Lãnh đạo bằng sự nêu gương của đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chỉ dẫn chúng ta thực hiện. Bản thân Người là hình ảnh mẫu mực về sự nêu gương đó.
Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Theo Người: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(2). “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là phương châm hành động cốt lõi biểu hiện lãnh đạo bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Ngay từ những năm đầu cách mạng, Người từng nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(3). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất đối với cán bộ, đảng viên là phải thực hiện “miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”(4). Cán bộ, đảng viên không những làm tròn nhiệm vụ được giao mà còn phải vận động, tổ chức, giáo dục, thuyết phục quần chúng bằng tấm gương của mình. Nếu “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế”(5). Mặt khác, cán bộ, đảng viên chỉ biết gương mẫu bằng hành động, không biết tổ chức, vận động, thuyết phục quần chúng thì tác dụng lãnh đạo bằng việc nêu gương rất hạn chế. Lãnh đạo bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng nước ta.
Lãnh đạo bằng việc nêu gương của cán bộ đảng viên đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phương pháp đúng đắn, hiệu quả góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Phát huy kết quả đó cán bộ, đảng viên cần rèn luyện một cách toàn diện, ngang tầm nhiệm vụ được giao, làm tròn trách nhiệm tiền phong, gương mẫu.
Cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, để thực sự thành tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Phải giữ vững lời thề “suốt đời hy sinh phấn đấu vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân”, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời đó cũng là một điều kiện đảm bảo nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực vận động, tổ chức quần chúng. Vì vậy, phải học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải tinh thông nghiệp vụ, phải lăn lộn trong thực tiễn, trong phong trào quần chúng, từng trải để trưởng thành.
Trong rèn luyện chung của cán bộ, đảng viên cần nhấn mạnh: Cán bộ đứng đầu tổ chức, cán bộ cấp trên phải gương mẫu cho cấp dưới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011): “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên… Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu…”(8). Nếu người đứng đầu một tổ chức, cán bộ cấp trên không nêu gương tốt được cho cấp dưới thì đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ, mất đoàn kết, kỷ luật không nghiêm. Vì thế, Bí thư gương mẫu trước cấp ủy, cấp ủy gương mẫu “kép”, gương mẫu của gương mẫu. Đó là đòi hỏi khách quan từ vai trò, vị trí của người đứng đầu, của cấp trên, của đảng viên trước quần chúng nhân dân.
Cán bộ, đảng viên rèn luyện trên tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình thường xuyên là giải pháp hay nhất, hiệu quả nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”(9). Trong khi nhấn mạnh tự phê bình và phê bình, thì đồng thời Đảng cũng cần tiến hành một loạt phương pháp khác nhằm thúc đẩy tự phê bình và phê bình mạnh mẽ hơn.
Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tất yếu cán bộ, đảng viên của Đảng phải có vai trò lãnh đạo, “Mỗi đảng viên nhất định phải phụ trách một công tác của Đảng”(10). Vì thế các cấp ủy đảng (nhất là chi bộ) phải phân công công tác, giao nhiệm vụ cho đảng viên. Cấp ủy phải đánh giá đúng phẩm chất năng lực, phong cách đảng viên… để giao nhiệm vụ cho phù hợp. Các tổ chức đảng phải thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, năng lực để cán bộ, đảng viên luôn giữ được vai trò tiền phong, gương mẫu. Bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện lãnh đạo bằng sự nêu gương là một nhiệm vụ của các tổ chức đảng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm củng cố Đảng ta vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Một vấn đề được nhấn mạnh là lãnh đạo bằng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt trách nhiệm của cấp trên, người đứng đầu các tổ chức. Vấn đề tuy không mới nhưng là yêu cầu mới trong tình hình hiện nay. Yêu cầu đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu, xây dựng quyết tâm cao, giữ vững vai trò tiền phong, gương mẫu như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.284.
(2) Sđd, tập 15, tr 672.
(3) Sđd, tập 6, tr 16.
(4) Sđd, tập 5, tr 126.
(5) Sđd, tập 5, tr 327.
(6) Sđd, tập 8, tr 281.
(7) Sđd, tập 8, tr 289.
(8) Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr 88-89.
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr 279.
(10) Sđd, tập 8, tr 275.
Huyền Trang (st)