Sự thành kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đặt vòng hoa tưởng niệm ở công viên Raijghát, tình thương yêu, âu yếm của Người khi bế một em gái mù trong số những bé gái dâng hoa tặng Người và lời nói thiết tha “đối với các cháu, bác là Bác Hồ, chứ không phải là Cụ Chủ tịch” đã làm thổn thức trái tim bao người dân Ấn Độ.

hay mo rong canh cua hoa binh

Tổng thống Ấn Độ Pratxát và Thủ tướng Neru đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ máy bay vào lễ đài ngày 5/2/1958.

Tháng 2/1958, trên cương vị Nguyên thủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm hữu nghị Ấn Độ. Ngày 4/2/1958, nói chuyện với đồng bào tại sân bay Gia Lâm trước khi lên đường sang thăm Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Mục đích chúng tôi đi là thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ(1) và học tập những kinh nghiệm quý báu của nước bạn đã đấu tranh thắng lợi cho độc lập dân tộc và đang xây dựng, phát triển đất nước.

Ngày hôm sau, trong lễ đón rợp bóng cờ hoa tại sân bay Palam (Niu Đêli - Ấn Độ) và tình cảm hữu nghị sâu sắc gắn bó hai nước Việt - Ấn, rất chân thành Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với nhân dân Ấn Độ: “Cuộc đi thăm nước Cộng hòa Ấn Độ lần này sẽ làm cho chúng tôi hiểu biết hơn nhân dân Ấn Độ anh dũng đang ra sức xây dựng đất nước và chúng tôi sẽ được học hỏi những kinh nghiệm quý báu của các bạn trong việc xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa” (2).

Đồng thời, Người cũng tin tưởng rằng, chuyến thăm hữu nghị lần này sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt - Ấn, thiết thực “góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi  và củng cố hòa bình châu Á và thế giới”.

Trong những ngày ở thăm Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh “một nhân vật đặc biệt, tính rất giản dị nhưng lòng rất rộng rãi” và các vị trong Đoàn đã được nhân dân Ấn Độ, Tổng thống Paraxát, Thủ tướng Nêru và bà Inđira đón tiếp thật nồng hậu với tấm lòng quý mến nhiệt liệt. Ở bất cứ nơi đâu Người đến, tiếng reo hò, vỗ tay và những câu khẩu hiệu: “Jai Việt Nam!”, “Hồ Chí Minh Jindabad!”, “Hinđi - Việt Nam bhai bhai!”, v.v... cũng vang lên rộn rã.

Dù phát biểu trước nhân dân, trong buổi tiệc do Tổng thống Paraxát chiêu đãi, trong thông cáo chung giữa hai nước, hay tại Hội những người Ấn nghiên cứu các vấn đề quốc tế, v.v..., Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định nhất quán niềm vinh dự khi được đến thăm đất nước Ấn Độ vĩ đại, “quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất của thế giới” và đó cũng là nơi mà tư tưởng, văn hóa, triết học, Phật giáo, v.v... phát triển, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và trong khu vực.

Thông qua những cuộc đón tiếp, gặp gỡ và những bài phát biểu ở Cancútta, Niu Đêli, sân bay Palam, Phủ Tổng thống, công viên Raijghát, Thành Đỏ, Nănggan, Agơra, Bom Bay, v.v... với trí tuệ uyên bác, sự cởi mở thân tình và lòng nhiệt huyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ tình yêu, sự cảm phục và lòng biết ơn chân tình của Người và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Ấn Độ vì những đóng góp to lớn của đất nước này vào việc “giữ gìn hòa bình thế giới, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình” (3).

Đến thăm đất nước và nhân dân Ấn Độ của Thánh Găngđi vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm thấy “như gặp lại mùa Xuân”, như “nhìn thấy mùa Xuân của nhân loại” (4). Đặc biệt, sự thành kính của Người khi đặt vòng hoa tưởng niệm ở công viên Raijghát, tình thương yêu, âu yếm của Người khi bế một em gái mù trong số những bé gái dâng hoa tặng Người và lời nói thiết tha “đối với các cháu, bác là Bác Hồ, chứ không phải là Cụ Chủ tịch” đã làm thổn thức trái tim bao người dân Ấn Độ.

Cũng trong những ngày ở thăm đất nước Ấn Độ, thông qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc báo chí, đặc biệt là trong Thông cáo chung giữa hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm và khẳng định mối quan hệ tốt đẹp lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đồng thời, Người cũng nêu rõ lập trường trước sau như một của Việt Nam trong việc tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập, dân chủ, bằng phương pháp hòa bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, cũng giống như nhân dân Ấn Độ: “Chúng tôi đấu tranh cho hòa bình. Vì có hòa bình, chúng tôi mới có điều kiện để xây dựng đất nước” (5), vì vậy mà “hiện nay việc thống nhất đất nước là một yêu cầu thiết tha nhất của toàn dân Việt Nam” (6). Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh cũng rất vui mừng và biết ơn sự đồng tình, ủng hộ của Thủ tướng Nêru và nhân dân Ấn Độ đối với nhân dân Việt Nam trong những năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong những ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc.

Cùng mong muốn và đấu tranh cho hòa bình, Người tin tưởng chắc chắn rằng nhân dân Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ quý báu của nhân dân Ấn Độ và Người thành tâm chúc cho mối tình Việt - Ấn thêm khăng khít, được củng cố và tăng cường mãi mãi.

Đối với nhân dân Ấn Độ, một Hồ Chí Minh thực sự cảm động khi viếng mộ Mahátma Găngđi và trồng cạnh mộ một cây đại nhỏ mang từ Hà Nội sang, là một “người hành hương chân thành”, “người bạn, người đồng chí hết mực thủy chung”. Một Hồ Chí Minh khiêm nhường đến vĩ đại, “cuốn hút tình yêu mãnh liệt từ mọi người” dân Ấn, khi tự ví mình và những người khác có thể là những người cách mạng trực tiếp hay gián tiếp, song chỉ “là những đồ đệ của Mahátma Găngđi, không hơn không kém” (7).

Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam lịch thiệp song thật gần gũi và rất đỗi bình dị đã hấp dẫn và cuốn hút nhân dân Ấn Độ. Hình ảnh vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh trong những ngày thăm hữu nghị đất nước - quê hương của đạo Phật hiện lên như một hình ảnh huyền thoại. 

Ngày 7/2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đi thăm tháp Qutminar của Ấn Độ. Ngọn tháp này bằng đá, có 5 tầng, cao 76m, 379 bậc thang và có rất nhiều người tới thăm nhưng ít người lên tới được đỉnh tháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh bước thoăn thoắt từ bậc thang đầu tiến dần lên cao.

Thấy nhiều người thấm mệt, Người cổ vũ: “Ta đã lên thì phải lên tới đỉnh”. Cuối cùng, Người đã lên tới nơi trong sự chào mừng, hò reo vang dội của nhân dân đang tụ tập phía dưới. Ngày hôm sau, sự kiện này đã được tất cả các báo ở thủ đô Niu Đêli đăng trên trang nhất với dòng chữ to, dài suốt trang báo “Vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên đã lên tận đỉnh tháp Qutminar”, và vì vậy, “Bác là anh hùng” (8).

Từ Niu Đêli, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nănggan bằng xe lửa đặc biệt. Trên chuyến xe lửa đó, người dân Ấn Độ không thấy vị Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi ngay vào trong toa dành riêng cho nguyên thủ quốc gia, mà Người đứng ở cửa toa nói chuyện với Thủ tướng Nêru.

Khi tàu báo hiệu bắt đầu chuyển bánh, khách và chủ đều tỏ ra rất quyến luyến. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui vẻ  đứng trên cửa xe, vẫy tay và tươi cười nói: “Cửa này là cửa hòa bình”, còn Thủ tướng Nêru thì xúc động trả lời: “Cửa hòa bình, chúng ta phải để nó mở rộng mãi mãi” (9). Câu chuyện tình cảm, đầy ý nghĩa và khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nêru trên chuyến tàu đặc biệt hôm đó cũng được các báo lớn của Ấn Độ ngày hôm sau đăng tải với nhan đề: "Đây là cánh cửa của hòa bình".

Sau khi thăm Bombay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đến Bănglago. Thị trưởng Bănglago sau khi tỏ lời nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cùng đi, đã trân trọng nói: “Chủ tịch là một vĩ nhân, đã ảnh hưởng thời đại với đức tính giản dị và chân thành của Ngài. Chủ tịch là một người đại cách mạng... Lòng yêu tự do, bình đẳng và sự hiểu biết của Chủ tịch đã làm cho Ngài trở thành một nhân vật lớn trên trường chính trị quốc tế”.

Còn trong cuộc chiêu đãi chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Việt Nam, ông Thủ hiến nói: Đã từng nghe và biết sự cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hòa bình, nhân dân Ấn Độ rất tán thành danh hiệu mà Thủ tướng Nêru đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người hòa bình quốc tế”.

Còn Thị trưởng Cancútta, sau khi ví Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thánh Găngđi, đã nói: Chúng tôi hết lòng cầu Thượng đế rằng cuộc thăm viếng lịch sử của Ngài đến đất nước này, “sẽ đúc nên những sợi dây chuyền vàng bằng tình hữu nghị để thắt chặt hai dân tộc chúng ta trong tình anh em chói lọi” (10).

Thủ hiến bang Bengan, Tiến sĩ B.C.Roy đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử châu Á như một nhân vật huyền thoại, cuộc sống giản dị, tính cách vui vẻ, đầy lòng vị tha của Người đã chiếm được vị trí xứng đáng trong trái tim hàng triệu người” (11).Tình cảm, lời nói, tấm thịnh tình và sự am hiểu lịch sử, tư tưởng, văn hóa và con người dân tộc Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chân dung một con người, mà nói như Thủ tướng Nêru - người bạn, người đồng chí gần gũi thân thiết của Người thì: “Chúng ta đã gặp gỡ một vĩ nhân, đồng thời chúng ta gặp gỡ một giai đoạn lịch sử. Vì vậy, không những chúng ta đã thêm về mặt tư tưởng, mà còn thêm danh giá cho chúng ta. Gặp gỡ Hồ Chủ tịch là một kinh nghiệm nó làm cho chúng ta tốt thêm” (12).

Trong lời đáp từ tối ngày 13/2/1958, sau gần 10 ngày đi thăm đất nước Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Trong chuyến đi này, Đoàn đại biểu Việt Nam đã trao đổi ý kiến với những nhà lãnh đạo xuất sắc của Ấn Độ và nhất trí về những vấn đề quốc tế quan trọng cùng những nội dung thuộc về mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Đồng thời, Người và các vị đại biểu cũng được tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân Ấn Độ, “được nghe những tiếng nói hữu nghị và hòa bình”, được nhận “mối cảm tình sâu sắc và những lời thắm thiết chúc cho nước Việt Nam mau thống nhất”.

Ôm hôn từ biệt những người có mặt trong buổi tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rời đất nước Ấn Độ trong mối cảm tình đặc biệt và một niềm tin mãnh liệt về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.  Khi đi, Người và Đoàn đã “mang tình anh em của nhân dân ta đến cho nhân dân nước bạn”. Lúc về, Người và Đoàn đã “đưa tình anh em của nhân dân các nước bạn chuyển lại cho đồng bào ta”.

Ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm hữu nghị vì hòa bình và phát triển, sự tương đồng và ảnh hưởng của lịch sử, văn hóa, triết học Ấn Độ đối với Việt Nam, cùng với khát vọng hòa bình đã đưa hai dân tộc Việt - Ấn xích lại gần nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng. 

Không chỉ là một người bạn của nhân dân Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn góp phần làm cho mối tình hữu nghị và sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ ngày càng thêm bền vững và phát triển trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam XHCN, dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,  t.9, tr.35

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,  t.9, tr.37

(3) Bác Hồ với Ấn Độ, Nxb. Thông tấn, H, 2003, tr. 164

(4) Báo Mail, ngày 7/2/1958

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 40

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 51

(7) Bác Hồ với Ấn Độ, Sđd, tr.244

(8) Bác Hồ với Ấn Độ, Sđd, tr.85

(9) Bác Hồ với Ấn Độ, Sđd, tr.92

(10) Bác Hồ với Ấn Độ, Sđd, tr.127

(11) Bác Hồ với Ấn Độ, Sđd, tr.245-246

(12) Bác Hồ với Ấn Độ, Sđd, tr.91

Theo http://antg.cand.com.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: