LTS: Ông Nguyễn Thế Nữu (sinh năm 1931), vốn là một kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp tại Viện Nông học Hoa Nam (Trung Quốc). Ông say mê thơ Đường và đã có tác phẩm dịch, bình thơ Đường. CuốnThưởng thức và chú dịch Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (ngoài Ngục trung nhật ký)(1) là một tác phẩm công phu, tỉ mỉ, nghiêm túc với một vốn tư liệu phong phú, một tình yêu đằm thắm thơ xưa, thơ Hồ Chí Minh, một sự phân tích khoa học, thuyết phục, uyên bác. Nó rất bổ ích cho giới nghiên cứu cũng như cho người đọc thơ Hồ Chí Minh trong nước, ngoài nước. Đáng tiếc là sách dày đến 655 trang, in được đã khó và chỉ có 300 bản.

Dưới đây chúng tôi xin trích giới thiệu một phần của bài khảo cứu về bài thơ Phỏng Khúc Phụ  của Hồ Chủ tịch để bạn đọc hiểu thêm bài thơ, hiểu thêm thái độ của Bác đối với Khổng Tử và các việc liên quan khác.

Phiên âm:

Phỏng Khúc Phụ

Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,

Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hi.

Khổng gia thế lực kim hà tại,

Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.

      Dịch nghĩa:

Thăm Khúc Phụ

Ngày 19 tháng 5 thăm Khúc Phụ,

Cây thông già và ngôi miếu cổ đều đã mờ nhạt.

Uy quyền họ Khổng giờ ở đâu?

Chỉ còn chút ánh nắng tà chiếu trên tấm bia cũ.

      Dịch thơ:

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,

Thông già, miếu cổ thảy lu mờ.

Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?

Bia cũ còn soi chút nắng tà.

Xuất xứ bài thơ

Thông tin chính xác về xuất xứ bài thơ, ta có thể căn cứ vào những ghi chép của Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, về những hoạt động của Bác trong thời gian đó: Ngày 18 tháng 5 Bác đang ở Bắc Kinh… Sáng 19 tháng 5, tôi dậy sớm ăn mặc chỉnh tề, mang hoa bước đến phòng Bác… Sau đó Bác bảo tôi: Hôm nay chúng ta sẽ đi thăm Khổng Tử… 8 giờ 30, máy bay rời Bắc Kinh đi Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông… Sau đó Bác lên xe lửa đi Dương Châu, chính thức thăm quê hương Khổng Tử. 14 giờ bắt đầu bước vào Khổng Phủ… Bóng chiều đã ngả, gần 3 giờ trôi qua. 17 giờ Bác lên xe lửa về Tế Nam. Ngồi trên tàu, nhìn nắng chiều nhạt dần trên các triền núi mờ xa, Bác khe khẽ ngâm bài thơ chữ Hán vừa làm xong, ghi lại cảm xúc thăm quê Khổng Tử. Bài thơ sau này có tên là Thăm Khúc Phụ… Như vậy bài thơ được làm vào ngày 19 tháng 5 năm 1965, khi Bác thăm Khúc Phụ về.

Vũ Kỳ còn cho ta biết thêm một chi tiết có thể là một trong những nguyên nhân có chuyến thăm Khúc Phụ của Bác. Ngày 18 tháng 5 Bác phát hiện trong khu nhà Bác nghỉ có sự chuẩn bị khác thường, Bác bảo Vũ Kỳ đi tìm hiểu, Vũ Kỳ về cho Bác biết họ đang chuẩn bị mừng sinh nhật Bác. Bác liền gặp các đồng chí có trách nhiệm nói nghiêm túc: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ”. Khi đồng chí Diệp Kiếm Anh đến, Bác cũng trao đổi với đồng chí Diệp Kiếm Anh về việc này. Đồng chí Diệp Kiếm Anh cười thanh minh: “Không, chúng tôi có tổ chức chúc thọ gì đâu. Chúng tôi hiểu Hồ Chủ tịch lắm chứ”. Như vậy Bác đi thăm Khúc Phụ vừa là thăm Di tích một danh nhân văn hóa mà Bác kính trọng và học tập, vừa để tránh một nghi thức xã giao mà Bác không thích.

Nhận thức của Bác Hồ về Khổng Tử và Nho giáo

Để hiểu rõ chuyến thăm Khúc Phụ của Bác, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu nhận thức của Bác về Khổng Tử và Khổng giáo.

Trước khi đi vào tìm hiểu nhận thức của Bác về Khổng Tử và Khổng giáo, cũng cần thiết phải biết qua Bác đã được truyền thụ và tiếp thu nền giáo dục Nho giáo như thế nào. Bác xuất thân từ một gia đình Nho học, lúc nhỏ cũng là môn sinh nơi cửa Khổng sân Trình, tám tuổi bắt đầu học chữ Nho với cha, và trong tám năm đã được thụ giáo những bậc cao Nho nhất vùng là tứ hổ của Nam Đàn: Uyên bác bất như San (tức Phan Bội Châu), tài hoa bất như Quý (tức Vương Thúc Quý), cường ký bất như Lương (tức Trần Văn Lương), thông minh bất như Sắc (tức Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác). Theo Vũ Ngọc Khánh(2): Tuổi thơ ấu của Hồ Chí Minh đã được tiếp thu Nho giáo một cách chân truyền, tiếp thu sự giáo dục đạo đức Nho giáo một cách trọn vẹn… như nhiều thế hệ học sinh khác trước thế kỷ XX. Nhưng Bác học Nho giáo một cách sáng tạo.

Bác đã có dịp nói ra phương pháp học tập khiêm tốn, khách quan, thực sự cầu thị đó của mình, khi trả lời một nhà báo hỏi Bác theo chủ nghĩa nào, Cộng sản hay Tôn Dật Tiên? Bác nói: Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức con người. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phép biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước chúng tôi. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng những đã có những ưu điểm chung đó sao. Các vị ấy đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, làm lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống và ở gần bên nhau, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau thoải mái như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm học trò của các vị ấy.

Bác xuất thân từ một gia đình Nho học, lúc nhỏ cũng là một môn sinh cửa Khổng sân Trình. Sau này dù chuyển sang tân học, rồi đi tìm đường cứu nước, nghiên cứu khắp các thứ chủ nghĩa trên đời, chắt lọc tinh hoa của các tư tưởng lớn, Bác vẫn không quên những phần tốt đẹp cần học tập và noi theo của đạo Khổng. Người đã nhận thức sâu sắc về Khổng giáo và Khổng Tử, trên cơ sở đó Người đã đóng góp tích cực vào việc du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh một nước phong kiến phương Đông như Việt Nam.

Đinh Xuân Lâm(3) viết: Công cuộc cải tạo toàn bộ xã hội Châu Á nhờ những tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài du nhập vào, theo Hồ Chí Minh có vai trò to lớn của Hán học. Ngay từ những năm 1923-1924, trong loạt bài về Đông Dương, khi vạch trần chính sách ngu dân của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “Hán học có thể đưa vào An Nam những tư tưởng tiến bộ phương Tây thông qua Trung Quốc và Nhật Bản”. Như vậy là ngay sau khi trở thành người Cộng sản chân chính, với tư cách là học trò của Mác - Lênin, Người đã đặt ra cho mình một yêu cầu khó khăn nhưng rất vẻ vang, đó là bổ sung “cơ sở lịch sử” cho chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà vào thời mình Mác không thể có được nên đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của Châu Âu. “Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Xem xét chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xô Viết đảm nhận”.

Hồ Chí Minh còn phát hiện một giá trị quan trọng của đạo Khổng là đạo đức học. Đinh Xuân Lâm viết: Nho giáo vào Việt Nam, và khi đã trở thành độc tôn chính thống thì con cái những gia đình Nho giáo thường học Khổng giáo. Nhưng điều thú vị và cũng thật kỳ lạ là Khổng Tử chỉ có một, nhưng nhận thức về ông thì không phải ai cũng giống ai. Trường hợp như Hồ Chí Minh nhận thức về Khổng Tử là đặc biệt quý hiếm. Người gọi nhà tư tưởng Khổng Tử là “vị đứng đầu các nhà hiền triết”, “ông Khổng Tử vĩ đại” và là “bậc siêu nhân”. Ngay từ năm 1923, tức là trong thời gian thực hiện sứ mạng truyền bá chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, khi trả lời một nhà báo Liên Xô, Người đã khẳng định: “Khổng giáo không phải là tôn giáo, mà là thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử”. Và trên cơ sở đó, Người đã đưa ra khái niệm về “thế giới đại đồng”. Tiếp đó Người viết: “Chúng ta chú ý rằng để chỉ Lê-nin, thì khi nói hay viết người Trung Quốc đều dùng từ “tiên sinh”, một từ vinh dự đồng nghĩa với “tử” (Khổng Tử, Mạnh Tử) và có nghĩa là thầy”. Ở đây Hồ Chí Minh đánh giá cao tư tưởng Khổng Tử dưới góc độ là “khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử”. Chính vì vậy mà chỉ 5 ngày sau khi biết Chính phủ Trung Hoa Dân quốc ban hành quyết định “Từ nay về sau xóa bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử và những khoản dự chi cho những nghi lễ ấy, cũng như những đền thờ Khổng Tử sẽ được dùng làm trường học công”, thì Người đã viết ngay bài Khổng Tử đăng trên báo Thanh Niên số 80 (1925). Trong bài báo Người coi đạo đức của Khổng Tử, học vấn và những kiến thức của ông “làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục” vì “đạo đức của ông là hoàn hảo”. Hồ Chí Minh còn cho rằng “Nếu Khổng Tử sống ở thời đại chúng ta và nếu ông khăng khăng giữ quan điểm ấy (tức quan điểm cho rằng các nước Nga, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và các nước dân chủ là những quốc gia ở đó thiếu quy tắc về đạo đức) thì ông sẽ thành phần tử phản cách mạng. Cũng có khả năng là siêu nhân này chịu thích ứng với hoàn cảnh và nhanh chóng trở thành người kế tục trung thành của Lênin”. Cuối cùng Hồ Chí Minh kết luận: “Với việc xóa bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử, chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ, và trái với tinh thần dân chủ”, “Còn những người An Nam chúng ta hãy hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”. Vào thời điểm đó và cho đến mãi thập kỷ 60 của thế kỷ này chỉ có Hồ Chí Minh mới nhận thức được, viết ra một cách sâu sắc và thực hành tốt đẹp một vấn đề rất xa xưa và có ý nghĩa khoa học lớn lao đó. Trước đó từ thập kỷ 40, liền mạch nhận thức suy nghĩ của mình, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”. Sự tu dưỡng đạo đức cá nhân đó là một phần rất quan trọng để – cũng như Các Mác, Giêsu, Tôn Trung Sơn – đạt tới việc “Mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội”… Tìm hiểu những nhận thức của Hồ Chí Minh về Khổng Tử mới hiểu thêm một điểm tâm đắc của Người: Đó là mặt “nhân văn của Nho giáo”, tư tưởng của Khổng Tử đã góp phần làm cho mỗi người tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần. Như vậy rõ ràng Nho giáo đã bổ sung cho cái thiếu của chủ nghĩa Mác. Một số học giả đánh giá cao những nhận thức này của Bác. Nguyễn Khắc Viện cho rằng: Phân tích xã hội để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì chủ nghĩa Mác hơn hẳn, nhưng trong Mác đạo lý không được nổi bật và cụ thể như trong Nho giáo. Có thể nói rằng không có học thuyết của chủ nghĩa nào đặt vấn đề xử thế rõ ràng đầy đủ như vậy. Trần Văn Giàu cho rằng: Chủ nghĩa Mác - Lênin đặt vấn đề chính trị kinh tế rất sắc sảo, nhưng đặt vấn đề xây dựng con người, đạo đức con người chưa đủ lắm… Cụ Hồ đã làm đầy đủ hơn chủ nghĩa Mác.

Đánh giá nhận thức của Bác đối với đạo Khổng và Khổng Tử, ý kiến Đinh Xuân Lâm cho rằng: Rõ ràng Hồ Chí Minh đã nắm được những vấn đề cơ bản, phát hiện được những giá trị đích thực của Nho giáo, những đạo đức có giá trị vĩnh viễn như Dân là gốc, học tập và tu dưỡng suốt đời, cách xử thế, vấn đề quyết định của con người… Hồ Chí Minh đã tiếp thu tất cả những cái hay cái đẹp ấy phát triển lên cho thích hợp với yêu cầu mới của cách mạng. Và hơn ai hết, Hồ Chí Minh đã nêu rõ mặt bất cập, hạn chế của Nho giáo. Chính Người đã vạch rõ: Tư tưởng đạo đức của Khổng Tử “chỉ thích hợp với một xã hội bình yên không bao giờ thay đổi”. Ông rõ ràng là người phát ngôn, bênh vực những người bóc lột, chống lại những người bị áp bức. Và còn nhiều vấn đề khác nữa… do “Bộ óc của Khổng Tử không bao giờ bị khuấy động vì các học thuyết cách mạng nên đã làm các nước phương Đông đắm chìm trong trì trệ…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các bài viết và việc làm đã khẳng định một số yếu tố tích cực của Nho giáo. Người cho biết: Tuy Khổng Tử là phong kiến và trong học thuyết của Khổng Tử có những điều không đúng, nhưng những điều hay trong đó thì chúng ta nên học

 ---------------------

(1) NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2005

(2) Minh triết Hồ Chí Minh, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999, tr.43

(3) Hồ Chí Minh - văn hóa và đổi mới, NXB Lao Động, 1998.

Theo tạp chí điện tử Hồn Việt
Kim Yến (st)

Bài viết khác: