Tôi nhớ cứ đến ngày này, ông tôi lại tự tay treo lá cờ Tổ quốc ra ban công, ngồi nghe radio hàng giờ đồng hồ. “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bao giờ khi bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cất lên, ông cũng khóc. Ông trời ngày này cũng rả rích khóc. Ngày 2/9 trong kí ức thuở bé của tôi là thế.

            Có lần tôi hỏi ông ngoại:

            - Ngày Quốc khánh sao ông lại khóc?

            - Bim cũng biết ngày Quốc khánh cơ à, thế Bim nói ông nghe ngày Quốc khánh là ngày gì?

            - Là ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình đúng không ông?

           Ông gật đầu, bế tôi vào lòng, chậm rãi kể: “Năm 69, ông cũng bế mẹ cháu ngồi nghe radio như thế này. Mồng 2-9 năm nào đồng bào ta cũng chờ nghe lời Bác nhắn gửi. Nhưng năm ấy chỉ thấy đài báo tin Bác đau nặng. Qua ngày hôm sau thì Đài đưa tin Bác mất, nhân dân cả nước khóc Bác. Ông vừa khóc vừa tự nhủ: Có khi nào Bác mất vào hôm qua, vào ngày vui của dân tộc không? Quả nhiên sau này người ta công bố ngày Bác ra đi là ngày mồng 2/9”. Lời kể của ông ngoại gieo vào tâm trí tôi nỗi băn khoăn dai dẳng mãi, lớn dần lên thành nỗi ám ảnh về ngày Bác đi xa cũng là ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

             Tôi đi học, được cô giáo giảng cho nghe về Thánh Gióng. Tương truyền người anh hùng này vốn là người trời, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời. Dấu tích Thánh Gióng để lại chỉ có vết chân ngựa nay hoá thành ao hồ và những bụi tre bị ngựa sắt phun lửa liếm phải nên có màu vàng óng, gọi là tre ngà. Tôi nghe cô giảng mà cứ ngờ ngợ, thấy câu chuyện này nghe quen quen. Đi học về, thấy ông ngoại (lúc này đã già lắm rồi), đang nằm nghe đài tai được tai mất, tôi chạy vào nằm cạnh rồi ngủ lăn ra như con chó con.

             Trong mơ, tôi thấy Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt vô cùng oai phong lẫm liệt đang từ từ bay về trời, tôi chạy theo gọi: “Thánh Gióng ơi, Thánh Gióng!”. Thánh Gióng quay đầu lại nhìn tôi, ồ, Thánh Gióng sao mà râu tóc bạc phơ thế? Tôi nheo mắt nghĩ ngợi. Thánh Gióng cũng không mặc áo giáp sắt mà mặc bộ quần áo kaki, đi đôi dép cao su, giơ tay vẫy chào, mỉm cười với tôi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Tôi reo lên: “Bác Hồ! Bác Hồ”, thì choàng tỉnh dậy. Ông ngoại nhìn tôi, lo lắng:

            - Bim nằm mơ thấy gì mà khua khoắng loạn xạ thế?

            - Cháu mơ thấy Bác Hồ ngồi trên ngựa sắt của Thánh Gióng bay về trời ông ạ! Bây giờ thì cháu biết tại sao Bác Hồ mất vào ngày 2/9 rồi nhé. Vì ngày mồng 2/9 năm 1945 Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam nên Bác ra đi vào ngày hoàn thành sứ mạng của mình. Giống như Thánh Gióng đánh giặc xong liền bay về trời, ông nhỉ?

           Lớn thêm nữa, tôi có dịp được đọc bản Di chúc Bác Hồ để lại, có đoạn: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Lúc đó, tôi nghĩ: Bác Hồ không phải là Thánh Gióng. Thánh Gióng là người trời nên khi hoàn thành sứ mạng của mình thì rời bỏ nhân gian không chút vướng bận. Còn Bác Hồ thì rất thực, rất người vì chỉ có con người mới tiếc nuối khi phải lìa xa cõi đời.

            Hơn cả thế, mối dây liên kết Bác với cuộc sống là mối dây nối với triệu triệu con tim tôn thờ, tin yêu. Mối dây liên kết Bác với đất nước, non sông từ khi còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi ở bến cảng Nhà Rồng cho đến ngày lâm chung ở Thủ đô Hà Nội. Ngay cả khi Bác đã ra đi thì những gì Bác để lại không chỉ là tư tưởng vĩ đại mà Bác còn “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Tôi đã nghĩ như thế một chiều 2/9, ngồi nghe đài và nhìn lên bàn thờ ông ngoại.

Hải Triều

Theo http://baonghean.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: