“Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”
Phạm Văn Đồng
Nếu Nghệ An là quê hương, là nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thì kinh đô Huế xưa là quê hương thứ hai, nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình. Người đã sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Chính nơi đây là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường “cứu dân - cứu nước”. Vì thế, Huế không những là nơi in đậm bóng hình của Bác, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức vẹn nguyên thủa thiếu thời, mà Huế còn là một thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Thủa thiếu thời có hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cha đến sống trên đất Huế, đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi nhi đồng mang tên Nguyễn Sinh Cung (5 - 11 tuổi). Thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi).
Bác Hồ sống ở Huế cùng những người thân trong gia đình gần 10 năm, tương đương với thời gian Người sống ở quê nhà Nghệ An, chỉ kém 15 năm Người sống ở Thủ đô Hà Nội. Mười năm so với cuộc đời 79 mùa Xuân của Bác Hồ không phải là dài, nhưng đây lại là thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của một con người, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”.
Trong những gì từng là gốc rễ của một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng Hồ Chí Minh, có cả cố đô Huế với thời niên thiếu và tuổi thanh niên của Người. Huế cùng với tình thương và nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa đồng bào, bà con, lối xóm, với những tác động ngược chiều khác nhau của xã hội và nhà trường đối với một con người mà ngay từ nhỏ đã bộc lộ như một năng lực thiên bẩm, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp của một Anh hùng dân tộc - một danh nhân văn hoá - Hồ Chí Minh.
Cuối năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) lên đường vào Huế.
Vào Huế, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba trong Thành Nội (nay là Ngôi nhà 112 - Mai Thúc Loan).
Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc thi Hội lần thứ 2, khoa Mậu Tuất không đỗ. Sau đó ông đưa Nguyễn Sinh Cung cùng anh (ông Nguyễn Sinh Khiêm – tên tự là Nguyễn Tất Đạt) về làng Dương Nỗ dạy học, ở tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, bà Hoàng Thị Loan vẫn ở lại trong ngôi nhà Thành Nội.
Cuối năm 1900 bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ 4, đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận (hay còn gọi là Nguyễn Sinh Xin).
Cùng thời gian đó ông Nguyễn Sinh Sắc được cử đi làm Đề lại ở Trường thi Thanh Hoá.
Ngày 10/02/1901 (22 tháng Chạp năm Canh Tý) bà Hoàng Thị Loan qua đời trong gian nhà Thành nội, tại Huế. Mộ của bà được đặt tại triền phía Tây núi Bân (núi Tam Tầng). Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) trong thời gian bị quản thúc tại Huế đã cải táng mộ mẹ đem về quê nhà.
Tháng 02 năm 1901 ông Nguyễn Sinh Sắc đem con về gửi cho nhạc mẫu ở làng Hoàng Trù, sau đó quay trở lại Huế dự thi Hội lần 3.
Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng.
Tháng 5 năm 1906, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy (hay Nguyễn Sinh Sắc) vào Kinh đô chờ bổ nhiệm.
Ngày 6/6/1906, ông Nguyễn Sinh Sắc được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ, trông coi việc học hành ở Trường Quốc Tử Giám, với hàm Hàn lâm kiểm thảo tòng thất phẩm.
Khoảng tháng 8 năm 1906, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh được cấp một gian nhà (gian thứ 19) trong dãy Thuộc viên của triều đình.
Năm 1906 - 1908, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt học tại Trường Pháp - Việt Đông Ba.
Năm 1908 - 1909, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tất Đạt học tại Trường Quốc học.
Tháng 4 năm 1908 Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế.
Tháng 5 năm 1909, ông Nguyễn Sinh Sắc đi chấm thi ở Bình Định.
Tháng 7 năm 1909, ông Nguyễn Sinh Sắc được thăng chức Tri huyện Bình Khê. Nguyễn Tất Thành cũng rời Huế đi dần vào phía Nam.
Hiện nay ở Thừa Thiên Huế hiện còn khoảng 20 Di tích và địa điểm Di tích về Bác Hồ hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó có Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, Trường Quốc học Huế, Đình làng Dương Nỗ đã được nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích quốc gia. Các Di tích và địa điểm Di tích về Bác Hồ hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người ở Huế là:
Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan - Phường Thuận Lộc - Thành phố Huế, nơi Bác đã ở cùng gia đình khi rời quê hương Nghệ An vào Huế từ năm 1895 đến năm 1901.
Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan
Đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ năm 1895 đến năm 1901.
Ngôi nhà đã lưu giữ nhiều kỷ niệm thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng khiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Khiêm, Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đặc biệt ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là cậu bé Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901).
Nhà lưu niệm 112 - Mai Thúc Loan là một ngôi nhà gỗ rộng ba gian, gồm 4 vài cột, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế; mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh.
Ngôi nhà đã được Bộ Văn Hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 02/02/1993.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ - xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ
Đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng anh theo cha về đây dạy học.
Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây một phần để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình, một phần để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã được học những chữ Hán đầu tiên, đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian hai chái, vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ giản dị, ở giữa kê bộ phản gỗ gõ để ông Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên để cho học trò ngồi học, ở góc trong, gian bên trái có kê giường gỗ, dát tre, là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường nằm; góc trong gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ đạc. Hai trái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm của ba cha con. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.
Ngôi nhà đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định 296/VH-QĐ ngày 26/3/1990.
Đình làng Dương Nỗ xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đình làng Dương Nỗ xã Phú Dương
Là nơi Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) thường ra ngồi học, vui chơi, quan sát và tìm hiểu về lịch sử ngôi Đình cũng như đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân làng Dương Nỗ trong thời gian Người sống và học tập ở đây (1898 - 1900).
Đình làng Dương Nỗ được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471) để thờ các vị tiền nhân, lúc đầu Đình mới chỉ được làm bằng tranh, tre, nứa, lá; Đến năm 1808 được sự giúp đỡ của Tri tượng Chánh chưởng Tượng quân kiêm Cai tào vụ Giám quân Nguyễn Đức Xuyên (một vị tướng dưới thời vua Gia Long, quê ở làng Dương Nỗ), Đình mới có kiến trúc như ngày nay. Ngoài giá trị về khoa học lịch sử là Di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, Đình làng Dương Nỗ c̣n có những giá trị về kiến trúc nghệ thuật văn hoá tiêu biểu của một thiết chế văn hoá làng xã Việt Nam trên đất Huế, với những nét đặc trưng và phong cách độc đáo.
Đình làng Dương Nỗ được xây theo kiến trúc truyền thống 5 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương, toàn bộ ngôi đình được bố trí bao gồm: Toà đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu và bến đình được liên kết với nhau theo một trục dọc hướng Bắc - Nam. Đường nét hoa văn khắc chạm trang trí trong Đình đều mang giá trị nghệ thuật cao.
Đình làng Dương Nỗ được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích văn hoá nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 3777/QĐ-BT ngày 23 tháng 12 năm 1995.
Điểm di tích Am Bà - xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.
Di tích Am Bà
Am Bà là miếu thờ thần Thiên-Y-A-Na, một trong những tín ngưỡng thờ "mẫu" của người Việt mang màu sắc Chăm-pa được thể hiện dưới hình thức kết hợp mẫu Việt (thánh mẫu Liễu Hạnh) và mẫu Chăm (Ponagar). Am Bà ra đời vào khoảng thế kỷ XV, khi tổ tiên của làng Phò Lỗ, Phò An khai phá đất đai lập làng và lập miếu thờ vị thần bảo trợ cho mình.
Trong thời gian Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo cha và anh về sống tại làng Dương Nỗ (1898-1900), Người thường xuống đây chơi và học bài.
Am Bà cùng với Nhà lưu niệm Bác Hồ, Bến Đá, Đình làng tạo nên hệ thống Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điểm di tích Bến Đá - xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điểm di tích Bến Đá
Bến Đá là một bến nước nhỏ nằm bên dòng sông Phổ Lợi, cách Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Dương Nỗ 10m. Bến Đá vốn chỉ là một doi đất nhô ra sông, bà con đi làm đồng về thấy sạch sẽ thì xuống đó rửa chân tay, mỗi người bỏ xuống một viên đá để kê chân, lâu ngày thành cái bến. Bến Đá nằm vào phần đất nhà ông thân sinh ông Nguyễn Sĩ Độ, ông đã cho người đóng cọc tre kê đá làm thành một bến tắm gia đình.
Năm 1898, khi Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo cha về sống ở đây, Người thường ra Bến Đá tắm giặt và ngồi hóng mát. Bến tắm bằng đá đơn sơ này đã gắn liền với tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung trong hai năm sống ở làng Dương Nỗ.
Năm 1978, cùng với việc trùng tu lại Nhà lưu niệm Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên khôi phục lại Bến Đá và bảo tồn cho đến ngày nay.
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Đá đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 28/10/2008.
Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan - xã Thuỷ An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ năm 1901 đến năm 1922 tại triền phía Tây núi Bân (núi Tam Tầng). Năm 1922, mộ của bà đã được Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) cải táng đem về quê nhà.
Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được sự giúp đỡ của Công ty Liên hiệp Xuất nhập khẩu Thừa Thiên Huế đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan ngay tại vị trí mai táng của bà trước đây.
Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan tại núi Bân
Nhà bia được xây theo kiến trúc truyền thống gồm 4 trụ, bốn mái. Mái ngói ciment theo kiểu ngói âm dương. Đường nóc có “lưỡng long triều nguyệt”, bốn đầu đao có bốn con rồng quay đầu theo kiểu “hồi long”. Bia đá được đặt ở chính giữa nhà bia. Bao quanh nhà bia là sân bia, xung quanh nhà bia trồng thông và hoa sứ.
Di tích lưu niệm địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 28/10/2008.
Còn nữa…
Kim Yến (Tổng hợp)