tình cảm và quan hệ đồng chí, quan hệ xã hội lành mạnh, trong sáng có lý có tình. Phải khắc phục bệnh ưa chuộng hình thức, thích nghe lời khen (thậm chí xu nịnh) tâng bốc nhau, không dám nói thẳng, nói thật để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, cần phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân, vụ lợi. Theo Người, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thì cũng giống như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng. Để không có “bệnh” phải chủ động “phòng bệnh” và tích cực “chữa bệnh”… Người nhấn mạnh: Phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh hiệu quả nhất vẫn là phương pháp tự phê bình và phê bình. Trong tác phẩm “Tự phê bình và phê bình” Bác viết “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh. Nhờ đó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm tiến bộ không ngừng”(2).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, trong diễn văn của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại buổi lễ kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2007) và phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổng Bí thư khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong khi khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra trong công tác lãnh đạo của mình. Đảng còn nhiều yếu kém và khuyết điểm. Công tác xây dựng Đảng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng chậm phát triển. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đảng ta cần tiếp tục đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu của công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng là: Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Nâng cao bản chất cách mạng, niềm tin cộng sản, lòng yêu nước thương dân cho đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng, điều mà Bác Hồ đặc biệt quan tâm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Học tập và làm theo Di chúc của Người, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để kéo bè, kéo cánh, để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh trục lợi hoặc chuyên quyền độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng…, làm cho nhân dân bất bình cần phải lên án loại bỏ. Mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân, phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo. Không chỉ chia sẻ, đồng cam cộng khổ với nhân dân mà còn biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của dân, tổ chức động viên, lãnh đạo nhân dân thoát nghèo.
Trong những năm đổi mới vừa qua, trong công tác lãnh đạo của mình Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong xây dựng Đảng, Đảng ta đã quan tâm rất nhiều đến nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, coi trọng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Để xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải quán triệt và thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, Người đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Người đã đề ra tư cách của người cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phấn đấu noi theo. Vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là niềm vinh dự tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng và của mỗi người Việt Nam.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 12 Nxb CTQG.H.1999 tr510
(2)Hồ Chí Minh “Sửa đổi lối làm việc” Nxb CTQG.H.2002
Theo Trần Đức Đình/Báo Bắc Ninh online
Huyền Trang (st)