Cứ mỗi mùa Trung thu tới, trẻ em trên cả nước ta bên cạnh niềm vui bước vào năm học mới, lại còn được nhận quà, vui chơi, lễ hội trăng rằm… Đó chính là ước mơ cháy bỏng mà trước đây Bác Hồ đã day dứt, trăn trở.

Nhớ lại năm nào Trung thu, Bác đang ở trong tù viết bài “Ngắm trăng”: “Trong tù không rượu cũng không hoa/ Cảnh đẹp hôm nay khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Trong nhà tù của đế quốc, Bác vẫn hòa mình vào thiên nhiên với lòng lạc quan ung dung tự tại. Chìa khóa và song sắt nhà tù chỉ giam được thể xác, chứ đâu nhốt được tâm hồn người cách mạng. Bài thơ thật tuyệt vời về ngữ cảnh, ngôn từ, dẫu Bác vẫn bảo: “Văn thơ ta vốn không ham/ Nhưng ngồi trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. Cái “ngày tự do” theo Bác là “đương nhiên” như một quy luật sinh tồn. Ngày tự do đó là tương lai của đất nước, dân tộc, và nhất là thiếu nhi Việt Nam.

Lại nhớ đến bài  "Rằm tháng Giêng"  Bác viết vào năm 1948. Bác cũng nói đến trăng, nhưng lúc này là trăng của người cách mạng, được tự do cùng bàn bạc việc nước, việc quân: “Rằm Xuân lồng lộng trăng soi,/ Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân./ Giữa dòng bàn bạc việc quân,/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Trên dòng sông Xuân thơ mộng, con thuyền của Bác neo đậu giữa dòng sông "sâu nơi khói sóng" để họp bàn một việc quan trọng vào bậc nhất hồi bấy giờ là quân sự. Ngay từ câu mở đầu: "Rằm Xuân lồng lộng trăng soi" đến câu kết: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền" đều toát lên chất hào sảng, phấn chấn đến đắm say lòng người. Và như thế, dù là đang bàn một việc quan trọng trong cái thế “ngàn cân treo sợi tóc” Đảng ta lúc đó vì sự bảo toàn lực lượng đã tuyên bố “giải tán Đảng”, thì  trong ánh trăng rằm trinh nguyên giữa đêm Xuân trải khắp đất trời, vẫn làm tăng thêm phấn khích, hào hứng, lạc quan cho người chiến sỹ cách mạng.

Mùa Trung thu năm 1951, Bác viết: “Trung thu trăng sáng như gương/  Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương…”. Trong thư gửi thiếu niên, nhi đồng Việt Nam Bác Hồ luôn thể hiện tình thương yêu vô hạn, trong các bài viết của mình Bác còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. "Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt".

Trung thu năm 1952 Bác viết: “…Các cháu gửi thư cho Bác nhiều lắm. Bác rất vui. Nhưng vì Bác bận quá, không trả lời riêng cho từng cháu được. Nhân dịp Tết Trung thu, Bác gửi các cháu thư này: Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh?/ Tính các cháu ngoan ngoãn,/ Mặt các cháu xinh xinh,/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,/ Tuỳ theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hoà bình/ Các cháu hãy xứng đáng:/Cháu Bác Hồ Chí Minh!...”.

Còn rất nhiều những bài thơ về Trung thu chứa chan niềm thương nỗi nhớ và lòng tin tưởng Bác gửi thiếu niên nhi đồng. Kể từ năm 1969, thiếu niên nhi đồng Việt Nam không được hân hoan nhận những bài thơ Trung thu của Bác. Vầng trăng vẫn còn đó nhưng sao lại có vẻ mờ đi vì Bác Hồ đã không còn nữa. Bác ơi, dẫu Bác đã bước vào “thế giới người hiền” nhưng tình cảm của Người đối với non sông, đất nước, con người Việt Nam và với cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn còn mãi mãi. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Nguyễn Sỹ Hồng
Theo brt.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: