“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là câu nói tiêu biểu của Hồ Chủ tịch được ghi ngay trong Lăng của Người ở Thủ đô Hà Nội, thật sự giản dị, dễ hiểu vì không có chữ nào khó đoán; dễ hiểu vì nó là ước vọng của các dân tộc, quốc gia và của mỗi người dân yêu nước nhưng lại là vấn đề lý luận chính trị sâu sắc, là chân lý của thời đại.

su sau sac trong nhung loi gian di cua Bac Ho

Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc năm 1948

Chúng tôi và có thể đông đảo đồng bào đều đã đọc các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người là Chủ tịch nước, lãnh tụ của Đảng. Đó là những tác phẩm đã được đăng trên các báo và phát trên đài phát thanh. Rồi Toàn tập của Người gồm 12 tập ra đời nhưng cũng thú thật là mua để tra cứu vì chủ quan nghĩ rằng những bài quan trọng thì mình đã đọc.

Nhưng cũng may mắn được tham gia biên tập đĩa Toàn tập Hồ Chí Minh cho nên mới biết rằng có những bài nói, bài viết nêu những quan điểm rất quan trọng của Người chưa đăng công khai trên các báo và phần lớn những bài báo, có những báo cáo và bài viết từ khi Người hoạt động ở nước ngoài thì chưa được đọc.

Thấy rất rõ là khi Người viết báo ở nước ngoài có văn phong khác hẳn những bài viết, bài nói khi là lãnh tụ của dân tộc và của Đảng, vì đối tượng khác nhau. Nhưng dù văn phong có khác nhau thì chung quy cũng là văn phong giản dị, người bình thường, ít học vẫn có thể hiểu được. Nhưng đằng sau sự giản dị đó là gì?

Nói về sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bao gồm nhiều mặt của tấm gương lớn nhưng tôi chỉ xin đề cập sự giản dị trong các bài nói, bài viết.

su sau sac trong nhung loi gian di cua Bac Ho 2

Hồ Chủ tịch thăm Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên - 1954.

Khi đọc những dòng chữ Bác viết lúc đất nước mới giành được độc lập, thù trong, giặc ngoài tiềm ẩn hiểm họa, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cả nước theo lời hiệu triệu cứu đói của Hồ Chủ tịch trong cuộc vận động "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" trong những ngày đầu kháng chiến đầy khó khăn, Người viết: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó mỗi bữa một bơ để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên".

Đọc cả đoạn văn trên đúng là không có danh từ nào to tát hùng hồn trong lời hiệu triệu của một lãnh tụ, lại có cả từ "cứu khổ cứu nạn" vốn của nhà Phật mà các cụ già Việt Nam nào đi chùa đều nhớ, mà hơn 60 năm sau đọc lại vẫn thấy xúc động và xin phép được nói rằng, cho đến nay tôi vẫn chưa đọc được bản hiệu triệu hoạt động từ thiện nào hay và xúc động bằng.

Rồi những câu mà ai cũng nhớ: "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam... Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi".

Hoặc khi trả lời nhà báo Macta Roohát ngày 14/7/1969, tức là chỉ hơn một tháng trước khi Người từ biệt chúng ta: "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc", rồi nói về nhân dân miền Nam lúc đó, Người nói: "Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi với đồng bào miền Nam". Đọc những dòng đó thấy rõ không có danh từ nào khó hiểu, không có lời nào to tát mà đến ngày nay khi sự nghiệp thống nhất đã hoàn thành, tuy vắng bóng Người nhưng ta thấy rõ khi phải vượt qua mọi gian khổ hy sinh, thống nhất đất nước có sức mạnh to lớn ở lời dặn dò từ tâm nguyện của Người.

Tôi có thể kể về nhiều đoạn văn như thế, và ai cũng thấy đằng sau sự giản dị là tấm lòng chân thành vì nước vì dân của Người, mọi người dân đều có thể hiểu, đều có thể đồng cảm, làm theo.

Viết đến đây, tôi lại nhớ tới một bài viết của một người nước ngoài khi kể lại buổi Lễ Độc lập long trọng tổ chức tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 với đầu đề "Chủ tịch khác thường", được tả khi xuất hiện trên lễ đài với “bộ quần áo đơn sơ" "trừ bỏ tất cả lễ tiết hình thức", hỏi nhân dân một câu làm tan biến mọi sự phân cách: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?". Tôi hiểu, theo người nước ngoài được chứng kiến đó thì sự khác thường của một người có địa vị cao nhất trong xã hội là xóa bỏ mọi sự quan cách và phân cách với nhân dân mà nhiều nhà lãnh đạo, có khi ở cấp không cao, cũng thường có.

Nói về sự cảm hóa của Hồ Chủ tịch đằng sau những câu viết, lời nói giản dị là vì tấm lòng và vì hành động nêu gương thì ai cũng có thể đồng tình, nhưng còn sự "hùng hồn" mà tháng 5/1960 tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc mà tôi có dịp dự với trách nhiệm nhà báo khi Người khuyên các nhà văn, nhà báo một câu nổi tiếng: "Hãy viết cho chân thật, sinh động, hùng hồn", nhưng đọc hoặc nghe các bài viết và bài nói của Bác thì có một số người vẫn chưa thấy sự hùng hồn như họ vẫn nghĩ.

Thế rồi đọc Oliver Smith nói: "Thuật hùng biện chân chính không có nghĩa là trình bày những điều vĩ đại theo phong cách hoành tráng, nhưng là nói về những điều đơn giản, dễ hiểu" vì nói cho cùng thì nói và viết hùng hồn là để thêm sức mạnh cổ vũ mọi người nghe theo, hành động... Nhưng để cổ vũ mọi người hành động thì đâu chỉ nói những lời đao to búa lớn to tát, nghe choang choang như tiếng gõ thùng mà chính là ở sự giản dị, thiết thực, chân thành; làm khác đi có thể sa vào thuật ngụy biện hoặc mị dân. Thế là hiểu thêm sự hùng hồn trong những lời giản dị mà Bác đã khuyên chúng tôi.

Rồi có một người rất kính trọng Bác Hồ nhưng trong một lần tranh luận, anh cho rằng Người là nhà chính trị vĩ đại nhưng chưa phải là nhà lý luận? Chắc rằng anh không thấy trong các bài nói, bài viết của Bác đề cập tới các khái niệm, phạm trù và những dẫn chứng kinh điển dài dằng dặc mà có người nói vui là "trình bày một cách phức tạp, khó hiểu về những vấn đề đơn giản". Trong cuộc tranh luận đó, tôi cũng đưa ra những dẫn chứng về sự sâu sắc có tầm khái quát cao của chất lý luận qua những lời nói giản dị. Rồi bắt buộc phải nói tới Kinh Dịch - một tác phẩm triết học sớm nhất của phương Đông nói về tác dụng của những lời nói, dòng chữ giản dị, dễ hiểu, thiết thực, dễ theo: "Người ta dễ hiểu mình thì ắt có nhiều người thân; người ta theo mình thì ắt làm nên công việc; có nhiều người thân thì ắt có thể lâu dài; làm nên nhiều công việc thì có thể lớn lao; có thể lâu dài thì đạt được đạo đức của hiền nhân; có thể lớn lao thì đạt được sự nghiệp của triết nhân".

Cũng có thể nói với độc giả những điều gần gũi hơn: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là câu nói tiêu biểu của Hồ Chủ tịch được ghi ngay trong Lăng của Người ở Thủ đô Hà Nội, thật sự giản dị, dễ hiểu vì không có chữ nào khó đoán; dễ hiểu vì nó là ước vọng của các dân tộc, quốc gia và của mỗi người dân yêu nước nhưng lại là vấn đề lý luận chính trị sâu sắc, là chân lý của thời đại.

"Đoàn kết là ra sức mạnh", "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" là câu nói của Hồ Chủ tịch thật dễ hiểu như cuộc sống nhưng nhiều chính trị gia trên thế giới lại cho là vấn đề lý luận chỉ đạo hành động sâu sắc.

Khi cách mạng thành công với sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ là: "Đảng cầm quyền nhưng nhân dân làm chủ. Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" thì không có câu nào khó hiểu nhưng lại là vấn đề lý luận chính trị sâu sắc mà nhiều cuốn sách đã phân tích, còn trong hành động thì không biết bao nhiêu lâu nữa mới thực hiện được tư tưởng của Người vì chính tư tưởng đó đã đạt tới cõi "lâu dài và lớn lao" của hiền nhân, và triết nhân như đã nói trong Kinh Dịch.

Xin có đôi lời đơn giản để hiểu thêm về một khía cạnh trong những tài sản tinh thần vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta.

Theo http://antg.cand.com.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: