Miếu Âm Hồn

Nằm ở ngã tư đường Mai Thúc Loan (đường Đông Ba cũ) và đường Lê Thánh Tôn thuộc khu vực Thành Nội Huế, bên cạnh những Di tích lưu niệm Bác Hồ như: Ngôi nhà 112 đường Mai Thúc Loan, gian nhà “Dãy trại” (47 đường Mai Thúc Loan)…miếu Âm Hồn là một điểm Di tích lưu niệm Bác Hồ không kém phần hấp dẫn khách tham quan trong hệ thống các Di tích ghi dấu thời gian Bác Hồ và gia đình Người ở Huế.

t3 1.a1 mi u Ôm
Miếu Âm hồn vừa được trùng tu xong

Miếu Âm hồn được phụng lập vào năm 1895, là một ngôi miếu mang tính tưởng niệm, nhằm để hương khói, thờ cúng các anh hùng chiến sĩ, đồng bào anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc trong sự kiện lịch sử bi hùng dưới thời nhà Nguyễn. Đó là sự kiện thất thủ Kinh đô vào đêm ngày 22 rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (tức ngày 5/7/1885)

Ngày 23/5 năm Ất Dậu 1885, hai đạo quân của triều đình nhà Nguyễn do Tôn Thất Lệ và Trần Xuân Soạn từ Đại Nội Huế đồng loạt nổ súng tấn công quân Pháp ở tòa Khâm Sứ Pháp và đồn Mang Cá. Lúc đầu quân địch bất ngờ và rối loạn nhưng sau đó đã lấy lại thế trận và phản công chiếm kinh thành.

Quân địch tấn công quân ta ở đường Hàng Bè (đường Đào Duy Anh, Huỳnh Thúc Kháng) khi bị đánh chặn ở cống Thanh Long. Địch chuyển sang đường Lê Văn Hưu và tiến theo đường Âm Hồn (nay là đường Lê Thánh Tôn) đánh thẳng lên trên và tiến về của Hiển Nhơn tấn công Đại Nội Huế.

Trên đường đi, quân thù đã tàn sát, đốt phá nhà cửa, giết người dân vô tội. Quân ta sử dụng vũ khí thô sơ không thể chống lại giặc và đã thất bại trong việc khống chế tình hình. Kinh thành Huế ngập chìm trong máu lửa. Hầu như gia đình nào cũng có người bị thương vong. Các bộ sử sách không thể thống kê hết số quân nhân và người dân vô tội tử vong.

Khoảng 10 năm sau khi chiếm kinh thành Huế, năm 1895 khi thực dân Pháp cho tiến hành quy hoạch, xây dựng đường phố, tại khu vực này bà con đã phát hiện hàng trăm hài cốt của những người chết chồng chất lên nhau, tập trung nhiều nhất ở cống rãnh hồ Phu Văn (địa điểm miếu Âm Hồn ngày nay).

Để tưởng nhớ những người đã chết vì vận nước, nhân dân tự đứng ra quyên góp tiền của, xây dựng nên miếu Âm Hồn và lấy ngày thất thủ Kinh Đô 23/5 hàng năm làm ngày cúng cơm chung. Lễ cúng Âm Hồn được tổ chức chu đáo theo nghi thức thờ cúng tín ngưỡng cổ truyền ở Huế, với những bài văn tế thống thiết, ai oán.

Thời kỳ gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan cùng hai con trai vào sống ở Huế tại ngôi nhà đường Đông Ba (112- Mai Thúc Loan ngày nay là lúc miếu Âm Hồn được xây dựng, dư âm nặng nề của sự kiện thất thủ Kinh Đô đang còn ghi dấu trong mỗi người dân xứ Huế. Bác Hồ hồi ấy (cậu bé Nguyễn Sinh Cung) đến Huế đã cùng sống trong nỗi đau chung đó. Vốn là cậu bé thông minh thích tìm tòi, cậu cung thường hay lui tới chơi ở khu vực miếu tham dự vào các buổi lễ cúng âm hồn và chiến sĩ trận vong, cùng cảm nhận tình cảm của đồng bào xót thương cho những người bị nạn, căm giận sự tàn ác của bọn thực dân cướp nước, nuôi mối hận quân thù trong nhận thức đầu tiên của tuổi thơ Bác Hồ hay những câu đối được khắc ghi trong ngôi miếu thể hiện sự tôn kính, sự biết ơn và kể cả nỗi xót thương của nhân dân đối với đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống mà người dân kinh đô Huế không thể nào quên:

- “Nhất nhật phong trần vô hạn cảm

Bách niên hương hoả bất thăng di”

- “Đống tục nguy nga vọng

U minh phảng phất lai”

- “Âm dương vô nhị lý

Hồn phách hiển thiên thu”

- “Hương linh hà xứ tại

Hương hoả lịch niên tồn”

Bởi thế ngôi miếu Âm Hồn như một minh chứng lịch sử, và đã trở thành một động lực nhằm nuôi lòng căm hận, giáo dục ý chí căm thù và lòng yêu nước của bao thế hệ con em trên Kinh đô Huế. Chính từ đây, các nhà nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế đã xác định đây là nơi Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành thường hay lui tới và tham dự các buổi cúng tế. Cậu bé này đã thấm thía những bài văn tế bi ai về số phận những con người đã hy sinh vì đại nghĩa, vì tự do của dân tộc. Nơi đây đã gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ của Bác Hồ trong những tháng ngày xa quê hương vào sống ở Kinh đô Huế. Miếu Âm Hồn lễ cúng tế và cả những bài văn tế cảm động đã khơi dậy ở Người những ý tưởng thương dân, yêu nước đầu tiên, là một nhân tố góp phần quan trọng tạo nên nhận thức và tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Gian nhà Dãy trại

Ở số 47 Mai Thúc Loan, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

t3 1.a2 gian nhÓ d y tr i
Gian nhà Dãy trại

Từ cổng thành Đông Ba đi vào khoảng 50m, gần đến ngã tư Mai Thúc Loan – Ngô Đức Kế, nhìn sang dãy phố phía trái, chúng ta sẽ thấy căn số 47 Mai Thúc Loan. Đó chính là địa điểm gian nhà “dãy trại”, nơi gia đình Bác Hồ đã ở từ 1906 – 1909.

Kỳ thi hội khoa Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó Bảng. Tháng 05 năm 1906, ông vào Kinh Đô nhận chức Thừa biện bộ lễ là thuộc quan của triều đình. Nguyễn Sinh Cung cùng anh Nguyễn Sinh Khiêm được theo cha vào Huế sinh sống và học tập. Ba cha con ông Phó Bảng được triều đình cấp một căn hộ trong dãy “thuộc viên”, hay còn gọi là “Dãy trại” – đường Đông Ba, Thành Nội Huế (nay là đường Mai Thúc Loan).

“Dãy trại” được xây dựng vào năm Thành Thái 17 (1905) trên nền trại lính Tuần sát của Nha Hộ Thành Hà cũ. Do cơn bão năm 1904 tàn phá, khu trại lính này bị sụp đỗ hoàn toàn. Triều đình cho xây dựng lại hai dãy nhà bằng vật liệu kiên cố, dành cấp cho các thuộc quan (vì vậy “Dãy trại” còn có tên gọi là Thuộc viên”). Năm 1905, “Dãy trại” được khởi công xây dựng và năm sau (1906) hoàn tất với 40 gian nhà kế tiếp nhau thuộc hai hai dãy nhà hai bên đường ngang Ngô Đức Kế ngày nay. Cấu trúc mỗi căn hộ trong “dãy trại” lúc bấy giờ là một gian dài 12m, rộng 4,5m, chia làm hai nền đất, mái lợp ngói liệt, vôi cát có pha mật mía, nhà không có cột kèo và cũng không có trần. Phía sau có nhà bếp rộng 2m, dài 3m được phân 2 cho mỗi căn hộ. Gia đình ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy được triều đình phân cho căn hộ thứ 19 của dãy bên trái tính từ cửa Đông Ba đi vào, tức là gian thứ 2 bên phải tính từ ngã ba Mai Thúc Loan – Ngô Đức Kế ra cửa Đông Ba. Tháng 7 năm 1909, ông Huy được triều đình bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê, thì gian nhà được giao lại cho Bộ Công. Như vậy Bác Hồ cùng cha và anh sống tại gian nhà “Dãy trại” từ 1906 đến 1909. Gian nhà này đã chứng kiến cảnh sinh hoạt thanh bạch, đạm bạc của ba cha con ông Phó Bảng, gắn liền với kỷ niệm những năm tháng thời thanh niên của Nguyễn Tất Thành. Mặc dù sống khu vực “làng quan”, nhưng ông Phó Bảng vẫn giữ nếp sống giản dị của nhà nho nghèo xứ Nghệ. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã trải qua những năm tháng sinh hoạt, học tập nơi đây cùng thực tế sôi động của kinh thành Huế, đã góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, tư tưởng yêu nước, hun đúc, thúc đẩy ý chí ra đi tìm đường cứu nước của anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Năm 1940, dưới thời Bảo Đại, do hư hỏng nhiều “Dãy trại” đã được sửa chữa và cải tạo lại bằng cách giữ nguyên 2 gian song lập, phá bỏ một gian để trống tạo không gian thoáng mát giữa các căn hộ. Các gian bị phá bỏ tính từ cửa Đông Ba đi vào mang số 3, 6, 9, 12, 18, 23, 26, 29, 32, 35, 38. Như vậy, còn lại mỗi dãy 14 gian và gian nhà số 19 nơi gia đình Bác Hồ đã ở là gian song lập, không bị phá bỏ trong lần sửa chữa này.

Từ 1945 về sau, các gian nhà trong “Dãy trại” được sang, nhượng, bán và xây cất cải tạo làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ban đầu. Hình dáng hai dãy trại ngày xưa được thay thế bằng kiến trúc hai dãy phố theo xu hướng hiện đại, tiện nghi trong sinh hoạt gia đình. Mặc dù có thay đổi về bề mặt kiến trúc và số gian nhà nhưng về khuôn viên tính từ đầu dãy đến cuối dãy trong khoảng cách từ đường Đông Ba đến đường Ngô Đức Kế thì kích thước mặt bằng dãy trại vẫn như xưa.

Cũng như các ngôi nhà khác trong “Dãy trại”, gian số 19 nơi gia đình Bác Hồ ở năm 1906-1909 đã được cải tạo và thay đổi. Gian nhà này hiện nay là số 47- Mai Thúc Loan, đang thuộc quyền sở hữu tư nhân. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước xếp hạng di tích, đồng thời đề xuất hướng phục hồi lại hiện trạng di tích năm 1906. Điều đó vừa có ý nghĩa gìn giữ một di tích gắn liền với những kỷ niệm của Bác Hồ thuở thiếu thời, vừa góp phần tái tạo lại một trong những di tích thuộc quần thể kiến trúc triều Nguyễn mà nay chỉ còn trên tên gọi hoặc trong tài liệu lịch sử.

Trong một tương lai không xa, địa chỉ này sẽ là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước, là một trong những  di tích thuộc về  hệ thống các di tích lưu niệm thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế, minh chứng cho sự hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức và tư tưởng yêu nước của Người.

Di tích Bộ Lễ

Ở 39 Nguyễn Chí Diểu, phường Thuận Thành, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.

Là nơi ông  Nguyễn Sinh Sắc làm quan Thừa biện những năm 1906-1909. Điểm di tích này gắn liền với giai đoạn lần thứ 2 Người cùng gia đình sống, lao động và học tập tại Huế.

Bộ Lễ là cơ quan cấp Bộ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Từ thời Minh Mạng đã quy định rõ chức trách của Bộ Lễ là: “Phàm những nghi lễ về triều hội, khách hạ những điển lễ tế tự, tấn tôn, phong tước, những lễ đi kinh lý các địa phương và cử người làm tướng, những việc giao thiệp với lân bang, an ủi những người ở xa và  vỗ về nước nhỏ, những quy tắc về trường học thi cử, những việc thưởng cho người sống lâu, người tiết nghĩa, những việc sắc phong cho bách thần, ban tên thuỵ cho các quan…”. Năm 1908 Bộ Học được thành lập, từ đó việc học hành được giao cho Bộ Học.

t3 1.a3 di tich bo le
Quan lại triều Nguyễn đang làm Lễ tại Đại Nội ở đầu thế kỷ XX

Bộ Lễ được xây dựng từ năm Gia Long thứ 5 (1806) ở phường Nhâm Hậu với ngôi nhà 3 gian 2 chái. Đến năm Gia Long thứ tám được xây dựng lại cùng với sáu Bộ ở hai phường Nhâm Hậu, Tích Thiên (nay là phường Thuận Thành). Bộ Lại ở bên Tây rồi đến Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Mỗi Bộ đều có năm toà công đường. Phía trước là Thượng Thư đường, nằm dọc lô đất sau là nhà Tả Tham tri, nhà Hữu Tham tri nhà Tả Thị lang, Hữu Thị lang. Nhà được xây dựng kiên cố cột gỗ, tường gạch, lợp ngói, vì vậy qua các đời vua sau chỉ tiến hành tu sửa chỗ hư hỏng và xây dựng một số nhà phụ để tiện cho việc sinh hoạt của các quan lại. Từ 1947-1959 trải qua những biến cố lịch sử di tích này không còn nữa, hiện nay vị trí Thượng Thu đường Bộ Lễ là số nhà 39-Nguyễn Chí Diễu. Còn các vị trí khác như Tả Thanh tri, Hữu Tham tri, Tả Thị lang đều đã biến thành nhà của nhân dân. Trong tiềm thức người dân ở đây thì khu vực lục Bộ chỉ còn là một phế tích.

Năm 1901, khoa thi Hội Tân Sửu ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó Bảng, nhưng với lòng yêu nước thương dân ông không  muốn ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Lấy cớ gia đình gặp khó khăn phải ở nhà chăm sóc tuổi già cho mẹ vợ, ông xin triều đình ở lại quê nhà. Năm 1906 triều đình Huế  một lần  nữa giục ông ra làm quan, lần này hết lý do từ chối, tháng 5 năm 1906 ông cùng hai con từ giã  quê hương  lên đường vào Huế nhậm chức. Triều đình Huế bổ nhiệm cho ông chức Thừa biện Bộ Lễ trông coi việc học hành ở Quốc Tử Giám. Từ đó Bộ Lễ nơi ông làm việc đã gắn liền những vui buồn, trăn trở trong chốn quan trường ở đất Kinh đô. Hàng ngày ông luôn phải chứng kiến sự chèn ép của thực dân Pháp với triều đình, sự bon chen xu nịnh trong chốn quan trường, sự bóc lột hà hiếp nhân dân của đám quan đương nhiệm, ông đã chua xót rút ra kết luận: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ”. Từ đời sống quan trường ông luôn suy ngẫm nhân tình, thế thái, vận nước, luôn hướng tới tư tưởng tiến bộ, để cứu nước, cứu dân. Những tâm tư của ông ở chốn quan trường luôn được Nguyễn Tất Thành cảm nhận và chia sẻ một cách sâu sắc. Qua sự dìu dắt, dạy dỗ của cha, Nguyễn Tất Thành càng hiểu thêm thực trạng xã hội Huế nơi đầu não của chế độ phong kiến nhà nguyễn, thấy được kẻ luôn rêu rao trong trường học là Tự do - Bình đẳng - Bác ái lại chính là kẻ đã đè nén, áp bức nhân dân. Từ đó nhen nhóm, nhân lên lòng căm thù thực dân, phong kiến của Nguyễn Tất Thành sau khi tham gia phong trào chống thuế của nông dân Thừa Thiên năm 1908 đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày nay Di tích Bộ Lễ không còn nữa, song du khách có điều kiện qua đây vẫn thấy một địa điểm di tích gắn liền với những kỷ niệm về người cha thân yêu của Bác Hồ. Người có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và tư tưởng yêu nước của Bác Hồ sau này.

Còn nữa…
Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: